VĂN HÓA

Nhớ thiên nhiên

Bài và ảnh: Hà Thành • 11-08-2023 • Lượt xem: 1460
Nhớ thiên nhiên

Thiên nhiên của chúng ta đang bị hủy hoại, xâm hại với tốc độ rất nhanh và mức độ cao, rất xót xa. Biết rằng nói ra điều này thì không mới, nhưng có lẽ vẫn phải nói; và vẫn phải nói nhiều hơn nữa để có những hành động thiết thực ở quy mô tổng thể; nhằm giữ gìn và bảo tồn thiên nhiên. Thiên nhiên là của… trời cho; con người không thể làm được và không bao giờ làm được cái gì đó giống như thiên nhiên cả.

Thời gian qua, tôi có nhiều chuyến đi khảo cứu ở nhiều vùng miền trên đất nước; từ đồng bằng Bắc Bộ tới vùng Đông Bắc, Tây Bắc; đến dải Miền Trung; từ vùng núi cao biên giới tới biển - đảo… và thấy rất buồn, đau lòng khi thiên nhiên liên tục, liên tiếp bị hủy hoại. Có nhiều lý do, có nhiều nguyên nhân, mỗi nơi mỗi kiểu; nhưng có lẽ bản chất vấn đề là ở chỗ người ta cố gắng đạt được mục đích trước mắt, hoặc tìm cách “thu hồi vốn” nhanh nhất bằng cách hủy hoại và tận diệt thiên nhiên. Những lũy tre làng dần vắng bóng, những ngọn núi bị phá huỷ, những cánh rừng xơ xác, những dòng sông đang chết, những bờ biển bị “băm nát”… Cùng với thiên nhiên là nhiều giá trị văn hóa – tâm linh ngàn đời cũng đang bị đảo lộn, xói mòn.

Núi rừng Yên Tử.

Quần cư và cánh đồng dưới thung lũng ở Mai Châu, Hòa Bình.

Cao nguyên Mộc Châu, Sơn La.

Sông Hương - Thừa Thiên Huế

Ở vùng Đông Bắc, danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), một di tích có giá trị đặc biệt ở nhiều phương diện, nhiều năm nay lúc nào cũng như đại công trường xây dựng. Dường như Yên Tử không còn là một chốn tâm linh Phật pháp, mà đang thành một điểm du lịch phồn hoa. Đứng trên đỉnh Yên Sơn nhìn xuống, hay nhìn ra bốn phía rất khó thấy một góc nào có màu xanh bình yên của núi rừng, mà dễ dàng bắt gặp những “vết thương” nham nhở. Ở cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), từ khi được vinh danh di sản “Công viên địa chất toàn cầu” (năm 2010); thì việc xây dựng phát triển hơn, đồng nghĩa với việc khai thác đá, phá núi nhiều hơn. Bạn tôi, một cán bộ trong Ban Quản lý “Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” (thuộc UBND tỉnh Hà Giang) cho biết hiện tại đã có quy hoạch khai thác đá, nhưng chính sách quản lý và đặc thù địa hình khiến cho việc kiểm soát rất khó. Núi khác với rừng ở chỗ: rừng có thể trồng lại, hay tái sinh một cách tự nhiên; nhưng núi đã phá là mất. Ở mạn Tây Bắc, mỗi dịp Tết người ta chặt cả rừng đào, mận về xuôi. Những cây đào có tuổi hàng chục, hàng trăm năm giữa núi rừng bị đốn về để chơi trong mấy ngày Tết… Tây Bắc cũng là nơi có nhiều con sông có địa hình và độ dốc lý tưởng cho việc làm thủy điện; và mỗi nhà máy thủy điện ra đời, vận hành cũng đồng nghĩa với việc… cưỡng bức những dòng sông.

Hoa đào, hoa mơ trên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, liệu có còn nữa?

Sông Hồng - đoạn chảy qua Hà Nội, nhiều năm nay trong tình trạng khô cạn; liệu có trở thành dòng sông chết?

Tôi hay đi tàu vào Miền Trung, để được ngắm cảnh, và cũng để… xót xa cho thiên nhiên đẹp đẽ ngày ngày bị tàn phá. Đi qua đoạn Ninh Bình, Thanh Hóa; mỗi chuyến đi trước sau có khi thấy biến mất cả một quả núi. Cảnh quan cứ tiêu điều, xơ xác… Vừa rồi, tôi thăm Cồn Hến ở Huế. Cồn Hến trên sông Hương là yếu tố “Thanh long” của Kinh thành Phú Xuân xưa, có tên như vậy vì nơi đây có rất nhiều hến. Người dân nơi đây sống bằng nghề đánh bắt và chế biến đặc sản từ hến. Người dân cho biết giờ hến nơi đây và nhiều vùng sông Hương không còn nữa; và những ai muốn giữ nghề phải đi mua gom hến từ nhiều nơi khác, có khi rất xa. Họ cũng nói rất rõ là nguyên nhân chính là nạn khai thác cát ở sông Hương, làm ảnh hưởng đến địa chất, thuỷ văn, môi sinh…, khiến cho nhiều loài thuỷ sản dần thưa vắng, rồi cạn kiệt…

Những quả núi dần dần biến mất (Thanh Hóa).

Cồn Hến trên sông Hương đoạn chảy qua Thành phố Huế - một mảng thiên nhiên lặng lẽ trong lòng thành phố đang phát triển.

Tất nhiên, cũng cần hiểu rằng thiên nhiên và thiên nhiên đẹp không hẳn là nguyên trạng, hoang vu, hoang sơ. Thiên nhiên đẹp có thể có sự có mặt của con người, có bàn tay con người. Đó là những quần cư, là những cánh đồng, những nông trường…; và hoàn toàn có thể là đô thị, có sự kết nối giữa thiên nhiên và kiến trúc - xây dựng. Thành phố Đà Lạt là một ví dụ, là thành công của sự kết nối đó. Nhưng đó chỉ là một trong số ít những điểm sáng nhỏ nhoi, và dường như cũng đang… lụi tàn.

Khai thác tài nguyên, du lịch, khai thác vật liệu xây dựng và bản thân việc xây dựng công trình… là những nguyên nhân đang tàn phá thiên nhiên; đều ít nhiều có liên quan đến nhau. Bi kịch và cũng hài hước ở chỗ, thiên nhiên thật thì ra sức tàn phá, và đâu đó trong những công trình xây dựng, những khu resort, những khu vui chơi giải trí… người ta lại cố tạo ra những kiểu thiên nhiên giả tạo. Có thể, đến một lúc nào đó, muốn cho một đứa trẻ biết đến thế nào là núi, là sông, là thác… lại phải dẫn nó vào… công viên trong thành phố?

Vết thương của núi. Sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh, Huế.

Con người đang lấn át thiên nhiên (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Thang máy bên ngọn Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Phát triển du lịch hay bảo tồn thiên nhiên, cái nào cần hơn?

Những lũy tre làng ở khắp mọi miền đang dần thưa đi, mai một… và rồi sẽ vắng bóng?