VĂN HÓA

Lắng nghe có chủ đích, sức mạnh của giao tiếp

Minh Tuệ • 06-05-2022 • Lượt xem: 545
Lắng nghe có chủ đích, sức mạnh của giao tiếp

Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều sự việc không như ý xảy ra xung quanh các mối quan hệ khiến chúng ta gặp phải những khó khăn. Những áp lực và yêu cầu ấy thường lấn át, ảnh hưởng tới công việc, khiến cho thời gian và sức lực của chúng ta bị hạn chế. Biết lắng nghe một cách tích cực có chủ đích thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Lắng nghe bằng sự thấu hiểu

Giao tiếp cho phép chúng ta hình thành nên các mối quan hệ và kết nối có ý nghĩa, có lợi ở bất kỳ tình huống nào xuất hiện trong xã hội, công việc hay cá nhân… Nếu kỹ năng giao tiếp vững vàng sẽ giúp ích cho ta có được các mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống. Bên cạnh đó lắng nghe lại là một nửa của tất cả các giao tiếp, mà giao tiếp lại là nền tảng của các mối quan hệ giữa con người với con người. Lắng nghe không chỉ giúp chúng ta tạo lập, xây dựng được các mối quan hệ tốt đẹp hơn mà còn là biện pháp hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn. Đồng thời biết lắng nghe giúp chúng ta tiếp cận nhanh hơn với thành công. Từ những nhân vật kiệt xuất thành công trên khắp thế giới đã chứng minh sức mạnh của giao tiếp mang tới thành công ra sao. Vì với họ lắng nghe là vấn đề mấu chốt giúp họ thành công trong công việc. Lắng nghe cũng có sức mạnh và tác dụng ngang hàng với việc đọc sách hay xem phim. Nó chính là những phút giây tĩnh lặng để đón nhận, sàng lọc và thấu hiểu.

Hiện nay hầu hết chúng ta chưa hiểu đúng về cách chúng ta lắng nghe, mà vẫn thường nghĩ khi đối thoại với người khác là đã lắng nghe rồi. Điều đó chưa đúng, vì lắng nghe thôi chưa đủ mà phải lắng nghe có chủ đích. Để lắng nghe một cách thực thụ có chủ đích cần phải có thời gian và sự kiên nhẫn. Trong đó thái độ, sự chú ý và sự điều chỉnh là ba yếu tố quan trọng không thể thiếu. Chính vì vậy lắng nghe có chủ đích là quá trình lắng nghe người nói một cách có tập trung, đặt để tâm trí vào lời nói, tham gia phản hồi, quan sát ngôn ngữ cơ thể, đồng cảm với cảm xúc của người nói.

Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày để giao tiếp, trong đó 42,1% cho việc lắng nghe, 31,9% cho việc nói, 15% cho việc đọc và 11% cho việc viết (theo Paul Tory Rankin). Theo một nghiên cứu khác cho thấy chúng ta càng nghe lâu thì càng nhớ ít thông tin hơn. Sau 10 phút lắng nghe, thời gian chú ý của chúng ta giảm  xuống 50% và sau 48 phút giảm còn 25%.

Luyện tập lắng nghe có chủ đích

Lắng nghe có chủ đích cũng giống như bất kỳ những kỹ năng khác, có thể cải thiện bằng cách luyện tập. Trong giao tiếp hàng ngày với những người xung quanh, sự đồng cảm là nền tảng của việc lắng nghe có chủ đích, là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa. Thậm chí có thể giúp chúng ta quản lý cảm xúc của mình, lưu giữ dữ liệu và thông tin chặt chẽ hơn, giải quyết vần đề tốt hơn.

Những kỹ thuật sau đây là nền tảng để giao tiếp hiệu quả hơn trong các cuộc trò chuyện, công việc, với bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào… chúng ta có thể sử dụng cùng một lúc hoặc áp dụng riêng lẻ tùy thuộc vào từng tình huống.

+ Tập trung vào mục đích và ý định của cuộc trò chuyện

Tiếp cận, lắng nghe từ góc độ tổng thể, cần hiểu nội dung và mục đích của lời nói và ngôn ngữ cơ thể của người nói. Quan tâm, tôn trọng và nhận thức được khoảnh khắc hiện tại. Không xao lãng, hoặc làm gián đoạn câu chuyện. Bằng cách đó thì người nói và người nghe mới xây dựng được được kết nối đích thực.

+ Chú ý đến ngôn ngữ của cơ thể

Phần lớn giao tiếp dựa vào phi ngôn ngữ, ngôn ngữ cơ thể nói lên các cử chỉ và chuyển động có ý thức hoặc vô ý thức để biểu đạt, truyền đạt thông tin như nét mặt, tư thế, cử chỉ tay, ánh mắt, cử động… Khi nói chuyện, điều quan trọng là phải xem xét cách thức nhận thông điệp của chúng ta, như chúng ta có thể nhận ra rất nhiều điều thông qua cơ thể của người nói chứ không phải bằng lời nói.

+ Đưa ra những tín hiệu khích lệ bằng lời nói

Các dấu hiệu bằng lời nói là những lời nhắc mà người nói có thể sử dụng để gợi ra phản ứng hoặc phản ứng từ người nghe như một cái mỉm cười, cái gật đầu hoặc có thể là câu nói “vâng”, “tôi hiểu” hay “tôi hiểu rồi”… Đổi lại người nói có thể đưa ra các dấu hiệu bằng lới nói khi họ muốn người nghe chú ý hơn, như nói chậm hơn, to hơn nhằm nhấn mạnh một số điểm quan trọng hoặc tạm dừng… trong thời gian im lặng đó họ có thể mong đợi phản hồi từ người nghe.

+ Làm rõ và diễn giải thông tin

Đôi khi, cái gật đầu hay duy trì giao tiếp bằng mắt trong một cuộc trò chuyện là chưa đủ, chúng ta có thể nghi ngờ về việc liệu tâm trí của chúng ta có nắm bắt được toàn bộ thông tin hay không. Khi đó làm rỏ và diễn giải lại thông tin cho người nói có thể giúp cả hai hiểu hoàn toàn và chính xác câu chuyện.

+ Đặt câu hỏi

Để làm rỏ những thông tin người nói truyền đạt, thì đặt câu hỏi có thể giúp loại bỏ sự nhầm lẫn. Chúng ta có thể nghĩ rằng, bản thân đã xử lý hầu hết những gì người nói đã nói nhưng vẫn còn một vài thắc mắc nên đặt câu hỏi để làm rõ, để đảm bảo rằng chúng ta đã nghe được thông tin chính xác. Là một người lắng nghe có chủ đích, chúng ta cũng có thể thể hiện sự quan tâm bằng cách đặt câu hỏi. Điều đó có thể khuyến khích người nói trình bày thêm về một ý tưởng quan trọng hoặc thú vị khác, và nó cũng cho thấy rằng chúng ta chăm chú  lắng nghe cho đến thời điềm đó và muốn biết thêm thông tin. Điều này sẽ nuôi dưỡng mối liên kết bền lâu giữa người nói và người nghe.

+ Kiềm chế sự phán xét

Điều tuyệt vời nhất khi thực hiện các bước để trở thành người lắng nghe tốt là chúng ta có thể tương tác với những ý tưởng, quan điểm và cơ hội mới mà chúng ta chưa được tiếp cận. Kìm hãm sự phán xét, tránh chỉ trích, tham gia vào các cuộc nói chuyện với một tâm hồn cởi mở.

+ Tổng hợp, chia sẻ và phản ánh

Khi câu chuyện kết thúc, chúng ta nên chia sẻ câu chuyện đã được tóm tắt hoặc một vài ghi chú nhỏ về những gì người nói đã nói. Đưa ra suy nghĩ và ý kiến theo cách chứng tỏ chúng ta đã hiểu rõ thông tin, việc chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc có thể dẫn đến những cuộc trò chuyện sâu sắc và ý nghĩa.

Thực hành được ý thức trong khi lắng nghe mang lại nhiều lợi ích cho sự nghiệp và cuộc sống của chúng ta. Và thực tế cho thấy khi chúng ta biết lắng nghe có chủ đích sẽ tiếp thu tri thức tốt hơn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn, nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo hơn, mọi người xung quanh tin tưởng, yêu thương, có nhiều mối quan hệ tốt đẹp, bền vững hơn.