Nhịp sống hiện đại khiến người ta dần quên đi không khí của ngày lễ trông trăng trước đây, với đủ loại bánh trái và món ăn cầu kỳ.
Trung thu được coi là một trong những dịp lễ Tết quan trọng của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Tết trông trăng của người Việt còn mang ý nghĩa đoàn viên, có màu sắc, hồn cốt quê hương với những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân… và không thể thiếu mâm cỗ Trung thu đêm Rằm đủ loại thức quà thân thuộc, gần gũi, vừa để cúng tổ tiên, vừa để trẻ con phá cỗ đêm rằm.
Mâm cỗ Trung thu bây giờ đơn giản hơn xưa rất nhiều. Mùa Tết Trung thu cũng là mùa hoa quả chín rộ, mâm cỗ vì thế cũng có sự góp mặt đầy đủ của đủ thức hoa quả. Mỗi nhà có cách sửa soạn mâm cỗ khác nhau nhưng không thể thiếu nải chuối trứng cuốc chín vàng, trái hồng đỏ mang hy vọng, trái na mang ước nguyện sinh sôi, trái bưởi mang những điều tốt lành, trái lựu chứa ngọt ngào may mắn…
Mâm cỗ Trung Thu cổ truyền được phục dựng những nghệ nhân của sự kiện Thu Vọng Nguyệt
Tết Trung thu là dành cho trẻ em, tuy nhiên, trên mâm cỗ Trung thu của người Hà Nội xưa (khoảng thế kỷ 17-18) ngoài những món ăn trẻ nhỏ thích để phá cỗ, người lớn cũng có 1-2 món mặn để vừa nhắm rượu vừa trông trăng.Món không thể thiếu khác trên mâm cỗ là các loại bánh nướng, bánh dẻo đi cùng với trà ướp sen hay bánh con lợn, con cá nho cho trẻ con. Để có một mâm cỗ Trung thu ý nghĩa, mâm quả phải đạt yêu cầu: có xanh có chín, như quan niệm của người xưa, màu xanh của hoa quả mang tính âm, trái chín mang tính dương. Mâm ngũ quả tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ.
Đĩa giò ốc nhồi lá gừng là món nấu độc nhất của cỗ Trung Thu. Ốc nhồi giã hoặc băm nhỏ, để cho ráo nước (vì nếu ướt thì giò sẽ bở, và nếu thấm khô thì ốc mất vị ngọt), trộn với giò sống đã được nêm sẵn. Có người còn trộn thêm vào đó ít nấm mộc nhĩ ngâm mềm, để khô, thái nhỏ cho thêm độ giòn. Viên giò ốc cho vừa đủ miếng, lót bằng lá gừng trước khi nhồi lại vào vỏ ốc rồi hấp.
Mâm cỗ Trung thu không thể thiếu các loại bánh gia truyền, các con giống bột quen thuộc với nhiều thế hệ hay trầu têm cánh phượng.
Ba phẩm vật của Tết Trung thu đươc trẻ em ngày xưa chuộng nhất là bánh Trung thu, con giống bột (bánh chim cò) và đèn lồng phết giấy để rước cùng các đám múa sư tử. Con giống bột hay đất nung, một hình thức đồ chơi trẻ em rất thú vị của Tết Trung thu Việt Nam. Những con giống bằng bột ngây ngô tràn đầy hồn dân tộc này vẫn luôn hấp dẫn trẻ con, thậm chí cả người lớn, ngay cả ở thời nay khi mà đồ chơi hiện đại có mặt ở khắp nơi.Ngoài ra, người lớn còn có món gỏi cá trắm hay cá mè, với nước chấm làm từ tương Cự Đà pha chế rất công phu, để thưởng trăng. Giò ốc và gỏi cá thường được thưởng thức với rượu. Nhưng các món này chỉ được dọn ra hạn chế và tùy vào từng gia đình.
Các con giống được nặn thường có chủ đề gần gũi, thân thuộc với con người như trâu, ngựa, dê, chó… Khi trăng đã tỏ, thường là khoảng 20h, sau khi cúng Rằm xong, lũ trẻ bắt đầu phá cỗ. Ngày xưa, đến lúc cỗ được bày ra mới biết trên mâm con giống có những gì, và việc phá cỗ đối với trẻ em đồng nghĩa với việc tranh dành những con giống ưa thích mà mình đã ngắm từ trước. Khác với tò he bây giờ làm bằng bột nếp dẻo, con giống làm bằng bột tẻ ngày xưa cứng cáp và có thể giữ được nhiều năm.
Bánh nướng nặn hình con lợn đặt trong chiếc rọ xinh xinh đủ màu
Mùa Trung thu năm nay, nếu thương nhớ không khí của mùa trông trăng xưa cũ, bạn có thể cùng gia đình tham gia một số sự kiện truyền thống. Trong đó có sự kiện văn hóa Thu Vọng Nguyệt (29/9 -1/10 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội). Tại sự kiện, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những mâm cỗ Trung thu cổ truyền được phục dựng công phu để hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống xưa và những thay đổi hiện đại của Tết Trung thu nay.