ĐỜI SỐNG

Xuôi dòng kênh Đôi tìm về văn hóa tín ngưỡng của người dân Sài Gòn

Đan Tâm • 23-07-2020 • Lượt xem: 5177
Xuôi dòng kênh Đôi tìm về văn hóa tín ngưỡng của người dân Sài Gòn

Có lẽ giờ đây người ta chỉ biết đến một Sài Gòn với những tòa nhà cao tầng, những ánh đèn điện lung linh hòa trong hơi thở nhộn nhịp đầy sang trọng hiện đại. Nhưng nếu dành cho Sài Gòn một cái nhìn kỹ hơn, sâu lắng hơn thì ta sẽ thấy một Sài Gòn đầy êm ả, bình lặng bên những sóng nước kênh đào vẫn ở đó, vẫn nép mình dưới những “dự án chọc trời”.

Bài đọc thêm:

Sau COVID-19, Sài Gòn lại rộn ràng với 'Ngày hội Du lịch TP.HCM 2020'
Việt Nam nằm trong 13 điểm nóng du lịch sẽ mở cửa cho du khách quốc tế vào tháng 7

Sài Gòn vốn nổi tiếng với hệ thống kênh rạch chằng chịt bởi từ xưa nơi đây đã là trung tâm giao thương, buôn bán nhưng hiện tại, ít ai còn được trải nghiệm cảm giác chống chếnh, lắc lư đầy đặc trưng khi di chuyển bằng thuyền bè. Vì vậy, tôi quyết định tham gia “Sài Gòn Tình Tang” của Dấu ấn Sài Gòn để tìm về một chút gì đó của thành phố này những ngày xưa cũ.

Khi người Pháp đến Sài Gòn vào 1860, một trong những việc đầu tiên là phát triển giao thông đường thuỷ để phát triển kinh tế. Sau đó, họ bắt đầu cho đào con kênh nối liền rạch Tàu Hủ với kênh Nhiêu Lộc theo đồ án quy hoạch Coffyn năm 1862 - Projet de Ville de 500.000 âmes à Saigon (Dự án thành phố 500.000 người). Đến 1906, người Pháp tiếp tục cho đào Canal de Doublement (Kênh Đôi) nối sông Sài Gòn với sông Rạch Cát với chiều dài khoảng 13km song hành cùng kênh Tàu Hủ, nhờ đó mà sự thông thương giữa hai khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây phát triển đáng kể.

Kênh Đôi bắt đầu từ ngã 3 Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ đến sông Cần Giuộc - Chợ Đệm chảy qua quận 8.

Rạch Bà Tàng là một vùng bao la ngập chìm trong biển nước. Ngồi trên thuyền có thể cảm nhận rất rõ mùi vị ngai ngái, tanh nồng đặc trưng vùng sông nước. Nơi đây dường chỉ có dừa nước và một số cây dại mạnh mẽ phát triển, mọc xanh rờn. Dừa nước đặc biệt chiếm đa số, cứ mọc lên từng ụ, từng cụm tròn lớn, chen chúc nhau mà vươn tán, chĩa cành xum xuê, chắc nịch.

Điều kỳ lạ là dọc theo bờ rạch lại mọc lên sáu ngôi miếu nhỏ thu hút khá đông người đến cúng bái dù xung quanh không có ai sinh sống. Trước đây những ngôi miếu này đều chỉ là những chiếc chòi lá, sau nhiều lần trùng tu và sữa chữa, giờ miếu đã được xây bằng gạch, có đủ điện thờ, có nơi cúng bái quì lạy.

Miếu ngũ hành nơi đây từng là nơi che chở, bảo vệ cho những người làm cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nay lại là chốn linh thiêng để người dân cầu khấn. Miếu tuy nhỏ, có vẻ ít được ghé thăm nhưng thực ra nó chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân các vùng lân cận.

Chốn này chủ yếu thờ “Ngũ hành nương nương” tức năm bà Kim thần, Mộc thần, Thủy thần, Hỏa thần và Thổ thần. Thường vị trí đặt tượng các bà cũng tùy thuộc vào môi trường làm việc, ngành nghề của từng nơi; như ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hoả hoạn, thì thờ Hỏa thần, vùng trồng lúa, trồng cây thì thờ Thổ thần… Còn đây là vùng sông rạch nên tượng thờ Thủy thần được đặt ở chính giữa. Phối thờ hai bên là Linh Sơn Thánh Mẫu, ở dưới có Ngũ Hổ tướng quân. Đây là kết quả của sự giao thoa văn hóa với miền Bắc bởi trước 1954, ở miền Nam chỉ thờ hai hổ là bạch hổ và huỳnh hổ.

“Các bà linh thiêng lắm, xưa địch đâu dám bắn phá vào miếu này nên bộ đội cứ vào đây là được các bà che chở. Tui cũng được các bà phù hộ, từ bé đến giờ chưa bao giờ phải uống thuốc mà chưa bao giờ đau ốm, lúc nào cũng được khỏe mạnh” – chú Tư, người chèo đò trên kênh Đôi, cũng là người trông coi miếu Ngũ Hành từ nhỏ chia sẻ.

Hiện nay con kinh này vẫn còn được khai thác như trục đường chính để vận chuyển, trao đổi hàng hoá, với các khu vực, tỉnh thành phía Nam. Người dân quanh khu vực này vẫn sinh sống bằng nghề nuôi cá, trồng rau, và đi lại cũng vẫn chủ yếu bằng tàu thuyền.

Những đứa trẻ nơi đây thường xuyên tìm niềm vui thích qua việc đùa nghịch cùng nhau dưới con kênh. Khi thuyền chúng tôi đi ngang, các em thân thiện vẫy tay chào và nở những nụ cười thật ngây thơ, mộc mạc và cũng rất đỗi đáng yêu.

Sử dụng tàm hùng – sợi dây vải màu đỏ, ở giữa đính ngọc châu vàng để trang trí cho tranh kiếng hoặc tượng đá là đặc trưng của người Hoa ở đây. Tàm hùng giúp cho bức tranh hay bức tượng thêm phần tinh tế, trang trọng.

Ngay sát với miếu thờ nhỏ là những tòa chung cư khổng lồ mọc sát nhau. Những dự án xây dựng lớn dần lấn chân vào khu vực này. Thật tiếc khi nghĩ rằng tầm 5 – 10 năm mữa, khung cảnh thanh bình, yên ả với mùi ngai ngái của cỏ, của bèo, của nước sẽ bị thay thế bởi những hồ bơi cao cấp, bởi đèn led rực rỡ muôn màu.

Điểm cuối cuộc hành trình là đình Bình Đông - ngôi đền hơn 150 tuổi được xây dựng trên cù lao Bà Tàng, nằm ở ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi. Hiện chưa xác định được năm xây dựng nhưng ngôi đình đã nhận được sắc phong của vua Tự Đức từ năm 1853. Năm 1968, đình Bình Đông bị phá hủy nặng nề do chiến tranh. Sau nhiều lần trùng tu, đến năm 1991, đình được xây dựng lại với kết cấu bê tông cốt sắt nhưng kiến trúc tổng thể vẫn giữ nguyên. Chánh điện đình Bình Đông dù được xây lại, vẫn giữ nét kiến trúc truyền thống với các gian thờ, hoành phi, câu đối… sơn son thếp vàng.

Nơi đây còn được biết như địa điểm hoạt động của Công hội bí mật Sài Gòn - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập vào năm 1920. Bởi Đình nằm trên cù lao Rạch Bà Tàng, xung quanh là sông nước, không có dân chúng ở. Địa thế hoang vắng nơi đây khiến Đình trở thành căn cứ vô cùng bí mật và an toàn cho những chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh đó, Đình Bình Đông là nơi thờ cúng dân gian vô cùng linh thiêng, người Pháp rất e ngại việc lui tới. Vì thế, trong khoảng thời gian 3 năm này, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn luôn giữ được an toàn trong lúc chỉ đạo các hoạt động của Công hội. Mật thư của chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển từ nước ngoài về và các sách báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Marx cũng đều được cất giấu rất an toàn ngay chính tại chánh điện Đình Bình Đông. Cũng bởi đây là nơi thờ cúng dân gian nên đã tạo điều kiện cho những chiến sĩ đã thoát ly gia đình vẫn có thể gặp gỡ người thân qua các hình thức cải trang bí mật.

Ở giữa sân Đình, mùi hương nhè nhẹ của nhang theo những làn khói vấn vít hòa vào không gian rộng lớn xung quanh khiến lòng người như tĩnh lại, đủ để cảm nhận được sự an yên, lắng đọng của thời khắc thực tại. Dường như, đây không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là chốn giúp con người ta có những giây phút bình thản, thoải mái sau những bộn bề cuộc sống.

Nằm bình yên nép mình bên dòng nước và những tán cây xanh tươi, đình Bình Đông vẫn sẽ luôn mãi là một địa điểm không thể thiếu được trong cuộc sống tâm linh, trong văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ này.

Kết thúc hơn 3 giờ đồng hồ lênh đênh trên sông nước, chúng tôi như tìm thấy một bản ngã khác trong mình, tĩnh tâm hơn, sâu sắc hơn. Tôi cũng khát khao rằng hình thức du lịch sông nước Sài Gòn như thế này sẽ ngày một được quan tâm và phát triển hơn. Bởi những chuyến đi trải nghiệm như thế này không chỉ giúp chúng ta học hỏi thêm được rất nhiều điều bổ ích, lý thú ngay cả Internet cũng không thể cung cấp mà còn cho chúng ta những phút giây sống chậm để nhìn kĩ hơn Sài Gòn thân thương này. Chỉ ước giá như chuyến đi này kéo dài hơn hoặc chỉ tập trung hơn vào một số địa điểm nhất định để người tham gia có đủ thời gian tìm hiểu hết về lịch sử, về câu chuyện ẩn đằng sau những mái đình đầy rêu phong kia…