ĐỜI SỐNG

Người phát kiến rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm là ai?

Ngọc Nga • 21-03-2020 • Lượt xem: 878
Người phát kiến rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm là ai?

Giữa tâm dịch covid-19, việc rửa tay ngăn ngừa dịch bệnh lây lan được giới chức y tế khuyến cáo thực hiện thường xuyên. Vậy người phát kiến biện pháp rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm này là ai?

Tin, bài liên quan:

‘Vũ điệu rửa tay’ phòng dịch covid-19 của Quang Đăng được quốc tế khen ngợi

MC Thanh Phương dạy con cách rửa tay độc đáo phòng dịch Covid-19

Bác sĩ người Hungary Ignaz Semmelweis được xem là “cha đẻ” của sáng kiến rửa tay ngăn ngừa lây nhiễm. Ông vừa được Google Doodle vinh danh vào ngày 20/3, kỷ niệm 173 năm ngày khám phá ra lợi ích y tế của việc rửa tay. Theo đó, hình ảnh bác sĩ Ignaz Semmelweis và đôi tay đang rửa xuất hiện trên thanh tìm kiếm của Google, kèm theo video 6 bước rửa tay nhằm giúp mọi người nâng cao ý thức rửa tay đúng để phòng chống dịch covid-19 đang lan rộng khắp toàn cầu. 

Bác sĩ Ignaz Semmelweis được Google Doodle vinh danh

Ignaz Semmelweis sinh ngày 1/7/1818 tại Buda (Hungary), thuộc Budapest ngày nay. Ông theo học luật tại Đại học Vienna (Áo) nhưng sau đó chuyển sang ngành y và nhận bằng tiến sĩ y khoa vào năm 1844. Về sau, Semmelweis quyết định đi chuyên sâu về sản khoa. 
Thời gian đó, sản phụ trên khắp Châu Âu có tỉ lệ tử vong cao do căn bệnh bí ẩn được gọi là sốt hậu sản hay nhiễm trùng sau sinh. Cứ 10 người thì lại có một người tử vong. Nhiều cuộc điều tra được tiến hành cẩn thận nhưng không bác sĩ nào biết nguyên nhân thật sự của căn bệnh bí ẩn này là gì. 

Chân dung bác sĩ Ignaz Semmelweis năm 1860

Bác sĩ Ignaz Semmelweis thực hành rửa tay bằng dung dịch vôi clo hóa

Bác sĩ Ignaz Semmelweis đã bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu và phát hiện ra nguyên nhân là do phòng khám nghiệm tử thi ở gần phòng hộ sinh nên các bác sĩ đã lây bệnh truyền nhiễm cho các sản phụ qua bàn tay chưa được khử trùng. 
Ngày 20/3/1847, sau khi trở thành Trưởng khoa phụ sản tại bệnh viện đa khoa Vienna (Áo), bác sĩ Semmelweis yêu cầu tất cả các y bác sĩ trong khoa phải khử trùng tay bằng dung dịch vôi clo hóa giữa mỗi lần khám bệnh cho sản phụ. 

Sau khi thực hiện sáng kiến khử trùng tay, tỷ lệ nhiễm trùng trong khoa sản ở bệnh viện đa khoa Vienna đã giảm từ 18,27% xuống còn 1,27%. Thậm chí, trong tháng 4 và tháng 8 năm 1848, không có sản phụ nào tử vong. 
Mặc dù biện pháp khử trùng tay đem lại hiệu quả, giúp tỉ lệ sản phụ tử vong thấp hơn nhưng nhiều đồng nghiệp của bác sĩ Semmelweis phủ nhận hoặc chế giễu sáng kiến của ông. Điều đó khiến bác sĩ Semmelweis tức giận và ngày càng thất vọng, cáo buộc những người cùng thời tội giết người vì thiếu niềm tin vào tầm quan trọng của bàn tay sạch. 


Từ năm 1851, ông về quê nhà ở Budapest, Hungary làm việc không lương tại một bệnh viện nhỏ. Ông đã áp dụng quy trình rửa tay tại đây và giúp tỷ lệ tử vong do sốt hậu sản ở bệnh viện này ở mức cực thấp, dưới 1%. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu của bác sĩ Semmelweis không được giới y khoa đương thời công nhận. Sau đó, ông bị chẩn đoán tâm thần, phải nhập viện và qua đời tại đó.

Đài tưởng niệm bác sĩ Ignaz Semmelweis

15 năm sau cái chết của bác sĩ Semmelweis, phát kiến của ông mới được chứng nhận, với thuật ngữ “lý thuyết mầm bệnh”. Hiện, tên ông được đặt cho một trường đại học y tại Budapest và hai bệnh viện ở Hungary và Áo. Ngôi nhà ông từng sống cũng trở thành Bảo tàng Lịch sử Y khoa.
Hiện, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rửa tay đúng cách, ít nhất 20 giây là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.