Duyên Dáng Việt Nam

Một chuyện tình tuyệt đẹp

PV tổng hợp - Ảnh sưu tầm • 20-11-2017 • Lượt xem: 8142
Một chuyện tình tuyệt đẹp

Anh sẽ không bao giờ gặp lại em
Em sẽ không bao giờ quên anh
(Hay Em sẽ đánh thức anh lúc bình minh)

Nhân dịp APEC xin giới thiệu một câu chuyện có thật, một tình yêu bi thương và tuyệt đẹp cũng như một tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới, tuy đã cách đây hàng thế kỷ nhưng câu chuyện sẽ cho ta một góc nhìn khác về APEC...

Nikolai Rezanov (1764-1807) sinh ra tại thủ đô Sankt-Peterburg nước Nga Sa hoàng, tuy gia đình chỉ thuộc dạng công chức nhỏ nhưng thủa thiếu thời cậu được nhận một sự giáo dục hoàn hảo, sớm biết được 5 thứ tiếng. Ông được nhận vào pháo binh từ năm 14 tuổi, và sau đó tài năng và vẻ đẹp của Nikolai được lọt vào mắt xanh của nữ hoàng Ekaterina đệ nhị, mới 16 tuổi anh đã được làm vệ sĩ riêng cho nữ hoàng trong chuyến đi công cán vùng Crymea.

Thế rồi một ngày kia bỗng dưng Nữ hoàng không thấy hài lòng về chàng cận vệ trẻ nữa, Nikolai đột nhiên (phải?) từ bỏ quân ngũ, chuyển sang làm nhân viên tòa án quèn và mười một năm sau chàng trai mới được gọi quay lại phục vụ kề bên Nữ hoàng. Có lẽ chàng trai trẻ Nikolai quá đẹp trai và phong độ nên tay người tình của Nữ hoàng rất bất bình về anh, có lẽ chính vì hắn đã can thiệp thô bạo nên đường quan lộ của anh bỗng dưng đứt đoạn lần nữa, lại phải ra đi mà vẫn chưa yên, anh cứ bị đẩy dần về phía đông làm những chức sắc nhỏ nhoi và không có vẻ có con đường quay lại thủ đô, và thế là số phận của anh dần dần gắn với phía đông của đất nước Nga mênh mông từ đó. Sau khi trải qua nhiều công việc khác nhau Rezanov lấy vợ - Anna là con gái của Shelikhov, “Colombo người Nga” – một nhân vật lịch sử đã tự bỏ tiền đóng ba chiếc thuyền buồm tiến sang châu Mỹ và gây dựng lên những ấp trại đầu tiên của Nga trên đất Mỹ. Lấy vợ nhà giàu (tài sản đổi lấy chức sắc quan triều đình của Rezanov cũng môn đăng hộ đối đấy!) và cha là người ủng hộ sáng kiến để lập Cty “Nga-Mỹ” – một dạng công ty “đặc quyền đặc lợi” thời đó, được rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ của chính phủ để phát triển nước Nga về phía đông và Bắc Mỹ cũng như ở Thái Bình Dương – nên sự nghiệp chính trị của Nikolai lên như diều gặp gió. Chỉ nửa năm sau khi làm hôn lễ thì người cha vợ mất, anh lại được ông cho thừa hưởng một phần gia tài. Rezanov tiếp tục sự nghiệp của bố vợ, ông là sáng lập viên và người đầu tiên điều hành “Công ty Nga-Mỹ” (công ty này sau mấy chục năm nữa sẽ thực hiện việc mua bán Alaska giữa hai đất nước này)...

Chế độ nữ quyền của Ekaterina II chấm dứt đồng nghĩa với việc anh lại được vô tư trở về kinh đô hoa lệ. Các Sa hoàng lần lượt lên ngai vàng và đều khá thân thiện với Rezanov. Thời đó Nhật Bản là nước đã thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng tới 150 năm nên Sa hoàng mới Alexander đệ nhất cử Rezanov làm đại sứ đầu tiên từ Nga tới đất nước mặt trời mọc này để thúc đẩy giao thương (và cũng để Rezanov không về hưu sớm sau khi vợ mất sớm vì bệnh tật, khi ông mới chưa đầy bốn mươi tuổi và đã quá giàu có sung túc rồi!) – đó là năm 1803 và cũng vì ông đã lăn lộn khá nhiều ở vùng phía đông của nước Nga cũng như là người lập ra một trong những từ điển Nhật-Nga đầu tiên. Nhân tiện việc “đi sứ” này ông được giao là một trong hai người phụ trách chuyến đi bằng thuyền buồm vòng quanh thế giới đầu tiên của Nga.

Chuyến đi khá trầy trật, vòng quanh Thái Bình Dương, khắp cả Nam Mỹ lẫn Hawaii nhưng lại tắc nghẽn lâu nhất tại nơi ông cần làm sứ mệnh chính trị gia là nước Nhật. Một năm rưỡi ông bị đẩy vào cảnh “ngồi chơi xơi nước” chứ không hề được làm bất cứ điều gì cho việc thúc đẩy giao thương giữa hai nước. Ông đại sứ phát khùng và phá vỡ mọi quy chế ngoại giao, tự ra về rồi xin với Sa hoàng từ giã chuyến thám hiểm bằng thuyền buồn quanh thế giới, ông được giao đi kiểm tra tình hình những ấp trại người Nga lập lên trên đất Alaska. Ông không thể tin vào mắt mình: những kẻ đi tìm vùng đất mới đó bị thương nhân người Mỹ tẩy chay, họ sống hoàn toàn bằng thực phẩm Nga, mà số thực phẩm này phải chở qua cả vùng Sibery rộng lớn rồi đi thuyền hàng tháng mới tới nơi, đa phần đã hỏng vì hết đát và dù sao chúng cũng không thể đủ! Họ đang chết đói... Ông mua cả một tàu “Iunona” chở đầy lương thực rồi chở tới cho họ, mặc dù tay chủ tàu còn chưa hết bàng hoàng vì... có muốn bán tàu đâu! Chưa hết, mùa đông đang tới, không trông chờ được vào thực phẩm từ Nga chở sang, Rezanov cho đóng một con tàu với tên gọi “Avos” (có nghĩa là “cầu may”) để kiếm lương thực ở phía nam nước Mỹ cho gần. “Iunona” và “Avos” theo ông bơi xuống Caliphornia với sứ mệnh cứu đói cho mấy ngàn người Nga phía bắc, với niềm hy vọng vào sự may mắn mà thôi...

3/1806 “Iunona” và “Avos” cặp bến San-Francisco khi đó còn là thuộc địa Tây Ban Nha – đồng minh của Pháp và thế tức là đối đầu với Nga Sa hoàng. Thật khó có thể giao dịch gì với kẻ thù tiềm năng, thế nhưng trái với ở Nhật Bản ở đây Rezanov thể hiện bản lĩnh tuyệt vời: chỉ trong 6 tuần ông chiếm trọn cảm tình của quan toàn quyền Bắc California với vị quan trấn thành Hoce Dario Arguelo, chưa kể hơn thế nữa ông làm cô con gái 15 tuổi rất đẹp của vị này là Conchita mê say đắm...

Tất cả mọi người được chứng kiến đều coi mối tình này là vụ lợi, từ phía trưởng đoàn người Nga thì đó là hai chiếc tàu được chất lặc lè lương thực, đến mức phải yêu cầu thôi không chất thêm không thì chả bơi lên phía bắc được nữa! Về phía cô bé 15 tuổi thì có lẽ đó là những ước mơ hão huyền về cuộc sống mệnh phụ phu nhân của vị quan trong triều đình với yến tiệc linh đình và những cũng điện, đêm trắng đẹp mê hồn theo lời kể của Rezanov, ông lúc này tuy đã quá 40 nhưng vẫn vô cùng đẹp trai phong độ, với vẻ từng trải lão luyện khó mà cưỡng được. Ngay trong các báo cáo gửi về triều đình Rezanov vẫn khá lạnh lùng viết về mối tình của mình, coi đó như một nghĩa cử mang lại ích lợi cho tổ quốc, hơn là một tình yêu thực sự. Nhưng có lẽ tất cả đã bị nhầm, hoặc giả Rezanov sau vụ thất sủng với triều đình tại Nhật và chuyến đi vòng quanh thế giới đã “tỉnh đòn” hơn rất nhiều...

Người chống lại cuộc hôn nhân rất chênh lệch về tuổi tác này là bố mẹ cô dâu, với lý do cô dâu và gia đình theo đạo Ki-tô còn chàng rể người Nga theo Chính thống giáo. Chàng con rể hứa danh dự sẽ quay về nước, xin phép Sa hoàng dùng ảnh hưởng của mình tác động lên Giáo hoàng La Mã, để chúc phúc cho cuộc hôn nhân của mình. Và anh tính cả đi và về sẽ mất hai năm. Conchita hứa sẽ đợi anh dù đến bao giờ. Ngay lập tức sau lễ trao nhẫn Nikolai Rezanov lên đường, 2 chiếc tàu chở đầy lương thực đi cứu đói cho Alaska còn anh vội vã về với thủ đô Peterburg...

Đặt chân lên đất Nga ông lập tức ra lệnh tổ chức đoàn di dân sang California, 95 người Nga sau đó đã đặt chân đến vùng đất hứa này. Ông dự tính sẽ báo cho triều đình kế hoạch di dân của mình sang châu Mỹ, và sẽ chọn quê hương bên vợ tức California làm bàn đạp. Các nhà sử học coi rằng lịch sử California và có thể là cả lịch sử nước Mỹ sẽ khác hẳn nếu chỉ cần Rezanov sống thêm được mười năm nữa thôi. Than ôi...

Khó có thể giải thích bằng lý do gì ngoài tình yêu về việc ông vội vàng hết mức để về thủ đô càng sớm càng tốt. Lúc đó đã mùa đông, băng tuyết khắp nơi, có những chỗ phải vượt qua sông lớn nhưng ông bất chấp băng mỏng hay dày, đi suốt ngày đêm và có nhiều lần đã thụt xuống nước. Nhiều đêm ông phải ngủ ngay trên tuyết lạnh vì ở chỗ đồng không mông quạnh. Ông đã cảm lạnh, phát sốt đến 12 ngày li bì, nhưng tỉnh lại ông lại đòi đi ngay mà không ai cản được. Cuối cùng ông ngã từ trên ngựa đập đầu xuống đất, người ta chỉ kịp mang ông về thành phố Krasnoyarsk thì ông mất, khi đó mới 42 tuổi. 60 năm sau Nga bán Alaska giá rẻ bèo cho Mỹ cùng với tất cả di sản của công ty “Nga-Mỹ” mà ông gây dựng nên, và tất nhiên những kế hoạch chinh phục đất Mỹ của ông không còn được ai thực hiện. Nhưng người đời không quên ông được nhờ vào chính Conchita – người vợ mới ăn hỏi của ông!

Khi nghe tin ông chết Conchita không tin, hơn một năm trời nàng hàng ngày đi ra biển nhìn theo hướng con tàu đã mang chàng đi – chính nơi đó bây giờ là trụ của chiếc cầu “Golden Gate” lừng danh. Đến khi được tin chính thức từ Nga báo sang, rằng Rezanov đã chết và từ nay nàng có toàn quyền lập gia đình mới, thì cô gái khi đó 16 tuổi này chỉ lẳng lặng từ chối quyền “tự do” đó của mình. Hơn hai mươi năm nàng sống với mẹ cha, chỉ làm từ thiện, dậy học cho người da đỏ... Sau đó nàng vào tu viện sống đến cuối đời, chết tại địa chỉ mới của tu viện tại thành phố Moterrey. Conchita chết năm 1857, tức là đã sống và chỉ sống bằng ký ức về Rezanov hơn một nửa thế kỷ!

Từ 1981 đạo diễn Zakharov, nhạc sỹ Rybnikov, nhà thơ Voznexenskiy và nhà hát “Lenkom” của Liên Xô đã dựng vở rock-opera “Iunona và Avos” – tên hai con thuyền buồm đã cùng Rezanov đi về phía nam, nơi ông tìm ra tình yêu lớn nhất của đời minh - nó trở thành kinh điển và được diễn liên tục cho đến ngày hôm nay, rạp luôn kín khán giả! Thời “chiến tranh lạnh” đó chỉ nhờ vào ảnh hưởng của nhà tạo mẫu lừng danh Pierre Cardin – một người bạn lớn của giới lãnh đạo văn hóa CCCP – mà nó được lưu diễn ở nước ngoài, từ Paris cho đến Broadway, rồi trên sân khấu lớn của hơn 30 nước khác nữa. Năm 1990 vở kịch hát này diễn hai tháng liền tại City Centre - New York...

Trong vở opera này có rất nhiều trích đoạn là những bài hát rất hay, nhưng hay nhất và làm người ta nhớ tới nhất đó là bài “Em sẽ đánh thức anh lúc bình minh”. Rất nhiều đôi song ca nổi tiếng đã thử sức với bài hát buồn vô hạn này:

hay là

Nhưng bài hát trở nên bất hủ chính bởi sự thể hiện của nam diễn viên - ca sĩ đóng vai chính liên tục hơn 25 năm Karachensov:

Người đời vẫn nhớ đây là một mối tình có thực chứ không chỉ là sản phẩm của văn chương và sân khấu. Năm 2000 tại Krasnoyarsk tại nghĩa địa mà Rezanov đã được chôn cất khi xưa người ta dựng lên một đài tưởng niệm – một chữ thập màu trắng, một mặt có đề “Quan trợ tế Nikolai Petrovich Rezanov. 1764-1807. Anh không bao giờ còn gặp lại em” và phía dưới thì đề “Maria de la Consenon Marsela Arguello. 1791-1857. Em sẽ không bao giờ quên anh”. Cảnh sát trưởng của thành phố Monterrey đã rắc nắm đất lấy từ mộ phần của Konchita trên mộ của Rezanov. Ông ta mang ngược về một nắm đất từ Krasnoyarsk – dành cho Conchita. Năm 2007 khu tưởng niệm Rezanov được khánh thành trên quảng trường Hòa bình.

(Sưu tầm)

Ghi chú:

Cảnh trong vở rock opera đã trở thành kinh điển:

- Chuyện tình buồn tuyệt đẹp này rất hợp với ngữ cảnh APEC, với rất nhiều quốc gia liên quan. Nếu có ai đó muốn tặng tổng thống Nga vật phẩm văn hóa gì thì “Đợi anh về” làm sao có thể so sánh được với “Iunona và Avos” hay “Em sẽ đánh thức anh lúc bình minh” về mọi mặt? Thôi, có lẽ đã TS thì chả biết được những chuyện này đâu...

Ảnh sưu tầm: Conchita và diễn viên nam chính Karachensov.