Duyên Dáng Việt Nam

Phát hiện 2 loài sa giông cá sấu mới tại Việt Nam

Ngọc Nga • 25-05-2020 • Lượt xem: 2272
Phát hiện 2 loài sa giông cá sấu mới tại Việt Nam

Các nhà khoa học vừa phát hiện 2 loài và 1 phân loài sa giông cá sấu mới ở miền bắc Việt Nam. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí ZooKeys trong thời gian diễn ra Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học.

Tin, bài liên quan:

Loài ong tưởng đã tuyệt chủng xuất hiện trở lại sau 4 năm

Rùa biển xanh quý hiếm ‘vật vã’ vì nuốt phải rác thải nhựa

Hơn 80% tổ chim biển bị nhiễm rác thải nhựa

Một nhóm các nhà khoa học Đức và Việt Nam đã nghiên cứu một số mẫu sa giông cá sấu được thu thập trong các cuộc khảo sát thực địa gần sông Đà, Việt Nam. Sau khi phân tích, so sánh di truyền và hình thái học, họ đã phát hiện ra 2 loài (Tylototriton pasmansi và Tylototriton sparreboomi) và một phân loài (Tylototriton pasmansi obsti) chưa từng được biết đến trước đây, nâng tổng số loài sa giông ở Việt Nam lên 7 loài.

2 loài sa giông cá sấu mới phát hiện tại Việt Nam

Phát hiện này đã khẳng định miền bắc Việt Nam là một trong những khu vực có sa giông cá sấu đa dạng nhất. Các nhà nghiên cứu nhận xét: "Sự phân tách phân loại của một loài phổ biến rộng rãi thành nhiều loài có phạm vi nhỏ... có ý nghĩa quan trọng đối với tình trạng bảo tồn của loài ban đầu".

Phân loài sa giông cá sấu mới

Các loài sa giông cá sấu mới này có đặc trưng là da sần sùi tối màu, đầu dẹp, lưng có màu màu xám hoặc nâu nhạt, không có các đốm lớn màu cam hoặc màu đỏ trên lưng. Những cá thể tìm thấy vào thời điểm sống dưới nước thường có da nhẵn hơn, màu sắc sáng hơn còn những cá thể tìm thấy trong các vũng cạn trong rừng thường có màu sẫm hơn và da sần hơn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng những cá thể này từng được nhìn thấy trước đây nhưng hay bị nhầm với loài cá cóc sần (Tylototriton asperrimus) sống ở miền nam Trung Quốc.

Mẫu chuẩn đầu tiên loài sa giông cá sấu (cá cóc) Việt Nam Tylototriton Vietnamensis

Một số loài sa giông cá sấu đang bị đe dọa ở Việt Nam như Tylototriton ziegleri đã được nhân giống bảo tồn tại Sở thú Cologne (Đức). Đây là loài dễ bị tổn thương, nằm trong Danh sách đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) và sa giông cá sấu Việt Nam (Tylototriton vietnamensis), có nguy cơ tuyệt chủng

Loài sa giông cá sấu mới có nốt sần ở lưng

Sa giông còn được gọi là cá cóc, là một phân họ của họ Kỳ giông, thuộc loài lưỡng cư, dài từ 12-15 cm. Những loài sa giông này đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt cho thị trường y học cổ truyền, mất môi trường sống và việc buôn bán thú cưng.

(Theo Science Daily, Sinh vật rừng Việt Nam)