VĂN HÓA

Kỳ 1: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 14-02-2019 • Lượt xem: 13023
Kỳ 1: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sau mùa Giáng Sinh năm 60, tôi kết bạn với anh em Dũng và Quỳnh (mẹ của nữ tài tử Phạm Linh Đan trong phim “Indochine" với Catherine Deneuve, hiện ở Âu Châu) là những người đứng ra tổ chức buổi party đầu đời của tôi. Cùng nhóm còn có chị em Vân, Nga, anh em Linh Quang Hùng, Thư, Tuấn, Bùi Thế Chung (hiện là “đốc tờ” ở Santa Ana), Dương, Thông, Cường, Ngô, Linh, Vĩnh, Trọng...

Những năm 61, 62 tôi thường lại nhà anh em Dũng và Quỳnh trên đường Cao Thắng chơi và có dịp gặp gỡ những người bạn này - trong số có Doãn, anh chàng hát bài “Bebop Alula”. Tất cả đều là học sinh Marie Curie và J.J.Rousseau. Ngoài những buổi đến trường, lớp tuổi 15, 16 chúng tôi có một cái thú duy nhất là sưu tầm lời của những bài ngoại quốc cùng hình ảnh của những tài tử hay ca sĩ nổi tiếng.

Đó là thời mà những người yêu nhạc có thú vui sưu tầm hình ảnh của những danh ca nổi tiếng thế giới

Những năm 61, 62 tìm được lời ca của những bài hát Pháp hay Mỹ không phải là một việc dễ dàng. Nhạc Pháp tương đối dễ hơn, vì theo học chương trình Pháp nên chúng tôi có thể chép lời từ đĩa hát ra không mấy khó khăn. Tạp chí “Salut Les  Copains” lúc đó vẫn  chưa xuất hiện và phong trào “ yéyés” chưa có chỗ đứng, ngay trong giới trẻ tại Pháp, Nguồn cung cấp nhạc Mỹ là những quyển sách nhạc khổ nhỏ in ở Hồng Kông có tên “Hit Parade” và “O,K&.Hit Songs”. Có được những quyển sách nhạc này cũng phải trần ai, vì số bán ở Việt Nam rất hạn chế, phải nhanh tay nhanh chân lắm mới chớp được một quyển. Mỗi quyển sách như vậy có đến cả trăm bài hát thịnh hành với cả nhạc và lời, in chữ nhỏ li ti như kiến, được chụp lại từ những sách nhạc khổ lớn của Mỹ. Nhờ tính thích sưu tầm, tôi có gần như đủ bộ những sách nhạc này, do đó được các bạn chiếu cố kịch liệt. Ngoài ra còn được một anh bạn quen lớn tuổi tên Nguyễn Phụng Hòa (hiện ở Baltimore, Maryland) làm việc tại Thái Lan thường xuyên gửi cho những sách nhạc có in lời các bài hát Mỹ của Thái, thêm vào đó còn được sự tăng cường của một cô bạn tên Kim ở Vientianne (Lào) thỉnh thoảng gửi cho một số sách nhạc nên bộ sưu tầm của tôi trở thành phong phú. Trong những năm đầu của thập niên 60. Phải công nhận là phong trào thích nhạc Mỹ nơi giới trẻ tại Hồng Kông, Thái Lan và ngay cả Lào đã phát triển nhiều hơn ở Việt Nam, khi đó - vì bị ảnh hưởng nặng của nền văn hóa Pháp - còn đang say sưa với tiếng hát của Charles Aznavour, Yves Montand, Juliette Greco, và nhất là Dalida.

Vào năm 58, người nữ ca sĩ sinh trưởng ở Ai Cập này sang Sài Gòn trình diễn ở Hotel Caravelle. Biết được tin này, tôi đã mạnh dạn viết thư qua Club Dalida ở Paris xin được mở một Club Dalida tại Sài Gòn. Không gì vui mừng hơn khi nhận được thư trả lời (dĩ nhiên do thư ký riêng của Dalida đánh máy) kèm theo một tấm hình của Dalida ký tặng với hàng chữ viết tay ở cuối “Dalidamicalemenr Voire”. Theo thư viết, Club Dalida đồng ý để tôi mở một chi nhánh ở Việt Nam. Lúc đó mới phát rét, chả biết cách tổ chức ra làm sao nên phe lờ luôn. Do một phần có khiếu viết chữ đẹp nên tôi đã trở thành một chuyên viên viết tựa bản nhạc trong tập sưu tầm lời ca của bạn bè, phần lớn là của phái nữ. Ngôi trong lớp học, lúc nào rảnh tay là nắn nót viết tựa đề bản nhạc, tên tài tử hay ca sĩ trên bất cứ tờ giấy nào trước mặt. Bàn học ở trường hay ở nhà cũng được tôi chiếu cố, không những bằng mực mà cả bằng đầu bút nhọn khắc đủ mọi tên tuổi nghệ sĩ hay tựa đề bài hát, phim ảnh!

Cũng vì khoái ciné và ca nhạc quá sức nên việc học hành của tôi xuống một cách thảm thiết. Những con sổ, những công thức của các môn toán hay vật lý, hóa học không thể nào quyến rũ tôi được bằng Elvis Presley hoặc Sandra Dee. Những quyển sách học dày cộm không hấp dẫn tí nào so với những tập sách nhạc, những tạp chí điện ảnh như Cinémonde, Ciné Revue hay Jeunesse Cinéma. Lời thầy giáo. hay các sư huynh giảng bài chán phèo, làm sao bì được với những tiếng hát phát ra từ "hệ  thống âm thanh” tối tân của tôi mới có. Kết quả đương nhiên là tôi được các sư huynh mời ra khỏi trường Taberd vào cuối năm 6è.

Đây đúng là một tin sét đánh với gia đình tôi. Thời đó xin vào học được Taberd đâu phải chuyện dễ dàng, Thế là để đến tình trạng như vậy quả là không khá. Đây có lẽ là lần đầu tiên bố tôi tỏ ra giận dữ với tôi khi được biết một kết quả tệ hại như vậy. Trong khi ông bà tôi lại đổ lỗi cho bố tôi khi đã sắm cho tôi cái “dàn âm quái quỷ kia khiến cho tôi khai thắc nó quá mức, làm hàng xóm đinh tai, nhức óc mỗi khi có mặt tôi ở nhà. “ Cả ngày nghe nhạc, nghe nhõng thì học hành thế đếch nào được!”. Đó là lời ông tôi càu nhàu mỗi lần bực mình khi nghe những âm thanh ông cho là “như hét, như chửi” mà tôi say sưa hát hoặc nhún nhảy theo. Niên học kế tiếp tôi không còn được gặp lại các bạn bè cũ ở Taberd vì ghi tên theo học lớp 5è tại trường Đông Tây Học Đường - trên đường Hai Bà Trưng.

Dilida khi đến Sài Gòn và biểu diễn ở khách sạn Caravelle

Cạnh ngõ hẻm có ông bán bánh mì giò chả là Lý Toét nổi tiếng, cũng là một trường dạy theo chương trình Pháp. Nhưng hình như chỉ độ vài tháng sau lại chuyển về trường Pasteur trên đường Sương Nguyệt Anh. Tôi tự nhủ lòng cũng như đã long trọng hứa hẹn trước mặt gia đình là sẽ cố gắng chăm chỉ học hành để năm sau xin trở lại vào Taberd. Thiện chí hứa hẹn thì có thừa, nhưng khả năng giữ được lời hứa thì sao mà khó khăn quá. Tuy nhiên tôi cũng gồng mình chăm chỉ hơn chút đỉnh để đến niên khóa 62 - 63 lại được gặp các bạn cũ tại lớp 4è ở Taberd. Tuy chỉ một thời gian thật ngắn học ở Pasteur, nhưng không sao tôi quên được hình ảnh ông hiệu trưởng Cấn Văn Tố, một người mê cá ngựa nổi tiếng - trong bộ bà ba trắng ngồi trước cửa trường mỗi buổi sáng đến lớp. Tôi quen với con trai ông là Cấn Anh Vũ, một tay đàn trong một ban nhạc trẻ sau đó một thời gian. Trở lại với các bạn cũ, tôi bắt đầu bày đặt mở một Club lấy tên là Ky’s Cine Club, có bản mục đích, nội qui và tiền niên liễm đàng hoàng như một club thứ thiệt. Mục đích là thỉnh thoảng họp nhau lại đi “xi la ma” hoặc tán dóc về ciné để “phát huy kiến thức về điện ảnh” (những danh từ đao to, búa lớn này được “cọp” từ những tạp chí ciné của Việt Nam thời đó) nghe oai ra phết. Thế mà Ky's Cine Club cũng qui tụ được trên hai chục mống, đa số là các tên bạn cùng lớp, ngoài ra còn một số ở các trường khác do tôi “vận động” riêng rẽ, trong số có Catherine Phạm Thái Thanh Lan, tức ca sĩ Thanh Lan sau đó. Về phần những "hội viên” cùng lớp, có Billy Shane (lúc đó mang tên Billy Lee Klassen, sau này đổi thành Billy Yamasaki!), một nam ca sĩ nổi tiếng sau đó một thời gian với ban nhạc The Spotlights và The Strawberry Four. Billy là nhân vật có một hành tung rất bí ẩn, thật sự cho đến hôm nay sau khi anh đã qua đời được vài năm, chưa có ai biết rõ ràng về lý lịch của anh, ngay cả những người bạn trong cùng các ban nhạc với anh như Đức Huy, Tuấn Ngọc, Thụy Ái, Tiến Chỉnh, Tùng Giang... cũng rất mù mờ.

(còn tiếp)

Tham khảo Bebop Alula:  https://www.youtube.com/watch?v=vDU9FP5_B2M