VĂN HÓA

Cô bé xương thủy tinh gãy chân hàng chục lần xây giấc mơ từ búp bê len

DDVN • 01-11-2021 • Lượt xem: 432
Cô bé xương thủy tinh gãy chân hàng chục lần xây giấc mơ từ búp bê len

Mắc căn bệnh xương thủy tinh, mới 19 tuổi đã trải qua hàng chục lần gãy chân, nhưng cô bé Lê Thị Hoài Nhớ có một khát vọng sống mạnh mẽ. Cô đang tìm được niềm vui khi xây giấc mơ nuôi sống bản thân từ những con búp bê bằng len...

Cha, con xương thủy tinh và người mẹ tần tảo

Sống trong căn nhà nhỏ nằm cuối xóm cùng bố mẹ ở thôn Phương An 1, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), hằng ngày Lê Thị Hoài Nhớ đều dành thời gian cho việc đan móc len. Nhớ đan len thành chiếc túi đựng, móc khóa, thú nhồi bông… rồi đăng bán trên mạng xã hội.


Bà Hoa (mẹ Nhớ) vừa bận bịu cho việc ruộng vườn vừa chăm sóc cho người chồng câm điếc nhưng vẫn không quên động viên Nhớ mỗi ngày.

Bà Đinh Thị Hoa (56 tuổi, mẹ Nhớ) cặm cụi xe chỉ luồn kim cùng con gái, chậm rãi kể: “Bố của Nhớ đã bị xương thủy tinh từ nhỏ, các bác các o của Nhớ không bị xương nhưng lại đều câm điếc bẩm sinh. Nhớ còn một người chị, tuy không mắc căn bệnh nào như Nhớ nhưng cũng chỉ cao chừng 1 mét”.

Bà Hoa cũng cho biết, chồng bà, ông Lê Văn Hùng trẻ tuổi hơn, năm nay 48 tuổi. Hồi nhỏ, có sự sắp đặt của gia đình kiểu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó", bố mẹ hai bên bàn bạc hôn sự và gả con cho nhau. Bà chỉ biết nghe theo chứ không nghĩ đến hậu quả sau này...

“Lúc đó tôi chẳng nghĩ đến việc sinh con sẽ bị di truyền. Chỉ biết nghe theo bố mẹ, sinh con sinh cháu cho bố mẹ bế bồng”, bà Hoa nói.

Mãi sau này khi sinh ra 2 người con đều mang tật, bà Hoa mới nhận ra nỗi lo ẩn hiện từ trước, nhưng vẫn không hối hận bởi đó cũng là máu mủ của bà. Trong gia đình, bà Hoa là trụ cột chính tất bật lo mọi việc từ kiếm tiền đến chăm sóc hai bố con. Bệnh tật của ông Hùng càng ngày càng diễn biến xấu đi khi ngoài căn bệnh xương thủy tinh, ông mắc thêm câm điếc, bây giờ mất luôn nhận thức.


Hoài Nhớ đã từng là một cô gái nhút nhát, tự ti

Giấc mơ từ những chú búp bê

19 tuổi, Hoài Nhớ chỉ cao hơn 1 mét. Năm lên 2 tuổi đánh dấu lần gãy chân đầu tiên và cũng là lúc những đau đớn bắt đầu hành hạ cô bé.

Năm học lớp 2 khi tự mình đến trường, chỉ một cú ngã nhẹ đã làm đôi chân Nhớ gãy thêm lần nữa, phải bỏ học một năm điều trị. Vừa vào học lớp 3, trong một lần cố gắng vượt qua khó khăn, cố gắng tập đi, bi kịch tiếp tục giáng xuống đôi chân của cô gái nhỏ. Lên lớp 4 đôi chân đã mỏng manh đến mức chỉ nằm trên giường cũng không hiểu lý do gì vẫn gãy.


Cô bé đã tìm được niềm vui từ móc len...

“Em không nhớ rõ số lần nhưng từ lần gãy đầu tiên là lúc 2 tuổi cho đến khi 10 tuổi em đã gãy hơn 10 lần, có lần gãy cả 2 chân, em đau đớn không chịu được. Học đến lớp 3 em phải ở nhà, may mắn được thầy cô giúp đỡ, về dạy tại nhà em mới hoàn thành hết chương trình tiểu học”, Nhớ nói.

Không khuất phục trước số phận và càng không muốn thành gánh nặng cho mẹ, Nhớ tìm cách kiếm tiền. Đầu tiên, Nhớ bán hàng trực tuyến, nhập các sản phẩm làm từ thảo dược về bán nhưng vì tình hình dịch Covid-19 đi lại hạn chế, nguồn hàng cũng ít dần đi.


Dù mắc bệnh xương thủy tinh nhưng Nhớ có một đôi tay khéo léo

Trong một lần nọ, Nhớ được gặp chị Lê Thị Mỹ Bình, một người khuyết tật sống ở Yên Bái. Nhớ được chị Bình giới thiệu cho nghề đan móc len thủ công và chỉ dẫn cách vào nghề. Nhận thấy công việc không khó, phù hợp với quỹ thời gian rảnh rỗi của mình, Nhớ bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi trên mạng về nghề đan móc len bằng tay.

“Chỉ cần 1 tuần để em vừa tìm tòi vừa thực hành, qua tuần thứ hai em đã cho ra sản phẩm hoàn thiện đầu tiên. Ban đầu em chỉ làm những thứ có kích cỡ nhỏ, chủ yếu là để treo móc khóa nhưng bây giờ tay nghề đã khá hơn. Em bắt đầu nhận đan cho khách những thứ tùy ý muốn, khó hơn, lớn hơn, mất nhiều thời gian hơn và cũng giúp em lành nghề hơn”, Nhớ chia sẻ.


Những món đồ nhỏ, những con thú nhồi bông vừa là công việc vừa là "người bạn" để Nhớ gắn bó mỗi ngày

Bắt đầu với nghề vào tháng 3.2021, đến nay chỉ mới gần 8 tháng học đan móc len thủ công Nhớ đã kiếm về cho mình thu nhập tuy không nhiều nhưng rất ổn định.

Mỗi sản phẩm có kích cỡ nhỏ như móc khóa, túi đựng đồ dùng cá nhân… có giá từ 20.000 - 25.000 đồng. Những sản phẩm lớn hơn như thú nhồi bông, búp bê đòi hỏi bỏ nhiều công sức hơn Nhớ sẽ lấy giá tùy vào kích cỡ, sức lực mình bỏ ra.

Mặc dù từng có chút tự ti, tủi thân... nhưng đến bây giờ, khi tìm được công việc yêu thích, cô gái xương thủy tinh Hoài Nhớ đã sống lạc quan hơn. Trong tương lai, ngoài việc bán trên mạng xã hội Nhớ đang ấp ủ sẽ dành dụm một khoản tiền để mở một shop nhỏ bán những đồ vật mình tạo ra, Nhớ cũng mong muốn học thêm nghề may để cho mẹ đỡ phần nào.

“Để giúp cô bé Nhớ đạt được ước mơ của mình, chúng tôi đang tìm kiếm những nhà hảo tâm ủng hộ sản phẩm của Nhớ. Bên cạnh đó cũng tìm kiếm các lớp học nghề để cho Nhớ được đi học, có thêm nghề nghiệp đồng nghĩa với cơ hội làm việc, kiếm thu nhập phụ giúp bố mẹ sẽ mở rộng hơn với Nhớ”, bà Nguyễn Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ, cho biết.

Theo Bá Cường/Thanhnien.vn