VĂN HÓA

Lễ cúng ông Công ông Táo, phong tục đẹp từ bao đời của người Việt

Lan Hương • 13-01-2023 • Lượt xem: 857
Lễ cúng ông Công ông Táo, phong tục đẹp từ bao đời của người Việt

23 tháng chạp, các gia đình tất bật chuẩn bị mâm cỗ tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu những ngày trước Tết của nhiều người dân Việt.

Mỗi năm cứ đến 23 tháng chạp, nhà nhà lại chuẩn bị sắm mâm lễ cúng để đưa ông Táo về trời. Không khí Tết cũng theo đó mà len lỏi gần hơn khắp các làng quê, con phố. Đây cũng là ngày lễ quan trọng mở đầu cho hàng loạt các nghi lễ trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày ông Công ông Táo về trời

Không ai biết tục cúng ông Công ông Táo chính xác có tự bao giờ, chỉ biết rằng nét văn hóa này đã lưu truyền từ rất lâu và in hằn trong tiềm thức bao người con đất Việt qua nhiều thế hệ.

Theo Lão giáo Trung Quốc, Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Tuy nhiên truyền thuyết này được người Việt hóa thành sự tích “hai ông – một bà” tượng trưng cho chiếc kiềng ba chân, gồm thần Đất, thần Nhà, thần Bếp và nắm giữ quyền hành cai quản mọi việc trong gia đình.

Đưa ông Táo về trời, phong tục được lưu truyền bao đời của người Việt

Tích xưa kể rằng Thị Nhi với Trọng Cao là vợ chồng, tuy tình nghĩa mặn nồng nhưng cả hai mãi vẫn không có con. Bởi thế Trọng Cao thường kiếm chuyện xô xát rồi đuổi đánh Thị Nhi đi.

Thị Nhi lang thang đến xứ khác đã gặp và phải lòng Phạm Lang, hai người nên nghĩa vợ chồng. Trọng Cao sau đó hết giận và cảm thấy ân hận trong lòng, ông day dứt và nhớ Thị Nhi quay quắt nên lên đường đi tìm vợ.

Trọng Cao lang bạt nhiều ngày hết tiền hết gạo, ông phải đi xin để có cái ăn. Tình cờ ông vào đúng nhà Thị Nhi đúng lúc Phạm Lang đi vắng. Bà nhận ra chồng cũ nên mời vào nhà và rồi nấu cơm mời ông. Ngay lúc đó Phạm Lang về, bà đã giấu Trọng Cao vào đống rơm sau nhà vì sợ Phạm Lang nghi oan cho mình.

Đêm đó Phạm Lang đốt đống rơm lấy tro bón ruộng, Thị Nhi thấy thế lao mình vào cứu chồng cũ. Phạm Lang thấy vợ nhảy vào lửa, ông thương vợ cũng nhảy vào theo khiến cả ba đều chết cháy.

Ngọc Hoàng cảm thấu tình nghĩa của ba người nên phong cho làm vua bếp. Theo đó, người chồng cũ là Thổ Địa cai quản việc trong nhà, người chồng mới là Thổ Công nắm giữ việc trong bếp, còn người vợ là Thổ Kỳ trông coi việc chợ búa.

Nét văn hóa đẹp từ bao đời của người dân Việt

Theo tín ngưỡng Việt Nam, Táo Quân không những trông coi mọi việc trong nhà mà còn là vị thần ngăn cản ma quỷ, bảo vệ sự bình yên cho gia chủ. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng chạp âm lịch, là dịp các Táo cưỡi cá chép về trời chầu Ngọc Hoàng, và báo cáo tất cả những việc tốt cũng như chưa tốt của mọi nhà dưới trần gian.

Đến ngày này, nhiều gia đình thường làm mâm cỗ tiễn đưa Táo Quân về trời. Với ý nghĩa cầu mong sự ấm no, đầy đủ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần trong một năm vừa qua. Đây cũng là dịp sum họp, quây quần của các thành viên trong gia đình sau một năm làm ăn vất vả.

Tùy theo điều kiện từng nhà mà sắp mâm cỗ lớn nhỏ khác nhau. Nhưng quan trọng nhất vẫn không thể thiếu 3 bộ mũ áo, hài và cá chép. Hai bộ cho Táo ông, một bộ cho Táo bà. Ngoài ra còn có các lễ vật khác như hoa quả, hương, nến, giấy tiền, vàng mã…

Mâm cỗ cúng Táo Quân không thể thiếu 3 bộ áo mũ, hài và cá chép

Đặc biệt trong ngày này, người ta còn chuẩn bị thêm cá chép trong chậu nước. Sau khi cúng xong sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ với ý nghĩa “các chép hóa rồng” làm phương tiện cho ông Táo cưỡi về trời.

Cá chép hóa rồng, phương tiện giao thông của ông Táo để lên trời

Ngoài ra, hình tượng “cá chép vượt Vũ môn” biểu trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì bền bỉ để mang tới thành công, đạt được kết quả tốt đẹp.