VĂN HÓA

Kỳ 2: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 14-02-2019 • Lượt xem: 11230
Kỳ 2: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Billy là bạn học cùng lớp với tôi trong suốt những năm học ở Taberd cho đến khi rời khỏi trường vào năm 66 và trở thành bạn thân vì thường ngồi cạnh nhau rù rì nói chuyện. Những kỳ sắp hạng cuối tháng trong lớp, Billy thường “đội sổ”, trong khi may mắn hơn, tôi được sắp... vài ba hạng trên anh, đến nỗi một vị sư huynh đã phải tuyên bố trước cả lớp là “cái thằng Billy này nó présent cũng như absent”.

Billy Shane thường khoe với tôi anh là con của vua Bảo Đại, có người bố nuôi gốc Đức và bà mẹ gốc Trung Hoa và một cô em gái, tôi thường gặp ở ngôi nhà trên đường Trương Vĩnh Ký. Nghe nói thì biết vậy chứ thật tình không có cách gì chứng minh anh là con (dĩ nhiên là con không chính thức) với vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn, nhưng phải công nhận là Billy có một vài nét hao hao giống vị quốc trưởng của Việt Nam. Có lẽ mang “chân mạng Đế Vương” nên Billy là người ăn mặc chững chạc và chỉnh tề nhất lớp (và có thể là nhất trường), với quần áo trắng tinh, lúc nào cũng thẳng nếp; đầu tóc chải chuốt tươm tất với cặp kính cận rất trí thức, tay xách cặp da đắt tiền trông rất oai vệ. Nhất là người anh lại to lớn, bệ vệ. Cậu học trò Ngô Đình Trác, con trai của ông cố vấn Ngô Đình Nhu có thời gian ngắn ngồi cạnh tôi cũng chẳng thấm vào đâu. Thời gian Trác học ở Taberd gây nên sự sôi nổi nơi đám học sinh chúng tôi, mỗi lần túa ra xem mặt cô Ngô Đình Lệ Thủy, lấp ló sau chiếc rèm che của chiếc xe Mercedes rất hách, trước những cặp mắt láo liên của những tay cận vệ!

Bạch Yến xuất hiện trên show đặc biệt của ông Bob Hope (Hope NBC TV). Bạch Yến giữa hai tài tử người Hoa Kỳ lừng danh là ca sĩ tài tử Bing Crosby và ông Bob Hope.

Ky`s Cine Club của tôi “hoạt động” chưa được một năm thì dẹp tiệm sau khi ông hội trưởng nhóc tì bị sư huynh phụ trách bắt quả tang đang “phát huy kiến thức về điện ảnh” khi phân phối hình Brigitte Bardot đến các “hội viên” quanh chỗ ngồi như bản nội qui ấn định. Theo đó, hàng tháng Club sẽ gửi đến các hội viên một tạp chí về điện ảnh như Cinémonde hoặc Ciné Revue cùng với một “carte postale” hình tài tử điện ảnh. Tôi đã trở thành một khách hàng trung thành của nhà sách Albert Portail trên đường Tự Do (tức nhà sách Xuân Thu) khi hàng tháng tới đây mua những tạp chí gửi từ Pháp sang, còn hình “carte postale” tôi có nguồn cung cấp riêng cũng từ Pháp qua những “pen pals” tôi gửi tiền (lấy từ niên liễm của các hội viên) nhờ mua. Trong giờ học, cách “phát huy kiến thức” khác Ky’s Cine Club là những cuộc tranh tài về thi tên tài tử hoặc ca sĩ. Mỗi đứa thay phiên viết một chữ có trong tên tài tử mà trong đầu mình muốn chọn, anh nào bí quá phải chịu thua. Thí dụ tôi mở đầu bằng chữ “R” vì muốn tên Robert Taylor, nhưng tên bạn thêm sau đó bằng chữ “i' vì hắn muốn là Rita Hayworth chẳng hạn. Tôi bắt buộc phải kiếm một chữ phù hợp với một tên khác nếu không muốn chịu thua, như thế sẽ phải thêm vào thí dụ như chữ “C” vì nghĩ đến Ricky Nelson... Cứ như thế cho đến khi một bên bị bí, hoặc bên kia hoàn tất tên của tài tử hay ca sĩ bằng chữ cuối cùng. Tôi bày ra trò này và được lũ bạn hưởng ứng nhiệt liệt. Và cũng nhờ vậy, ông hội trưởng trở thành tay vô địch về tên tài tử trong lớp. Sau khi Ky's Cine Club bị “bể”, ông hội trưởng bắt buộc lâm vào cảnh “tuyệt thực” quà sáng để dành tiền kéo hội viên đi ăn bò viên trừ nợ dần dần vì tiền niên liễm ngài đã sử dụng vào việc riêng tư từ đời nào mất tiêu!

Thời điểm đó vào khoảng giữa năm 62, khi kích động nhạc đang ở trong thời kỳ phôi thai và là khi nhạc Mỹ bắt đầu được giới trẻ đón nghe trên một vài chương trình phát thanh nhạc ngoại quốc, đặc biệt là chương trình nhạc ngoại quốc do ông Hải Nam phụ trách trên đài Sài Gòn. Tôi không còn nhớ rõ là vào giờ nào, ngày nào trong tuần. Cho đến lúc đó những tên tuổi của làng nhạc Pháp như Sylvie Vartan, Francoise Hardy, Johnny Halliday, Les Chaussettes Noires chưa được biết đến tại Việt Nam mà phải chờ đến một năm sau đó, khi phong trào “yéyés ” bành trướng tại Âu Châu. Nhất là sau khi tạp chí Salut Les Copains của Filipacchi xuất hiện và có một tầm ảnh hưởng lớn nơi giới trẻ, không những chỉ ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ... mà còn lan đến tận Việt Nam là nơi mang nhiều ảnh hưởng Pháp.

Nữ hoàng twist Túy Phượng

Danh từ kích động nhạc bắt đầu được nhắc nhở tới từ cuối thập niên 50, nhưng bắt đầu trở nên quen thuộc hơn trong những năm đầu thập niên 60. Thoạt tiên qua những chương trình Đại Nhạc Hội hoặc phụ diễn tân nhạc với những nhạc phẩm hòa tấu ngoại quốc, nổi bật thời đó là các tên tuổi như Khánh Băng, Phùng Trọng hoặc anh em Dương Quang Minh, Dương Quang Định. Kích Động Nhạc là tên đặt dựa theo hình ảnh nhún nhẩy, quay cuồng của các ca sĩ ngoại quốc thời đó khi trình bầy những nhạc phẩm được gọi là“giựt gân” với những màn “à terre” bật ngửa người ra phía sau, đầu càng sát đất càng ngon lành!

Bạch Yến thu đĩa tại nước ngoài

Từ Rock “N “Roll qua đến Twist, tức là từ “Rock Around The Clock” (một trong những nhạc phẩm Rock đầu tiên được đưa lên màn ảnh qua phim “Blackboard Jungle” năm 1955, dẫn đến phong trào nhạc trẻ tại Hoa Kỳ, được chiếu tại Việt Nam 2 năm sau) đến “The Twist' và “Let’s Twist Again”, giới trẻ đã say mê với nhịp điệu nhanh và tươi vui rất dễ làm cho chân tay, mình mẩy nhún nhấy hoặc uốn éo theo. Căn cứ vào đó, ở Việt Nam danh từ “kích động nhạc” ra đời với sự xuất hiện của ban nhạc kích động nhi đồng CBC, hay với “nữ hoàng Twist” Túy Phượng (con cặp nghệ sĩ Anh Lân và Túy Hoa) vào những năm đầu thập niên 60 hoặc cặp Hùng Cường - Mai Lệ Huyền sau này với những bài kích động nhạc lời Việt.

Hình ảnh của Túy Phượng trên bìa đĩa hát

Thời gian sau, mặc dù với những nhạc phẩm ngoại quốc dù có êm dịu chăng nữa, người ta vẫn gọi là kích động nhạc như thường. Tóm lại, cứ nhạc ngoại quốc, bất kể giật gân hay nhẹ nhàng, êm ái cũng đều được kêu là kích động nhạc tuốt luốt. Cứ thấy ông tây, bà đầm hát là kích động nhạc. Những Bích Chiêu, Yến Vĩ hay Bạch Yến cũng đã một thời được nhắc nhở đến nhiều với những nhạc phẩm ngoại quốc, trong thời kỳ danh từ kích động nhạc chưa được dùng một cách thịnh hành. Dựa trên danh từ được gọi là kích động nhạc, gợi ra một hình ảnh quay cuồng, thác loạn; dư luận bắt đầu lên tiếng đả kích. Giới “ông bô, bà vi” coi đó như một hình ảnh đồi trụy và không có nghệ thuật gì hết ráo. Nhưng đả kích thì đả kích, kích động nhạc - đúng hơn là nhạc ngoại quốc vẫn tiếp tục được giới trẻ hưởng ứng một cách nồng nhiệt. Đối với những người lớn tuổi, nghe nhạc ngoại quốc bị kết án là có tư tưởng vọng ngoại, trong khi với giới trẻ đó là một sự thay đổi lớn lao, một sự “cách mạng” về văn hóa đang tràn lan mạnh mẽ trên khắp thế giới. Tư tưởng bảo thủ nơi những người lớn “đụng chạm ” với tư tưởng cấp tiến nơi giới trẻ có phần khá mạnh mẽ trong giai đoạn này.

Vài năm sau, sự đả kích càng lớn mạnh hơn khi những mái tóc dài xuất hiện với sự xuất hiện của the Beatles cũng như của phong trào Hippy từ năm 68 trở đi. Sự cách biệt về tư tưởng trên phương diện văn hóa nơi hai thế hệ sẽ được đề cập đến ở một phần sau.

(còn tiếp)

Tham khảo:

Let's Twist Again - Chubby Checker

https://www.youtube.com/watch?v=KxQZQ86jJHg