VĂN HÓA

Người Khmer châu Á đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2023

Cẩm Chi • 17-04-2023 • Lượt xem: 3333
Người Khmer châu Á đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2023

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 của người Khmer diễn ra từ ngày 14 đến 16/4/2023 (24, 25 và 26 tháng 02 âm lịch) mang đậm tính Phật giáo với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật đặc sắc như cúng lễ, tắm Phật, đắp núi cát, gói bánh tét cốm, hát dukê...

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Đây là tết chịu tuổi, với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Chôl nghĩa là Vào và Chnăm Thmay là Năm mới. 

Lễ Chôl Chnăm Thmây cũng là những ngày Tết của Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka. Tại Việt Nam, ở các địa phương Tây Nam bộ có đông đồng bào Khmer sinh sống đang tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc (Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long...)

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, đây là thời kỳ tiếp giáp giữa hai mùa mưa nắng với cây cỏ tốt tươi… nên được coi như sự khởi đầu của một năm thuận lợi. Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng lại để chờ những cơn mưa đầu mùa.

Không gian trang trí đón Tết của người Khmer Nam Bộ

Tết Chôl Chnăm Thmây còn là dịp người Khmer bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên, dâng cúng chư thần, những người có công đã khuất. Vào những ngày tết, các gia đình sửa soạn, dọn dẹp bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật để chào đón năm mới, chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ cho những ngày Tết. Mọi công việc thường ngày đều dừng lại, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò thả tự do.

Người dân ở các phum sóc diện trang phục truyền thống sặc sỡ đón tết

Các gia đình cũng tập trung ăn mặc đẹp, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới. Mọi người đi thăm hỏi lẫn nhau, chúc nhau tài lộc, sức khoẻ, phát đạt và cùng nhau tham gia các trò vui. Thời gian có khi kéo dài hơn tuần mới trở lại cuộc sống th­ường nhật. Tiếng nhạc ngũ âm, hay các điệu múa rom-vong, saravan truyền thống đang rộn ràng khắm phum sóc đồng bào Khmer Sóc Trăng. 

Đồng bào Khmer giã cốm dẹp - nguyên liệu làm bánh tét cốm dẹp (Ảnh: H.A)

Tại các chùa cũng được sửa sang, sơn phết lại khang trang. Với đồng bào Khmer, các hoạt động vui chơi, nghi lễ tôn giáo trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây đều diễn ra tại chùa. Trong khuôn viên chùa còn có trang trí cờ, hoa, có diễn ra văn nghệ. Do vậy, đồng bào phật tử tề tựu về các điểm chùa để tiến hành các nghi lễ truyền thống.

Nghi lễ trong 3 ngày tết chính của người Khmer mang đậm tính Phật giáo.

Đêm giao thừa, nhà nào cũng làm cỗ, thắp hương, đốt đèn, cúng tiễn đưa vị Têvôđa cũ, đón rước Têvôđa mới.

Phật tử làm lễ cúng trên chùa

Ngày Chôl Sangkran Thmây, mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội lễ vật lên chùa: nhang đèn, hoa quả làm lễ rước Đại lịch (Môha Sang-Kran - lễ chào mừng năm mới vừa chờ điềm báo năm mới tốt hay xấu). Sau đó, tất cả vào lễ Phật, tụng kinh chúc mừng năm mới.

Người dân đội lễ vật lên chùa

Ngày Wonbơf là ngày làm lễ dâng cơm và đắp núi cát. Mỗi gia đình làm cơm dâng cho các vị sư sãi ở chùa vào buổi sớm và trưa. Sau đó, mọi người đắp cát thành nhiều ngọn núi nhỏ theo tám hướng và một núi ở trung tâm, tượng trưng cho vũ trụ. Tục lệ đắp núi cát từ tích truyện lâu đời, cho Phật tử thắp hương để cầu cho mưa thuận gió hòa trong năm và cầu phúc theo sự ước nguyện của mình.

Lễ dâng cơm tại chùa

Ngày Lơng Săk: Ngày thứ ba làm lễ tắm tượng Phật, tắm sư với mong muốn biết ơn thương nhớ Đức Phật đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý. Sau đó, mọi người rước các nhà sư tới nghĩa trang, để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn những người quá cố. Cuối cùng, ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại nhà mình, dâng cỗ chúc phúc ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ.

Lễ tắm Phật là nghi lễ quan trọng trong tết của người Khmer

Ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian, như thả diều, đánh quay lửa hay nghe các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu; thanh niên trai, gái tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dukê, diễn roban, múa ramvông, romxaravan, múa trống xàdăm...

Những cô gái biểu diễn nghệ thuật múa trong trang phục truyền thống

Có thể nói, Tết Chôl Chnăm Thmây là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về ý thức hướng thiện, tấm lòng hiếu thảo, báo hiếu với người đi trước. Những ngày tết Chôl Chnăm Thmây luôn gắn chặt tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết với cộng đồng phum sóc.