ĐỜI SỐNG

Kỳ lạ cách loài chim đối mặt với biến đổi khí hậu

Đan Tâm • 18-01-2021 • Lượt xem: 4345
Kỳ lạ cách loài chim đối mặt với biến đổi khí hậu

Một số loài chim đang thay đổi chu kỳ sinh sản của chúng và dần di cư về phía bắc để đấu tranh sinh tồn trong một thế giới ngày một nóng lên như hiện nay.

Tin, bài liên quan:

Cách để biến tro gỗ thành phân bón cho khu vườn của bạn

Loạt ảnh ‘môi trường bị tổn thương’ như thế nào sau đám cháy rừng lịch sử ở Úc

Một chú chim sẻ xanh ngậm trong mỏ thức ăn cho con non của nó. Nếu chúng không phản ứng nhanh với sự biến đổi của môi trường, số lượng loài của chúng sẽ giảm mạnh. Ảnh: Lisa Geoghegan / Alamy

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy làm việc với Đại học Oxford đã mô hình hóa cách những con chim sẻ phản ứng với khủng hoảng khí hậu. Cụ thể, những con chim này có thể phản ứng được với sự xuất hiện sớm hơn của sâu bướm – loại thức ăn yêu thích của lũ chim non hay không?

Các loài chim như chim bạc má đã phát triển chu kỳ sinh sản trùng với “thời điểm vàng” đầy nhóc sâu bướm ăn lá sồi – việc thường xảy ra vào cuối tháng 5 và tháng 6. Nhưng khi nhiệt độ trái đất tăng lên, cây sồi sẽ ra lá sớm hơn và sâu bướm cũng phản ứng bằng cách nở ra sớm hơn.

Điều này có nghĩa là khi những chú chim non đã đủ lớn để được cho ăn thì thời kỳ có nhiều sâu bướm nhất cũng đã kết thúc. Bởi vì những con chim bố mẹ cần “tha về” khoảng 1.000 con sâu bướm mỗi ngày cho đàn con đói ngấu của chúng, sự “lệch pha” giữa chu kì sinh sản và sự phát triển của sâu bướm sẽ có tác động đáng kể đến sự thành công sinh sản của chim bạc má.

Một con chim bạc má bố-mẹ với rất nhiều cái miệng háu đói chờ cho ăn. Ảnh: Andrew Darrington / Alamy

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mặc dù những con chim có thể phản ứng với sự thay đổi khí hậu, nhưng chúng lại không có khả năng làm như vậy đủ nhanh. Emily Simmonds ước tính rằng thời điểm lá sồi và những con sâu xuất hiện sẽ sớm hơn bình thường 24 ngày.

Tiến sĩ Humphrey Crick, một nhà khoa học làm việc tại British Trust for Ornithology (Tổ chức nghiên cứu cầm điểu học Anh) lần đầu tiên phát hiện ra rằng các loài chim có thể ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách sinh sản sớm hơn bình thường vào những năm 1990. Ông đã phân tích hàng nghìn thẻ ghi chú từ Chương trình ghi chép về vòng đời loài chim của BTO - được những người quan sát chim nghiệp dư ghi chép chi tiết về ngày trứng được đẻ và chim con nở trong nửa thế kỷ trước.

Crick nhận thấy một xu hướng đáng ngạc nhiên rằng: đối với nhiều loài chim, ngày mà chúng đẻ trứng đã lùi về phía trước trung bình khoảng chín ngày. Bài báo mang tính bước ngoặt "Các loài chim ở Vương quốc Anh đang đẻ trứng sớm hơn" được xuất bản trên tạp chí Nature năm 1997 đã cung cấp một số bằng chứng thực nghiệm sớm nhất cho thấy các sinh vật hoang dã đã phản ứng với sự nóng lên toàn cầu.

Một thập kỷ sau, vào năm 2006, Bill Oddie giới thiệu trên Springwatch một tin tức đáng kinh ngạc rằng mọi tổ chim sẻ xanh chào đón thế hệ chim non sớm hơn bình thường vài tuần. Vì chim sẻ xanh chỉ có một lứa con nên chúng phải phản ứng rất nhanh với những thay đổi, nếu không, số lượng loài của chúng sẽ giảm mạnh.

Vào cuối bài báo năm 1997 của mình, Humphrey Crick đã đưa ra nhận xét mang tính “tiên tri” này: “Đối với loài chim, việc làm tổ sớm hơn có thể có lợi nếu sự sống sót của con non được tăng cường trong một khoảng thời gian kéo dài trước mùa đông. Ngược lại, chim có thể bị ảnh hưởng bất lợi nếu chúng không đồng bộ với môi trường cung cấp thức ăn của chúng".

Mùa sinh sản dài hơn có lợi cho các loài chim như chim cổ đỏ, chúng sinh từ hai lứa chim non trở lên. Ảnh: incamerastock / Alamy

Tóm lại, một mùa sinh sản dài hơn mang lại rất nhiều lợi ích với các loài chim như chim cổ đỏ, chim hoét đen và chim họa mi vì chúng sinh ra từ hai lứa con trở lên. Bắt đầu làm tổ sớm hơn trong năm có thể cho phép chúng đẻ thêm một đàn con và do đó, tổng cộng sẽ sinh ra được nhiều con non hơn.

Giáo sư James Pearce-Higgins, giám đốc khoa học của BTO, chỉ ra rằng các loài chim nhỏ chẳng hạn như chim tước mào vàng, chim hồng tước và chim sẻ đuôi dài đang được hưởng lợi nhìn từ một khía cạnh khác của việc biến đổi khí hậu: những năm gần đây mùa đông ôn hòa hơn nhiều.

Ông cũng chỉ ra tác động tích cực của thói quen cho những chú chim hoang dã ghé thăm vườn nhà ăn, điều này sẽ giúp ích cho các loài như chim sẻ xanh, chim bạc má và chim hoàng yến. Hiện tại, ông cho rằng lợi ích từ tỷ lệ sống sót cao của loài chim trong mùa đông đang chiếm thế thượng phong với tình trạng không đồng bộ hóa với nguồn cung cấp thức ăn trong mùa xuân, mặc dù điều đó có thể không phải lúc nào cũng như vậy.

Một mặt tích cực khác vô tình có được từ sự nóng lên toàn cầu là hiện tượng nhiều loài hiện đang di cư về phía bắc. Bản đồ các loài chim mới nhất cho thấy phạm vi của chúng đã di chuyển trung bình 28km về phía bắc - kể từ cuộc khảo sát ban đầu được thực hiện vào cuối năm 1980 – đồng nghĩa với việc chúng di chuyển gần 1km mỗi năm.

Nhưng đáng buồn là khí hậu đang dần trở nên khó dự đoán hơn, với nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn như bão, hạn hán và lũ lụt, cái mà các nhà khoa học gọi là “thời kỳ trăng mật” sẽ đi tới một kết thúc đột ngột.

Như Giáo sư Pearce-Higgins lưu ý, những con chim kiếm ăn trên mặt đất có thể không đối phó được với những đợt hạn hán kéo dài vào mùa hè: “Từ một nghiên cứu mà chúng tôi đã thực hiện gần đây yêu cầu học sinh đếm giun đất trong các sân chơi ở trường - sự sẵn có của giun - nguồn thức ăn chính cho nhiều loài chim đang giảm đáng kể vào mùa hè, đặc biệt là khi trời hanh khô”.

Tuy nhiên, nhìn toàn thể thì có thể yên tâm rằng tuy loài người đang đứng trên bờ vực của một thế giới đang nóng dần lên nhưng tương lai nhiều loài chim của chúng ta vẫn ở trong sự cân bằng.