VĂN HÓA

Gen Z nghiện mạng xã hội và giải pháp

Hoa Vũ • 03-10-2022 • Lượt xem: 976
Gen Z nghiện mạng xã hội và giải pháp

Khi nền công nghệ 4.0 ngày càng phát triển như hiện nay thì việc dùng mạng xã hội để kết nối và giải trí với nhau ở khắp nơi trên thế giới trở nên dễ dàng. Đặc biệt là thế hệ Gen Z là thế hệ được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ, điều này thì tất nhiên là tích cực nhưng đang dần trở nên tiêu cực khi rơi vào tình trạng “nghiện mạng xã hội” như bây giờ.

Xu hướng hiện nay

Theo thống kê của Bộ y tế Việt Nam, nhiều thanh niên sau khi sử dụng mạng xã hội quá nhiều, đã gây ra ảnh hưởng tâm lý dẫn đến biểu hiện bất bình thường hay quá khích, thậm chí là nhập viện do nghiện mạng xã hội quá đà, hiện tượng tự tử do không chịu được những áp lực số đông trên mạng xã hội ngày càng gia tăng. Theo 1 cuộc khảo sát thì có đến 80% mọi người được hỏi thời gian trong ngày của bạn như thế nào thì họ sẽ thường nói về bản thân khi sử dụng mạng xã hội. Điều này cũng cho thấy, khi bạn nhận được thông tin tích cực nào đó thì bộ não sẽ tiết ra chất gây hưng phấn thích thú có tên khoa học là dopamine.

Càng nhiều các phản ứng tích cực truyền đến bộ não, sẽ có nhiều dopamine được tiết ra, thì hành vi sử dụng mạng xã hội sẽ trở nên thường xuyên hơn, nó gần như được xem là thói quen. Đó cũng là những đặc tính dẫn đến việc nghiện mạng xã hội ở thế hệ gen Z do tiếp xúc với mạng xã hội ở tần suất thường xuyên.

Do nhu cầu thể hiện bản thân

Thông qua việc chụp cộng hưởng từ MRI, kết hợp với một số khảo sát khác, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng, khi con người tự nói về bản thân mình tạo ra cho não bộ của họ cảm giác hài lòng, thông qua đó tạo ra những trải nghiệm thú vị, tương tự như với việc quan hệ tình dục hay ăn uống. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, những đứa trẻ khoảng 9 tháng tuổi thường sẽ có những hành động để gây sự chú ý, để minh được là tâm điểm thu hút của những người thân xung quanh. Như vậy sau khi đã ở tuổi vị thành niên hay thanh niên, con người vẫn muốn cung cấp, hay đưa ra những thông tin về bản thân mình và tự thể hiện hiện cái tôi của mình với những người xung quanh. Theo các chuyên gia tâm lý thì con người sẽ dành 40% thời gian để nói về bản thân, thì hiện nay con số đó đã gấp đôi tức là 80%, vì thông qua những tính năng đặc trưng được tích hợp với mạng xã hội hiện nay.

Giống như việc nghiện chất kích thích khác, việc kích hoạt sự hưng phấn của não bộ thông qua việc tự thể hiện bản thân có thể làm tăng nồng độ dopamine, tạo ra việc sử dụng thời gian quá mức, cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện mạng xã hội ở thế hệ trẻ. Ví dụ một vài trường hợp như: thể hiện qua những hành động, những lời nói gây sốc thông qua mạng xã hội.

Mạng xã hội như vòng kim cô siết chặt lấy Gen Z - Hình minh họa

Nhu cầu kết nối và lệ thuộc

Mạng xã hội đem đến cho những người sử dụng cảm giác được kết nối với bất kỳ ai như bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, những người nổi tiếng hay thậm chí là thần tượng. Nhưng trên thực tế, họ chỉ đang tương tác trên nền tảng được xây dựng với đa dạng nội dung do nhiều người tạo nên. Mạng xã hội là nơi tiếp nhận thông tin, dữ liệu, sau đó tổng hợp lại rồi thể hiện trên giao diện. Đây là không gian tương tác sáng tạo giữa các nội dung mở, mà người dùng tự sáng tạo theo ý muốn và thu hút những người khác tham gia và đem lại lợi nhuận cho các công ty cung cấp dịch vụ đó.

Nhu cầu kết nối và lệ thuộc được thể hiện bằng những lượt like, "thả tim", các biểu tượng cảm xúc, comment hay bình luận, chia sẻ, kết bạn... Phổ biến là việc khuyến khích người dùng đăng nội dung thường xuyên và có tính lan truyền nhanh. Còn không, vô số những bài viết mới được cập nhật trên bản tin nhanh trên giao diện, và điều này sẽ khiến cho những bài đăng của chúng ta bị lãng quên một cách nhanh chóng.

Việc kết nối người dùng với nhau, mạng xã hội còn đưa ra tính năng “tag”- gắn tên người dùng khác để nhận thông báo khi ai đó nhắc đến trong bài viết hay comment và “hagtag” – để nhắc đến nội dung có liên quan. Việc này sẽ thu hút và lôi kéo những “con nghiện” cùng nhau bàn luận về những nội dung hay một vấn đề gì đó mà tất cả đều quan tâm, biến nơi đây thành “ngôi nhà chung” cho những người có quan điểm giống nhau hay liên quan đến để lệ thuộc vào đó.

Tạo ra tâm lý đánh bạc

Nếu ví mạng xã hội như một “sòng bạc” thì “người đánh bạc” sẽ là những người đang sử dụng, bởi vì họ có nhiệm vụ sáng tạo ra nội dung và đăng lên mỗi ngày. Ai cũng mong muốn rằng những nội dung, hình ảnh của mình khi được đăng tải lên sẽ có nhiều lượt like, share, comment về sự đồng tình. Như vậy họ sẽ phải lên kế hoạch, tính toán xem nên viết gì để vừa lòng cũng như gây được sự chú ý với cộng đồng mạng, nhưng lại không biết kết quả như thế nào giống như mỗi ván bài. Mặc dù đầu tư rất chỉn chu về mặt nội dung bài viết, nhưng họ lại chỉ nhận được sự thờ ơ hay đôi khi là sự phẫn nộ từ cư dân mạng.

Thêm nữa, các sòng bạc thường tìm cách khiến cho người chơi quên đi ý thức về thời gian và lao vào cuộc chơi đen đỏ. Người chơi giảm bớt ánh sáng mặt trời vào trong phòng, không có cửa sổ, đồng hồ, và liên tục phục vụ đồ ăn thức uống. Giống như việc, mạng xã hội khiến cho người sử dụng liên tục dán mắt vào màn hình điện thoại bởi nỗi sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó. Mặt khác người dùng tìm đến mạng xã hội để có được cảm giác chạy trốn thực tại, rời xa bữa ăn cô độc, vấn đề trục trặc trong những mối quan hệ và công việc,...

Hội chứng fomo mang tâm lý sợ thua kém

Hội chứng fomo (Fear Of Missing Out), là hội chứng tâm lý luôn lo lắng rằng mình sẽ bỏ lỡ những trải nghiệm, những sự kiện quan trọng, sẽ bị bỏ rơi hay đánh mất cơ hội khi phải chứng kiến thành tựu của người khác. Nhưng thực tế fomo dẫn đến những hậu quả khó lường, hay thậm chí là trầm cảm và tự tử.

Như những thống kê gần đây có 56% người dùng mạng xã hội mắc hội chứng này và nó sẽ tiếp tục tăng lên với lượng phủ sóng của các trang mạng xã hội.

Tâm lý chung thì thường muốn cho người khác thấy những điều tốt đẹp của bản thân người dùng, nên không ngần ngại mà liên tục nâng cấp những gì bản thân có. Sự đố kỵ cũng bắt đầu hình thành và lây lan thông qua các nền tảng khác nhau.

Các câu hỏi tự vấn liên tục xuất hiện trong đầu, cùng những cố gắng để đạt được nhiều thành tựu giống người khác khiến con người trở nên mệt mỏi, căng thẳng và có những quyết định sai lầm.

Chưa kể đến, ở những lần đăng tải về cuộc sống lên mạng xã hội, lại bắt đầu có tâm lý bất an khi sợ ai đã sẽ phán xét và có những suy nghĩ về mình. Hay là khi không có bất kỳ ai vào tương tác ta lại sợ việc bản thân đang bị bỏ rơi. Những suy nghĩ tiêu cực được hình thành, khiến ta thiếu tập trung vào công việc và học tập, tâm trạng trở nên xuống dốc, năng suất làm việc sẽ không được hiệu quả.

Giải pháp để dừng lại việc nghiện mạng xã hội ở thế hệ trẻ:

Giới hạn thời gian sử dụng

Để không bị phụ thuộc vào mạng xã hội cách tốt nhất là giới hạn thời gian sử dụng. Bạn chỉ cần 20 - 30phút vào thời gian nghỉ ngơi cho mạng xã hội thay vì vào một cách mất kiểm soát. Nên chia thời gian sử dụng để giảm bớt thời gian dùng mạng xã hội. Ví dụ như bạn chỉ dùng mạng xã hội trong thời gian rảnh hay chọn các tương tác với người thật hơn là tương tác ảo.

Bạn cũng không nên ép bản thân mình không sử dụng mạng xã hội trong thời gian dài vì như vậy chỉ gây ức chế tâm lý và không giải quyết được gì.

Tắt thông báo

Yếu tố quan trọng khiến Gen Z nghiện mạng xã hội là thích cập nhật tin tức liên tục. Vậy nên cách tốt nhất để giảm chứng nghiện mạng xã hội là tắt tất cả các tính năng chuông thông báo từ mạng xã hội.

Như vậy, bạn sẽ không bị cuốn vào âm thanh thông báo khi đang tập trung làm việc. Như thế, bạn cũng dễ tập trung vào công việc và hoàn thành nhanh hơn, cũng như vậy sẽ bớt đi tính trì hoãn và chần chừ.

Xây dựng các mối quan hệ thực

Đôi lúc  bạn rất muốn từ bỏ mạng xã hội nhưng đây là nơi duy nhất dành cho bạn những lúc cô đơn. Vậy thì hãy tìm kiếm những người mà bạn tin tưởng nhất để tâm sự mỗi khi bạn gặp bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống.

Để duy trì các mối quan hệ xã hội thực tế, bạn hãy cởi mở với những người xung quanh mình. Bạn cũng có thể tìm cách tham gia một câu lạc bộ, diễn đàn, hoạt động tình nguyện, tập gym…

Để “cai nghiện” mạng xã hội thành công việc bạn cần làm là chăm sóc cho bản thân mình, để ý tới những người thân xung quanh và xây dựng các mối quan hệ ở ngoài thực tế. Khi bạn cảm thấy hài lòng cũng như đã xây dựng được những mối quan hệ tốt với chính mình và những người xung quanh thì việc bạn thể hiện mình qua “thế giới ảo” là không cần thiết nữa.