VĂN HÓA

Ganh đua mua sắm lợi hay hại?

Quyên Hà • 01-11-2020 • Lượt xem: 2999
Ganh đua mua sắm lợi hay hại?

Bạn cho rằng mình có toàn quyền ra quyết định mua sắm cho bản thân? Điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Theo kết quả của một nghiên cứu mới nhất, áp lực đồng trang lứa có sức ảnh hưởng lớn đến không ngờ lên mọi quyết định của chúng ta, thôi thúc ta mua những thứ mà chúng ta vốn không hề quan tâm.

Nghiên cứu thực hiện bởi Pedro Gardete, một chuyên gia marketing tại Đại học Stanford, tập trung vào các hành vi trên máy bay của hành khách.

Phóng viên của tờ Washington Post, Jeff Guo đã viết một bài phân tích cho nghiên cứu này để bàn luận về ý nghĩa của nó.

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều phải ngạc nhiên với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của kết quả này”, Guo nói.

Gardete nhận ra rằng nếu ai đó ngồi cạnh bạn trên máy bay mua thứ gì đó, bất cứ thứ gì như đồ uống, đồ ăn vặt hay quà lưu niệm, khả năng bạn cũng sẽ mua thứ gì tương tự tăng lên tới 30%.

 Dù muốn hay không, kết quả của nghiên cứu này buộc chúng ta có cái nhìn khiêm tốn hơn về ảnh hưởng của những tác động bên ngoài lên quá trình ra quyết định của bản thân.

Chúng ta thích nghĩ rằng chúng ta là những cá tính độc lập, có khả năng kiểm soát tối đa hành vi của bản thân mình. Nhưng nghiên cứu này gợi ý rằng sức mạnh của sự tương đồng và của những “gợi ý”, những thứ chúng ta vốn nghĩ chẳng thể ảnh hưởng tới mình, là không thể coi thường.

Pedro Gardete đã nghiên cứu dữ liệu bán hàng của 65.525 sản phẩm bán được trên 1.966 chuyến bay cho 257.000 hành khách.

Pedro nghiên cứu chỗ ngồi của những hành khách ra quyết định mua sắm trên máy bay. Kết quả là, nếu ai đó ngồi bên cạnh bạn mua đồ ăn vặt, Gardete muốn xem liệu có khả năng bạn cũng sẽ mua nó hay không.

Trong những nghiên cứu này, người ngồi ngay phía trước bạn sẽ là đối tượng điều khiển. Vì những quyết định mua sắm được đưa ra trên màn hình cảm ứng phía trước mặt họ, bạn cũng sẽ nhìn thấy họ đang mua gì trên màn hình đó. Và nếu bạn quyết định mua gì đó vì thấy họ đã làm như vậy, có nhiều khả năng đó chính là áp lực đồng trang lứa.

Thông thường thì khả năng hành khách mua sắm trên máy bay rơi vào khoảng 15 – 16% trong tổng số lần bay. Nhưng nếu bạn thấy ai đó ngồi cạnh mình mua gì đó, khả năng bạn cũng sẽ mua tăng lên tới 30%.

Áp lực đồng trang lứa hay “peer pressure” vốn thường được hiểu là chỉ tác động lên thanh thiếu niên và giới trẻ. Tuy nhiên, giờ đây nó ngày càng tác động nhiều hơn lên quyết định của tất cả mọi người, trong mọi độ tuổi, mọi hoàn cảnh xã hội, trong mọi mặt cuộc sống.

 Đặc biệt là trong những quyết định mua sắm. Chúng ta thường cảm thấy mình cần theo kịp những công nghệ hiện đại nhất, theo kịp những hình ảnh cuộc sống hoàn hảo khiến chúng ta cảm thấy choáng ngợp trên mạng xã hội.

Vô tình, chúng ta để nó điều khiển cách mình tiêu xài những đồng tiền quý giá mà mình đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới kiếm được.

Thuốc lá

Dù cho có bao nhiêu lời cảnh báo “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” hay “Hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi” in trực tiếp lên mặt trước của bao bì, với cả hình ảnh lá phổi hư hại, thật khó tin nó vẫn là một trong những thói quen phổ biến trong xã hội.

Thanh thiếu niên là bộ phận khách hàng không nhỏ của thị trường này. Đó cũng chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi áp lực đồng trang lứa.

Ở lứa tuổi của các em, suy nghĩ phổ biến vẫn còn coi thường sức khỏe, cho rằng tuổi trẻ không có gì ngoài sức khỏe nên thường coi thường những hậu quả chưa hiển hiện ngay tức thời của thuốc lá.

Điều lứa tuổi này quan tâm là ham muốn tạo nên hình ảnh hấp dẫn, được cho là sành điệu, phong cách hoặc đơn giản hút thuốc như một cách thể hiện sự nổi loạn.

Chiến lược quảng cáo của các công ty thuốc lá chủ yếu dựa vào những thực tế này. Hút thuốc là một thói quen khó bỏ, nên khi bắt đầu hút từ tuổi thanh thiếu niên, các em có xu hướng giữ thói quen này đến tận khi trưởng thành và mãi về sau.

Nhưng mặt khác, áp lực đồng trang lứa cũng có tác động ngược lại, vì nhiều người bỏ thuốc cũng nhờ có áp lực này.

Điện thoại di dộng

Thiết bị công nghệ và đồ chơi công nghệ xuất hiện ngày một nhiều và dường như luôn trên đà thay đổi liên tục không ngừng nghỉ.

Xu hướng dùng đồ công nghệ cao mạnh mẽ tới mức, dường như mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại đều có thể cảm nhận rõ áp lực phải theo kịp những thay đổi này.

Khao khát sở hữu điện thoại di dộng đang khiến mỗi chúng ta liên lục kiểm tra điện thoại từng giờ từng phút, sợ bỏ lỡ từng thông báo mới trên Facebook, email, Instagram, Twitter và hàng tá các ứng dụng điện thoại khác.

Một chiếc điện thoại với chức năng nghe gọi cơ bản giờ đây thật khó gặp, mặc dù các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người không thực sự sử dụng hết những ứng dụng mà họ tải về.

Dù vậy, con người chúng ta giờ đây phụ thuộc vào điện thoại thông minh quá nhiều, chúng ta ở bên chúng nhiều hơn bất cứ người quan trọng nào khác trong đời mình.

Giờ đây chúng ta có thể giơ điện thoại lên chụp hình bất cứ lúc nào mình muốn và lập tức đăng tải chúng lên trang cá nhân. Bạn có nghĩ rằng mình chỉ vô tình làm vậy, hay thực ra áp lực so sánh cuộc sống của mình với người khác và những gì họ thể hiện trên trang cá nhân của họ đang đè nặng lên bạn?

Rượu         

Cũng như thuốc lá, rất nhiều người trong chúng ta bắt đầu có thói quen tiêu thụ đồ uống có cồn từ tuổi thanh thiếu niên.

Giới trẻ với khao khát hòa nhập, khao khát được bằng bạn bằng bè hoặc thể hiện mình không phải kẻ mờ nhạt thường uống rượu bia để thể hiện sự trưởng thành của mình.

Và cũng như thuốc lá, đôi khi rượu bia là cách bọn trẻ dùng để chống đối lại cha mẹ và thể hiện thái độ bất mãn với cuộc đời.

Nhưng một lần nữa, áp lực đồng trang lứa không chỉ tác động đến lứa tuổi thanh thiếu niên.

Văn hóa làm việc của các nước Á Đông luôn coi việc giao lưu trên bàn nhậu là một phần của công việc.

Và giới trẻ thì luôn cảm thấy áp lực phải thể hiện “tửu lượng” của mình trong các quán bar và vũ trường, nếu có đi chơi hay giao lưu với đồng nghiệp.

Nhưng ai cũng biết tác hại của rượu bia lên sức khỏe con người, chúng phá hủy các cơ quan nội tạng và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Hãy có chừng mực, đừng vì áp lực phải hòa nhập, thể hiện hay cả nể mà hi sinh sức khỏe và có khi là tính mạng của chính bản thân và những người thân yêu.

Xe hơi

Dù cho bạn đang tiết kiệm để mua cho mình một chiếc xe hơi đã qua sử dụng hay một chiếc xe hạng sang bóng loáng, xe hơi dường như đã không còn đơn giản chỉ là một phương tiện di chuyển che nắng che mưa.

Với các chiến dịch quảng cáo đầy tính toán, các thương hiệu xe hơi đã bơm vào đầu khách hàng hình ảnh của việc sở hữu những chiếc xe như hiện thân của việc sở hữu sự tự do của một lối sống cao cấp.

Liệu có mấy ai nghĩ đến xe hơi như giải pháp cho quãng đường đi làm xa hay sự tiện lợi khi trời nắng trời mưa. Chúng ta luôn mường tượng hình ảnh mình trong những bộ đồ sang trọng, đeo kính đen và đặt đôi bàn tay quyền lực lên vô lăng của một chiếc xe đang di chuyển trong sự trầm trồ của tất cả mọi người.

Nếu đang có ý định làm việc quá giờ tại văn phòng và chắt bóp hết sức trong chi tiêu và sinh hoạt để trả góp cho một chiếc xe hơi, hơn ai hết bạn cần ngồi lại với chính mình để xem chính xác thì điều gì đang điều khiển quyết định mua xe của bạn. Liệu đó có phải là vì bạn bè của bạn đều đã có xe hơi hết rồi không?

Theo Huffpost & Forbes