VĂN HÓA

Lễ hội và những góc khuất xấu xí

Nguyễn Văn Mỹ • 21-03-2021 • Lượt xem: 3135
Lễ hội và những góc khuất xấu xí

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, cả nước có 7.966 lễ hội. Số liệu này công bố từ năm 2008, hiện chưa được cập nhật lại. Trung bình mỗi ngày diễn ra 22 lễ hội...

Hình ảnh khoảng 50.000 người chen chúc đổ về chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) ngày 14.3 vừa qua lại gióng lên hồi chuông báo động về lễ hội. Đáng nói, sự việc diễn ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19 vẫn đang rình rập đe dọa, phớt lờ mọi khuyến cáo của nhà nước. Cách đó khoảng  70km, cả tỉnh Hải Dương vẫn đang vất vả với giãn cách xã hội.

Bị dư luận lên án, những người quản lý đổ “tại, bị, do…” và rút kinh nghiệm sâu sắc, nhưng thực tế đám đông đến chùa chỉ giảm chứ không dứt. Khi đám đông vượt quá giới hạn, trong điều kiện bình thường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn giao thông, thuyền bè, cháy nổ, ngộp thở, vệ sinh, an ninh trật tự, môi trường…

Khó có thể tưởng tượng nổi hậu quả khôn lường nếu đám đông kia có người dương tính COVID-19. Làm sao truy vết hết 50.000 F1 và hàng vạn, thậm chí triệu F2 trong các khu dân cư. Chẳng lẽ phong tỏa cả miền Bắc và không chừng cả nước.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội. Số liệu này công bố từ năm 2008, hiện chưa được cập nhật lại. Trung bình mỗi ngày diễn ra 22 lễ hội; nghĩa là gần như mỗi giờ ở Việt Nam có một lễ hội. Một số quan chức ngành và thầy cô dạy nghiệp vụ du lịch còn khẳng định đó là một trong những... thế mạnh của du lịch Việt Nam.


Hình ảnh dòng người đông đúc đổ về chùa Tam Chúc vào ngày 14.3 vừa qua - Ảnh: Internet

Lễ hội (nhiều nơi gọi nhầm là festival) bao gồm phần lễ và phần hội, còn festival là những ngày hội vui chơi thoải mái của cộng đồng. Lễ là nghi thức tâm linh, còn hội là hoạt động cụ thể. Rất cần thống nhất tên gọi. Thứ gì Việt Nam có thì không cần vay mượn. Lễ hội vốn là sản phẩm đặc thù của cộng đồng, được ngành du lịch tận dụng để phục vụ du khách. Các nước đều tận dụng những cơ hội như vậy để mời gọi khách đến và giữ khách ở lâu hơn.

Với thế giới, lễ hội là thế mạnh. Với Việt Nam, hiện đó là mặt yếu, thể hiện cách nghĩ về du lịch méo mó, cản trở. Tự thân lễ hội không có lỗi. Lỗi là ở người quản lý, lạm phát lễ hội và tổ chức tùy tiện, chủ quan. Thứ gì cũng lễ hội được, từ áo dài, thổ cẩm, cà phê, ẩm thực, bánh trái, cho đến chọi trâu, đua bò, chém lợn… Rất tạp nham.

Các hoạt động trên không thể là lễ hội, bởi đó là những vật phẩm vật liệu được dùng trong lễ. Không có cái gọi là lễ hội đâm trâu mà chỉ có lễ khóc trâu, trước khi giết trâu tế thần.

Lễ hội ở Việt Nam là nỗi ám ảnh của các công ty lữ hành và khách du lịch. Mùa cao điểm phòng ốc, dịch vụ đã khó khăn, giao thông tắc nghẽn, thêm lễ hội là “bó tay chấm com”. Các lễ hội đa phần xuất phát từ ý muốn chủ quan của nhà quản lý, để lấy hình ảnh tuyên truyền hoành tráng, lấy số liệu báo cáo đẹp, để có tiền hoa hồng và bồi dưỡng... Những lễ hội (phải sửa lại là ngày hội) thành công như pháo hoa, thả diều, ngày hội du lịch… đúng nghĩa đếm chưa đủ trên đầu ngón tay.

Lễ hội nào cũng có công thức chung: Sân khấu hóa - báo cáo cà kê - truyền hình trực tiếp - hội chợ - hội thảo. Lễ hội hiện nay giúp các địa phương có hình ảnh đám đông để đăng báo; có thêm hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt khách (chủ yếu là dân tại chỗ) để nghe báo cáo. Lễ hội nào cũng bạc tỉ, góp phần làm nghèo đất nước; làm giàu cho ban tổ chức, nhất là tổng đạo diễn. Những du khách đúng nghĩa, chẳng ai dại gì tới đó.

Các đoàn nghệ thuật nhà nước bao cấp, được chi tiền tỉ dựng tiết mục cũng phải tìm cách công diễn tối đa để thu hồi vốn, bớt lỗ. Chẳng đơn vị nào dám chơi sang, bỏ tiền tỉ, dựng sân khấu hóa, chỉ để diễn khai mạc như các lễ hội. Tôi từng bị “tra tấn” vì phải ngồi mấy giờ liền xem sân khấu hóa. Nhiều lễ hội, phần cuối chỉ còn diễn viên, đạo diễn và truyền hình trực tiếp. Khán giả, kể cả người địa phương đã về ngủ từ lâu.

Gần như mọi lễ hội đều kèm hội thảo. Các hội thảo tầm cỡ mấy trăm người, rất tốn kém (tốn tiền, kém hiệu quả) toàn phát biểu chung chung. Thời đại 4.0 nhưng không có tài liệu gửi trước. Lên diễn đàn, đại biểu cứ “nói đại” hoặc cắm cúi đọc bài, lãng phí cả thời gian lẫn chất xám. Hỏi đại biểu thu thập được gì từ các hội thảo kiểu này, nhiều người lúng túng, không thể trả lời cụ thể. Chủ trì hội thảo nào cũng kết luận là thành công tốt đẹp, đố dám nói khác.

Đại dịch COVID-19, (dù muốn hay không) đã khiến từng cá nhân đến mọi tập thể phải nhìn lại mình và có hành xử thích nghi với điều kiện "bình thường mới". Đây chính là thời cơ để vượt qua chính mình, đoạn tuyệt với tư duy lễ hội và hội thảo cũ. Tất cả phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn chứ không phải chủ quan của lãnh đạo. Làm du lịch là làm kinh tế, không thể làm kiểu phong trào. Vì làm du lịch kiểu phong trào, chạy theo số lượng và “tự sướng” nên các lễ hội biến tướng mới sinh sôi, các hội thảo hình thức mới nở rộ.

Phải bỏ bớt lễ hội. Chỉ giữ lại những lễ hội thiết thực với phần lễ đơn giản, ngắn gọn, trang trọng. Không giới thiệu cà kê. Chỉ cần phát biểu vài phút cám ơn người dân và du khách tham gia, rồi khai mạc. Tuyệt đối không báo cáo và sân khấu hóa. Nếu cần phục vụ đại chúng, làm hẳn chương trình văn nghệ riêng, như một hoạt động của ngày hội. Không đưa sân khấu hóa vào lễ khai mạc, bắt tất cả đại biểu chịu trận. Làm sao để du khách hòa mình, trải nghiệm với các hoạt động hội cùng cộng đồng bản địa một cách hứng thú.

Kinh phí lễ hội nên dùng để làm đẹp đường phố lâu dài như trồng cây, lót vỉa hè, làm cảnh quan thiên nhiên... Đoạn tuyệt với kiểu trang trí lòe loẹt xanh đỏ, giả tạo. Những dịp lễ hội, cần hỗ trợ và khuyến khích người dân trang trí, làm đẹp nhà cửa, nhất là mặt tiền; tạo tổng quan hài hòa, gây ấn tượng cho du khách tham dự. Các hoạt động được tổ chức tiết kiệm, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả. Làm sao để sau mỗi lễ hội, cảnh quan tại chỗ ngày càng đẹp hơn và cộng đồng có thêm thu nhập.

Chấm dứt kiểu hội thảo cũ, thiếu cả hội lẫn thảo. Số lượng tham gia cần tinh gọn. Tất cả tham luận và phát biểu được biên tập thành kỷ yếu, gửi trước cho đại biểu. Các tham luận và phát biểu, chỉ nên “kính thưa hội thảo”, không kính thưa đủ thứ dài dòng; trình bày bằng power point, nhấn mạnh điểm chính; không đọc bài hoặc nói chung chung. Nhất thiết phải có thực địa “walking workshop” (tạm dịch là điền dã) về các nội dung trước khi vào hội thảo.

Thay đổi những thói quen lạc hậu chưa bao giờ dễ dàng. Đặc biệt là thay đổi những thói tật đụng chạm đến lợi ích, cả vật chất lẫn tinh thần của cá nhân và nhóm. Nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Phải thay đổi để thích nghi, nếu không muốn tụt hậu, bị vượt qua, thậm chí tự xóa sổ.

Theo 1thegioi.vn