VĂN HÓA

Nghệ thuật từ chối khéo léo trong giao tiếp

DDVN • 24-08-2020 • Lượt xem: 4085
Nghệ thuật từ chối khéo léo trong giao tiếp

Sợ mất lòng, cả nể, ngại từ chối là những sai lầm khiến con người rơi vào quá tải và vướng vào những rắc rối không cần thiết. Biết từ chối những yêu cầu quá sức giúp bạn duy trì năng suất làm việc và giảm căng thẳng hiệu quả. Trong giao tiếp, từ chối cũng là một nghệ thuật cần sự khéo léo, tinh tế nhưng cũng rất cần sự thẳng thắn và dứt khoát.

 

 

Khi nào nên từ chối?

Để biết khi nào nên từ chối cần xem xét hai yếu tố: giá trị của thời gian và những ưu tiên của bản thân

Rất nhiều người gặp khó khăn khi phải từ chối yêu cầu từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Có gì khó khi nói “không” với những lời đề nghị ấy? Nhiều người sợ rằng, lời từ chối có thể khiến người đề nghị bị tổn thương, tức giận hoặc thất vọng. Cũng có thể, bạn muốn xây dựng một mối quan hệ gần gũi để có cơ hội hợp tác trong tương lai nhưng lo ngại lời từ chối sai cách sẽ làm hỏng mối quan hệ.  

Trước khi đưa ra quyết định nhận lời hay từ chối, bạn cần biết rằng, thời gian của mình có hạn và liệu có thể sắp xếp các công việc hàng ngày của bản thân để thực hiện một yêu cầu mới hay không?

Nếu thời gian không cho phép, việc không dám từ chối sẽ khiến kết quả cả hai việc đều không tốt. Bởi vậy, đây là lúc nhất thiết phải nói “không”  và nói với họ rằng: Hiện tại tôi không thể làm được nữa. Công việc của tôi đang bị quá tải.

Biết các ưu tiên của bạn

Ngay cả khi có thời gian để thực hiện một đề nghị mới, hãy xem xét những ưu tiên của bản thân và suy nghĩ xem bạn có thực sự muốn dành thời gian để thực hiện hay không?

Mỗi người đều có sự ưu tiên khác nhau, đó có thể là bố mẹ, vợ chồng, sự nghiệp, con cái, bạn bè, sử thích cá nhân. Cân nhắc tầm quan trọng, những lợi ích mà đề nghị mới mang lại so với những giá trị ưu tiên của bản thân sẽ cho bạn động lực và lý do chính đáng để mạnh dạn từ chối những lời đề nghị không đủ quan trọng. 

Mạnh dạn nói  “không”

Từ chối là một kỹ năng, bởi vậy để nói “không” một cách khéo léo, chân thành cần phải tập luyện. Việc từ chối thường xuyên sẽ phá vỡ thói quen nhờ vả của người khác, và cũng giúp người khác nhìn thấy giá trị của bạn. Khi việc từ chối được thực hành nhiều lần, bạn có thể nói một cách tự nhiên và thoải mái hơn.

Tuy nhiên, đừng lạm dụng điều này. Có những việc trong phạm vi khả năng có thể làm được đừng từ chối giúp đỡ mọi người.

Đừng xin lỗi

Một cách từ chối lịch sự có thể dùng đó là “tôi rất tiếc”. Câu nói này rất đơn giản nhưng rất quan trọng, nó thể hiện được sự trang trọng, lịch sự hơn thay vì nói “tôi xin lỗi”. Bạn cần phải vững vàng và công bằng trong việc bảo vệ thời gian của bạn.

Hiểu rằng không ai có thể hoàn mỹ

Luôn nhận lời trong mọi tình huống không khiến bạn trở nên đáng yêu, tốt đẹp hơn trong mắt người khác. Điều này chỉ khiến người khác nhìn bạn là một người dễ dãi thậm chí khờ khạo mà thôi.

Khi bạn làm cho mọi người dễ dàng lấy thời gian, công sức hay mượn tiền họ sẽ tiếp tục làm việc đó. Nhưng nếu bạn thiết lập cho mình một giới hạn, họ sẽ cẩn trọng hơn khi đưa ra bất cứ lời đề nghị nào với bạn. 

Cho những người hay nhờ vả thấy rằng bạn có giá trị của bạn, thời gian của bạn rất quý giá, công việc của bạn rất quan trọng. Hãy kiên quyết từ chối những yêu cầu không nằm trong danh sách ưu tiên của bạn. Điều đó cũng giúp bạn nâng cao giá trị của bản thân mình.

Nói không với sếp

Nhân viên tự mặc định cho mình rằng luôn phải đồng ý với sếp. Lý do phổ biến là vì mọi người đều e ngại sếp, muốn lấy lòng sếp để thuận lợi hơn trong công việc và để chứng minh khả năng với sếp.

Nhưng trên thực tế, giải thích với sếp rằng công việc của bạn đang quá tải, tiếp nhận thêm một nhiệm vụ không liên quan công việc chuyên môn sẽ làm suy yếu năng suất và gây nguy hiểm cho các dự án hiện tại của bạn. 

“Rào trước”, “đón sau”

Nói lời từ chối dù khéo kéo đến đâu cũng dễ mất lòng người khác. Bởi vậy, để tránh những tình huống khỏ xử, ngần ngại khi phải từ chối hãy chủ động gửi tín hiệu để những người xung quanh nhận ra bạn đang rất bận.

Thời điểm thích hợp để gửi lời nhắn từ chối một cách tự nhiên nhất đó là trong cuộc họp. Hãy trình bày trong cuộc họp công việc hiện tại của bạn, đừng quên nhấn mạnh tiến độ gấp rút và cần phải tập trung cho rất nhiều việc quan trọng.

Công khai công việc cho bạn cái cớ để từ chối một cách hợp lý và khiến mọi người dễ dàng thông cảm hơn.

Nếu chiến thuật “rào trước” này chưa đủ hiệu quả, hãy kết hợp với một lời hứa hẹn cho lần sau để giảm cảm giác hụt hẫng cho người bị từ chối. Luôn mở ra cơ hội hợp tác lần sau, câu nói thông dụng trong trường hợp này là : “Đây có vẻ là một cơ hội thú vị, nhưng tôi không có thời gian vào lúc này. Có lẽ lần sau tôi có thể giúp bạn” và đưa ra khung thời gian cụ thể.

Luôn tôn trọng mọi lời đề nghị

Dù bạn có muốn hay không muốn giúp đỡ, đừng tỏ thái độ thờ ờ, coi thường hay chán ghét. Lịch sự từ chối với thái độ chân thành nhất và bày tỏ sự quan tâm của mình đối với công việc đó. 

Nói một cách đơn giản - bạn có thể dành lời khen cho ý tưởng, dự án, con người, tổ chức, nhưng nói rằng nó không phù hợp hoặc không phải là thứ bạn đang tìm kiếm tại thời điểm này.