Duyên Dáng Việt Nam

Vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam trong bữa cơm gia đình

Đan Tâm • 04-08-2020 • Lượt xem: 7167
Vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam trong bữa cơm gia đình

Đối với người Việt, bữa cơm gia đình có vị trí vô cùng quan trọng. Ngoài việc là thời gian quây quần, sum họp thì cách ăn cơm còn được xem như là một tiêu chí để đánh giá trình độ văn hóa và giáo dục. Đặc biệt, người phụ nữ lại càng phải chú trọng hơn trong lối hành xử trên mâm cơm bởi nó thể hiện được phẩm hạnh cùng sự tinh tế, khéo léo của mỗi một người.

Bài đọc thêm:

Nói dối con: Đừng nghĩ là chuyện nhỏ
Phụ nữ Nhật ăn thực phẩm có chất nhớt để giữ gìn nhan sắc

Ăn uống không chỉ là bản năng duy trì sự sống mà còn mang tính văn hóa. Qua cách ăn, ta cũng có thể nhận thấy đó là người như thế nào. Dù là thời kì nào thì “công dung ngôn hạnh” vẫn là khuôn vàng thước ngọc cho phẩm giá người phụ nữ Việt Nam. Dù trong cuộc sống hiện đại, con người không còn quá coi trọng những giáo điều xưa cũ, nhưng quy tắc ngầm trong bữa ăn vẫn luôn được xem trọng, nâng niu bởi đó là nét đẹp duyên dáng, tinh tế của cả một dân tộc.

Không phải vô cớ mà việc bạn gái “ra mắt” trong bữa cơm với gia đình bạn trai lại vô cùng được xem trọng. Bởi đây sẽ là dịp để bố mẹ chồng tương lai có thể đánh giá sơ bộ người con gái mà con trai mình phải lòng. Tóm lại, phụ huynh sẽ "xem mắt" con dâu qua bữa ăn để hiểu được qua tính cách, thói quen, khẩu vị... Với những người tinh ý, họ sẽ nhận ra ngay cô gái này là người có hiểu biết, có được giáo dục kỹ càng hay chỉ là giả vờ e thẹn.

Vị trí và dáng ngồi trong bữa cơm

Mâm cơm là yếu tố tiêu biểu của văn hóa phương Đông, nơi mà con người coi trọng tình cảm và tập thể. Và trong mâm cơm đó, thường người phụ nữ có vai vế nhỏ nhất trong gia đình sẽ ngồi ở hai đầu ngoài cùng, bên cạnh nồi cơm. Có thể nói, người phụ nữ chính là người thể hiện rõ nhất tính tập thể của văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Bởi họ có nhiệm vụ bới thêm cơm cho các thành viên trong gia đình, sao cho ai cũng được ăn no hoặc phân chia đủ cho tất cả. Thậm chí, trong trường hợp thiếu cơm, người phụ nữ sẽ phải ăn ít đi. Đây chính là sự khéo léo, khả năng tính toán cũng như sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam.

Khi ngồi ăn, dù là trên chiếu hay trên bàn, đều không được rung đùi. Rung đùi dường như đã trở thành “bệnh” khá phổ biến trong cuộc sống. Mọi người thường rung đùi trong vô thức và dần dần nó sẽ trở thành một tật xấu khó bỏ. Rung đùi biểu hiện cho sự thiếu tự tin, lo lắng, hồi hộp, bồn chồn. Còn đối với người xưa rung đùi là biểu hiện cho "bần nam tiện nữ” là hành động cực kì vô lễ. Dù là ở thời đại nào, người phụ nữ cũng không nên ngồi rung đùi bởi đây là một hành động rất xấu về mặt thẩm mỹ.

Nếu ngồi trên ghế, người phụ nữ có thể ngồi với tư thế thoải mái nhưng lưng phải thẳng, chân để song song với mặt bàn, không được gác hay ngồi xổm lên ghế. Nếu ngồi trên chiếu thì nên ngồi khép gận hai chân về sau, không nên co chân chống cằm, không nhấp nhổm nhấc mông để gắp đồ ăn.

Khi ngồi ăn, có khá nhiều bạn gái có thói quen chống cằm lên mặt bàn trong khi chờ đợi món ăn hoặc nói chuyện, điều này là không nên bởi hành động này bày tỏ thái độ không vui vẻ hào hứng, khiến không khí bữa ăn mất vui. Cũng cần chú ý không để tay dưới bàn mà nên bưng bát và cầm đũa, tránh để bát lên mặt bàn rồi cúi đầu xuống ăn, nếu không sẽ tạo hình ảnh thô thiển.

Cách cầm đũa khi ăn

Nói về cách cầm đũa, thì cũng có bài bản riêng của nó. Trước khi cầm đũa, phải xếp hai đầu đũa cho đều nhau, lúc sử dụng chỉ động tới cạnh trên của đũa, dùng 3 đầu ngón tay: ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa nhẹ nhàng cầm đũa. Trẻ con được dạy rằng, trước bữa ăn phải so đũa, chú ý đến đầu đũa có đúng hướng hay không, sau bữa ăn phải đặt đũa xuống một cách ngay ngắn, không nên để đũa bị so le hay xô lệch.

Tuy người Việt không có quy chuẩn cho đũa ăn, mọi người thường xem vị trí đẹp là giữa 1/3 - 2/5 đầu trên, không quá sát đầu đũa nhưng cũng không quá cao; không cầm một cách rời rạc, lỏng lẻo khiến đũa dễ rơi trong quá trình ăn, đặc biệt không nên chỉa các ngón tay ra ngoài.

Khi ăn, người phụ nữ cũng thường không gắp thức ăn từ đĩa rồi đưa thẳng vào miệng bởi đó là biểu hiện của thói tham ăn và bất lịch sự. Gắp đồ ăn xong phải đặt vào bát của mình rồi mới đưa lên miệng ăn. Không nên “xới tung” bát đĩa, “lật qua đảo lại” tìm phần ngon, khi đã đưa đũa ra là chỉ gắp 1 lần, không nhấc lên hạ xuống chọn lựa. Dù có đói đến mức nào, phái nữ cũng không và liên tục quá 3 lần khi đưa bát cơm lên miệng. Việc và cơm nhiều và nhanh, phát ra âm thanh bị xem là hành động thô lỗ, bất lịch sự. Khi chấm, không nên nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm mà chỉ nên chấm phần dưới của miếng thức ăn. Nếu nhà có khách, phải trở ngược đầu đũa nếu muốn gắp đồ cho họ chứ không dùng đầu đũa mình ăn tránh mất vệ sinh. Khi chưa biết nên ăn món gì, nhiều cô gái thường có thói quen cắn đũa hoặc ngậm đầu đũa trong miệng, có thể nhiều người xem đây là hành động đáng yêu nhưng thực ra nó là điều khá “cấm kị” trong ăn uống.

Khi ăn cơm không được cắm đũa vào bát cơm. Hành động này là kiêng kị vì cắm đũa thẳng vào bát cơm là cơm cúng dành cho người chết hoặc giống hành động cắm bát hương. Khi gắp đồ cho người khác hoặc được người khác gắp đồ ăn cho, phải đưa bát của mình ra nhận, không được gắp nối đũa trực tiếp bởi đây là kiêng kị cho điềm gở bởi khi hỏa táng người chết hoặc bốc mộ, xương người chết sẽ được truyền nối nhau bằng đũa.

Cách ứng xử khi ăn

Mời cơm là một phong tục khá đặc biệt của người Việt. Từ khi còn nhỏ, trẻ đã được dạy trước khi ăn phải mời cơm người lớn, theo thứ tự lớn đến bé trong nhà. Tiếng mời cơm trong bữa ăn của người người Việt không đơn thuần là những lời mời vô thức mà mang ý nghĩa răn dạy con cháu về lòng biết ơn, kính trọng người lớn. Người phụ nữ khi mời cũng nên nói với âm lượng đủ lớn để tất cả mọi người đều nghe thấy, nhưng vẫn giữ sự dịu dàng, thùy mị chứ không hét toáng lên một cách bất lịch sự, vô lễ. Khi dùng cơm xong hoặc có việc cần rời khỏi mâm phải xin phép mọi người có trong bữa cơm trước khi đứng dậy. Chỉ cần nói một vài câu đơn giản như: "Con đã ăn no rồi ạ, con xin phép", hoặc: "Xin phép mọi người con phải ra ngoài có chút việc ạ" là đã thể hiện được mình là một cô gái có giáo dục.

Nếu chỉ tập trung chăm chú vào bát của mình, người phụ nữ sẽ bị đánh giá là “ham ăn tục uống”. Vì thế, phải ngồi thẳng lưng, vai thả lỏng thoải mái, không cong lưng ưỡn ngực, mắt để ngang tầm. Giữ một khoảng cách nhất định với cạnh bàn, không ghé sát quá dễ tạo hình ảnh “ôm bàn” không đẹp; không ngồi cách quá xa, gây mất thiện cảm khi phải nhấp nhổm gắp thức ăn ở ngoài tầm với.

Nhiều người Việt Nam có thói quen nói chuyện trong bữa cơm để tạo không khí vui vẻ, điều này cũng có thể chấp nhận, tuy nhiên, nhiều người dễ mắc phải thói quen là vừa nhai thức ăn vừa nói chuyện nhồm nhoàm. Đây là tối kị đối với phái nữ, bởi nó sẽ khiến mọi người đánh giá bạn là một cô gái vô giáo dục, không có ý tứ. Nếu muốn nói chuyện, hãy nhai hết thức ăn rồi đặt đũa, thìa xuống bàn, tránh tình trạng vừa nói tay vừa vung vẩy đũa, thìa ra xung quanh gây mất vệ sinh cho người bên cạnh.

Một điều cũng vô cùng quan trọng là khi ăn tránh tạo bất cứ tiếng động nào. Chép miệng khi ăn hay ăn nhồm nhoàm là hành động vô văn hoá. Tránh nói to, cười to; khép miệng lại mỗi khi nhai thức ăn, không “ăn thùng uống vại"; sử dụng môi, thìa để múc món có nước thay vì bưng bát lên húp xì xụp.

Đặc biệt, nhiều bạn gái thời nay xem việc mình ăn uống một cách thoải mái, không kiểu cách, như phái nam (nam thực như hổ) là cá tính, không câu nệ. Tuy nhiên, ăn uống không chỉ để phục vụ nhu cầu sinh lý mà còn để tận hưởng món ngon, vì thế, nên ăn một cách từ tốn và chậm rãi, nhẹ nhàng (nữ thực như miêu), đừng quá tham lam gắp hết thức ăn vào mồm, điều đó sẽ trông thật khó coi và thiếu lịch sự.

Cách ăn

Khi ăn, không được để thức ăn dính ra mép, ra tay hay vương vãi xung quanh; phải ăn sao cho sạch sẽ, gọn gàng hết mức. Nếu lỡ ăn phải xương hoặc vật lạ trong thức ăn, cần từ từ lấy ra hoặc có thể dùng giấy ăn che miệng rồi bao lại một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, không được nhè ra toàn bộ tại bàn.

Khi ăn món nước như canh, chè, cháo… phải dùng thìa múc ăn, tới cạn thì có thể một tay hơi nghiêng bát đĩa sâu ra phía ngoài, một tay múc chứ không bưng lên húp. Nếu không sẽ tạo hình ảnh “úp bát vào mặt” rất khó coi đối với các cô gái. Nếu thức ăn còn nóng, cũng không được “chu môi phồng má” thổi, hành động này cũng không thể xem là đáng yêu như nhiều cô gái ngày nay lầm tưởng. Nên múc chậm phần nguội hơn ở sát thành bát đĩa và có thể hơi hé miệng thổi nhẹ cho bớt nóng.

Nếu món ăn mình thích ở xa, phái nữ sẽ cần nhờ người ngồi gần đó lấy giúp, tránh tình trạng vươn người lên để lấy. Không những làm ảnh hưởng đến những người xung quanh mà còn tạo hình ảnh một cô gái kém lịch thiệp.

Nếu là khách trong một bữa ăn, các cô gái nên chủ động trong việc giúp chủ nhà dọn dẹp bàn ăn. Khi bắt đầu bữa cơm, hãy là người gắp thức ăn sau khi chủ nhà đã gắp trước, điều đó thể hiện sự tôn trọng. Nếu không, có thể bị xem là kẻ tham lam và không có ý tứ.

Một số lưu ý cần tránh     

Dù là trong khuôn khổ gia đình hay khi làm khách, không bao giờ nên cất tiếng chê khi món ăn chưa hợp khẩu vị mình. Điều này cực kỳ quan trọng vì không đơn thuần là phép lịch sự mà còn là một phần giáo dục nhân cách. Nó thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm mà không phải ai cũng có được.

Nếu có khách đến chơi nhà, người phụ nữ cũng sẽ ý tứ đặt món mặn hoặc món khách ưa thích gần phía họ ngồi, để họ dễ dàng gắp chọn hơn. Hành động nhỏ này thể hiện sự mến khách, cũng hàm ý khách cứ tự nhiên như người nhà.

Khi ăn cần chú ý không tạo ra tiếng lanh canh khi va chạm bát đũa thìa. Nếu trong bữa cơm có món yêu thích cũng không nên gắp liên tục món đó mà phải ăn đều tất cả các món trên mâm, kể cả những món mình không thích.

Nếu là dọn cơm ăn trước, nhất thiết để phần người về muộn vào đĩa, bát riêng, tránh ăn luôn trong đĩa lớn rồi chừa phần thừa đã bị đảo lộn, thể hiện sự thiếu tôn trọng, vô lễ.

Tạm kết

Người Việt đề cao sự thoải mái và ấm cúng trong bữa ăn, nhưng cũng đề cao lối hành xử lịch sự, tinh tế, đặc biệt đối với người phụ nữ. Bởi thế, những nguyên tắc ứng xử trong bữa ăn luôn được “phái yếu” tôn trọng và áp dụng triệt để. Nết ăn không phải là những lề thói cổ hủ dành cho người phụ nữ mà nó là thước đo chuẩn mực cho hành vi và phẩm giá của một con người.

Dù trải qua bao nhiêu năm tháng, xã hội có nhiều đổi thay nhưng những nguyên tắc trên bàn ăn vẫn được lưu giữ qua các thế hệ, thể hiện sự trân trọng các giá trị truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, theo sự phát triển của đời sống, những quy tắc này có thể thay đổi, biến tấu sao cho phù hợp mỗi gia đình, dòng họ, chứ không nhất thiết giữ y nguyên. Mặc dù liệt kê ra một lượt khiến các nguyên tắc có vẻ khô khan và dài dòng nhưng nếu chú ý ngay từ bé, dần dần sẽ hình thành thói quen và rồi trở thành một phần của con người mình – một phần trong văn hóa ứng xử đầy tinh tế, nhuần nhị của người phụ nữ Việt Nam công dung ngôn hạnh.