VĂN HÓA

Những nhà giáo vĩ đại bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Cẩm Chi • 18-11-2023 • Lượt xem: 1204
Những nhà giáo vĩ đại bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học từ hàng ngàn năm nay. Nhiều tấm gương ham học được vinh danh. Thế nhưng dường như mọi người ít khi nhớ đến những người thầy của họ. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp đến, hãy cùng nhìn lại ba trong số những vị thầy giáo vĩ đại bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Vạn thế sư biểu Chu Văn An (1292-1370)

Khi nhắc đến sự nghiệp giáo dục của dân tộc Việt Nam thì không thể không nhắc đến thầy giáo Chu Văn An. Ông được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đánh giá là ông tổ của các nhà nho nước Việt.

Chu Văn An (quê ở Thanh Trì, Hà Nội) là người có học vấn cực kỳ uyên thâm và đã từng thi đỗ Thái Học Sinh. Thế nhưng ông không ra làm quan mà về làng Huỳnh Cung (gần sông Tô Lịch) mở trường dạy học. Bằng kiến thức uyên bác cùng sự tận tâm giảng dạy, danh tiếng của “ông đồ” ngày càng vang xa. Nhiều người ở cả các huyện xa đưa con đến cầu học. Chu Văn An đối xử công bằng với tất cả học trò, bất kể xuất thân gia đình quyền quý hay chỉ là con một người bình dân.

Ông không hề thích việc làm quan và cũng không màng danh lợi.

Nể trọng tài năng và đức độ của ông, vua Trần Minh Tông đã mời Chu Văn An về làm quan Tư Nghiệp ở Quốc Tử Giám. Và cũng vì chức quan này quản lý việc giáo dục tại trường, hay nói rộng hơn là quản lý, chăm lo nền giáo dục cho cả một quốc gia nên ông mới nhận lời.

Trong thời gian tại chức, ông hết sức chăm lo cho việc giáo dục nước nhà. Ông cải cách việc giáo dục với châm ngôn học đi đôi với hành. Ông giúp đỡ sĩ tử nghèo, phổ cập việc giáo dục, biên soạn sách... Chu Văn An sống cuộc đời thanh liêm và nghiêm khắc với chính bản thân mình. Học trò của ông nhiều người đỗ đạt, làm quan lớn nhưng vẫn lễ phép mỗi khi về thăm thầy.

Đến đời vua Dụ Tông, nhận thấy triều đình gian thần lộng hành, ông dâng sớ xin trảm bảy tên gian thần (Thất trảm sớ) nhưng không thành. Phần vì chán nản, phần vì tuổi cao, ông xin từ quan về ở ẩn ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương).

Đền thờ (và lăng mộ) Chu Văn An ở núi Phượng Hoàng.

Tại đây, thầy tiếp tục dạy học và biên soạn sách cho đến khi qua đời. Thầy giáo Chu Văn An được hậu thế suy tôn là Vạn thế sư biểu - người thầy chuẩn mực của Việt Nam muôn đời.

Nhà bác học đa tài Lê Quý Đôn (1726-1784)

Ông là một “thư hương môn đệ”. Cha là tiến sĩ Lê Trọng Thứ, ông ngoại là tiến sĩ Trương Minh Lượng. Từ nhỏ Lê Quý Đôn đã được giáo dục rất tốt.

Cơ duyên để Lê Quý Đôn trở thành thầy giáo là vì ông... thi rớt. Mặc dù có tiếng là thần đồng, lại đỗ đầu trong kỳ thi Hương (năm 1743) khi mới 17 tuổi thế nhưng Lê Quý Đôn liên tục thi rớt kỳ thi Hội vài năm sau đó.

Thấy việc đóng cửa đọc sách không đem lại tiến bộ, Lê Quý Đôn quyết định dạy học và viết sách. Ông làm công việc thầy giáo trong khoảng 10 năm. Chính khoảng thời gian này giúp ông có nhiều cảm tình với nghề dạy học. Sau này khi làm quan, Lê Quý Đôn vẫn thường đảm nhiệm nhiều vị trí liên quan đến việc dạy học (khuyến học, coi thi, biên soạn sách...).

Vào thế kỷ 18, Lê Quý Đôn là người có đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục của dân tộc.

Năm 28 tuổi, Lê Quý Đôn lại tham gia kỳ thi Hội và lần này ông đỗ đầu bảng. Năm tiếp theo, ông tham gia kỳ thi Đình và tiếp tục đỗ đầu bảng (đỗ Bảng Nhãn, kỳ thi này không lấy Trạng Nguyên). Trong cả 3 kỳ thi quan trọng, ông đều đỗ đầu bảng (dĩ nhiên trừ những lần thi rớt).

Lê Quý Đôn có một thú vui cực kỳ yêu thích là đọc sách. Kể cả sau này ra làm quan, ông vẫn giữ thói quen này. Ông đọc đủ mọi loại sách, từ văn tới võ, từ địa lý, du ký cho đến tôn giáo... Hơn thế nữa, ông cũng là người tôn sùng nguyên tắc dùng thực hành kiểm tra lại lý thuyết. Khi đọc về một vấn đề, ông luôn tìm hiểu đến cặn kẽ chứ không thuần túy tin vào những gì trong sách viết.

Ông được xem là người có tư tưởng cởi mở về sự học. Với ông, kiến thức dù ở lãnh vực nào cũng đáng được ghi lại. Đóng góp quan trọng nhất của Lê Quý Đôn trong việc nền giáo dục dân tộc chính là việc biên soạn sách. Trong suốt sự nghiệp, ông biên soạn hơn 40 bộ sách với tổng cộng hàng trăm quyển sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723 – 1804)

Vào thế kỷ 18, bên cạnh Lê Quý Đôn thì có một người khác cũng cực kỳ nổi tiếng trong sự nghiệp giáo dục. Đó chính là Nguyễn Thiếp. Có thể nói, số phận một phần ba cuộc đời ban đầu giữa hai người có những điểm giống nhau kỳ lạ. Nguyễn Thiếp lớn hơn Lê Quý Đôn 3 tuổi.

Cùng vào năm 1743, Nguyễn Thiếp và Lê Quý Đôn tham gia kỳ thi Hương và cả hai ông cùng đỗ đầu. Nguyễn Thiếp thi ở Nghệ An, trong khi đó Lê Quý Đôn thi ở Hà Nam. Và sau đó, Nguyễn Thiếp bỏ thi Hội, trong khi Lê Quý Đôn thi rớt. Và rồi cả hai ông đều cùng lựa chọn đi dạy học.

Nguyễn Thiếp từng từ chối nhiều lời mời ra làm quan. Ông chỉ thích dạy học.

Điểm khác biệt giữa hai người là Nguyễn Thiếp không “mê làm quan” như Lê Quý Đôn. Cả đời Nguyễn Thiếp gắn bó với việc dạy học. Ông có một khoảng thời gian ra làm quan nhưng không cảm thấy hào hứng nên sau cùng cũng từ chức về dạy học.

Trong phần lớn cuộc đời, Nguyễn Thiếp sống ẩn cư dạy học ở núi Thiên Nhẫn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Về cuối đời, vì quá nể hoàng đế Quang Trung (3 lần mời) nên ông xuống núi để giúp nhà Tây Sơn trong việc giáo dục. Tuy nhiên công việc này dừng lại khi vua Quang Trung bất ngờ qua đời.