80% tổ chim trên đảo Lady, một hòn đảo xa xôi ở phía tây Scotland có chứa bao bì và các mảnh vụn nhựa khác, tiềm tàng nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quần thể chim biển.
Tin, bài liên quan:
Giải pháp đột phá trong tái chế rác thải nhựa
Cá voi chết vì... rác thải nhựa?
Rác thải nhựa Thái Bình Dương sẽ được tái chế thành sản phẩm sinh hoạt
Theo khảo sát được Đại học Glasgow thực hiện vào giữa năm 2018, các nhà nghiên cứu phát hiện nhựa trong tổ của 5 loài chim trên đảo Lady. Tương tự 35,6% tổ chim mòng biển cá trích và 53,5% tổ mòng biển lưng đen lớn có chứa nhựa. Cá biệt, có đến hơn 80% tổ chim cốc châu Âu bị nhiễm rác thải nhựa.
Tổng cộng, gần 40% số tổ chim được khảo sát trên Lady Isle có chứa nhựa, với số lượng khác nhau giữa các loài.
Chim cốc châu Âu trên đảo Lady. Đây là loài có tỷ lệ tổ nhiễm rác thải nhựa cao nhất
Nhựa trong các tổ chim chủ yếu đến từ chất thải của người tiêu dùng như chai lọ và bao bì thực phẩm vứt đi. Các nhà nghiên cứu cho biết chúng được “vận chuyển” đến các tổ chim bởi dòng chảy mạnh của nước biển chứ không phải do các loài chim tha về.
Tiến sĩ Ruedi Nager, một nhà sinh thái học chim biển và giảng viên cao cấp tại Đại học Glasgow khẳng định: "Nhựa xuất hiện trong tổ chim biển, không phải vì chim biển chủ động nhặt chúng về tổ, mà chúng được đưa đến đó một cách thụ động bởi các dòng hải lưu".
Lady Isle là một hòn đảo nhỏ, không có người ở, trong vùng Firth of Clyde, Scotland. Trong nhiều năm, nó được cho thuê như một khu bảo tồn chim với đài quan sát chim do Hiệp hội bảo vệ chim hoang dã Scotland điều hành. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.597 tổ chim trên đảo, với 5 loài: mòng biển cá trích châu Âu, Mòng biển lưng đen, Hải âu lưng đen, chim cốc châu Âu (Shags) và chim cốc đế (Phalacrocorax carbowhile).
Trong đó có 625 tổ chim chứa một số nhựa, gồm các tấm, sợi, mảnh cứng và tổng hợp bọt, có màu từ trong suốt đến màu hồng.
Rác thải nhựa có thể ảnh hưởng cấu trúc tổ, gây bất lợi cho trứng và chim non
Nghiên cứu cho thấy nhựa được dạt vào bờ từ Ayrshire, phía Tây Nam Scotland, bao gồm các thị trấn của Prestwick, Troon và Ayr. Khi dạt vào Lady Isle, chúng được đưa vào tổ chim bằng nhiều cách thức, trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến chất lượng cấu trúc tổ, gây bất lợi cho trứng và chim non.
Trong số các loài được khảo sát, tổ của 2 loài ít bị nhiễm rác thải nhựa nhất là chim cốc đế (24,8%) và chim mòng biển lưng đen (25%).
Sự khác biệt giữa tỷ lệ nhựa trong tổ của chim cốc châu Âu (80%) và mòng biển cá trích có thể là do hành vi xây dựng tổ khác nhau của chúng. Bởi vì chim cốc tái sử dụng tổ của chúng hàng năm nên tỷ lệ nhựa trong tổ nhiều hơn do có thể tích tụ theo thời gian. Trong khi đó, mòng biển làm tổ mới hàng năm nên vật liệu và địa điểm có thể thay đổi.
Danni Thompson, một nhà nghiên cứu tình nguyện đã quan sát kỹ hơn về chim mòng biển cá trích, loài sinh vật phong phú nhất làm tổ trên đảo Lady. Cô cho biết: "Những con mòng biển cá trích thường tìm thức ăn trong bãi rác, chúng tôi muốn xem liệu chúng có nuốt nhựa trong khi ăn và sau đó mang nó trở lại tổ hay không”. Trong tổ chim mòng biển chủ yếu là những tấm nhựa màu trắng, trong hoặc xanh tím.
Nghiên cứu cũng lập bản đồ tất cả các tổ trên Lady Isle để xem liệu các tổ nhiễm rác thải nhựa có phân bố đều trên đảo không và nhận ra các tổ ở phía bắc của hòn đảo, gần với thủy triều rút ra từ đất liền có nhiều khả năng chứa nhựa. Điều này khẳng định nhựa từ đất liền trôi ra biển và bị dạt vào đảo.
Mòng biển cá trích châu Âu trên đảo Lady
Ngoài ra, trong các tổ chim còn có nhựa từ một số thực phẩm bị thoái hóa, cho thấy nhựa trong tổ đến bằng nhiều cách thức khác nhau. Các nhà khoa học cho biết cần nghiên cứu thêm để xác định xem sự hiện diện của nhựa trong tổ có ảnh hưởng đến quần thể chim biển hay không.
Việc xác định các nguồn nhựa tiềm năng có thể giúp các nhà bảo tồn lên kế hoạch hành động như làm sạch bãi biển nhằm giảm tác động lên chim. Thời gian này, chim biển đang xây lại tổ đúng thời điểm các nước đang phong tỏa vì Covid-19, bờ biển yên tĩnh hơn, điều đó có nghĩa là chất thải nhựa ít hơn.
Tiến sĩ Nager nói thêm: "Sẽ rất thú vị khi xem những tổ chim biển được xây bằng những gì trong mùa này”.
(Theo Daily Mail)