Kết nối bạn đọc

Kỳ 21: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 06-03-2019 • Lượt xem: 14057
Kỳ 21: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tuy có một lực lượng hùng mạnh như vậy, nhưng trước sự công phá mãnh liệt của các ban nhạc Anh Quốc, khởi đầu với màn “đổ bộ” của tứ quái The Beatles lên đất Mỹ vào tháng 2 năm 64 để xuất hiện trên chương trình “Ed Sullivan”, thì nền nhạc trẻ Hoa Kỳ bắt đầu bị rung động, gây nên bởi sự hâm mộ đến cuồng loạn của giới trẻ, như đã từng dành cho thần tượng của họ trước đó 8 năm là Elvis Presley.

Hai ngày sau đó, John, Paul, George và Ringo đã làm ngẩn ngơ khán giả tại Washington DC và tại rạp hát nổi danh Carnegie Hall ở New York. Ngày 01 tháng 06 cùng năm, ban nhạc The Rolling Stones đặt chân tới phi trường Kennedy ở New York để thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên tại đây, cùng một lúc thực hiện đĩa nhạc đầu tiên của họ trên đất Mỹ với nhạc phẩm “Not Fade Away”, một “hit” của Buddy Holly, một trong những ca sĩ tiền phong của nhạc Rock Hoa Kỳ.

 

Nhạc trẻ Mỹ Quốc bắt đầu tỏ ra lo ngại trước sự tấn công của các đồng nghiệp bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng kể từ tháng 8 cũng trong năm 64 thì sự lo ngại đó đã trở thành sự thật khi The Beatles khởi sự chuyến lưu diễn đầu tiên kéo dài trong một tháng với 24 buổi trình diễn liên tục, khởi đầu tại thành phố San Francisco. Buổi trình diễn cuối cùng vào ngày 20 tháng 09 năm 64 đã nói lên rõ ràng sự “trên cơ” của 4 anh chàng tóc dài này khi đã lấn át những danh ca Hoa Kỳ thời đó, xuất hiện trên cùng sân khấu của buổi trình diễn tại rạp Paramount ở Brooklyn, New York. Hai danh ca Steve Lawrence và Eydie Gorme đã bị lu mờ trước lối trình diễn sống động cùng với những nhạc phẩm tươi trẻ của tứ quái Beatles.

 

Tượng sáp The Beatles

 

Sau một tháng tung hoành trên đất Mỹ, The Beatles đã làm nảy sinh ra hiện tượng được gọi là “Beatlemania” qua hình ảnh những anh chàng trẻ tuổi bắt đầu nuôi tóc mọc dài và hình thức thành lập ban nhạc cũng được dập theo khuôn của ban nhạc này là 3 tay đàn và một tay trống. Chỉ trong năm 64, The Beatles đã tạo được một kỷ lục về ca nhạc ngay trên đất Mỹ với 6 nhạc phẩm đứng đầu những bảng sắp hạng trong tổng số 15 nhạc phẩm chiếm được hạng cao trong những bản “Top 10”. Cho đến nay chưa từng có một ca sĩ hay ban nhạc nào phá được kỷ lục này. Riêng trên tạp chí ca nhạc nổi tiếng nhất của Mỹ là Billboard trong số báo phát hành ngày 14 tháng 04 năm 64, The Beatles đã chiếm 5 hạng cao nhất trong bảng sắp “Top 100”, một điều chưa từng xảy ra cho đến ngày hôm nay. Đó là các nhạc phẩm: Can't Buy Me Love, Twist And Shout, She Loves You, I Want To Hold Your Hand và Please, Please Me.

 

Cũng trong tháng 09 năm 64, ban nhạc The Animals của Anh đã làm choáng váng giới yêu nhạc trẻ Hoa Kỳ khi trình diễn vào ngày 04 tại rạp Paramount với nhạc phẩm bất hủ “The House Of  The Rising Sun”, nhảy ngay lên hạng “number one” sau đó trên những bảng sắp hạng những ca khúc được ưa thích nhất. Trước sự tấn công tới tấp của các ban nhạc Anh Quốc, bộ lao động Mỹ đã ra thông cáo ngưng cấp giấy chiếu khán H- 1 cho các ban nhạc này vào Hoa Kỳ kể từ đầu năm 65 mà không nêu rõ lý do. Hành động này đã khiến cho những cuộc lưu diễn của nhiều ban nhạc bị hủy bỏ, trong số đó có các ban The Nashville Teens, The Zombies và The Hullabaloos.

 

Hoa khôi Đặng Tuyết Mai, thứ hai từ trái sang

 

Sự lớn mạnh của nhạc trẻ Anh Quốc đã khiến cho hệ thống phát thanh quốc gia của Anh là BBC tung ra chương trình ca nhạc nổi tiếng là “Top Of The Pops” để thu hút giới trẻ, cũng như tại Mỹ có chương trình của Dick Clark là “American Bandstand” rất được dân “teenagers” ưa thích cùng với “Shindig” của hệ thống ABC và “Hullabaloo” của hệ thống NBC dành riêng cho những người yêu nhạc. Trong khi đó tại Pháp, chương trình “Salut Les Copains” được giới “yéyés” ủng hộ nhiệt liệt cùng với câu lạc bộ Golf Drouot – được coi là “đền thánh” của nhạc Rock Pháp – là nơi hầu như tất cả những ca sĩ và ban nhạc đều đã đến trình diễn. Một sự kiện đáng ghi nhớ khác là viện bảo tàng chuyên nặn tượng bằng sáp các nhân vật nổi tiếng Madame Tussaud’s Wax Museum ở London đã nặn tượng 4 anh chàng The Beatles, một việc chưa từng xấy ra với những ngôi sao nhạc trẻ.

 

Hai năm 64 và 65 thật sự là hai năm biểu dương lực lượng của nhạc trẻ Anh Quốc với nền nhạc trẻ của những quốc gia khác bằng sự xuất hiện của những tên tuổi không thể phai mờ được nơi tâm hồn những người yêu nhạc. The Animals, ngoài “The House Of The Rising Sun”, đã khiến biết bao người say mê với “Boom Boom”, “Don't Let Me Be Misunderstood”, “We've Gotta Get Out of This Place”. The Dave Clark Five đã tạo được thành tích với nhưng “Because”, “Glad All Over”, “Bits And Pieces", "Over And Over”, “Do You Love Me?” cũng như The Swinging Blue Jeans ” Hippy Hippy Shake”, nhất là The Searchers với “Love Potion Number Nine” là một trong những nhạc phẩm được các ban nhạc Việt Nam trình bày nhiều nhất.

 

Ảnh chân dung Đặng Tuyết Mai

 

Chắc chắn ai cũng còn nhớ khuôn mặt xinh xắn với chiếc răng khểnh của anh chàng Herman của ban Herman's Hermits qua rất nhiều ca khúc trẻ trung như “Mrs Brown You've Got A Lovely Daughter”, “I'm into Something Good”, “Can't You Hear My Heart Beat?” “Silhouettes”, “I'm Henry VIII, I Am”...

|Tại Việt Nam, thật sự không có một nền nhạc trẻ thuần túy mà chỉ là một sự chạy theo phong trào, phát xuất từ những quốc gia Âu Mỹ. Trong thời kỳ đầu tiên, hoàn toàn là một sự thụ động, bắt chước những ca sĩ và ban nhạc của các quốc gia này bằng cách trình bầy những nhạc phẩm lời Pháp, Mỹ và Anh. Giới trẻ cũng như các ban nhạc thời đó còn chạy theo thời trang của các ban nhạc ngoại quốc với quần ống túm, giầy “bốt” đế cao (gọi là “bottine”)cùng với áo chemise bó sát người, đeo dây lưng bản bự và mặc quần để xệ dưới rốn (thường gọi là “taille basse”) và để tóc dài, khiến nhìn từ phía sau khó lòng phân biệt là nam hay nữ như nhận xét của các “ông bố, bà via”.

 

Còn phái nữ thì thi nhau mặc sản phẩm của tay “designer” nổi tiếng Anh Quốc Mary Quant là chiếc “mini-jupe” ngắn cũn cỡn, trông rất bắt mắt. Các cô cũng như các cậu phải sắm cho bằng được chiếc velo solex mới được gọi là hợp thời trang. Riêng các cậu, bảnh hơn thì sắm xe Honda, Yamaha hay Suziki, thường là 50cc, bảnh hơn thì 75cc hay 150cc. Càng nhiều phân khối bao nhiêu càng chứng tỏ là một tay chơi bấy nhiêu. Nếu có “ống bô” chổng lên trời thì càng hách xì xằng hơn. Phía các cô, bảnh hơn thì chạy Cady hoặc PC 50. Các nhà buôn xe gắn máy trên đường Gia Long trong những năm giữa thập niên 60 đúng là ở trong một thời kỳ vàng son, tha hồ hốt bạc của dân choai choai. Cũng như tại các quốc gia khác, thời trang luôn luôn đi kèm với ca nhạc nơi lớp trẻ để tạo nên một màn “phối hợp nghệ thuật” rất hay ho.

(còn tiếp)