GIẢI TRÍ

Phan Huỳnh Thanh Tuấn – ‘Kẻ đánh thuê’ cho Bollywood

Lữ Đắc Long • 04-07-2019 • Lượt xem: 1698
Phan Huỳnh Thanh Tuấn – ‘Kẻ đánh thuê’ cho Bollywood

Xuất thân từ võ sĩ Karate, rồi dự bị kiện tướng nhào lộn đã giúp Thanh Tuấn bước vào nghề cascadeur một cách nhẹ nhàng. Hơn 15 năm ăn "cơm tổ", ít ai ngờ rằng anh là một trong những chỉ đạo xuất sắc người Việt góp phần cho các bom tấn sử thi của Ấn Độ như Dangal và Baahubali 2 thành công vang dội trong nước và thế giới.

Tin, bài liên quan:

Bi, hài đóng phim với… siêu sao (P.1)

Bi, hài đóng phim với… siêu sao (P.2)

Hẹn gặp Tuấn trong một buổi chiều mưa tầm tã, nếu không quen biết có lẽ sẽ không hình dung được Tuấn là cacsdeur Việt Nam duy nhất làm việc tại Ấn Độ suốt 13 năm qua. Anh đã dành cho chúng tôi một cuộc chuyện trò khá thân mật.

Chào Tuấn! Bộ phim Baahubali của Ấn Độ đang được đánh giá rất cao với những cảnh hành động đặc sắc, hấp dẫn, là người trong cuộc anh cảm thấy như thế nào về thành công của phim?

Cascadeur Thanh Tuấn (trái) trên phim trường Bollywood

Tôi may mắn được xem trong những ngày ở Ấn Độ. Phải nói rằng tôi đã choáng ngợp ngay từ những ngày bắt tay vào tập luyện, rồi huấn luyện cho các tài tử ngôi sao của Ấn Độ. Phải nói cường độ làm việc rất nghiêm túc, tập ròng rã cả tháng trời mới có được những cảnh quay hấp dẫn như thế.

Anh có thể cụ thể hơn cơ duyên nào anh được tham gia và cách huấn luyện các ngôi sao như: Rana Daggubai và Prabhas trong suốt thời gian chuẩn bị quay phim?

Thật ra tôi và Rana biết nhau từ 5 năm trước và đã làm việc với nhau bố4n phim, trong đó có 3 phim tôi là người đóng thế cho anh trong tất cả những pha hành động như bay nhảy, đánh đấm, đua xe. Do đó, khi biết tôi trực tiếp huấn luyện anh trong phim Baahubali, Rana tỏ ra rất phấn khởi, dẫu gì cũng là người quen. Anh này nhảy múa cực giỏi nhưng sử dụng binh khí hay đáng nhau thì cực… dở!

Thanh Tuấn đóng thế cho tài tử Ấn Độ

Tôi dùng một giáo án riêng biệt để anh thích nghi với việc sử dụng thành thạo các binh khí từ song đao, song kiếm, một tay búa, một tay cầm chuỳ… và cả việc vừa cưỡi ngựa vừa đánh nhau. Trong vòng ba tháng, với lịch tập ngày hai buổi từ 2 - 3 tiếng đồng hồ , tôi mới có thể giúp anh có được kết quả như phim vừa trình chiếu ở Ấn Độ.

Trong phim này, tôi đảm nhận 3 ba nhiệm vụ: Cascadeur, chỉ đạo hành động và huấn luyện cho các ngôi sao. Ở hiện trường, tôi được toàn quyền đưa ra các chiêu thức, lịch tập, giáo án... Thậm chí, mỗi khi đạo diễn có ý tưởng mới, tôi đều phải đáp ứng một cách hoàn hảo nhất.

Thật khó hình dung được một chàng trai nhỏ như anh (cao 1m67) lại có thể huấn luyện những tài tử thuộc hàng sao của Bollywood, không biết anh có gặp trở ngại nào không?

Đúng là không dễ chút nào, tài tử rất kỹ tính, lúc đầu thấy tôi quá thấp so với anh ta (cao 1m9) lại không giỏi tiếng Anh lắm nên họ không đồng ý. Chỉ khi đạo diễn hành động là Peter Hiền bảo lãnh và kêu tôi biểu diễn một số tuyệt chiêu cho anh ấy xem, anh ta mới thán phục và còn nói rất rõ: “Tôi cho anh một cơ hội, hãy cùng tôi làm phim này nhé”.

Kỷ niệm nào trên phim trường làm cho người Ấn nể phục cascadeur Việt?

Trong lần đóng bộ phim Tieger (phim Peter Hiền đoạt giải đạo diễn hành động xuất sắc 2016) tôi được giao nhiệm vụ đóng thế Rana. Lần đó tôi bị chấn thương cổ (do thực hiện động tác nhào lộn 3 vòng trên không) nên từ chối. Nhưng phía Ấn Độ bảo tôi cứ đi, sẽ có thời gian nghỉ ngơi và chữa bệnh rồi mới tính đến cảnh quay thật.

Cascadeur Thanh Tuấn chỉ đạo và đóng thế cho ngôi sao Ấn Độ

Nhưng sau vài ngày thư thả, khi tôi ra hiện trường, đạo diễn hành động có yêu cầu một động tác: nam chính dính một cú đá phải tung người lộn một vòng trên không với tư thế tay cầm cái trống cơm, té sấp xuống mặt đất. Phải nói trước đó đã có 3 ba cascaduer Ấn Độ nhưng không ai đáp ứng được yêu cầu này. Thế là tôi phải ra tay. Vâng, lần đó tôi chỉ thực hiện đúng một lần là cả hiện trường đã vang lên tiếng vỗ tay náo nhiệt. Đạo diễn ôm chầm lấy tôi, chàng diễn viên chính ôm tôi mừng rối rít, anh ta cứ bảo good, good… rồi cầm cái bao thư 25 ngàn rubi (khoảng 500 USD) tặng tôi với lời dặn: Anh nhận cho tôi vui, mai mốt muốn đi đâu cứ alo, tôi sẽ dẫn anh đi khắp Ấn Độ này.

Vinh quang là thế, vậy có lần nào anh nếm trải vị đắng của nghề cascadeur ở xứ người?

Trong một cảnh quay 4 cascadeur đánh nhau với diễn viên Ấn Độ. Theo quy định, cả bốn người sẽ trúng đòn bay xoắn lên không trong một cái hầm lửa. Lúc tập thì ngon lành, nhưng khi quay thật thì không hiểu sao cái đầu của tôi bất ngờ quay ngược về phía cái chân đang bốc cháy hừng hực của người bạn. Vì cả hai đang lơ lửng trên không nên cũng khó ai phát hiện điều gì đang xảy ra. Dù mọi người la khàn cả cổ, nhưng tổ kéo dây ở bên bờ tường cách xa 20 mét không hề biết. Khi hạ được tôi xuống thì đôi mắt dường như không mở được. Phải xối nước hạ nhiệt gần 20 phút sau tôi mới biết mình không bị… mù!

Thanh Tuấn đóng thế trong một cảnh tự thiêu

Cascadeur Việt Nam bay qua đám cháy

Đến cảnh quay ở ở ngọn thác có độ cao hơn 50 mét, đạo diễn yêu cầu bắt sợi dây cáp ngang qua hai đầu thác để diễn viên “phi thân” trên ngọn tháp. Oái ăm là để bắt sợi dây này phải chui qua một khe núi hẹp, chỉ cần sơ suất là lọt xuống thác ngay. Lần đó không ai dám làm, ngay cả tổ thiết kế của Ấn Độ cũng lắc đầu ngao ngán. Thế là tôi ra tay. Lúc với tay bắt sợi cáp, tôi tháo dây an toàn để dễ thực hiện hơn. Lần đó, tôi đã bị trơn tuột tự do trên vách núi gần 20 mét. Bên ngoài ai cũng bảo tôi chết 100%. Nhưng có lẽ ở hiền gặp lành, như một phép lạ đã giúp tôi bình tĩnh bám được một cạnh của vách núi, từ từ tháo đôi giày trơn trợt ra và tôi đã dùng hết sức bình sinh, từ từ… thoát hiểm. Đây được xem là một phép màu với bản thân mình.

Trong quá trình huấn luyện, điều gì khiến anh ấn tượng nhất?

Cascadeur Việt Nam sang Malaysia đóng phim Ấn Độ

Sự đầu tư của nhà sản xuất kinh lắm. Cứ hình dung tôi cùng 3 cộng sự người Việt và 30 cascadeur Ấn Độ triển khai kế hoạch dạy cho 5 ngàn diễn viên quần chúng đánh nhau tại một phim trường bao la bát ngát. Chỉ tính đến việc tìm người, đưa rước vào tập, rồi ăn uống là cũng đủ thấy choáng rồi. Công việc của tôi là soạn các chiêu thức đánh nhau cho từng nhóm, truyền lại ý đồ cho các trợ lý, sau đó đứng trên nóc xe buýt, cầm hai cây cờ lệnh xanh và đỏ, ra hiệu để dàn cảnh tập đánh nhau suốt một tháng trời.

Tới bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn ớn da gà, không hiểu tiền đâu mà họ đầu tư kinh thế. Mới đây trong phim Sám Hối cũng của Ấn Độ nhưng quay tại Việt Nam, tôi tham gia cảnh quay có 1.500 diễn viên quần chúng chỉ ngồi cổ vũ thôi, nhưng dường như nhà sản xuất đã muốn méo mặt vì hao. Nếu so với 5 ngàn người đánh nhau ở Ấn Độ quả là một trời một vực.

Trong quá trình huấn luyện hơn 10 năm qua, anh ấn tượng gì về các học trò Bollywood của mình?

Sau 15 năm sống với làng phim Ấn, tôi có gần 20 học trò là các ngôi sao thứ thiệt. Có cô gái khi nghe Master Tuấn dạy, cô ta tra google tự học tiếng Việt để chào hỏi và tập luyện cùng tôi. Có một cô dù chỉ đóng đúng một phân đoạn đánh kiếm, vẫn cứ nằng nặc xin nhà sản xuất, rồi xin luôn đạo diễn cho cố ấy học với tôi suốt một tháng trời.

Cascadeur Thanh Tuấn chỉ đạo võ thuật trong phim "Giác quan thứ 7"

Riêng trong phim Giác quan thứ 7 (có Johnny Trí Nguyễn tham gia) tôi nhận hai học trò là ngôi sao lớn từ Bombai về tập luyện. Tôi hỏi sao không chờ tôi qua Ấn rồi học luôn? Anh ta trả lời rất tươi: Về Việt Nam dễ tập trung hơn, ở đây có nhiều cái lạ, có nhiều cascadeur giỏi sẽ tạo sự hưng phấn cao hơn.

Lúc thu hình, có nhiều anh chàng Ấn, ỷ mình có võ rất đố kỵ và đặt câu hỏi cho tôi: Tại sao tao phải nghe lời mày? Gặp những trường hợp như thế, mình phải bình tĩnh, linh động và khiêm tốn nhưng dứt khoát trong làm việc, như vậy anh ta mới hiểu nhiệm vụ của mỗi người, nếu không tuân thủ tức là anh bỏ cuộc chơi! Trong lúc dạy, tôi “bị” nhà sản xuất, đạo diễn theo dõi khá sát sao mọi cử chỉ hành động trong lúc huấn luyện, đặc biệt với những ngôi sao nữ cần phải lịch sự và tinh tế.

Theo Tuấn, cách làm phim của người Ấn có khác gì với ở Việt Nam?

Khác nhiều lắm. Ở Việt Nam kinh phí luôn là vấn đề nan giải, nên mỗi khi ra hiện trường cái gì cũng tiết kiệm, nên khó được những cảnh quay hoành tráng. Còn ở Ấn, khi đạo diễn đã quyết cảnh quay nào rồi thì nhà sản xuất bằng mọi giá phải thoả mãn yêu cầu cho những sáng tạo của đạo diễn. Riêng diễn viên chính, tôi thấy anh Hoài Linh, Thái Hoà, Huy Khánh… ra hiện trường cứ na ná như diễn viên bình thường, không được nhiều ưu ái lắm. Ở Ấn Độ, diễn viên chính được cấp một cái nhà… xe, có đủ máy lạnh, giường ngủ nhà vệ sinh riêng để nghĩ dưỡng trong thời gian chờ quay. Có ít nhất 4 người túc trực để chăm sóc cho diễn viên. Thậm chí, có những diễn viên chỉ đóng 2 -3 phân đoạn cũng đã có makeup riêng, tài xế riêng nhằm đáp ứng tốt nhất cho việc đóng phim.

Thế còn chuyện làm cascadeur ở Ấn và ở Việt Nam có gì đặc biệt?

Đầu tiên là tiền lương. Ở Ấn một ngày làm việc trung bình như tôi được khoảng 200 USD. Tiền thưởng cho mỗi cảnh quay hấp dẫn từ 100 đến 500 USD là chuyện thường. Ở Ấn hình như họ rất thích “bo” cho mỗi cảnh quay ưng ý. Ở Việt Nam, một ngày quay từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, nhưng phần nhiều hay bị than thở rồi xin giảm giá, trong khi ra hiện trường thì làm bất kể ngày đêm, nói trắng ra là cascadeur không có sự tôn trọng nhất định ở một số người.   

Giờ phim ít quá lại thêm nhiều chủ nhiệm trả giá kỳ kèo “thêm một bớt hai” rất dễ nản lòng. Với những yêu cầu của đạo diễn, ngày nay hầu hết cascadeur chúng ta đều làm được, nhưng quan trọng vẫn là kinh phí đầu tư.

Phan Huỳnh Thanh Tuấn sinh năm 1980 tại TP.HCM trong gia đình có 3 chị em. Anh là cascadeur thuộc thế hệ thứ hai, từng mang đai tam đẳng Karate thuộc đội tuyển TP.HCM và từng là kiện tướng nhào lộn với hơn 20 huy chương vàng. Anh tham gia rất nhiều môn võ như: Vovinam, Taekwondo, võ cổ truyền...

Thanh Tuấn đã tham gia trên 100 phim trong và ngoài nước. Anh từng chỉ đạo võ thuật cho các bộ phim ở Ấn Độ như: Tieger, Ronan, Rex tu, Người hai mặt, Giác quan thứ bảy... và các bộ phim trong nước như: Lửa Phật, Rừng xanh kỳ lạc truyện, Vệ sĩ Sài Gòn, Lôi Báo...