VĂN HÓA

Nghề làm nước mắm Phú Quốc trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hoài Việt • 20-12-2022 • Lượt xem: 736
Nghề làm nước mắm Phú Quốc trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Có thể nói đến thời điểm hiện tại, nước mắm truyền thống Phú Quốc là loại nước mắm giữ được những tinh hoa quê nhà với màu sắc đặc trưng cùng hương vị đậm đà mà không nơi nào có thể sánh bằng. Sau 200 năm trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp duy trì và phát triển, nghề làm nước mắm Phú Quốc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao bằng di sản phi vật thể cấp quốc gia.  

Cụ thể, vào sáng ngày 16/12, UBND tỉnh Kiên Giang vinh dự tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc" tại thành phố Phú Quốc. Bằng được trao bởi Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Được biết, trước đó vào năm 2001, nước mắm Phú Quốc từng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng quốc gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tiếp đến vào năm 2012 càng tự hào hơn khi là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Uỷ ban châu Âu bảo hộ văn bằng bảo hộ xuất xứ địa lý. 

Tại buổi lễ, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định trao thưởng cho 5 cá nhân, 5 tập thể đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá của “Nghề làm nước mắm Phú Quốc". Song song đó, ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bày tỏ niềm vinh hạnh khi đón nhận bằng Di sản phi vật thể quốc gia. Đây chắc chắn sẽ là nguồn động lực vô cùng to lớn cho những người làm nghề trên con đường nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu truyền thống vươn xa.  

Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc ra đời từ khoảng hơn 200 năm trước, các thế hệ “Cha truyền con nối" tiếp bước nhau vận hành bằng các kinh nghiệm được tích luỹ, trao lại từ đời này sang đời khác. Chủ cơ sở nước mắm Đại Đức (Phường Dương Đông, TP Phú Quốc) - ông Hà Tấn Tài vẫn còn lưu giữ những hiện vật, tư liệu quý cũng như hình ảnh về nghề làm nước mắm của gia tộc nói chung và Phú Quốc nói riêng. Được biết, ông là truyền nhân đời thứ 6 của một gia tộc có truyền thống làm nước mắm hết sức lâu đời, bắt đầu vào khoảng thời gian đầu thế kỉ 19. 

Nước mắm Phú Quốc mang hương vị riêng biệt đặc trưng không lẫn vào đâu được. Với vị mặn đầu lưỡi ban đầu, dần chuyển sang ngọt dịu, mùi thơm từ vị mặn của muối và béo của cá, có độ sánh nhẹ mang màu cánh gián. Tất cả nhờ sự ưu ái của các yếu tố thiên nhiên: từ nguồn rong tảo lớn nuôi dưỡng lượng cá cơm dồi dào; tổng hoà khí hậu, thổ nhưỡng cho đến quy trình sản xuất. Sau khi được đánh bắt và mang lên tàu, cá được muối ngay lập tức rồi mới mang về ủ chượp (chượp: cá cơm sau khi ướp muối) trong thùng gỗ đặc biệt. Định khoảng thời gian ủ rơi vào khoảng 12 - 15 tháng là cho ra thành phẩm có độ đạm từ 25 trở lên. Hiện nay, cả Phú Quốc ghi nhận số liệu thống kê số lượng thùng gỗ chượp cá là hơn 7000, sức chứa mỗi thùng là 12 - 15 tấn cá cơm nguyên liệu. 

Bên cạnh những thuận lợi vốn có, chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc - bà Hồ Kim Liên cũng cho biết thêm nghề làm truyền thống Phú Quốc đã và đang gặp những khó khăn, thách thức nhất định trong quy trình sản xuất, bắt nguồn từ những nguyên nhân như: nước mắm truyền thống bán ra gặp nhiều khó khăn về giá thành, khó phân định giữa nước mắm có chỉ dẫn địa lý và không chỉ dẫn địa lý của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; chưa có hành lang pháp lý rõ ràng… Theo đó dẫn đến sản lượng đóng chai phân phối ra thị trường giảm khoảng 30-35% đối với nước mắm Phú Quốc, nước mắm nguyên liệu giảm 70-80%.

Để có thể tiếp tục duy trì làm nghề, giữ vững phong độ về chất lượng, UBND TP Phú Quốc đề nghị các cơ sở, doanh nghiệp liên kết hợp tác, tạo mạng lưới vững chắc từ chất lượng sản phẩm cho đến công tác truyền thông quảng bá. Từ đó dễ dàng mở rộng hướng tiêu thụ đến người tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn lan rộng ra thế giới. Song song đó, nhà nước tăng cường công tác quản lý, hoạch định kế hoạch cụ thể cũng như các giải pháp giữ vững nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc.