Kết nối bạn đọc

Kỳ 27: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 11-03-2019 • Lượt xem: 11538
Kỳ 27: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Ngôi trường Taberd quen thuộc của tôi đã có nhiều thay đổi từ khi tôi bắt đầu theo học ở đây từ năm 1958. Các bức tường được quét vôi lại, cùng một lúc với phần xây cất thêm nhiều lớp học ở phía tay mặt trong sân trường mang lại cho Taberd một bộ mặt mới, trẻ trung và sáng sủa hơn xưa. Nhưng kiến trúc được coi là quan trọng hơn cả đối với các học sinh là thính đường của trường, được hoàn tất vào năm 65, có sức chứa đến 8, 9 trăm người.

Năm đó tôi đang theo học tại lớp1ère, tương đương với lớp 11 (hoặc đệ nhị, như thường gọi trước kia) chương trình Việt. Đây là năm học để sửa soạn thi Bacc 1 (Baccalauréat lère Partie, tức Tú Tài 1). Nhưng đúng vào niên khóa 64-65 thì tòa đại sứ Pháp ở Việt Nam ra thông cáo bãi bỏ những kỳ thi Bacc 1 để thay thế bằng “Certificat De Fin 9 Etudes Secondaires”, đại khái là chứng chỉ tốt nghiệp trung học, tuy nhiên vẫn còn duy trì những kỳ thi Bacc 2, sau khi học hết lớp “Terminales” (tức lớp 12 hay đệ nhất). Tin này khiến tôi... vui hết sức vì sẽ được bớt đi... áp lực của gia đình nếu phải thi Bacc1như trước.

 

Học sinh lớp 10b1, trường Taberd, 1969

 

Theo tinh thần thông cáo thì vấn đề cấp phát chứng chỉ có phần dễ dàng hơn nhiều so với những kỳ thi Bacc 1 khó khăn và nhiêu khê. Gặp “thiên thời” là việc bãi bỏ thi Bacc 1, còn “đi lại không gì khác hơn là ngôi thính đường mới được khánh thành. Còn “nhân hòa” thì dĩ nhiên là biết bao nhiêu ban nhạc và ca sĩ nhạc trẻ đang mong mỏi có nơi để phô diễn tài năng. Thế là tôi nẩy sinh ra một sự phối hợp rất đẹp mắt để “làm một cái gì”, luôn ấp ủ trong đầu từ bấy lâu nay. Thính đường đẹp đẽ này mà được dùng làm nơi trình diễn nhạc trẻ thì đúng là “số dách”, khỏi chỗ chê, đâu có thua thằng Tây nào. Nhưng vấn đề khó khăn và... khó nuốt nhất là làm sao thuyết phục được các sư huynh – dưới con mắt chúng tôi phần lớn là những người có đầu óc thủ cựu – để có thể diễn ra những màn đàn trống tưng bừng, “à terre” bật ngửa, lắc tới lắc lui với những mái tóc bù xù và những chiếc mini-jupe cũn cỡn tại thính đường này.

 

Học sinh 10b2, trường Taberd, 1969

 

Người tôi nhắm vào đầu tiên là sư huynh Vial, phụ trách dạy nhạc cho các học sinh. Mỗi lần có những dịp trình diễn nhạc trong trường là mỗi lần tôi thấy sư huynh Vial phùng mang, trợn mắt lên để thổi kèn trumpette, là nhạc khí “tủ” của ngài. Tôi lý luận chắc như bắp là đã khoái nhạc thì chắc chắn sư huynh Vial phải có tinh thần “chịu chơi” hơn những sư huynh khác. Thấy tôi qua những dịp “trình diễn” accordéon chung với các anh em trong lớp, sư huynh Vial đã vài lần “dụ” tôi vào ban nhạc của trường, nhưng tôi cứ phe lờ vì nhận thấy việc trình bày những bài hành khúc, những bài về thiếu nhi, thanh niên hay những bài thánh ca không được hấp dẫn bằng nhạc Twist hay Rock and Roll. Nhưng tuy vậy, giữa tôi và sư huynh Vial vẫn giữ được mối giao hảo tốt đẹp. Tôi bàn với một số anh em, bầy mưu tính kế “dụ dỗ” sư huynh Vial đề nghị lên sư huynh hiệu trưởng cho dùng thính đường của trường để tổ chức một buổi đại hội nhạc trẻ. Đây là một đề nghị được coi là táo bạo và rất là “cách mạng” đối với các sư huynh trong ban giám đốc. Hình ảnh màu mè của nhạc trẻ thật khó lòng dung hòa được với hình ảnh của những chiếc áo dòng “quạ đen” đạo đức và khắc khổ. Âm thanh của nhạc trẻ cũng đối chọi hắn với âm thanh của những bản thánh ca trang nghiêm, tha thiết. Nhất là trong cái không khí đầy những kỷ luật gắt gao, với chủ trương chú trọng về đạo đức thì âm thanh của nhạc trẻ khó lòng cất lên nổi ở ngôi trường có tiếng là bảo thủ này. Bố khỉ! Thế này thì khó quá. Lớ vớ trình bày nguyện vọng hay đệ trình kiến nghị thư lên mà bị bác bỏ thì chỉ có chết. Không khéo lại còn bị kết tội là cố tình phát huy “văn hóa đồi trụy” cũng không chừng. Nhưng chả lẽ bỏ cuộc cao. Lòng hăng hái bốc lên quá cỡ, cộng với sự bạo dạn hơn xưa nên ông hội trưởng Teenager's Club là tôi bèn hung hăng nhận lãnh sứ mạng có thể coi là một... mission impossible này!

 

Học sinh 10b3 trường Taberd, 1969

 

Thập thò mãi trước lớp dạy nhạc của sư huynh Vial, tôi mới đánh bạo bước vào. Sư huynh đã trợn tròn mắt và xém ngã bật ngửa ra phía sau khi nghe tôi đưa ra đề nghị mà đối với ngài không thể tưởng tượng được này. Chờ cho sư huynh hoàn hồn, tôi mới trổ hết tài ăn nói ra “dụ dỗ” ngài. Điều gì hay ho đều được tôi gán cho nhạc trẻ tuốt luốt. Hơn nữa trong bài hát “Mừng Thánh Gioan La San” học sinh thường hát trong các dịp lễ đã có câu:

 

“Lạy thánh La San bổn mạng cực nhân

Là cây đuốc sáng chiếu tỏa muôn phương

Nguyện xuống ơn cho bao con trần gian

Giờ đây lên tiếng thiết tha cùng hát vang

 

Muốn “thiết tha cùng hát hát vang” thì chỉ có nhạc trẻ mới làm nổi việc này. Ấy, bài hát đã dạy thế – như là một lời tiên đoán – thì ta nên theo cho phải phép. Nhưng sư huynh Vial cứ lắc đầu lia lịa, nhất định... ngoan cố, không nghe theo sự suy diễn tầm bậy của tôi. Lại đem miệng lưỡi ra tiếp tục chương trình dụ dỗ một đấng tu hành khả kính, mặc dù có yêu nhạc và có tư tưởng tiến bộ so với những sư huynh khác, nhưng vẫn chê món nhạc trẻ mà ngài cho là chưa thích hợp trong lúc này. Để đến khi nào thuận tiện hẵng hay. Thấy sự trả lời có vẻ “câu giờ” của sư huynh Vial, tôi chán nản bỏ cuộc ra về với một bộ mặt tiu nghỉu. Mấy thằng bạn đồng lõa cũng thất vọng ê chề.

 

Phòng trà Maxin's

 

|Nhưng hình như được thánh Gioan La San phù trợ, tôi đã tìm ra được một “chính nghĩa” để nhất định thuyết phục cho bằng được sư huynh Vial. “Chính nghĩa” đó là tổ chức một Đại Hội Nhạc Trẻ để lấy tiền gây quỹ giúp Trường Mù La San trong Chợ Lớn. Dùng mục đích từ thiện để đánh vào tâm lý của mấy ông frères là ăn chắc. Lại một lần nữa, tôi lại hăm hở tìm đến sư huynh Vial. Lần này thấy tôi đưa ra một mục đích cao cả và sáng ngời như vậy nên ngài đã chấp nhận đề nghị này, tuy nhiên phải được ban giám đốc thông qua mới có thể thực hiện được. Đây cũng là một cái ải khó khăn cho ngài khi đưa ra thảo luận với những sư huynh lớn tuổi trong ban giám đốc, chỉ biết đến nhạc thánh ca và mù tịt về nhạc trẻ. Gần như mỗi lần lên nhà nguyện của trường, học sinh chúng tôi đều được linh mục tuyên úy khuyên răn, giảng dạy nên cố gắng tu tâm tích đức, ăn ngay nói thật để sau khi mặc áo “sơ-mi gỗ” tức là sau khi “đi tầu suốt” sẽ được lên nước Thiên Đàng hưởng phúc đời đời Amen. Lúc đó sẽ tha hồ hợp cùng các thiên thần hát ca suốt ngày cho thỏa thích. Nghe có vẻ hạnh phúc chan hòa quá xá. Mấy thằng bạn ông mãnh của tôi bèn tán rằng: hát ca thì vui lắm, nhưng ngày nào cũng hát thì cũng mệt ra gì. Nhất là dĩ nhiên chỉ hát toàn thánh ca, thánh vịnh buồn ngủ bỏ xừ! Không khoái bằng hát nhạc trẻ. Với lại ăn uống trên Thiên Đàng chắc chỉ là trái cây, uống toàn nước lạnh, chịu không thấu. Nhất định là không có màn thịt rượu ê hề. Mấy đứa cứ thi nhau bàn ra, tán vào để cười lên tồ tồ và hô hố, thích chí vô cùng.

(còn tiếp)