Hộp đèn UV khử trùng tay vịn thang máy cuốn của UVIS, một startup Đức đang “cháy hàng” mùa dịch Covid-19. Công ty này không thể phục vụ hết các đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới và chỉ trong 4 tháng đầu năm, UVIS đã đạt được mục tiêu doanh thu của cả năm 2020.
Tin, bài liên quan:
Sân bay đầu tiên trên thế giới có buồng khử khuẩn toàn thân
Robot diệt virus và mầm bệnh bằng tia UV
Hộp đèn khử trùng tay vịn thang máy cuốn bằng tia cực tím (UV) được Tanja Nickel và Katharina Obladen, 2 nhà sáng lập công ty khởi nghiệp UVIS ở Đức sáng chế khi vẫn còn là học sinh trung học. Lúc đó, thế giới đang bùng phát dịch cúm gia cầm H1N1, do đó, Nickel và Obladen muốn sáng chế một thiết bị có thể làm sạch mầm bệnh ở nơi công cộng.
Katharina Obladen, đồng sáng lập UVIS và hộp đèn UV
Lấy cảm hứng từ việc sử dụng tia cực tím để tiệt trùng nước uống ở thành phố New York, Mỹ, họ đã thiết kế hộp đèn UV có thể lắp vào thang máy cuốn để khử trùng tay vịn, nơi có nhiều người thường xuyên tiếp xúc. Tia UV trong hộp đèn sẽ phá hủy DNA của vi sinh vật gây bệnh.
Năm 2016, đôi bạn thân Tanja Nickel và Katharina Obladen thành lập startup UVIS và trở thành một trong những công ty kỹ thuật hiếm hoi do phụ nữ sáng lập và điều hành ở Đức. Các hãng sản xuất thang máy lớn nhất châu Âu như Thyssenkrupp, Schindler, Otis và Kone trở thành những khách hàng đầu tiên của UVIS. Họ lắp các hộp đèn UV ở thang máy cuốn trong siêu thị, bệnh viện và ga tàu.
Theo Katharina Obladen, 28 tuổi, đồng sáng lập UVIS, hộp đèn hoạt động nhờ 3 đèn UV màu xanh dương, xếp thành hàng bên trong hộp kim loại hình chữ nhật. Đèn này chiếu tia UV mạnh nhất và rất nguy hiểm nếu tiếp xúc với da và mắt. Khi tay trượt qua hộp, bức xạ sẽ tiêu diệt vi sinh vật gây hại. Hộp có kích thước bằng cánh tay người lớn, đi kèm hệ thống cung cấp điện và có thể lắp vào mọi thang máy cuốn. Đây cũng là "thách thức lớn nhất" với UVIS khi sáng chế thiết bị này.
Hộp đèn UV có thể lắp vào mọi thang máy cuốn
Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu về các sản phẩm khử trùng bề mặt nơi công cộng bùng nổ, trong đó có hộp đèn UV Escalite của UVIS.
Nickel và Obladen đã bổ sung thêm lớp phủ kháng khuẩn vào dòng sản phẩm. Lớp phủ này có thể dùng phun lên các bề mặt nhằm tiêu diệt nấm mốc, vi khuẩn và virus SARS-CoV-2 nhờ đặc tính tự làm sạch của titan dioxide.
Nhờ vậy, UVIS nhận được đơn đặt hàng tới tấp từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ hộp đèn UV khử khuẩn tay vịn thang máy cuốn mà cả lớp phủ kháng khuẩn cho nút bấm thang máy hộp hay tay vịn xe đẩy siêu thị…
Obladen chia sẻ: "Mọi người đều muốn đơn hàng phải được giao ngay. Đại dịch khiến các doanh nghiệp nhận ra họ cần đầu tư vào các biện pháp vệ sinh phòng ngừa cho nhân viên và khách hàng”.
Trong khi đó, Nickel tiết lộ: "Chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu doanh thu năm 2020". Châu Âu và châu Á có nhu cầu đặc biệt lớn với đèn UV Escalite. Gần đây, UVIS đã chuyển hơn 30 module thang máy cuốn tới Singapore.
Katharina Obladen đứng cạnh một nhân viên kỹ thuật giải thích cách hoạt động của hộp đèn UV
Khi Đức bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa, UVIS còn nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các cửa hàng, văn phòng và quán cà phê muốn mở cửa trở lại nhưng lo ngại về nguy cơ ở những bề mặt tiếp xúc công cộng.
Obladen cho biết cô thấy vui vì sản phẩm của UVIS đã góp phần phòng chống dịch Covid-19 và cũng khích lệ các startup khác vượt khó trong giai đoạn khó khăn này. UVIS đang đẩy mạnh năng lực sản xuất và mở rộng dịch vụ phun lớp phủ kháng khuẩn. "Chúng tôi cũng đang xem xét các lĩnh vực khác, đã có một ngân hàng hỏi về việc sử dụng tia UV để khử trùng tiền trong máy rút tiền kết hợp với lớp phủ cho màn hình cảm ứng", Obladen nói.
"Thật thú vị khi nghĩ về những cách thức mới để ứng dụng sản phẩm của chúng tôi”, cô cho biết thêm.
Tay vịn thang máy cuốn nơi công cộng có nhiều nguy cơ nhiễm virus
Trước khi Covid-19 bùng phát, việc khử trùng bằng tia UV thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm và các bệnh viện trên khắp thế giới. Ở Trung Quốc, nơi bùng phát Covid-19 đầu tiên, tia UV đã được sử dụng để khử trùng xe buýt và tiền giấy.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo sử dụng tia UV trực tiếp trên da có thể gây bỏng và ung thư da. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo không nên sử dụng đèn UV trực tiếp trên da.
(Theo The Star)