Duyên Dáng Việt Nam

Du ký trời Tây: Năm 1922, taxi ở Paris có máy tính tiền tự động

DDVN • 02-01-2022 • Lượt xem: 402
Du ký trời Tây: Năm 1922, taxi ở Paris có máy tính tiền tự động

Nửa đầu thế kỷ XX, người Việt sang châu Âu ngày một nhiều để du học, du lịch, công vụ... thành sự thường. Một số người chia sẻ lại hành trình, xen vào đó là kinh nghiệm cho người có nhu cầu đỡ bỡ ngỡ.

Sang Tây cẩn thận tránh bị lừa

Theo lời Jacques Lê Văn Đức trong sách Cách đi Tây (Nhà in Lưu Đức Phương, 1931) đầu tiên cần phải có passport để tiện lên bờ tham quan, lĩnh tiền, đi nhà băng… Phương tiện đi là tàu biển, ở Sài Gòn có 2 hãng tàu chuyên qua Tây. Khách tùy theo nhu cầu đi hạng nào, tiền nhiều ít mà chọn loại tàu, hạng tàu. Trong quá trình di chuyển vẫn đổi hạng được: “Dọc đường, ở hạng dưới muốn lên hạng trên, thì trã [trả] tiền trội thêm cho cò tàu được”.


Sách Cách đi Tây

Đồ đem theo cũng cần biết để không bị thụ động như quần áo, thuốc thang… và chỉ mang vừa phải. Trong Pháp du hành trình nhật ký, Phạm Quỳnh đã phải than thở vì mang quá nhiều đồ, dẫn đến khi di chuyển vất vả với chiếc rương to, trong khi đáng ra chỉ nên sử dụng va li cho gọn. Khách cầm theo món tiền kha khá để chủ động trong việc chi dùng, vì “đi xa đường mà không có “Anh Hai”, hụt tiền khó lòng lắm”. Lạ nước lạ cái nên sang Tây, không nên cầm nhiều tiền mặt, dùng ngân phiếu để lãnh tiền từ nhà băng là tiện hơn.


Sách Tây hành lược ký

Trên tàu biển, các dịch vụ như ăn uống, quán bar, giặt đồ, hớt tóc… đều có. Lại có một món mà đa phần những người sang Tây đều phải gặp, ấy là món say sóng. Phạm Quỳnh, Đào Trinh Nhất đều than bị say sóng có lúc không ăn uống gì được; bao nhiêu của ngon vật lạ đưa vào dạ dày theo cơn say ra hết. Nhưng khi quen sóng quen gió rồi thì đỡ hơn nhiều.

Tàu có lúc dừng lại một vài nơi, phải cẩn thận với những mánh lới lừa lọc khi tới những điểm dừng chân, như đến Colombo hay Port-Said, Phạm Quỳnh lưu ý người bản địa gạ gẫm xoáy tiền khách lạ, chở đò nửa chừng thì đòi thêm tiền khiến khách không thể không đưa thêm, hoặc đổi tiền họ ăn tiền cáp rất nhiều. Để an toàn, “tốt hơn là làm quen với người bộ hành Tây mà đi chơi hùng [hùn] với họ, ít có sự hiểm nghèo, không sợ ai giực [giật] đồ hay là ăn gian chi”, Jacques Lê Văn Đức lưu ý.

Trên đường đi có người lỡ bị bệnh chết, người xấu số sẽ được khâm liệm và xác thả xuống biển mà hải táng. Việc ấy Tây hành nhật ký (Phạm Phú Thứ), Dạo khắp hoàn cầu (Bùi Thanh Vân) có thuật lại. Khi đến nước nào, bác sĩ nước sở tại sẽ xuống tàu khám cho khách để ngăn ngừa lây bệnh truyền nhiễm vào nước mình. Cảnh này Phạm Quỳnh gặp khi đến Suez ngày 5.4.1922: “Các quan viên thầy thuốc lên tàu khám xem có người nào mắc bệnh truyền nhiễm không”. Bùi Thanh Vân cũng nhiều lần thuật việc ấy khi tàu qua các thành phố Buénos Aires, New York.

Taxi đã có đồng hồ tính tiền tự động

Khi tàu cập bến cựu lục địa, những rương hòm hay va li, nên cậy người của công ty du lịch vận chuyển vì họ uy tín, dễ nhận diện qua chiếc mũ đội. Một phương tiện rất hữu ích, là mua bản đồ, sách chỉ nam về nơi mình đến. Thượng Chi khi sang Pháp năm 1922 đã mua những sách chỉ nam về Marseille, Paris giúp biết được địa danh, tuyến đường di chuyển thuận tiện cho việc đi lại, tham quan… Nhược bằng không có những sách, bản đồ, Jacques Lê Văn Đức mách nước là nên hỏi lính canh đường, người của nhà hàng, khách sạn để tránh bị lừa.

Sự di chuyển ở Tây rất đa dạng với tàu hỏa, tàu điện ngầm, taxi… nên phải tìm hiểu kỹ để không bị lạc hoặc lỡ chuyến. Sự ăn uống cũng được chỉ dẫn trong sách Cách đi Tây tường tận về giá cả, món ăn cũng như tiền thuê phòng các hạng. Ở khách sạn, ăn uống, đi taxi, ngoài tiền phải trả, còn có khoản pourboire (tiền boa) cho người phục vụ, tài xế và đó là lệ thường, “nếu không cho, thì có người kỳ khôi họ đòi củng [cũng] như mình phải thiếu cái tiền pourboire đó vậy”, Cách đi Tây ghi. Món tiền boa trong Mười tháng ở Pháp, Đào Trinh Nhất nhiều lần đề cập.

Phạm Quỳnh cho biết trong Thuật chuyện du lịch ở Paris năm 1922, nếu đi taxi ở Paris, thời đã có “cái đồng hồ tính tiền, cứ đi được mấy trăm thước lại tự nhiên dịch đi một số, đến nơi chiếu số mà trả tiền”. Trong dịp sang Paris 3 tháng, Nguyễn Văn Vĩnh đã mua ô tô và tự cầm lái được nên nhờ đó, đoàn Việt Nam của Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn đi được nhiều nơi và chủ động hơn trong di chuyển.

Thành phố bên Tây đa phần rộng lớn, hiện đại và cổ kính đan xen nên bước chân du lãm mà có người quen thông thạo, sẽ là lợi thế lớn để có thể di chuyển thuận tiện, thăm thú được đền đài, bảo tàng, cung điện hay ngoạn cảnh ngoài trời không bị lạc. Nội như sang Pháp, đặt chân qua những thành phố như Marseille, Lyon đã choáng ngợp, còn Paris thì “không phải là đô thị, Paris chính là một thế giới”. Mười tháng ở Pháp cảnh báo rằng đến chốn ăn chơi là những quán rượu phải chú ý vì những gái làng chơi, gái nhảy đầm có thể moi tiền khách bất cứ lúc nào.

Và sau rốt, đúc rút kinh nghiệm đi Tây, Jacques Lê Văn Đức trong Tây hành lược ký (Nhà in Qui Nhơn, 1923) kết luận phải nên: 1. Chuẩn bị số tiền bằng 3 lần số tiền mình dự định; 2. Biết nói tiếng Pháp, tiếng Anh kha khá; 3. Không đem nhiều hành lý; 4. Không nên mua đồ gì không cần thiết; 5. Không vội tin người lạ; 6. Muốn hỏi thăm gì, chọn người chân chất, thật thà.

Theo Trần Đình Ba/Thanhnien.vn