Với đàng trong thì thương cảng quan trọng nhất chính là Hội An. Còn với Hội An, thương khách quan trọng bậc nhất chính là những tàu buôn đến từ Nhật Bản.
Hội An là một địa điểm du lịch nổi tiếng với cả du khách Việt Nam và nước ngoài. Thế nhưng ít người biết rằng nơi đây đã từng là một “đặc khu kinh tế” đầu tiên ở Việt Nam.
Vào thế kỷ 16, khi nhà Nguyễn nắm quyền ở Đàng Trong. Để phát triển kinh tế, các chúa Nguyễn đã quyết định thành lập nhiều thành thị ven biển, vừa là để chiêu mộ dân chúng đến lập nghiệp, vừa là để giao thương với nước ngoài. Địa hình miền Trung đặc thù ít đồng bằng nhưng có đường bờ biển dài. Vì vậy mậu dịch, nhất là giao thương với nước ngoài đã trở thành một trong những nguồn thu quan trọng của chính quyền.
Người Nhật tìm đến Hội An giao thương và định cư
Cùng lúc với nhà Nguyễn phát triển Hội An thì vào năm 1592, Toyotomi Hideyoshi thống nhất Nhật Bản. Vì để thu mua những tài nguyên mà đảo quốc thiếu thốn, ông đã phát hành “Châu Ấn” (Gosyuin-Jo). Những thương thuyền người Nhật có ấn này được phép đi nước ngoài giao thương. Và họ đã dong buồm ra biển tìm đến các quốc gia láng giềng để tiến hành mậu dịch, trong đó có cảng Hội An ở Việt Nam.
Với Hội An, thương khách quan trọng bậc nhất chính là những tàu buôn đến từ Nhật Bản.
Và người Nhật nhanh chóng nhận ra nơi đây có gần như đầy đủ vật phẩm đáp ứng nhu cầu của họ. Thậm chí, nhiều sản vật tuy rằng Việt Nam không sản xuất được nhưng vẫn có thể mua được thông qua các thương lái người Tàu, người Xiêm, hay người châu Âu. Dĩ nhiên, giá cả so với việc đến tận các quốc gia kia thu mua sẽ đắt hơn, nhưng lợi ở chỗ thuận tiện. Ghé Hội An, người Nhật có thể mua được (gần như) đủ loại hàng hóa thay vì phải thực hiện nhiều chuyến hải hành đến các quốc gia khác.
Thời kỳ này, các chuyến tàu vượt biển phải dựa vào thời tiết. Vì vậy thương thuyền Nhật Bản sẽ khởi hành (ở Nhật) vào tháng 11. Họ đến Hội An và ở lại 3-4 tháng để thu mua hàng hóa, sau đó quay đầu về quê vào tháng 7.
Càng ngày việc mua bán càng lớn. Để thuận tiện việc thu gom hàng hóa, nhiều thương nhân Nhật Bản đã quyết định ở lại Hội An. Họ trữ hàng và bán lại cho chính thương thuyền đồng hương. Được sự đồng ý từ chính quyền nhà Nguyễn, người Nhật đã xây dựng con phố riêng cho họ tại Hội An. Và “Nhật Bản phố” cùng với “Đường Nhân phố” (của các thương nhân Trung Hoa) chính là 2 khu phố sầm uất nhất của Hội An lúc bấy giờ.
Thời kỳ thịnh vượng của giao thương Hội An – Nhật Bản
Đầu thế kỷ XVII là thời điểm thịnh vượng bậc nhất của sự giao thương giữa Hội An và Nhật Bản trong quá khứ. Theo sử sách Nhật Bản ghi lại, số thuyền được phát ấn (cấp phép) để đi đến Hội An mua bán là 87 chiếc. Chiếm gần 25% tổng số thương thuyền được phép mậu dịch với nước ngoài (356 chiếc). Đó chỉ là số liệu chính thức, không tính đến những chiếc đi lén (buôn lậu).
Giao thương thuận lợi đã biến Hội An trở thành thương cảng sầm uất bậc nhất Đông Nam Á lúc đó.
Thương nhân Nhật Bản thường đem kim loại quý (bạc, đồng), vũ khí, lưu huỳnh... đến Việt Nam. Chính quyền đàng trong rất ưa thích những mặt hàng này. Vì nó có thể nâng cấp vũ khí cho quân đội của chúa Nguyễn. Đổi lại, Nhật Bản thường thu mua vải vóc, đồ gốm sứ, sản vật lâm nghiệp (sừng tê, ngà voi, gỗ quý...), xà cừ, nhựa thông, đường phèn... để chở ngược về Nhật Bản.
Nhà nghiên cứu người Nhật Bản, ông Ogura Sadao cho rằng khu phố người Nhật ở Hội An vào thế kỷ 17 dài khoảng 300m. Ở thời điểm hưng thịnh nhất đã từng có khoảng 700 người Nhật sống tại nơi này. Thậm chí các thương nhân còn xây dựng “Nhật Bản nhân thương quán” (Thương quán của người Nhật Bản) ở Hội An.
Có thể nói, sự phát triển của Hội An gắn liền với các thương nhân đến từ Nhật Bản. Họ đã góp phần quan trọng trong quá trình Hội An từ một thương cảng non trẻ trở thành một trong những hải cảng thịnh vượng bậc nhất vào thời đó.
Sự suy tàn của Nhật Bản ở Hội An
Tuy nhiên thời thế thay đổi nhanh chóng. Năm 1635, chính quyền Tokugawa quyết định bế quan tỏa cảng. Nước Nhật đóng cửa không giao lưu với thế giới bên ngoài. Kể từ đó, việc giao thương giữa Hội An và Nhật Bản gần như đóng băng ngay lập tức. Người Nhật ở Hội An bị mất liên lạc với chính quốc. Các thương nhân Nhật bị cô lập và nhanh chóng lép vế trước các thương nhân Trung Hoa ở Hội An.
Cầu Nhật Bản (chùa Cầu) là kiến trúc hiếm hoi của người Nhật còn lại ở Hội An.
Thậm chí đến cả “Thương quán” cũng bị người Hoa mua lại. Những thương nhân Nhật Bản phần vì không duy trì được công việc, phần vì nhớ nhà nên đã tìm đường trở về quê hương. Thương hải tang điền, những dấu vết của người Nhật ở Hội An nhanh chóng bị dòng thời gian vùi lấp.
Trải qua vài trăm năm, những dấu vết Nhật Bản còn sót lại ở Hội An ngày nay có thể đếm được trên đầu ngón tay. Đó là cầu Nhật Bản (chùa Cầu) và 3 ngôi mộ của các thương nhân Nhật Bản. Đây là những dấu tích ít ỏi ghi dấu một thời giao thương thịnh vượng giữa Hội An và xứ sở Phù Tang.