Duyên Dáng Việt Nam

Giải pháp đột phá trong tái chế rác thải nhựa

Kim Ngân • 13-04-2020 • Lượt xem: 1249
Giải pháp đột phá trong tái chế rác thải nhựa

Công ty Carbios (Pháp), chuyên về hóa học xanh vừa nghiên cứu một loại enzym đột biến có thể phân hủy các chai nhựa trong thời gian ngắn để tái chế thành một loại nhựa mới chất lượng cao. Nếu được ứng dụng thành công, đây sẽ là giải pháp đột phá cho hàng tỷ tấn rác thải nhựa đang đe dọa sự sống trên khắp Trái đất.

Tin, bài liên quan:

Cá voi chết vì... rác thải nhựa?

Rác thải nhựa Thái Bình Dương sẽ được tái chế thành sản phẩm sinh hoạt

Rác trên đỉnh Everest thành ly tách trong... khách sạn 5 sao

Kết quả nghiên cứu được công bố trên Nature, một tạp chí khoa học uy tín. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã sàng lọc 100.000 vi sinh vật trong các loại phân hữu cơ và phát hiện ra loại bọ có trong phân hữu cơ được ủ từ lá cây tạo ra enzyme tốt nhất.

Nhựa PET thường được dùng làm chai đựng ước

Theo Giáo sư Alain Marty (Đại học Toulouse, Pháp), Giám đốc khoa học của Carbios, loại bọ này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012. Tuy nhiên, chúng bị bỏ quên trong thời gian qua. 
Các nhà khoa học đã phân tích và tạo ra các đột biến trong loại enzym này để tăng khả năng phân hủy nhựa PET, loại nhựa chuyên dùng sản xuất các chai đựng nước. Chỉ sau 10 giờ thử nghiệm với 1 tấn chai nhựa, enzym đột biến này đã phân hủy đến 90% khối lượng nhựa (với nồng độ 3mg enzym/1gr PET). 
Đặc biệt, vật liệu sau khi phân hủy này có chất lượng đủ để sản xuất ra chai, hộp nhựa đựng thực phẩm. Những công nghệ tái chế hiện tại chỉ tạo ra các loại nhựa phù hợp sản xuất quần áo và thảm. 

Phòng nghiên cứu enzym của công ty Carbios (Pháp)

Theo nghiên cứu công bố trên Nature, mỗi năm có 359 triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới. Trong đó, có gần 70 triệu tấn nhựa PET được sử dụng trong dệt may và đóng gói. Đây là loại nhựa cực kỳ khó thủy phân. 

Các nhà khoa học của Carbios đã tìm ra enzym tái chế nhựa với độ tinh khiết lên đến 99%

Rác thải nhựa xuất hiện tràn lan từ Bắc Cực đến đáy các đại dương vốn là vấn đề gây đau đầu các nhà chính trị, hoạt động môi trường khi đe dọa sức khỏe của con người và sinh vật biển. 
Nhiều chiến dịch kêu gọi hạn chế dùng đồ nhựa nhưng vẫn chưa khả quan do nhựa là một vật liệu quan trọng trong đời sống cũng như sản xuất của con người và chưa có vật liệu khác tốt hơn, tiện dụng hơn để thay thế. 

Bãi rác thải nhựa chờ tái chế tại Ấn Độ

Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng việc tái chế nhựa bằng enzyme là một giải pháp đột phá, không chỉ cắt giảm lượng khí carbon từ việc đốt rác thải nhựa mà còn khuyến khích hoạt động thu gom vật dụng nhựa trong môi trường. 
Ông Martin Stephan, Phó giám đốc điều hành tại Carbios cho biết, chi phí của enzyme đột biến này chỉ bằng 4% chi phí nhựa nguyên chất. Tuy nhiên, trước khi phân hủy bằng enzyme, nhựa phải được nghiền và làm nóng do đó, nhựa PET tái chế sẽ đắt hơn nhựa nguyên chất. Nhưng nhựa tái chế chất lượng thấp hơn hiện có giá cao do thiếu nguồn cung.

Công nghệ hiện tại chỉ tái chế nhựa để sản xuất quần áo, thảm

Hiện tại, Carbios đang hợp tác với các công ty lớn trong lĩnh vực nước giải khát và mỹ phẩm để đẩy mạnh việc sản xuất loại nhựa tái chế này. 
Công nghệ tái chế này từng được một nhóm nghiên cứu Trường đại học Portsmouth (Anh) thực hiện vào năm 2018. Tuy nhiên, Carbios là công ty đầu tiên đưa công nghệ này ra thị trường. Công ty này đặt mục tiêu sản xuất nhựa PET tái chế với quy mô lớn trong 5 năm tới.

(Theo Guardian)