ĐỜI SỐNG

Phát hiện lỗ thủng tầng ozone có kích thước kỷ lục ở Bắc Cực

Thiên Dung • 11-04-2020 • Lượt xem: 1242
Phát hiện lỗ thủng tầng ozone có kích thước kỷ lục ở Bắc Cực

Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus thuộc Trung tâm Dự báo thời tiết châu Âu vừa phát hiện một lỗ thủng hiếm gặp với kích thước kỷ lục (gấp khoảng 3 lần Greenland) ở tầng ozone phía trên Bắc Cực. Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu lỗ thủng này di chuyển về phía Nam, đến khu vực đông dân cư.

Tin, bài liên quan:

Băng tan kỷ lục tại đảo lớn nhất thế giới

Tưởng nhớ sông băng đầu tiên biến mất do biến đổi khí hậu

Không ảnh ngoạn mục của băng đảo Iceland và Greenland

Theo báo Guardian (Anh), lỗ thủng tầng ozone phía trên Bắc được theo dõi trong cả không gian và từ mặt đất trong vài ngày qua đã đạt đến kích thước kỷ lục. Bình thường, việc thủng tầng ozone hay xảy ra ở Nam Cực, do mùa đông lạnh giá ở nơi này dẫn đến những đám mây ở độ cao kết hợp với chlorofluorocarbons (CFC) đã tồn tại trong bầu khí quyển trong nhiều thập kỷ, làm mỏng tầng ozone. Vào mùa xuân ở Nam cực, có đến 70% ozone có thể biến mất; ở một số nơi, nồng độ ozone giảm xuống 0.

Lượng ozone đo được trong tầng bình lưu trên Bắc Cực ngày 4/4. Lượng ozone nhỏ nhất có màu tím và xanh, lượng lớn hơn có màu vàng và đỏ

Trong khi đó, vào mùa xuân, tầng ozone Bắc Cực cũng có xu hướng mỏng đi nhưng nhiệt độ trung bình vào mùa đông ở Bắc Cực thường ấm hơn Nam Cực, không tạo ra những đám mây trên cao. Do đó, thật khác thường khi các khối không khí lạnh bị giữ lại xung quanh cực trong một tháng hoặc lâu hơn, khiến khí đốt có thời gian để phá hủy tầng ozone. 
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của lỗ thủng tầng ozone Bắc Cực lần này có thể do năm nay, nhiệt độ lạnh bất thường và những cơn gió mạnh đã hình thành nên một cơn xoáy cực ở Bắc Cực, tạo ra những điều kiện khắc nghiệt dẫn đến sự suy giảm tầng ozone rộng lớn, gấp khoảng 3 lần Greenland. Bên cạnh đó là sự hiện diện của các hóa chất phá hủy tầng ozone như clo và brom trong khí quyển - từ chất làm lạnh và các nguồn công nghiệp khác do hoạt động của con người - đã tạo ra lỗ thủng bất thường này.

Những hình ảnh do các vệ tinh Copernicus ghi nhận cho thấy tầng ozone ở Bắc Cực vào tháng 4 và tháng 3 thấp hơn mức thông thường

Tuy nhiên, lỗ thủng tầng ozone Bắc Cực này không gây nguy hiểm cho con người trừ khi nó lan rộng về phía Nam. Trả lời tạp chí Nature, ông Marcus Rex, một nhà khoa học khí quyển tại Viện Alfred Wegener ở Đức nói rằng lỗ thủng tầng ozone ở Bắc Cực không đe dọa sức khỏe con người nhưng trong tháng tới, nó có khả năng trôi dạt xa hơn về phía nam trên các khu vực đông dân cư hơn. Trong trường hợp đó, ông khuyên người dân ở phía Nam Greenland nên dùng kem chống nắng nhiều hơn khi đi ra ngoài, vì lớp ozone bị mỏng sẽ khiến con người tiếp xúc với tia cực tím nhiều hơn, tăng nguy cơ bị cháy nắng và ung thư da.
Lỗ hổng này không liên quan đến sự suy giảm đáng kể của ô nhiễm không khí và giảm lượng khí thải nhà kính khi nhiều quốc gia tiến hành phong tỏa vì dịch Covid-19. Các nhà khoa học cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định các cơn xoáy ở Bắc Cực liên quan đến khủng hoảng khí hậu hay một phần của sự thay đổi thời tiết thông thường ở tầng bình lưu.

Vệ tinh Copernicus giám sát chất lượng không khí

Theo xu hướng hiện tại, lỗ thủng dự kiến biến mất hoàn toàn trong một vài tuần tới. Ông Vincent-Henry Peuch, giám đốc dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus cho biết hiện tượng này không tác động trực tiếp đến cuộc khủng hoảng khí hậu. Nhiệt độ trong khu vực đã tăng lên, làm chậm sự suy giảm ozone và lỗ thủng sẽ bắt đầu biến mất khi không khí cực trộn lẫn với không khí giàu ozone từ các vĩ độ thấp hơn. 
Mặc dù lỗ thủng trên Bắc Cực là một sự kiện hiếm gặp, nhưng điều khiến các nhà khoa học lo ngại hơn là lỗ thủng lớn hơn nhiều trong tầng ozone ở Nam Cực trong hơn 4 thập kỷ qua. Theo nghị định thư Montreal năm 1987, việc phát thải hóa chất gây hại cho tầng ozone đã giảm đáng kể, nhưng một số nguồn phát thải vẫn lén lút hoạt động. Năm 2018, việc phát thải trái phép đã được phát hiện ở phía đông Trung Quốc.

Cực quang và dải ngân hà ở Bắc cực vào tháng 10/2019

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực hiện đang dần phục hồi nhưng phải mất hàng thập kỷ để các hóa chất độc hại biến mất hoàn toàn khỏi bầu khí quyển. Ông Peuch cho biết, các nguồn hóa chất làm suy giảm tầng ozone không phải là nguyên nhân trực tiếp gây nên lỗ thủng ở Bắc Cực. Tuy nhiên, đây là một lời nhắc nhở rằng chúng ta cần nghiêm túc thực hiện việc giảm thải hóa chất độc hại vào khí quyển.
"Cá nhân tôi cho rằng, đây là lần đầu tiên giới khoa học phải nhìn nhận nghiêm túc về sự xuất hiện thực sự của lỗ thủng tầng ozone ở Bắc Cực" - Giáo sư, Tiến sĩ khoa học khí quyển Martin Dameris thuộc Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức nhận định.

Thời tiết bất thường trong bầu khí quyển phía trên Nam Cực khiến lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực thu nhỏ lại đáng kể vào tháng 9 và tháng 10/2019

Lần giảm ozone lớn nhất cuối cùng vào mùa xuân năm 2011 tại Nam Cực. Vào tháng 11/2019, kích thước lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực được cho là nhỏ nhất trong 35 năm trở lại đây. Điều này cho thấy sự thành công của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực cắt giảm việc phát thải các chất ô nhiễm có hại.
Tầng ozone nằm trong tầng bình lưu, một tầng khí quyển nằm cách mặt đất khoảng 10 đến 50 km. Nó hấp thụ các bức xạ cực tím từ mặt trời, như một lá chắn bảo vệ sự sống trên Trái đất. Không có tầng ozone, gần như không có bất cứ thứ gì có thể tồn tại trên hành tinh này.

(Theo Guardian, Daily Mail, Sciencenews)