VĂN HÓA

Những chuyện chưa kể về Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử truyện: 108 anh hùng Lương Sơn bạc từ đâu ra?

DDVN • 23-11-2021 • Lượt xem: 472
Những chuyện chưa kể về Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử truyện: 108 anh hùng Lương Sơn bạc từ đâu ra?

Hành trạng của Tống Giang đại khái đều được ghi chép trong sử sách. Nhưng Tống sử, Hầu Mông truyện chỉ nói “Tống Giang dùng 36 người hoành hành Tề, Ngụy”, mà Thủy hử truyện lại diễn thành 108 nhân vật. Rốt cuộc ở đâu ra?

Từ trong lịch sử

Ngoài Tống Giang, sử tịch còn chép một người nữa thuộc Lương Sơn bạc. Đó là Sử Bân. Kiến Viêm dĩ lai hệ niên yếu lục chép: “Kiến Viêm năm đầu (1127), mùa thu, tháng 7, giặc Sử Bân chiếm cứ Hưng Châu, tiếm hiệu xưng đế. Sử Bân vốn là bè đảng của Tống Giang. Đến đây thì làm loạn. Thủ thần là Hướng Tử Sủng trông gió chạy trốn. Bân bèn từ Vũ Hưng mưu kéo vào Thục. Thành Đô phủ Lợi Châu lộ Binh mã kiềm hạt Lư Pháp Nguyên cùng bản lộ Đề điểm hình ngục Thiều Bá Uẩn cùng bàn bạc, sai quân chiếm Kiếm Môn chống cự. Bân bèn bỏ đi”.

Tống sử gọi Sử Bân là “phản tướng”. Nhân lúc người Kim tiến đánh, mới làm phản ở Quan Trung, mưu vào Thục. Đến tháng 11 năm sau (1128), Sử Bân bị Kinh Nguyên binh mã đô giám Ngô Giới tập kích chém chết. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Sử Bân này có liên hệ với nhân vật Cửu Văn Long Sử Tiến trong Thủy hử truyện.


Tranh khắc gỗ (thời Edo, Nhật Bản) về các nhân vật Lương Sơn bạc

Dương Chí, Lý Tuấn, Trương Thuận, Trương Hoành, Quan Thắng, Lý Quỳ, Đổng Bình, Giải Bảo - trong lịch sử thời Tống quả thực có những cái tên này. Nhưng không hề có tư liệu nào nói họ là bè đảng của Tống Giang. Như Dương Chí từng theo Đồng Quán đánh Liêu (1122), theo Chủng Sư Trung đánh Kim (1126). Quan Thắng là “kiêu tướng Tế Nam”, bị hại trong loạn Tĩnh Khang. Lý Quỳ làm lính trơn ở Mật Châu, Đổng Bình làm giặc ở phủ An Đức năm 1127. Trương Hoành là “nghĩa sĩ Thái Nguyên”. Lúc người Kim đánh xuống phía nam, dẫn dân chúng giữ núi Thái Hành. Năm 1135, Trương Hoành đánh bại người Kim ở Hiến Châu. Nhưng danh tiếng của nhóm Tống Giang quả thực đã lẫy lừng trong dân chúng.

Cung Khai (1221 - 1305) thời cuối Tống đầu Nguyên cho biết: “Việc của Tống Giang thấy nhắc trong chuyện trên đường phố, không đáng để nhặt chép. Tuy có người như Lý Tung truyền tả, nhưng sĩ đại phu cũng không thấy bài xích. Tôi lúc nhỏ cảm khái cách làm người của họ, muốn vẽ tranh và làm thơ tán lưu lại, nhưng cho rằng chưa thấy tín thư chép việc thực, nên không dám khinh thường mà làm”. Đến sau thấy Đông đô sự lược chép truyện Thị lang Hầu Mông, có chép một thiên trình bày kế sách chế ngự giặc, rằng: “Tống Giang dùng 36 người hoành hành Hà Sóc, Kinh Đông, quan quân số vạn, không ai dám kháng cự. Tài của hắn ắt hơn người. Chi bằng xá lỗi chiêu hàng, sai đánh dẹp Phương Lạp, lấy đó tự chuộc tội. Có khi sẽ bình được loạn Đông Nam. Tôi từ đó mới biết bọn Giang thực sự vang tiếng ở đương thời”.

Vì sao “lạm phát” các nhân vật ?

Cung Khai cũng là người đầu tiên để lại một danh sách đầy đủ tên gọi và ngoại hiệu của các nhân vật Lương Sơn bạc. Tổng cộng có 36 người, gồm: 1- Hô Bảo Nghĩa Tống Giang; 2- Trí Đa Tinh Ngô Học Cứu; 3- Ngọc Kỳ Lân Lư Tuấn Nghĩa; 4- Đại Đao Quan Thắng; 5- Hoạt Diêm La Nguyễn Tiểu Thất; 6- Xích Bát Thối Lưu Đường; 7- Một Vũ Tiễn Trương Thanh; 8- Lãng Tử Yến Thanh; 9- Bệnh Úy Trì Tôn Lập; 10- Lãng Lý Bạch Khiêu Trương Thuận; 11- Thuyền Hỏa Nhi Trương Hoành; 12- Đoản Mệnh Nhị Lang Nguyễn Tiểu Nhị; 13- Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm; 14- Hành Giả Võ Tòng; 15- Thiết Tiên Hô Diên Xước; 16- Hỗn Giang Long Lý Tuấn; 17- Cửu Văn Long Sử Tiến; 18- Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh; 19- Phích Lịch Hỏa Tần Minh; 20- Hắc Toàn Phong Lý Quỳ; 21- Tiểu Toàn Phong Sài Tiến; 22- Sáp Sí Hổ Lôi Hoành; 23- Thần Hành Thái Bảo Đái Tông; 24- Tiên Phong Sách Siêu; 25- Lập Địa Thái Tuế Nguyễn Tiểu Ngũ; 26- Thanh Diện Thú Dương Chí; 27- Trại Quan Sách Dương Hùng; 28- Nhất Trực Tràng Đổng Bình; 29- Lưỡng Đầu Xà Giải Trân; 30- Mỹ Nhiêm Công Chu Đồng; 31- Một Già Lan Mục Hoành; 32- Bính Mệnh Tam Lang Thạch Tú; 33- Song Vĩ Hạt Giải Bảo; 34- Thiết Thiên Vương Tiều Cái; 35- Kim Thương Thủ Từ Ninh; 36- Phác Thiên Điêu Lý Ứng.

Điểm lấn cấn duy nhất của danh sách này chính là sự xuất hiện của Tống Giang trong danh sách. Thực ra nếu ta hiểu đúng lời của Hầu Mông nói “Tống Giang dùng 36 người” thì thực ra Lương Sơn bạc có đến 37 đầu lĩnh (gồm cả Tống Giang). Vì thế Đại Tống Tuyên Hòa di sự xem Tống Giang là đầu lĩnh. Trong thiên thư của Cửu Thiên Huyền Nữ ban xuống cho Tống Giang có tên 36 người và ngoại hiệu, nhưng không có tên Tống Giang.

Vấn đề nằm ở chỗ danh sách trong thiên thư không có Giải Trân, Giải Bảo mà có Nhập Vân Long Công Tôn Thắng, Báo Tử Đầu Lâm Xung và Mô Trứ Vân Đỗ Thiên. Rồi sau này lại xuất hiện một nhân vật không có tên trong thiên thư là Nhất Trượng Thanh Trương Hoành. Điều này cho thấy về đại thể các nhân vật Lương Sơn bạc có lẽ đã được sáng tác trong dân gian ở một khu vực nào đó, rồi trong quá trình lưu truyền lại xuất hiện các nhân vật mới chen vào.

Khi biên soạn tiểu thuyết Thủy hử truyện, Thi Nại Am đứng trước vấn đề bỏ ai, chọn ai trong số những cách liệt kê khác biệt ấy. Thay vì bỏ, chọn, Thi Nại Am đã quyết định thu nhận tất cả, đồng thời mở rộng danh sách, ngoài 36 thiên cang còn tạo ra thêm cho đủ 72 địa sát. Chính sự “lạm phát” về nhân vật ấy khiến cho việc xây dựng hình tượng nhân vật bị loãng. Chỉ có những nhân vật “gốc” được dân gian truyền đời từ lâu mới in dấu ấn trong lòng độc giả.

Theo Trần Hoàng Vũ/Thanhnien.vn