VĂN HÓA

Không gian cho Áo dài

Bài và ảnh: Hà Thành • 10-04-2023 • Lượt xem: 864
Không gian cho Áo dài

Không chỉ là nơi lưu giữ, tôn vinh vẻ đẹp và lịch sử của tà áo dài Việt Nam, Bảo tàng Áo dài còn là một không gian văn hóa mang đậm dấu ấn sông nước miền Tây Nam Bộ.

Bảo tàng Áo dài ra đời từ ý tưởng và sự công phu kiến tạo của hoạ sĩ - nhà thiết kế Sỹ Hoàng, suốt hơn 10 năm, trên nền tảng của khu nhà vườn Long Thuận (có địa chỉ tại 206/19/30 Long Thuận, phường Long Phước, quận 9, TP. Hồ Chí Minh). Công trình khánh thành ngày 22/01/2014. Đây là bảo tàng thứ 12 tại TP. Hồ Chí Minh và là 1 trong 2 bảo tàng tư nhân của thành phố.

Bảo tàng Áo dài là nơi trưng bày một câu chuyện về chiếc Áo dài Việt Nam, từ lúc hình thành cùng với những đổi thay trong đời sống xã hội, đi cùng lịch sử đất nước, gắn bó với người phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hoá nghệ thuật, triển lãm trưng bày những tác phẩm của nhiều loại hình nghệ thuật với cảm hứng sáng tạo từ áo dài. Người tham quan có thể được trải nghiệm một quy trình tạo tác Áo dài từ khâu thiết kế, cắt may, vẽ, thêu trên tà áo dài.


Không gian Bảo tàng Áo dài – Nhà vườn Long Thuận là một không gian Việt, mang dấu ấn sông nước miền Tây với những nếp nhà mang kiến trúc truyền thống, có màu sắc thiền - tịnh. Cả quần thể kiến trúc mở rộng, kết nối với thiên nhiên, gợi nhiều cảm xúc về những giá trị văn hoá truyền thống mà Áo dài là chủ thể.

 

Lối vào Bảo tàng Áo dài

 

Kiến trúc chính trưng bày của Bảo tàng Áo dài  là một ngôi nhà dài

 

Nhà trưng bày bảo tàng có kết cấu gỗ theo lối nhà rường, tường gạch bao xung quanh

 

Hai phía tường theo chiều dài nhà là không gian trưng bày chính. Bên phải (theo lối vào) là trưng bày lịch sử áo dài với những bộ áo dài qua từng thời kỳ.

 

Bên trái là trưng bày các bộ áo dài gắn với những người phụ nữ Việt Nam có những đóng góp lớn trong các lĩnh vực chính trị, xã hội ở thế kỷ 20. Trong số những nhân vật này có nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, diễn viên điện ảnh Trà Giang, Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nhà thiết kế Minh Hạnh...

 

Áo dài Tứ thân, hình thành từ thế kỷ XVII, khoảng năm 1645

 

Áo dài Năm thân - 1884. Bộ áo dài may năm 1938, được mặc 3 đời: Thân mẫu bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Ninh và con dâu bà Ninh mặc vào lễ cưới.

 

Áo dài hở cổ - 1958. Hiện vật của bà Thụy Hoàng Oanh. Hiện vật phục chế theo mẫu áo của bà Trần Lệ Xuân

 

Áo dài nhập môn đạo Cao Đài (hiện vật năm 1972), áo dài pháp phục đạo Phật (hiện vật năm 2000), áo dài tu phục đạo Thiên Chúa (hiện vật năm 2001)

Kiểu mẫu áo dài hội nhập quốc tế: Việt – Phi (2011), Việt - Mỹ (2008), Việt – Trung (2011), Việt - Nhật (2009).

Áo dài của nữ tướng – anh hùng Nguyễn Thị Định

Áo dài của nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình - may năm 1992, được sử dụng khi bà giữ trọng trách phó chủ tịch nước; áo dài của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh - may năm 1997, được sử dụng khi bà là Đại sứ Việt Nam tại Luxembourg và EU.

Áo dài của NSND, diễn viên điện ảnh Trà Giang, may năm 2001, được mặc trong dịp Liên hoan phim tại Nghệ An.

Áo dài in hoa và bướm của nhà thiết kế Minh Hạnh, diễn trong Đêm Phương Đông – Festival Huế 2012

Kiểu mẫu áo dài nghệ thuật - hiện vật áo dài gốm, thực hiện năm 2010.

Những nét Việt đi cùng áo dài

Không gian Nhà triển lãm áo dài, trưng bày những bộ sưu tập, những thiết kế mới về áo dài. Công trình có cấu trúc của một nhà sàn, với hệ kết cấu gỗ toàn bộ.

Một góc hiên trên lầu Nhà triển lãm áo dài.

Nhà từ đường - Nhà thờ tổ nghề may có kiến trúc mang âm hưởng kiến trúc Huế

Khu lưu niệm và nhà nghỉ khách gợi bóng dáng phố cổ Hội An.

Không gian Bảo tàng Áo dài - Nhà vườn Long Thuận mở ra với thiên nhiên, mang đậm dấu ấn kiến trúc và văn hoá truyền thống Việt Nam.