Qua "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ", tác giả Nguyễn Quang Diệu đã mang đến cái nhìn mới về những sự kiện, bối cảnh, con người… tại vùng đất này một cách khác lạ và đầy độc đáo.
Lịch sử Nam Kỳ không phải là đề tài mới để các tác giả có thể khai thác. Trong các năm qua, nhiều tác phẩm nghiên cứu về đề tài này trong và ngoài nước đã được giới thiệu. Bản thân Nguyễn Quang Diệu là một biên tập viên chuyên mảng lịch sử Việt Nam, nên vốn kiến thức có phần bao quát và luôn cập nhật của anh khiến tác phẩm này trở nên mới mẻ và không trùng lặp với các công trình ra mắt trước đó.
Sử dụng tư liệu từ rất nhiều nguồn, có thể kể đến như những nghiên cứu mà bản thân anh đã làm việc qua, các cuốn hồi ký của các nhân vật lịch sử quan trọng đến từ phía Pháp cũng như rất nhiều tư liệu đang được lưu trữ tại thư viện nước này chưa được dịch thuật… Vì vậy tác phẩm lần này có được tiếng nói đa thanh, không chỉ từ khía cạnh sử Việt mà còn là từ phía Pháp. Ngoài ra cuốn sách cũng đính kèm theo nhiều bức tranh quý, có giá trị lịch sử - nghệ thuật chưa từng được biết đến về vùng Nam Kỳ cuối thế kỷ 19.
Lướt qua hơn 100 năm lịch sử, từ khi Nguyễn Ánh ẩn náu ở Gia Định trước quân Tây Sơn, đến giai đoạn 1929 – 1933 khủng hoảng kinh tế, Nguyễn Quang Diệu chọn cách tiếp cận phi tuyến, gián đoạn và chắt lọc ra những điểm quan trọng vẫn còn khuất tất trong dòng lịch sử. Tuy có phần nào cục bộ, thế nhưng tác phẩm có được lợi thế khai thác những khía cạnh mới, so với những gì quen thuộc đã xuất hiện trước đó trong dòng lịch sử.
Vì vậy ở đây ta sẽ thấy được vì sao Lê Văn Duyệt luôn là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo tác giả, ông là vị quan luôn đứng về phía người dân và quan tâm đến nỗi khốn khổ của họ. Ông có xu hướng trọng dụng người tài mà không quan tâm đến nguồn gốc xuất thân, phần nào giống vua Gia Long. Trong suốt thời gian phụng sự, ông đã đánh dẹp và phủ dụ người Man ở Quảng Ngãi, cai quản rất tốt vùng đất Gia Định, đánh dẹp loạn quân Chân Lạp, bảo hộ Chân Lạp, cũng như sử dụng uy danh của mình trong quan hệ với Xiêm La…
Tuy vậy đồng tình với sử gia Choi Byung Wook – tác giả của công trình "Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (1820 – 1841)", Nguyễn Quang Diệu cho rằng chính vì e ngại “để những võ quan có ảnh hưởng ở quá gần trung tâm quyền lực là mối đe dọa với các triều thần”, mà vua Minh Mạng dần dần xem ông là mối đe dọa với chính quyền trung ương, dẫn đến từng bước tiến hành kiểm soát quyền lực của ông.
Điều này cho thấy một góc nhìn mới về nhân vật lịch sử này, từ đó góp thêm thông điệp cần phải nhìn nhận một cách đa chiều về các sự thật vẫn còn khuất lấp sau lớp sương mù lịch sử. Ngoài nhân vật lịch sử này, Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ cũng tập trung hơn vào nửa sau thế kỷ 19, khi khu vực Đông Á nói chung và nước Đại Nam nói riêng phải đối diện với họa Tây xâm.
Tại đây Nguyễn Quang Diệu cũng cho thấy được một ý quan trọng về dụng ý của Pháp trong giai đoạn đầu. Theo đó việc nổ súng tấn công vịnh Đà Nẵng năm 1858 luôn được gán ghép cho mưu đồ mở rộng thuộc địa của nơi mẫu quốc. Thế nhưng ông đã cho thấy hóa ra vua Napoleon III không có ý định nói trên. Điều đó đã được chứng minh trong việc giằng dai ký kết Hòa ước Aubaret, thỏa thuận trả lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ để đổi lấy hiện kim, như Anh trả lại Quảng Đông cho phía Trung Quốc.
Cũng chung luồng tư duy này là Milton Osborne trong cuốn "Con đường thủy vào Trung Hoa". Ở đó tác giả người Úc viết rằng: “Lịch sử bàn cờ chính trị Pháp từ đầu thế kỷ 19 thường xuyên cho thấy các chính phủ kế tiếp nhau không sẵn sàng góp sức phát triển các mô hình thương mại ở xa”. Vì vậy khi Louis Napoleon lên nắm quyền năm 1848, thì việc mở rộng phạm vi hoạt động ở phương Đông bắt nguồn từ nhiều lý do hơn duy nhất việc bành trướng quyền lực.
Ngoài những sự kiện lịch sử nói trên, tác phẩm còn nói nhiều hơn về những chuyển biến quan trọng của Sài Gòn, như việc trở thành “cái nôi” của báo chí Việt Nam buổi ban đầu, làn sóng di cư đổ về Sài Gòn giai đoạn 1923 – 1926 với giới tri thức dùng chính ngòi bút để đấu tranh chống lại chính quyền thực dân, cũng như giai đoạn khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933, nơi cư dân Sài Gòn đã giúp đỡ nhau bằng tinh thần hào sảng, sẻ chia trách nhiệm cộng đồng… từ đó giúp nhau vượt qua khó khăn.
Một nỗ lực khác của tác phẩm này cũng là lần theo những công trình biểu tượng một thời, như phòng tuyến chùa rồi sẽ trở thành thành lũy bao quát Sài Gòn vào giai đoạn 1860, từ đó xác định vị trí ngày nay của chùa Khải Tường, chùa Kiểng Phước và chùa Cây Mai… Bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi Đồng II) phục vụ cho quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương cũng được khắc họa với những đặc trưng về kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan đô thị độc đáo giữa lòng Sài Gòn hoa lệ…
Với "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ", tác giả Nguyễn Quang Diệu đã mang đến những lát cắt mới về nhiều sự kiện vẫn còn ẩn tàng sau lớp lịch sử. Từ đó giúp cho người đọc nhìn về lịch sử một cách thận trọng, đa thanh và chính xác hơn. Đây có thể xem là nguồn tư liệu quý và đầy độc đáo cho những độc giả yêu thích lịch sử Nam Kỳ.
Tác giả Nguyễn Quang Diệu (cầm hoa) trong buổi ra mắt sách. Ảnh: Omega Plus Books
Nguyễn Quang Diệu sinh năm 1983, tại Tam Kỳ (Quảng Nam). Anh hiện là biên tập viên mảng sách lịch sử. Trước "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ", anh từng biên soạn và giới thiệu cuốn du ký "Một tháng ở Nam kỳ" của nhà văn hóa Phạm Quỳnh với bút danh Thư Hương vào năm 2018.