Hội họa

Mì Quảng xuất hiện trên số báo đặc biệt của Nhật Bản

ML • 29-12-2018 • Lượt xem: 15374
Mì Quảng xuất hiện trên số báo đặc biệt của Nhật Bản

Mới đây báo Nikkei của Nhật Bản đã dành thời lượng lớn trên số báo đặc biệt để giới thiệu món ăn dân dã này của Việt Nam. Số lượng phát hành của kỳ báo này lên tới 3 triệu bản trên toàn nước Nhật.

Trong thư giới thiệu về bài báo, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Vũ Hồng Nam cho biết bài báo được in đúng vào ngày 23-12 nhằm ngày sinh nhật của Hoàng đế Nhật Bản - ngày Quốc khánh Nhật Bản. Sau khi bài  báo xuất bản, đã có nhà hàng Việt Nam đưa món mì Quảng vào thực đơn phục vụ khách hàng, thêm vào đó nhiều đơn vị và cá nhân đã gửi email email cho đại sứ quán khen ngợi món ăn này. 

Tô mì Quảng của Phú Chiêm - Quảng Nam

Cuối tháng 11 vừa qua một đoàn nghệ nhân gồm 4 người đã qua Nhật Bản để nấu món mì Quảng chiêu đãi quan khách ngoại giao, nhà báo tại Nhật Bản. Để làm món ăn này ngay trên đất Nhật, đoàn nghệ nhân đã phải đưa cối đá cổ, nguyên liệu, gia vị... lên máy bay, qua đại sứ Quán Việt Nam tại Nhật Bản để giã bột, nấu mì.

Những tô mì Quảng được nấu trên đất Nhật đã đón nhận được thiện tình đặc biệt từ bạn bè Nhật, các nhà báo. Đoàn đã tặng lại bộ dụng cụ cũng như chuyển giao công thức nấu mì Quảng cho phía những người bạn Nhật Bản, đại sứ quán Việt Nam tại Nhật.

Để tạo nên tô mì Quảng thơm ngon gạo được ngâm qua đêm và xay bằng cối đá cổ 150 tuổi. Tiếp đó, bột gạo được tráng trên nồi cách thuỷ và cắt thành sợi mì. Bà Lương Thị Thi, nghệ nhân có trên 50 tuổi nghề cho biết: "Để làm ra sợi mì ngon, việc xay gạo thành bột gạo thật mịn là rất quan trọng".

Những phần mì Quảng được nấu tại Nhật Bản để chiêu đãi quan khách, các nhà báo Nhật

Phía dưới cùng của bát mì là nước sốt cay quyện với sợi mì, bên trên được bày tôm, thịt, thịt lợn, các loại rau thơm, lạc rang, bánh đa với nhiều màu sắc trông rất đẹp mắt. Một tay cầm quả ớt tươi vừa ăn mì vừa cắn ớt, đại sứ Nam cho biết: "đây là cách ăn của miền Trung và nó rất ngon". Ở phần giữa của chiếc bát có độ lõm, giúp cho nước sốt của mì được lắng xuống. Nếu như phở thường được ăn bằng bát gốm trắng, mì Quảng sẽ được dùng với bát gốm có viền hoạ tiết vẽ màu xanh.