VĂN HÓA

Phim về thảm họa ngộ độc thủy ngân gây tranh cãi tại Nhật Bản

Đan Thuỳ • 14-08-2021 • Lượt xem: 418
Phim về thảm họa ngộ độc thủy ngân gây tranh cãi tại Nhật Bản

"Minamata" là tác phẩm của đạo diễn Andrew Levitas tái hiện thảm họa nhiễm độc thủy ngân do nhà máy Chisso gây ra tại thị trấn Minamata (Nhật Bản) vào những năm 1950. 

Trong phim, tài tử Johnny Depp đóng vai phóng viên ảnh nổi tiếng Eugene Smith cùng với các cộng sự đến Nhật Bản vào những năm 1970 để ghi lại cuộc sống của những nạn nhân bị nhiễm thủy ngân do chất thải từ nhà máy Chisso đổ vào nguồn nước của thị trấn Minamata. Căn bệnh này được gọi là “bệnh Minamata”.

Được biết bộ phim sẽ được phát hành tại Nhật Bản vào tháng 9 tới. Một nhóm người dân tại Minamata đã tổ chức xem trước bộ phim này vào ngày 21.8 nhưng chính quyền thành phố đã không đồng ý.

Căn  bệnh Minamata gây ảnh hưởng nặng về tinh thần và thể chất của nhiều người - Ảnh: Internet

Nobuo Kasai, một quan chức của Soshisha thuộc nhóm hỗ trợ các nạn nhân và gia đình trong thảm họa nhiễm độc thủy ngân cho biết: “Tôi cho rằng bộ phim được chiếu trước tại Minamata là điều đúng đắn. Tôi không chắc mình sẽ mong đợi điều gì nhưng rất muốn xem bộ phim này. Hy vọng rằng nó sẽ giúp ích cho phần còn lại của thế giới hiểu thêm về những điều đã xảy ra. Thị trấn Minamata đang cố gắng phục hồi và xây dựng lại nhưng cần phải có thời gian”.

Phóng viên Eugene Smith đã qua đời vào năm 1978 nhưng vợ ông, Ailleen Mioko Smith, người cung cấp nguồn tài liệu cho bộ phim đã chỉ trích chính quyền địa phương của Minamata vì không hỗ trợ cho việc trình chiếu bộ phim.

Mioko Smith, 70 tuổi sống tại Kyoto nhưng vẫn cảm thấy có mối liên hệ sâu sắc với thị trấn Minamata, nơi bà đã sống trong 2 năm khi làm việc cùng với người chồng quá cố. “Tôi coi Minamata như ngôi nhà thứ hai của mình vì vậy đó là lý do tại sao tôi ủng hộ những người dân tại thị trấn này, những người là nạn nhân của ô nhiễm và đây cũng là điều hỗ trợ cho sự phát triển trong tương lai của Minamata”, bà chia sẻ.

Trong khi đó, một quan chức cho biết chính quyền địa phương không ủng hộ việc chiếu phim vì họ không được xem bộ phim và do đó “nội dung của bộ phim không được kiểm duyệt”.

“Vì chúng tôi không thể xem bộ phim này nên chúng tôi không thể chắc chắn rằng nó có nguồn gốc từ thực tế lịch sử hay có bất cứ chi tiết nào được hư cấu vì lý do nghệ thuật không. Chúng tôi không ủng hộ cũng không phản đối bộ phim nhưng vấn đề này làm dấy lên nhiều phản ứng khác nhau của người dân Minamata. Có một số người vui mừng vì thảm họa này được chú ý nhiều hơn nhưng cũng có những người nói rằng họ muốn quên đi quá khứ đau buồn”, quan chức này cho biết.

Johnny Depp đóng vai phóng viên Eugene Smith - Ảnh: SCMP

Các triệu chứng của bệnh Minamata bao gồm tê bì chân tay, yếu cơ, mất thị lực và suy giảm khả năng nghe và nói. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó gây tê liệt, mất trí, hôn mê và tử vong chỉ vài tuần sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ban đầu. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Căn bệnh này lần đầu tiên được phát hiện tại Minamata vào năm 1956 và nguyên nhân từ việc giải phóng methylmercury trong nước thải công nghiệp được thải ra từ một nhà máy hóa chất do Chisso điều hành, hoạt động từ năm 1932- 1968.

Nhà máy Chisso và chính quyền địa phương đã bị chỉ trích vì cố gắng ngăn chặn các cuộc điều tra nguyên nhân của vụ ngộ độc thủy ngân mặc dù các báo cáo về thảm họa này đã xuất hiện ở nước ngoài trước khi nhà báo Smith được tạp chí Life ủy quyền đến Nhật Bản vào tháng 9.1971 để điều tra vụ việc.

“Chúng tôi đã xem ảnh những người mắc bệnh Minamata nên chúng tôi đã chuẩn bị trước tinh thuần. Nhưng điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là cuộc chiến dũng cảm của những nạn nhân chống lại Chisso và chính phủ”, bà Mioko Smith nói.

Bà Mioko cũng nhấn mạnh đây là “một trận chiến khó khăn” của các gia đình ngư dân nghèo chống lại một tập đoàn hùng mạnh trong khi không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và quốc gia.

Shinobu Sakamotoo, một nạn nhân của vụ nhiễm độc thủy ngân - Ảnh: SCMP

Cuốn sách ảnh về căn bệnh Minamata của bà Mioko và chồng được xuất bản năm 1975. Một số hình ảnh gây xúc động nhất cho thấy các bậc cha mẹ chăm sóc những đứa con bị dị tật về thể chất. Khoảng ¼ số hình ảnh được chụp bởi bà Mioko Smith.

Trong quá trình làm việc, nhà báo Smith đã bị tấn công bởi các thành viên của nhà máy Chisso dẫn đến bị thương và vĩnh viễn mất đi một bên mắt.

Các nạn nhân của vụ ngộ độc thủy ngân vẫn đang cố gắng để được chính phủ bồi thường đầy đủ mặc dù 2.265 người đã được công nhận là nạn nhân của căn bệnh này, trong đó có 1.784 người đã tử vong.

Năm 2004, Chisso đã bồi thường tổng cộng 86 triệu USD cho những nạn nhân của thảm họa. Có 10 vụ kiện vẫn còn đang tồn đọng, trong đó có một số vụ kiện hiện đang diễn ra tại Tòa án Tối cao Nhật Bản.

“Chính phủ luôn từ chối thực hiện một nghiên cứu dịch tễ học đầy đủ về tác động của vụ ngộ độc và đó chỉ là do họ không muốn biết”, bà Mioko chia sẻ.