Duyên Dáng Việt Nam

Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam (Kỳ 1)

Nhà nghiên cứu Trần Đán • 31-01-2021 • Lượt xem: 3870
Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam (Kỳ 1)

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải vừa có một triển lãm "Thinh - Thing - Think" tại không gian Manzi (phố Phan Huy Ích - Hà Nội) đầu năm mới 1.2021. Ông là người tiền phong của đổi mới ngôn ngữ và phong cách nghệ thuật gây chú ý trong giới tạo hình và công chúng thời gian qua. Duyên Dáng Việt Nam giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Đán (Mỹ) viết về triển lãm này qua đó thử tìm hiểu, phân tích phong cách độc đáo của ông đã đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam. Nhan đề của tòa soạn đặt.     

Tin và bài liên quan: 

Điêu khắc Đào Châu Hải, thế giới song song hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt (Kỳ 2)

Nhà phê bình Nguyễn Quân: Họa sĩ Đinh Phong: Tốc lực nghệ thuật

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Trường hợp Trần Hải Minh: Nghệ thuật như một ý niệm khác biệt!

Bước vào thế giới song song mà Đào Châu Hải bày ra trong không gian Manzi, một quần thể điêu khắc/sắp đặt, đã thật sự làm tôi chấn động thị giác. Đầu tiên là cảm giác bơi trong bóng tối bao trùm. Mất một khoảng khắc mắt tôi mới có dịp lội về những ngọn hải đăng ánh sáng chiếu từ trấn xuống hay tự đất lên. Dần dần mới nhận ra có những cái đập vào mắt và có những cái thấp thoáng. Có những cái sắc bén và có những cái mềm mại. Có những cái trụ mặt đất và có những cái lủng lẳng trên không. Từ từ tôi để các kích thích thị giác ngấm vào não như các hương vị từ một tô bún bò Huế - những thứ mà tôi gọi là cảm-xúc-tiền-tư-duy. 

Tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải trưng bày tại triển lãm chủ đề "Thinh - Thing - Think" không gian Manzi (phố Phan Huy Ích - Hà Nội), tháng 1.2021.

Chẳng bao lâu thì cái tư duy của tôi nó lại nổi lên một cách rất phiền toái và đặt ra những câu hỏi loạn xà ngầu: Cái này gợi những ý tưởng gì? Cái kia biểu tượng cho cái gì? Phiền toái bởi vì mình phải đối diện với cái không-có-gì-rõ-ràng-trong-nghệ-thuật-hiện-đại, cái xa-cách-bất-khả-liền-giữa-tác-giả-tác-phẩm-và-người-xem. Toàn là đoán mò. Nhưng có thể tác giả đang diễu cợt tính tò mò tư duy của người xem và muốn châm chọc, chằng có gì sâu sắc để HIỂU, Cứ việc NHÌN cho đã con mắt là được?
Suy tư vì cái phản ứng mông lung của mình tôi cố tra tìm xem các vị tiền bối trong nghệ thuật thế giới đã nghĩ thế nào về nghệ thuật điêu khắc cận đại với hi vọng tìm được cách diễn giải các tác phẩm của Đào Châu Hải.  Hai chủ thuyết ứng dụng nhất vào điêu khắc cận đại là Tối Giản và Ý Niệm. Vậy ta thử xem họ nói gì.


 
Tối Giản là một chủ thuyết nghệ thuật phản kháng lại Biểu Hiện Trừu Tượng lúc bấy giờ ở Mỹ vào thập kỉ 1950. Chủ yếu nó quan niệm chủ đề của nghệ thuật không phải là nghệ sĩ/tác giả - phát hiện ra họ cảm xúc gì, làm gì, nghĩ gì khi tạo ra tác phẩm - mà chủ đề của nghệ thuật là vật thể của tác phẩm - nó hiện ra như thế nào, tương tác với không gian xung quanh ra sao. Dần dần chủ thuyết đó đặt ra những qui định về thực hành nghệ thuật khá chặt chẽ. Chúng ta thử xem đó là những qui định nào và tác giả Đào Châu Hải có tuân thủ hay không. Dưới đây tôi liệt kê các qui định cơ bản nhất nhưng không theo thứ tự về độ quan trọng.

Họa sĩ Đinh Phong trong một cấu trúc tương tác với tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải tại triển lãm "Thinh - Thing - Think".

Qui định thứ nhất là khai thác triệt để các thuộc tính của vật liệu. Đào Châu Hải đã chọn chất hợp kim nhôm, một loại kim khí có độ đặc bằng 1/3 của sắt, tức mềm hơn, dễ cắt hơn. Nó cũng dễ tương tác với chất oxy trong không khí để tạo ra một lớp mỏng ngoài có khả năng chống rỉ. Và mặt nó bóng, có khả năng phản chiếu ánh sáng. Một mặt tác giả ghép các miếng nhôm mỏng vào nhau để gợi cảm tưởng chuyển động như trong bức tranh "Người Đàn Bà Bước Xuống Cầu Thang" của Marcel Duchamp. Hoặc anh dùng chúng để tạo ra chiều sâu nhân tạo như trong phương pháp lập thể. Một mặt khác tác giả dùng tính phản chiếu của gương đặt trong bể nước, hoặc của chất nhôm chính nó, đế tạo ra những không gian ảo đánh lừa thị giác người xem. Cộng vào đó là việc anh dùng bóng tối như một chất liệu liên kết tất cả các cấu trúc trên, như một chất keo vô hình hòa quyện không gian. Qua hình dạng khá khúc mắc và nhiều chiều của các phức hợp nhôm, qua cách chơi bóng đổ như một bản hòa tấu, và qua sự tương phản giữa chất cứng và chất lỏng, ánh sáng và bóng tối, anh đã tạo ra một thế giới song song vô cùng hấp dẫn. Nếu đó chỉ là một tác phẩm đơn thuần thị giác, hoàn toàn phi-ý-tưởng thì tôi cũng đã cảm thấy bị lôi cuốn.

Qui định thứ 2 – đưa đến việc đặt tên chủ thuyết này là Minimalism hay Tối Giản - là hình thể tự nhiên phải được tiết lọc ra thành các hình thể hình học đơn thuần nhất. Vì thế các bức điêu khắc tối giản đều cấu trúc từ hình trụ, hình cầu, hình nón, v.v… Trong các tác phẩm trước đây của Đào Châu Hải, khuynh hướng tối giản khá mạnh vì hoàn toàn không có bóng dáng của vật thể nào có trong hiện thực. Nhưng trong dự án này thì các hình thể, tuy rất tinh giản, nhưng vẫn chưa đủ “tối giản”. Trong số lớn tác phẩm, ta vẫn còn nhận ra hình thù, tuy đã được trừu tượng hóa khá nhiều, gợi ý về con chim trong hiện thực. Điều này được xem là tối kỵ trong Tối Giản. Theo tôi thì Đào Châu Hải đã không tuân thủ qui định này và ta sẽ thấy vì sao.

Qui định thứ 3 là bàn tay người nghệ sĩ không được tham gia trong qui trình cấu tạo tác phẩm. Các tác phẩm của Donald Judd, Frank Stella, Sol De Witt là những khối vật liệu công nghiệp hiện đại như sắt thép được cắt, đúc, hàn tại những công xưởng chuyên nghiệp. Dan Flavin thì chuyên sử dụng các đèn huỳnh quang (fluorescent) thương mại. Khi sử dụng chất nhôm công nghiệp được cắt bằng kĩ thuật số CNC bởi các các thợ chuyên, Đào Châu Hải đã tuân thủ qui định này.

Qui định thứ 4 là không biểu đạt cảm xúc của tác giả. Như ta thấy trong các tác phẩm Trừu Tượng Biểu Hiện (De Kooning, Jackson Pollock, Robert Motherwell) sự thể hiện một cách phóng túng cảm xúc của tác giả qua đường nét và màu sắc dữ dội, thậm chí đầy bạo lực như trong tác phẩm "Người Đàn Bà" của De Kooning, được khuyến khích. Tối giản chủ trương ngược lại. Đứng trước các khối hình đa phần với kích thước đồ sộ của họ, các nghệ sĩ tối giản khuyến khích cảm xúc trầm ngâm, tĩnh lặng, mời người xem thâm nhập vào sự hiện diện của vật thể. Rõ ràng là Đào Châu Hải gần gũi với Tối Giản hơn Trừu Tượng Biểu Hiện.

Qui định thứ 5 và là qui định quan trọng cuối cùng tôi muốn bàn đến là tác phẩm không được ẩn chứa bất cứ một ý tưởng nào.  Theo thuyết Tối Giản mọi ý tưởng đều phù du và tạm thời. Chỉ có vật chất là tồn tại. Hơn nữa họ quan niệm tư tưởng là phạm trù của triết hoc, xã hội học, văn chương, tâm lý học, nghiên cứu lịch sử, v.v… nhưng nhất quyết là không phải của nghệ thuật thị  giác. Họ muốn nghệ thuật thị giác chỉ quan tâm đến những gì dính dáng đến NHÌN. Một qui định phụ kèm theo là một tác phẩm tối giản không được có đề tựa vì đề tựa có thể ẩn chứa mật mã để giải mã ý nghĩa của một tác phẩm. Vì lý do đó nên nhiều tác phẩm tối giản mang tên “ Vô Đề” kèm theo một con số.  

Đến đây thì rõ ràng Đào Châu Hải đã cố tình vi phạm một qui định cơ bản của tối giản. Qua việc anh đặt tên cho dự án là THINH – THING – THINK, anh đã từ chối tự trói mình trong khuôn khổ của Tối Giản. Thoạt đầu qua hai yếu tố THINH - THING, tôi ngỡ anh khẳng định mình theo con đường Tối Giản. Thinh không và vật thể đều là sân chơi của tối giản, Nhưng khi anh thêm vào yếu tổ THINK, thì anh đã bắt tôi, người xem, phải suy nghĩ. Hình dạng nửa-chim-nửa-người được lập đi lập lại biểu tượng cho gì? Có phải cấu trúc cột trụ có ý nghĩa tôn giáo như cây totem trong các nền văn hóa bản địa không? Có phải anh đã khởi đầu theo con sông Tối Giản rồi khi thấy nó quá chật chội anh đã chọn con đường cam go hơn là tiến ra biển khơi Ý Niệm bao la, bát ngát? Ta hãy nghiệm tiếp.

(Hết phần 1)

T.Đ

Ảnh trong bài: Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Thu Ba, Nguyễn Hữu Hồng Minh