VĂN HÓA

Gợi ý đặt tên hay cho con theo cổ mỹ từ Việt (Phần 1)

Tam Nguyên • 29-08-2023 • Lượt xem: 4209
Gợi ý đặt tên hay cho con theo cổ mỹ từ Việt (Phần 1)

Cổ mỹ từ là loạt bài tập hợp những từ có sắc thái cổ nôm, mang phong cách cổ điển và tượng trưng cho những giá trị đẹp và thanh khiết trong tiếng Việt.

Với ý nghĩa trên, khi cổ mỹ từ được sử dụng để đặt tên cho con trẻ ngụ ý sự gửi gắm của cha mẹ cho con mình một phần nào đó của sự thanh bình, vẻ đẹp tinh tế và giá trị văn hóa truyền thống.

Bích Giản

“Bích Giản”, chữ Hán viết là 碧澗, trong đó “Bích” là màu xanh biếc, như “xuân thảo bích sắc” là cỏ xuân màu xanh biếc; “Giản” là khe suối, khe nước trên núi, dòng nước chảy giữa hai quả núi. Bài “Tiên Du tự” của Nguyễn Trãi có câu: “Hoa lạc giản lưu hương” nghĩa là hoa rụng xuống làm cho dòng suối thơm.

“Bích giản” nghĩa là khe suối biếc, khe nước biếc. Bài “Chu trung ngẫu vịnh” của Phan Huy Chú có câu:

Thương nhai bích giản thiên trùng lộ,

Lưu thủy đào hoa nhị nguyệt thiên.

Chi Lan

“Chi lan”, chữ Hán viết là 芝蘭, nghĩa gốc vốn là cỏ chi và cỏ lan, hai loài cây cỏ có hương thơm, được xem là quý, xưa thường dùng để ví người quân tử, người thanh nhã, cao quý.“Chi lan” cũng được dùng để chỉ bạn bè, anh em tốt, có sức ảnh hưởng tốt, mình ở gần cũng được tốt lây, như ở gần cỏ chi và cỏ lan thì được thơm lây.

Dật Lạc

“Dật Lạc”, chữ Hán viết là 逸樂, trong đó “Dật” là nhàn hạ, yên vui, thong thả, cũng có nghĩa là ở ẩn, thường dùng trong các trường hợp “ẩn dật”, “dật sĩ” tức người ở ẩn; “Lạc” là vui, vui thích, vui mừng, vui sướng, thường dùng trong các trường hợp “cực lạc”, “hoan lạc”, “lạc quan”.

“Dật lạc” nghĩa chung là thong thả vui vẻ, nhàn hạ vui sướng, thường dùng để chỉ cuộc sống vui thú thanh nhàn, không tranh hơn thua. Bài phú “Sãi Vãi” của Nguyễn Cư Trinh có câu: 

Chê sự đời phú quý vinh hoa

Muốn vui thú thanh nhàn dật lạc.

Diệu Linh

“Diệu Linh”, chữ Hán viết là 曜靈, trong đó “Diệu” là ánh nắng, mặt trời, mặt trăng và các sao đều gọi là “diệu”; “Linh” là thần, thần linh, là từ chỉ sự diệu kỳ, thần kỳ, thiêng liêng.
“Diệu linh”, là từ dùng để chỉ mặt trời một cách hoa mỹ, thường dùng trong văn thơ.

Trong bài “Thiên Vấn”, Khuất Nguyên viết:

Giác túc vị đán

Diệu linh an tàng?

Du Nhiên

“Du nhiên”, chữ Hán viết là 悠然, trong đó “Du” là xa xôi, lâu dài, nhàn nhã, nhưng cũng có nghĩa là lo lắng, muộn phiền; “Nhiên” là như thế, như vậy, thường dùng chỉ trạng thái, ngoài ra còn có nghĩa là đốt, cháy.

“Du nhiên” có nhiều nét nghĩa, thường được dùng để chỉ dáng vẻ nhàn nhã, thản nhiên, thong dong tự tại, hoặc là xa xôi, xa xăm, dằng dặc và cũng được dùng để tả một niềm hứng thú bất tận, triền miên.

Về nét nghĩa nhàn nhã, thản nhiên, bài “Ký trưởng tử Mai Nham đình thí liên trúng tam nguyên” của Trần Doãn Đạt có câu rằng:

Xử thế y thuỳ năng thiệp thế,

Du nhiên hư kỷ nhất hư chu.

Về nét nghĩa xa xôi, dằng dặc, bài “Chí Linh sơn Phượng Hoàng phong” của Trần Nguyên Đán có câu rằng:

Song Phượng du nhiên vọng yểu minh,

Phượng Hoàng vạn cổ ái phương danh.

Dư Huy

“Dư Huy”, chữ Hán viết là 餘輝, trong đó “Dư” là còn lại, sót lại, còn rớt lại, sắp hết, tàn lưu, như “dư niên” 餘年 là những năm cuối đời; “Huy” là ánh sáng, tia sáng rực rỡ, là chữ “huy” trong “huy hoàng”, “quang huy”.

Trong diễn giải “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, “Dư Huy” được diễn giảng là “bóng mặt trời xế chiều”. Ngoài ra, trong văn chương xưa, “dư huy” còn chỉ ánh trăng, ánh sao còn sót tại. Trong bài “Hiểu Yên” của Thái Thuận thời Lê Sơ có câu:

Ngũ canh tinh đẩu đạm dư huy,

Mạc mạc khinh lưu phất thự phi.

Đông Quân

“Đông Quân”, chữ Hán viết là 東君, nghĩa đen là vị vua ở phương đông, ngụ ý chỉ mặt trời, thần thái dương theo Hán Việt Từ điển Đào Duy Anh.

Trong thơ ca, “đông quân” thường được dùng để chỉ chúa xuân, thần mùa xuân. Ý nói hướng đông thường dùng gắn với mùa xuân, như “đông phong” là gió từ hướng đông thổi đến, tức là gió mùa xuân. Còn “quân” là vị vua, vị chúa tể, nên “đông quân” là chúa xuân.

Trong bài thơ “Ngẫu đề công quán bích kỳ 1” của Nguyễn Du có câu:

Đào hoa mạc trượng đông quân ý,

Bàng hữu phong di tính tối toan.

Tuy việc đặt tên theo cổ mỹ từ có thể mang tính cá nhân, nhưng nó thường thể hiện sự tôn trọng và yêu thương đặc biệt dành cho con cái, đồng thời là một cách thể hiện lòng tự hào về nguồn gốc và văn hóa của đất nước.