ĐỜI SỐNG

Du ngoạn trên thuyền, nhớ về một thời Sài Gòn “kinh đô sông nước”

Đan Tâm • 04-08-2020 • Lượt xem: 3181
Du ngoạn trên thuyền, nhớ về một thời Sài Gòn “kinh đô sông nước”

Chiều muộn một ngày đầu tháng 8, tôi ngồi trong khoang thuyền, đưa mắt thu vào hình ảnh một Sài Gòn thật khác, thật đẹp và đặc biệt; nghe về lịch sử đầy dấu son của vùng đất được mệnh danh là “kinh đô sông nước” và hưởng thụ những trải nghiệm thậm chí những người con gốc Sài Gòn cũng chưa từng thử qua…

Bài đọc thêm:

Xuôi dòng kênh Đôi tìm về văn hóa tín ngưỡng của người dân Sài Gòn

Vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam trong bữa cơm gia đình

Buổi thưởng ngoạn trên sông này do “Dấu ấn Sài Gòn” đồng tổ chức với “Ờ đi thôi” qua chương trình Sunset Cruise Tour trên tàu Indochina Junk, kết hợp với talkshow “Sài Gòn – Kinh đô sông nước” của ông Phúc Tiến (tác giả sách Sài Gòn hai đầu thế kỷSài Gòn không phải ngày hôm qua). Thuyền đi dọc theo bến Nhà Rồng quận 4 đến khu vực Tân Cảng, dưới chân tòa nhà cao chọc trời Landmark 81 quận Bình Thạnh.

Khi hoàng hôn buông dần phía đường chân trời, thuyền bắt đầu rời cảng, đưa những người con trót lòng mến thương thành phố này ngược dòng quá khứ cùng những chia sẻ của tác giả Phúc Tiến, để tìm về một Sài Gòn xưa – khi nó còn là một kinh đô sông nước.

Đầu tiên, cần lý giải một chút về tên gọi “kinh đô”. Có thể gọi Sài Gòn như vậy bởi hai lý do. Thứ nhất, Sài Gòn đã từng thực sự là một kinh đô – trung tâm của một đất nước tới tận bốn lần trong lịch sử. Lần đầu tiên, nó là thành phố Prei Nokor của vương quốc thủy Chân Lạp. Tiếp theo, khi Nguyễn Ánh còn là Nguyễn Vương ở Đàng Trong, ông đã cho xây dựng lại thành Gia Định. Vì vậy, trong khoảng thời gian 1790 – 1802, Sài Gòn chính là kinh đô của chúa Nguyễn. Từ năm 1888 – 1902, Sài Gòn là thủ đô của liên bang Đông Dương. Và cuối cùng, vùng đất này một lần nữa là thủ đô của cả đất nước Việt Nam từ 1949 – 1954.

Lý do thứ hai mà Sài Gòn có thể được gọi là một kinh đô sông nước bởi đây là nơi tụ hợp nguồn nước: biển, sông, kênh rạch, ao đầm,... Không có nơi nào sở hữu vị trí địa lý như Sài Gòn khi nó là trung tâm của hầu như tất cả các loại thủy lưu, và cũng vì thế, còn là nơi tập trung của các nền văn hóa rất đa dạng.

Có thể thấy, Sài Gòn đã nhiều lần từng là kinh đô thực sự nhưng khi nhắc tới các kinh đô cũ, hiếm ai nhớ về Sài Gòn. Người ta thường chỉ nhớ đến nó như một thành phố trẻ sôi động, nhộn nhịp, hiện đại chứ không để ý rằng mảnh đất này cũng có những trang sử huy hoàng chói lọi, nền văn hóa sâu sắc, kì bí như bao chốn đô thành xưa.

Theo lời tác giả Phúc Tiến, nguồn gốc cái tên Sài Gòn cũng khá thú vị. Nó có thể do cái nhìn của người Việt từ biển Cần Giờ đi vào nơi đây, bởi qua Vũng Tàu, có rất nhiều rừng gòn rất đẹp. Cái tên Sài Gòn có thể mang ý nghĩa là “thành phố ở phía sau rừng gòn”. Thường khi đến với Sài Gòn, người ta sẽ đi đường hàng không hoặc đường bộ nên ít ai để ý được thực ra, Sài Gòn là một thành phố gắn với sông nước, chứ không phải các tòa nhà cao tầng. Sài Gòn chỉ cách biển 50 km và có biển là Cần Giờ. Bên cạnh đó, Sài Gòn có dòng sông chính là sông Sài Gòn chảy qua thành phố; có 39 tuyến kênh rạch dài hơn 7.000 km; có 40 cây cầu, trong đó có nhiều cây cầu đã đi vào các trang sách, có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng đồng thời, có rất nhiều cảng biển, cảng sông. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta sẽ không thể thấy tàu chở container vào sông Sài Gòn trong thành phố bởi cảng để tàu thuyền lớn vận chuyển hàng hóa đã dời ra Vũng Tàu, Nhà Bè, Long An.

Nguồn ảnh: Internet

Ngồi trên thuyền nhìn ra các khung cửa sổ, cảnh vật bên ngoài tựa như những bức tranh phong cảnh chuyển động đã được ghép viền. Thuyền chạy tới đâu, phong cảnh trong những “khung tranh cửa sổ” lại thay đổi theo đó. Nhìn về phía mặt nước, thỉnh thoảng lại xuất hiện những cụm lục bình trôi lập lờ theo nhịp của từng con sóng nhẹ. Xung quanh cũng có những chiếc thuyền với màu sắc, hình dáng và kích thước khác nhau kéo theo những vệt sóng bọt trắng xóa theo đuôi.

Khi thuyền đi tới góc sông nơi hiện là khách sạn Majestic, nhiều người đã ồ lên bất ngờ khi được ông Phúc Tiến bật mí nơi đây ngày xưa chính là bến ngự (bến của vua), từ cột cờ biểu ngữ đến bến Bạch Đằng đã từng là thủy các (nơi vua tắm) và lương tạ (đình hóng mát của vua).

Bản đồ Sài Gòn 1898 (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia II)

Qua những câu chuyện được chia sẻ trong talkshow, có thể nhận định rằng, Sài Gòn luôn được quy hoạch với mặt tiền thành phố hướng ra bờ sông và vùng trung tâm luôn gắn với các kênh rạch. Theo bản đồ của Trần Văn Học – người được xem như kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Sài Gòn, nơi đây hồi trước khi Pháp vào có tổng cộng 40 ngôi làng đều tập trung quanh các kênh rạch. Đến năm 1790, Nguyễn Ánh cũng phát triển Sài Gòn theo hướng châu Âu, tức phát triển dựa vào dòng sông. Hiện dấu tích xưa còn lại của thành Gia Định nằm ở ngã tư Đinh Tiên Hoàng  - Tôn Đức Thắng.

Năm 1861, người Anh đã đăng lên báo của mình về Sài Gòn kèm theo một bức ảnh minh họa. Có thể thấy rõ, trên kênh Bonard (Chợ Vải) và kênh Cầu Sấu (Hàm Nghi,) tàu bè đi lại buôn bán nhộn nhịp, phần nào chứng tỏ Sài Gòn phát triển dựa vào sông nước. Một dẫn chứng khác là tờ báo đầu tiên của Việt Nam - Gia Định báo có mục dự báo thủy văn thay vì dự báo thời tiết bởi thời kì này người dân chủ yếu đi lại bằng kênh, ghe, thuyền. Hình ảnh logo Sài Gòn từ 1870 – 1950, dưới sự quản lý người Pháp có hình ảnh hổ và thuyền buồm cùng dòng sông được đặt ở giữa. Đặc biệt, xuất hiện một câu Latin mang ý nghĩa “Từ từ rồi nó sẽ phát triển”. Đến năm 1960, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã xây dựng một bản kế hoạch phát triển Sài Gòn mà trong đó thành phố này sẽ mang hình dáng một con chim, với trục chính là con đường Trần Hưng Đạo – con đường chạy dọc bờ sông Sài Gòn; hai cánh là vùng Thủ Đức và vùng Chợ Lớn. Hiện nay, Sài Gòn cũng đang dần được quy hoạch theo hướng y như vậy. Tất cả đều chứng tỏ một điều: linh hồn của Sài Gòn chính là dòng sông.

Logo Sài Gòn thời Pháp Thuộc (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia II)

Ngày nay, tòa nhà Hải Quan và bến Nhà Rồng chính là những gì còn sót lại để đánh dấu sự ra đời cảng Sài Gòn năm 1862 - 1863. Thời bấy giờ, Sài Gòn là một cảng tự do, không có thuế, người dân được phép  tự do đi lại miễn phí. Người Anh thậm chí đã đưa tin về sự ra đời của cảng Sài Gòn bởi nó được xem là đối thủ cạnh trạnh với Singapore và Hong Kong. Người Pháp cũng xây dựng xưởng Ba Son làm nơi đóng tàu...

Sông Sài Gòn còn có tên khác là Ngưu Chử giang, bởi hồi đó, tại con sông này vẫn còn rất nhiều cá sấu. Nhiều đến nỗi chúng kêu lớn như một đàn trâu kêu (ngưu chử). Tại đường Hàm Nghi xưa có con kênh Cầu Sấu (nay là kênh Hàm Nghi) gắn với giả thuyết thú vị rằng nơi đây ngày đó đã bán thịt cá sấu. Có thể nói rằng cá sấu là một hình ảnh rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam bởi nó cùng với hình sông Sài Gòn đã được khắc lên Cửu Đỉnh chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế). Cũng chính tại con sông này, chiếc tàu Mỹ đầu tiên đến VN năm 1820 do thuyền trưởng John White dẫn đầu đã cập bến Thủ Thiêm. Do nhà Nguyễn quy định tàu thuyền nước ngoài không được đỗ ở bến chính (khách sạn Majestic bây giờ) mà phải đỗ ở bến Thủ Thiêm rồi đi thuyền nhỏ vào.

Nguồn ảnh: Internet

Theo từng lời chia sẻ của tác giả Phúc Tiến, thuyền dần đi về phía Tân Cảng – Thủ Thiêm, nhìn về phía hai bên dòng sông là hai hình ảnh khá đối lập, bên Tân Cảng sầm uất, hiện đại còn Thủ Thiêm vẫn khá hoang vắng bởi theo quan điểm người xưa, đây là tuyến phòng thủ cuối cùng, ngày nay, nó cũng đang được cải tạo, phát triển dần.

Khi thuyền quay ngược về bến sông, mặt trời đã lặn, nền trời đã chuyển sang một màu xanh thẫm gần đen. Và đây cũng là lúc thành phố lên đèn. Sài Gòn vốn nổi tiếng với những ánh đèn lung linh mỗi khi đêm về, cũng vì thế nó được mệnh danh là thành phố không ngủ. Quả thật, đứng trên boong tàu, gió thổi lộng, mái tóc dài bị đánh rối bay tán loạn nhưng tôi lại cảm nhận được sự bình yên. Một cảm giác nhẹ lòng và thư thái, bay bổng rất khó diễn tả nếu không tự đi và trải nghiệm khoảnh khắc này. Chỉ có thể nói, dường như đứng ngay giữa dòng sông rộng lớn, dưới bầu trời đêm đã chuyển tối mà đưa mắt nhìn về phía thành phố sáng rực, nhấp nháy những ánh đèn màu, sẽ có cảm giác quên hết những gánh nặng, những nỗi lo phiền của cuộc sống thường nhật. Dòng người với ánh đèn xe bé xíu lấp lóa đi lại như mắc cửi trên đường có lẽ đã trở thành những con người đến từ thế giới tấp nập khác.

Nguồn ảnh: Internet

Những kiến thức về một nền văn hóa vàng son của đô thành Sài Gòn xưa cũng như những trải nghiệm cực kì mới lạ và hiếm có tôi có được đều nhờ vào cuộc khám phá trên sông Sài Gòn lần này. Nhìn những nét mặt hân hoan, thích thú của những người tham dự, tôi lại càng tin tưởng hơn vào sự phát triển của du lịch đường sông Sài Gòn. Hy vọng rằng, đây sẽ là một trong những bài viết mở đầu về chuỗi hành trình khám phá thành phố thân thương…