VĂN HÓA

Một thời nhạc trẻ - Dư âm đi cùng năm tháng

Châu Anh • 13-02-2019 • Lượt xem: 3464
Một thời nhạc trẻ - Dư âm đi cùng năm tháng

Kể từ số này Duyên Dáng Việt Nam sẽ đăng dài kỳ Bút ký Một thời nhạc trẻ của cố nhạc sĩ Trường Kỳ. Sách được hoàn thành tại Montreal Canada, tháng 10-2001, gồm 4 chương với 384 trang và nhiều hình ảnh quý về một chặng đường ca nhạc trẻ Việt Nam. Được sự đồng ý của tác giả, giờ đây chúng tôi đã có thể đưa những gì quý giá mà anh viết trong tác phẩm rất nhiều tâm huyết của mình đến với độc giả và những người yêu mến âm nhạc nói riêng. Những bài trích dẫn của chúng tôi như một lời chân thành cảm ơn tới chị Thu Huyền - bà xã của cố nhạc sĩ Trường Kỳ tận bên kia nửa vòng trái đất.

Lấy khởi điểm từ những năm đầu của thập niên 60 và chấm dứt vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, tập bút ký này được thực hiện dựa tên trí nhớ và những tài liệu của người viết còn lưu lại được sau gần 40 năm. Trí nhớ có những giới hạn của nó, hơn nữa còn được xây dựng trên những ghi nhận chủ quan nên khó tránh được những thiếu sót và những điều được gọi là thiên kiến. Những tài liệu ghi chép cũng không được thực hiện một cách liên tục, nên khó tránh khỏi những sự đứt quãng và sai lầm. Do đó, người viết không có tham vọng coi tập bút ký này là một tài liệu có tính cách lịch sử của một giai đoạn trong sinh hoạt ca nhạc Việt Nam. Một việc làm như thế cần có sự tham khảo sâu rộng từ những người từng sinh hoạt trong thời kỳ đó mà nay lưu lạc khắp nơi, nên việc đúc kết không phải là một việc dễ dàng. Người viết không có khả năng làm chuyện đó.

Tập bút ký này cũng mong muốn gợi lại những hình ảnh quen thuộc của một thời kỳ “cách mạng” của tuổi trẻ trong suốt thập niên 60 - là một thập niên với rất nhiều thay đổi trong lãnh vực văn hóa trên khắp thế giới. Những âm thanh vang dội của Nhạc Trẻ, dấy động thành một phong trào cũng khởi đi từ đó, vươn mình lên cùng một lúc với một nền văn hoá trẻ trung làm thay đổi bộ mặt thế giới. Hàng loạt những danh từ dần đã trở nên quen thuộc trong giới trẻ Việt Nam: Yéyés, Hippy, Pop Art, Hit Parade, Top Hit, Top 10, Top 20, Beat Generation, Psychedeiic, Flower Power. Nào là những tiếng lóng như “choai choai”, “ghế nhí”, “ghế lúng”, “ghế mẫu”, “khứa lão”, “hippy yaourt”... được sử dụng rất phổ thông. Những bậc cha ông của thế hệ lớn lên trong thập niên 60 đã từng coi con cháu họ là thành phần “quái đản” với bộ tóc dài của lớp thanh niên, với những bộ quần áo những nhạc phẩm “Psychedelic” ầm ĩ... Nhưng tất cả những thứ đó đã tạo thành một thời kỳ tuổi trẻ đáng ghi nhớ nhất. 


Một sự kiện quan trọng cần ghi nhận là thập niên 60 đánh dấu cho sự chuyển tiếp cúa hai nền văn hóa Pháp và Mỹ trong giới trẻ Việt Nam, nhất là trên phương diện ca nhạc. Ảnh hưởng sót lại của nền văn hóa Pháp, nơi thế hệ cha anh phải nhường chỗ cho nền văn hóa Hoa Kỳ ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Cuộc “cách mạng” nơi giới trẻ thoạt đầu đã gặp không ít sự chống đối của thế hệ cha ông với những phong trào như nhạc trẻ, hippy. Những sự kết án gay gắt lúc ban đầu cuối cùng được thay thế bằng những nụ cười thiện cảm và chấp nhận trước một thực tế hiển nhiên. Thực tế đó được thể hiện qua một loạt âm nhạc có tác động lớn trong giới trẻ - được gọi là kích động nhạc, sau đó được thay thế bằng danh từ nhạc trẻ - và trước sức mạnh ôn hòa của những bông hoa đầy màu sắc (flower power) trong thời kỳ phong trào Hippy bành trướng mạnh mẽ. Giới trẻ Việt Nam mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của những nền văn hóa Âu Mỹ nhưng không hề để mất đi nguồn gốc dân tộc của mình, đó là điều họ hãnh diện. Những ảnh hưởng đó chỉ là bức màn bao phủ phía ngoài để làm cho cuộc sống thêm tươi, thêm đẹp. Bên trong, gới trẻ vẫn giữ cho họ được một tâm hồn Việt Nam đáng quí, được điểm tô thêm bằng những cái hay, cái đẹp đến từ bên ngoài. “Một Thời Nhạc Trẻ” được xây dựng trong bối cảnh có nhiều đổi thay về văn hóa đó. Sau gần 40 năm, cái nhìn về một thời dĩ văng có thể tương đối được coi là chín chắn khi tâm hồn đã lắng đọng lại để quay về với một thời mang nhiều ý nghĩa của lứa tuổi hoa niên. “Một Thời Nhạc Trẻ” cũng mong mang lại cho giới trẻ thuộc thế hệ sau một cái nhìn tống quát về một thời kỳ bậc cha anh họ đã sống khi ở lứa tuổi của họ hiện nay.

Trường Kỳ (1946 – 2009), là một trong những người tiên phong khai sinh phong trào nhạc trẻ Sài Gòn trước năm 1975 và là nhà biên khảo về tân nhạc Việt Nam. Cùng với Tùng Giang, Nam Lộc, ông được mệnh danh là vua nhạc trẻ từ những thập niên 60 và 70 tại miền Nam Việt Nam. 
Ông tên thật Joseph Vũ Trường Kỳ, sinh ngày 29 tháng 3 năm 1946 tại Hà Nội.
Ngoài việc sáng tác ca khúc và viết lời Việt cho các ca khúc nước ngoài, ông còn viết phóng sự cho báo Kịch Ảnh, Màn Ảnh, phụ trách trang nhạc trẻ trên nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử, cộng tác với nhiều báo khác. Trường Kỳ định cư ở Canada từ năm 1980, tiếp tục sinh hoạt văn nghệ, cộng tác với nhiều tờ báo ở đây cũng như ở Hoa Kỳ.
Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có Biết đến thuở nào (viết chung với Tùng Giang), Như một giấc mơ…
Các ca khúc nước ngoài do ông đặt lời Việt được phổ biến rộng rãi:
- Yêu nhau đi (Besame mucho/ Consuelo Velázquez.
- Thú yêu thương (Speak softly love - Parle Plus Bas) (The Godfather love Theme)/ Nino Rota & Larry Kusik. 
- Bài luân vũ mùa mưa (The last waltz/ Barry Mason & Les Reed.


Cùng với Jo Marcel, Trường Kỳ thực hiện cuốn phim “Thế giới nhạc trẻ”.
Phóng sự tiểu thuyết “Tuổi choai choai”, cùng với Nam Lộc và Jo Marcel làm thành phim “Vết chân hoang”.
Trong suốt hai thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, Trường Kỳ đã cùng Jo Marcel, Tùng Giang, Nam Lộc... tổ chức thành công nhiều cuộc trình diễn âm nhạc quy mô tại Sài Gòn như Đại hội nhạc trẻ Taberd (danh từ nhạc trẻ do chính Trường Kỳ đặt) liên tiếp diễn ra (1964 - 1973, trừ năm 1968 do chiến cuộc), rồi Đại hội nhạc trẻ quốc tế ngoài trời (sân Hoa Lư, 1971), Đại hội nhạc trẻ (tại Thảo Cầm Viên từ 1971 đến 1974).