VĂN HÓA

Nguyễn Công Khế, nhà báo có trái tim nghệ sĩ

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 24-02-2020 • Lượt xem: 4621
Nguyễn Công Khế, nhà báo có trái tim nghệ sĩ

Nguyễn Công Khế là một nhà báo nhưng ai cũng thấy con người hiệp sĩ, nghệ sĩ ẩn trong ông. Ông là bạn rất thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên phải nói ông có những cách cảm về nhạc Trịnh không giống ai. Một lần trò chuyện với chúng tôi, ông nói ca từ của Trịnh thì tuyệt rồi vừa triết học, vừa trí tuệ, những tâm hồn trí thức sẽ rất thích và đồng cảm nhưng vẫn có những chỗ rất riêng biệt, rất khó chạm tới.

Tin bài đọc thêm:

Ông Nguyễn Công Khế: Bóng đá Việt Nam muốn thành công phải tập hợp được nguồn lực

Chương trình Duyên Dáng Việt Nam: Đề cao thông điệp hòa bình – hy vọng

Là một cây bút viết mảng văn hóa văn nghệ, đặc biệt khi phụ trách tạp chí Duyên Dáng Việt Nam, tôi được tạo điều kiện gặp gỡ, làm việc với rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ. Một hôm nhân cà phê, tình cờ anh bạn phỏng vấn tôi câu ngồ ngộ: “Đâu là nhân vật nghệ sĩ nhất trong tất cả những người mà anh đã gặp gỡ?”. Tôi ngẩn ra vì bất ngờ. Cái hay của câu hỏi này đó là đôi khi những Nghệ sĩ tên tuổi mình gặp gỡ chắc gì đã… nghệ sĩ? Mà họ chỉ làm một công việc trên sân khấu, nghệ thuật đơn giản như thuần túy làm nghề mà thôi! Tâm hồn nghệ sĩ vẫn ẩn vào trong công việc, đời sống của nhiều cá thể đôi khi chẳng phải văn chương hay nghệ thuật nào. Trái tim của họ luôn đầy ắp những giác cảm, những sung năng nghệ thuật, nhạy cảm và bản lĩnh chưa từng có.    

Và tôi bỗng nhận ra một nghệ sĩ nhất đó chính là nhà báo Nguyễn Công Khế.

Không nghệ sĩ sao được khi ông là linh hồn của chương trình Duyên Dáng Việt Nam? Là nhà báo nghĩ ra một thương hiệu nghệ thuật và bền bỉ xây dựng nó từ những viên gạch đầu tiên. Không nghệ sĩ sao được khi để làm việc với ông là hàng trăm, hàng ngàn nghệ sĩ biểu diễn trong ngoài nước từ năm 1992 đến nay.  

Nhà báo Nguyễn Công Khế chụp ảnh cùng tổng thống Mỹ Donald Trump

*

Nguyễn Công Khế là một nhà báo nhưng ai cũng thấy con người hiệp sĩ, nghệ sĩ ẩn trong ông. Ông là bạn rất thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nên phải nói ông có những cách cảm về nhạc Trịnh không giống ai. Một lần trò chuyện với chúng tôi, ông nói ca từ của Trịnh thì tuyệt rồi vừa triết học, vừa trí tuệ, những tâm hồn trí thức sẽ rất thích và đồng cảm nhưng vẫn có những chỗ rất riêng biệt, rất khó chạm tới.

Ví dụ như trong bài hát “Ru tình” với những ca từ ban đầu thơ mộng, diễm tuyệt, dễ cảm “Ru em tình như lá / Trăm năm vẫn quay về / Môi em là đốm lửa / Cuộc đời đâu biết thế”. Nhưng đến khi Trịnh viết “Thôi em ngồi yên đấy / Tôi tìm cuộc tình cho” thì đã quá khó. Bởi tình yêu khi ấy đã cao thượng, lạ lẫm quá. Khi yêu xa cách “ngồi yên” đã khó! Vì nghe bao giông bão dội trong lòng. Ở bên người yêu mà bảo ngồi yên lại càng khó vì một sợi tóc, một bờ môi cũng tạo niềm thương nhớ. Vậy nhưng Trịnh chưa dừng ở đó mà còn đẩy lên cao độ “tôi tìm cuộc tình cho” thì càng khó tưởng tượng nổi. Yêu em mà sẵn sàng bỏ đi cuộc tình của mình, đi tìm một cuộc tình mới cho em như vậy liệu có yêu thật không? Tôi thấy rất thú vị trước cách đặt vấn đề của ông. Như vậy mới là thơ, là nhạc. Là huyền nhiệm của tình yêu. Bởi đã có triết gia nào đó nói, cao cả nhất của tình yêu chính là sự hy sinh. Để em hạnh phúc đôi khi tôi quên mất cuộc tình có thật của mình.

Nguyễn Công Khế kể lại cho chúng tôi nghe mỗi khi có dịp về người bạn thân Trịnh Công Sơn trong tiến trình phát triển đỉnh điểm sự nghiệp cùng vai trò quan trọng của âm nhạc phản chiến mà Trịnh là một trong những nghệ sĩ chủ xướng. Sài Gòn, đô thị miền Nam thập niên 60 và 70 Trịnh đã được biết đến trên toàn thế giới như một Bob Dylan của Việt Nam. Ông nói: “Bây giờ nhìn lại, tôi vẫn thấy Trịnh có những dự báo lớn qua âm nhạc. Những ca từ như “Một nghìn năm đô hộ giặc Tàu / Một trăm năm đô hộ giặc Tây / Ba mươi năm nội chiến từng ngày” chưa thấy ai dám viết như vậy…”. Ca từ của Trịnh miên man, da diết cứa vào tâm hồn người nghe. Như trong bài “Ngủ Đi Con”, nói về nỗi đau của một người mẹ khóc thương cho đứa con của mình: “Con ngủ ngủ đi con, đứa con của mẹ da vàng. Ru con, ru đã hai lần. Ôi tấm thân này ngày xưa bé bỏng, mẹ mang đầy bụng mẹ bồng trên tay. Hò ho ho hó, ho ho hò, sao ngủ tuổi hai mươi?”. Những căm phẫn và bi tráng chiến tranh… 

Nhà báo Nguyễn Công Khế (thứ tư từ trái sang), ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), nhà thơ Nguyễn Duy, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, các nghệ sĩ  Trần Mạnh Tuấn, Đức Tuấn, Quang Lê... trong một chương trình tưởng niệm Trịnh "Nối vòng tay lớn".

Trong phòng làm việc của nhà báo Nguyễn Công Khế ở tập đoàn Truyền thông Thanh Niên có một pho tượng Trịnh Công Sơn bán thân rất đẹp. Người nhạc sĩ huyền thoại với hơn sáu trăm tác phẩm ca khúc Da vàng, Tình yêu, Thân phận gắn liền với biểu đồ thăng trầm của dân tộc, lịch sử Việt hình như chưa thấy một hành trình của người nghệ sĩ nào nguyên ủy, đặc biệt như vậy. Đó là bông hoa với những vặn xoáy bất tử trên cánh hoa.

Nhìn pho tượng Trịnh tư lự, trầm mặc, tôi bỗng nhớ đến một nhận xét từ cái nhìn bên ngoài khá thú vị trên tờ The New York Time, số đặc biệt ngày 5.4.2001 của ký giả Seth Mydans vào dịp người nhạc sĩ “Như cánh vạc bay” qua đời: “Chân lý, trong sáng, và vẻ đẹp trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn chiến thắng tất cả sự thù hận”.

Hình như pho tượng là phiên bản độc đáo duy nhất của một điêu khắc gia nổi tiếng làm tặng riêng nhà báo Nguyễn Công Khế. Tôi cảm giác như giữa Trịnh và ông có một sự liên đới về tình bạn. Giữa họ ngày còn sống là sự liên đới đồng điệu về mục đích dấn thân, ý nghĩa sống và cái đẹp để bây giờ tuy một người đã mất nhưng vẫn nồng ấm một tình bạn.  

*

Khu vườn nhà ông, biệt thự Quế Mì ở quận 9, tôi đã nhiều lần đến. Nhưng vui nhất có lẽ là những buổi ông gặp gỡ và chiêu đãi anh em nghệ sĩ sau những thành công của show diễn Duyên Dáng Việt Nam. Nhiều khi đến vườn nhà ông chơi hơn cả trăm người. Đó là những ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn nổi tiếng nhất trong giới âm nhạc, showbiz và sân khấu. Tất cả như tìm thấy ở ông một sự chia sẻ tâm huyết và táo bạo. Đây là một chương trình ca nhạc nổi tiếng do ông, khi còn là Tổng biên tập báo Thanh Niên xây dựng. Mỗi năm, thực hiện chương trình là một lần tìm kiếm, thể hiện những đột phá, mới mẻ. Nói không quá, thương hiệu Duyên Dáng Việt Nam đã trở thành quen thuộc với người yêu âm nhạc, nghệ thuật.

Nhà báo Nguyễn Công Khế và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (thứ hai và ba từ trái sang) cùng những thân hữu trong một buổi gặp gỡ (Ảnh tư liệu)

Một kỷ niệm nho nhỏ khó quên của tôi về ông. Đó là lần những ca khúc của tôi viết đã được vang lên tại khu vườn ẩn mật đó. Là một người viết nhạc bởi đam mê, tình yêu nên tôi rất cảm động khi có tri âm hay những trái tim đồng cảm chia sẻ với mình những triều dâng sóng nhạc. Tuy rất bận nhiều công việc nhưng nhà báo Nguyễn Công Khế luôn vui vẻ, tạo điều kiện và sẵn sàng chia sẻ với các anh em nghệ sĩ trẻ khi họ có những công việc, những nỗi lòng tâm tình và những sáng tác mới. Khi phân công tôi biên tập tạp chí Duyên Dáng Việt Nam mảng vắn hóa nghệ thuật, ông luôn từ phòng Tổng giám đốc Tập đoàn xuống phòng Tòa soạn để động viên và hỏi thăm. Nhiều bài viết của chúng tôi được chuyển đến ông đọc trước khi in.

Dịp đó chương trình đêm nhạc “Chiều rỗng hồn em” của tôi vừa tổ chức ở Đà Nẵng khá thành công, tháng 6.2016. Vào Sài Gòn với sự động viên và gợi ý, nhiều anh em muốn tôi làm một đêm nhạc tại sân vườn nhà ông cho một số bạn bè thân thiết nghe. Vì các anh em nghệ sĩ, ca sĩ hát nhạc tôi phần lớn ở Sài Gòn cũng dễ tụ tập, gặp nhau hơn lần khai triển chương trình ở Đà Nẵng. Và tôi cũng chọn được ngày biểu diễn đó là một đêm khi nhạc sĩ, guitarist Cao Minh Đức từ Đà Nẵng vào. Cùng các ca sĩ Linh Phương, Phương Trang, Quỳnh Như, nghệ sĩ pianist Vũ Trọng Hiếu… chúng tôi quyết định cùng nhau thực hiện một đêm nhạc mini tại sân khấu nhà ông. 

Nhà báo Nguyễn Công Khế trả lời Đài Truyền hình VN về chương trình "Duyên Dáng Việt Nam" (Ảnh tư liệu)

Còn nhớ đó là một đêm mưa lất phất. Từ Sài Gòn chúng tôi đón xe taxi lên quận 9 tới biệt thự Quế Mì nhưng đêm tối nhanh, đường xa, xe chúng tôi mất tăm tích. Đáng lẽ càng đi đích sẽ đến gần nhưng hình như càng lúc tôi càng thấy xa. Loanh quanh mãi rất lâu xe mới tới được. Hóa ra vì không thông thạo địa bàn, xe đi lạc đường. Chúng tôi ăn tạm mỗi người một tô mì Quảng thật ngon trong vườn nhà và vào chuẩn bị biểu diễn luôn. Ai cũng háo hức vì được những cái mới của nghệ thuật. Ca khúc mới, tác giả mới, sân khấu mới. Mà đặc biệt là những trái tim giao cảm nghệ sĩ.

Trong đêm nhạc đó, ông cũng lắng nghe một cách rất chăm chú những tình khúc của tôi viết như “Sài Gòn như anh yêu em”, “Nhục thân”, “Tango đêm”, “Chờ mùa đã mất”… do các ca sĩ trình bày.

Và đêm hát ở biệt thự Quế Mì như một kỷ niệm đẹp khó quên của những tâm hồn nghệ sĩ… 

(Trích lại từ bài “Nguyễn Công Khế, trái tim nghệ sĩ” đã in trong sách “Guitar, ánh sáng & bóng tối” của Nguyễn Hữu Hồng Minh - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội 2018).

Sinh nhật nhà báo Nguyễn Công Khế (24/2) đã có rất nhiều hoa tươi cùng tình cảm nồng hậu quý mến của rất nhiều bạn bè, văn nghệ sĩ trong ngoài nước gửi đến