VĂN HÓA

Hai tác phẩm tiêu biểu giúp ta học và đọc lại lịch sử

Châu Anh • 15-12-2020 • Lượt xem: 613
Hai tác phẩm tiêu biểu giúp ta học và đọc lại lịch sử

2 quyển sách do NXB Trẻ phát hành: Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể của Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thu; Nhật ký phi công tiêm kích của Trung tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát; là những quyển sách đầy ý nghĩa – nhân dịp Thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22-12. Học và đọc lại lịch sử qua những tư liệu, lời kể quý giá của những người trong cuộc, để hiểu hơn những năm tháng hào hùng, họ đã sống và chiến đấu.

Những quyển sách này là cách để góp phần khơi dậy lòng tự hào, trọng trách của thế hệ sau trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời, chủ quyền lãnh thổ và biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? – Những chuyện bây giờ mới kể

Nhiều nhà nghiên cứu, các độc giả trong nước và quốc tế đã đặt ra câu hỏi vì sao có Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không? Vì sao Việt Nam chiến thắng B-52? Có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra như: sự tiên đoán và chỉ đạo tài tình của Bác Hồ và Quân ủy Trung ương; sự vận dụng một cách sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam trong từng trận đánh, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân trên cả nước... 

Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52? Những chuyện bây giờ mới kể giải mã những điều thú vị: chính hình ảnh nhiễu trên màn hiện sóng radar giúp cho kíp trắc thủ chọn chính xác điểm bám sát dải nhiễu; chính radar “cổ lỗ sỉ” K8-60 đã vạch mặt B-52; chính bộ đội phòng không Việt Nam đã phát minh ra phương pháp bắn 3 điểm, cải tiến kỹ thuật cho tên lửa SAM-2 để chống nhiễu mục tiêu và rãnh đạn tên lửa... Sách chỉ ra những tính năng của B-52 mà người Mỹ cho là “bất khả xâm phạm” đã bị Việt Nam biến thành “tử huyệt” trên bầu trời Hà Nội; điều luyến tiếc của tác giả về việc tên lửa SAM-3 chưa kịp tham chiến ngay trong năm 1972; và lý giải tại sao có nhầm lẫn về việc nối tầng cho tên lửa SAM-2 đánh B-52 trong dư luận... 

Là người trực tiếp tham gia chiến đấu và chứng kiến, có điều kiện tiếp cận nhiều nguồn thông tin có giá trị, Trung tướng, Phó giáo sư, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thu, bằng tâm huyết, kiến thức chuyên môn sâu, thông qua cuốn sách này đã mang đến một số câu chuyện và vấn đề có liên quan đến cuộc chiến B-52. “ Là người được chứng kiến, tham gia vào chiến dịch đánh thắng B-52, tôi cố gắng theo khả năng của mình lược viết về những điều mà mình cảm thấy thấm thía nhất, về những cố gắng của phía Việt Nam. Chắc chắn là tôi chỉ nói về những khía cạnh mà mình am tường nhất thôi".

Cuốn sách thêm một lần nữa lý giải, trả lời những câu hỏi nên trên dưới góc độ khoa học. Đồng thời, làm nổi bật ý chí, trí tuệ của quân và dân ta, nhất là của Bộ đội Phòng không – Không quân trên mặt trận đối không trong chiến thắng vĩ đại, mang tầm vóc lịch sử Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Riêng cuốn sách Cuộc đối đầu không cân sức của ông, cũng được NXB trẻ tái bản trong dịp này.

Nhật ký Phi công tiêm kích

Cuốn sách là những ghi chép của Trung tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát suốt 7 năm 1966-1972.

"Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi mới 27 tuổi. Chuyện của một người nhưng đọc lên sẽ thấy tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc chiến đấu khốc liệt, không cân sức với Không quân Mỹ hùng mạnh; thấy được những chiến công oanh liệt cũng như tổn thất không gì bù đắp nổi của chiến tranh; thấy được cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp...".

Nguyễn Đức Soát bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20/3/1966, sau khi sang Liên Xô được 8 tháng và viết đều từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu và ngừng lại ở ngày 31/12/1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Nhật ký là những suy nghĩ riêng tư, là sự trải lòng trước diễn biến của thời cuộc của cậu học sinh vừa tốt nghiệp phổ thông, của một học viên chập chững bay trên không trung, của một phi công mới được đi canh trời còn đầy bỡ ngỡ.

Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của Nguyễn Đức Soát đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thửa ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc; thấy được lòng ham mê và quyết tâm nắm chắc kỹ thuật bay để được tham gia chiến đấu; thấy được cả những chiến công oanh liệt và những tổn thất không gì bù đắp của cả một lớp phi công trẻ tuổi vừa rời ghế nhà trường phổ thông., giảng đường đại học…

Để hoàn thành từ nhật ký sang cuốn sách, tác giả đã viết thêm các lời dẫn trước mỗi giai đoạn, nhằm để bạn đọc dễ tiếp cận các sự kiện. Đồng thời cũng bổ sung một số thông tin vào sau một số trang nhật ký nhằm làm rõ hơn về những phi công chiến đấu quả cảm mà hành động của họ thực sự là những gương sáng để các thế hệ sau noi theo.