Duyên Dáng Việt Nam

Rỗng rang trong làn gió bụi

Lê Vũ Trường Giang  • 14-11-2021 • Lượt xem: 411
Rỗng rang trong làn gió bụi

Đọc “Sông nói cuộc vô thường” là phiêu du cùng tác giả đi khắp thế giới, từ Đông sang Tây, trải nghiệm cùng những văn hóa bản địa, lắng nghe lời thì thầm của phế tích, của những con người hiện diện đầy trắc ẩn theo chiều kích thời gian của quá khứ và thực tại mà tác giả chứng kiến, cảm nhận.

Tin và bài liên quan: 

Qua Munich gặp cố đô - Tùy bút Nguyễn Văn Dũng

Mê cung Từ điển - Tùy bút Nguyễn Hữu Hồng Minh

Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Diễn từ khi nhận giải thưởng Đào Tấn (Bài 2)

Người đi xa nén nhang lòng ở lại... - Tùy bút Lê Hồng Minh

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Cầm bút là bước vào một đời sống khác, lấp đầy những trang giấy trắng bằng những suy tư cá nhân đã được gạn lọc, chiết tách từ hiện thực, là sự cộng hưởng của cơn mộng tưởng, trái tim ấm áp và sự vỗ về, mài giũa ngôn từ không ngừng nghỉ. Phạm Nguyên Tường là một kiểu viết khi đã rốt ráo với cái sống, chiêm nghiệm cho hết thảy sự thật, thản nhiên như một hơi thở lành. Anh là bác sĩ chuyên khoa ung bướu, một công việc thường xuyên tiếp xúc với lằn ranh của sự sống và cái chết của biết bao người, của tiếng cười vượt thoát, của tiếng thở dài biền biệt. Như chính nghề nghiệp của mình, anh đưa “con dao mổ” đầy trắc ẩn lên chữ nghĩa, thơ ca, lên hiện thực đau đáu, vừa mê hoặc vừa nhọc nhằn, khổ đau.


Nhà văn Phạm Nguyên Tường ngoài những trang viết, anh còn là một bác sĩ. 

Đọc “Sông nói cuộc vô thường” là phiêu du cùng tác giả đi khắp thế giới, từ Đông sang Tây, trải nghiệm cùng những văn hóa bản địa, lắng nghe lời thì thầm của phế tích, của những con người hiện diện đầy trắc ẩn theo chiều kích thời gian của quá khứ và thực tại mà tác giả chứng kiến, cảm nhận. Sự quay trở về những cảm thức có tính cổ mẫu khi nhắc đến quê hương, tình mẹ… nhận diện những giá trị chân thật, trước mắt dường như đang đi vào quên lãng. Những minh triết được tác giả suy nghiệm từ kinh nghiệm sống, các quy luật tự nhiên, xã hội, quan niệm về lẽ sống, sự mất còn… cũng được gửi gắm trong tác phẩm đã âm thầm dồn nén và viết trong một thập kỷ qua.

Lấy tác phẩm “Sawara sông nói cuộc vô thường” đặt tên cho tập tùy bút, Phạm Nguyên Tường nhẹ nhàng đưa người đọc đến với một thông điệp có tính phổ quát. Bên dòng sông Ono của nước Nhật, tác giả trải lòng mình, nhận diện về vũ trụ, nhân sinh, về quê hương bản quán khi đối diện với dòng sông không ngừng chảy. Hay với Bali (Indonesia), ngoài vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, người đọc có dịp hiểu thêm về triết lý sống gọi là “Tri Hita Karana” của người Bali: “hạnh phúc chỉ đạt được khi con người biết sống hòa hợp với Thần linh, với thiên nhiên và cả người với người”.


Tác giả trong một lần ghé thăm Vatican. 

Phạm Nguyên Tường cũng đưa chúng ta đi qua những miền thắng cảnh Châu Âu, khám phá những nét văn hóa, vùng đất, con người của lục địa già. Đó là những chiếc khóa tình yêu trên cầu, cảnh sắc và không khí cuối thu ở Bordeaux, thành Venice buổi tà dương, thành phố Zurich ấn tượng trên dãy Alps, một Danube xanh lan man một dòng nhớ và đặc biệt là Salzburg, thành phố cổ kính, một thiên đường say ngủ trên núi cao quanh năm trắng trời mây tuyết. Và đọng lại một ký ức đẹp, nơi cư ngụ của thần đồng, thiên tài âm nhạc khiến thế giới kính ngưỡng đến tận hôm nay: “Bản nhạc “Cầu hồn” dang dở nhưng Salzburg luôn giữ mãi hồn vía Mozart mang mang trong cõi”.

Lay động nhất có lẽ là những trang viết về quê hương, về xứ Huế, những vùng phụ cận, là một khoảng trời khác của ký ức tuổi thơ, của quá khứ vang bóng một thời, những năm tháng đầy biến động và minh chứng tình người luôn còn mãi. Phạm Nguyên Tường nói về ngôi làng văn vật Phước Yên, một thời là nơi đóng dinh chúa Nguyễn xứ Đàng Trong trong mười năm (1626 - 1636), nơi đánh dấu những chính sách có tính chiến lược của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635) trong công cuộc ổn định và mở mang bờ cõi phương Nam. Những câu văn nghĩa tình chan chứa từng vết cứa của những hồi ức mãnh liệt: “Tôi soi mình xuống dòng nước mặc nhiên trôi xuôi, rưng rưng một niềm kính vọng thẫm bóng bãi bờ xanh mát nghĩa tình mà con sông Bồ cứ miệt mài bồi đắp!” trong “Phước Yên và xanh mãi” dễ khiến người xa quê bất giác nhớ cố hương, gửi nỗi niềm về bên con chữ. Phước Yên ngày mới với sự chuyển mình của vùng đất trù mật, làm giàu trên cánh đồng rau xanh. Người con bản xứ đã thả mình trôi miên man trong lịch sử, trong tiếng rau xanh ngát thơm: “Tôi ngồi bên đám ruộng rau má. Nghe tiếng rau xanh dễ chừng cả trăm năm rào rạt, ngỡ như lộc Chúa còn xanh trên đất này, ngỡ như chữ “Phúc” Chúa Sãi hằng trao lại cho muôn dân vẫn còn hơi ấm”. Dành tình yêu thầm kín cho quê hương như Phạm Nguyên Tường đã đồng cảm với bao người, nhất là những người xa nhà.

Và tôi nhớ cảm giác một ngày mới sẽ bắt đầu khi chúng ta mở đôi mắt to nhìn ánh nắng tràn ngoài song cửa, nghe tiếng chim hót lẻ loi trong vườn, rồi tất bật cùng hai mươi bốn giờ tinh khôi hoặc hai mươi bốn giờ nhọc nhằn chưa biết trước được. Người chọn sự tinh khôi để nhẹ lòng, tìm kiếm những khoảng bình lặng hay chọn cách luôn lăn xả vào đời sống để chuốc lấy mệt mỏi và âu lo. Chúng ta không chạy trốn được những rắc rối, phải đối đầu và giải quyết nó và rồi nằm xuống trong thanh thản. Trong “Rỗng rang đến hết”, Phạm Nguyên Tường nhấn mạnh: “tôi chỉ tâm đắc một thông điệp tử tế, giản dị và phù hợp với trường nghĩa rộng hơn, “hãy cố gắng để trống rỗng trước khi rời khỏi thế giới này”, hãy thật là “Rỗng rang nằm xuống”… Cái sự rỗng rang ấy là cả một trí tuệ và sức cống hiến, thanh xả cho đời, cốt để lại những gì tốt nhất mình có, những tinh túy còn lại cho thế hệ sau, là một cách sống toàn triệt, nhận diện chân lý và phụng sự vì một cái chung bền vững, có tính kế thừa cao cả của nhân loại.

Hay với cuộc sinh tồn, chúng ta đã làm biến đổi tự nhiên, biến đổi chính văn hóa của chúng ta. Tác giả ám ảnh bởi tiếng sóng biển vỗ bờ không ngừng nghỉ “Xóa đi làm lại… Xóa đi làm lại…”, cắt nghĩa cho mọi đổi thay. Tất cả đều có lý do tồn tại và biến mất, được hợp lý hóa trong dòng chảy bất tận của thời gian để con người ý thức phải thốt lên: “Tôi giật mình, và lần đầu tiên thấy sợ hãi tiếng sóng biển ngoài kia” trong “Xóa đi làm lại”.

Những dòng văn giàu ngôn ngữ hình ảnh, thấm đẫm triết lý tiếp tục đưa người đọc vào một trường tư tưởng khác của lẽ sống. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần “Tinh thần của giếng” ngõ hầu tìm thấy một dẫn dắt cho phương cách sống hiện tại, vì chính tác giả là người đã thực hành từ sự ưu tư riêng khi thất vọng, khi chán chường, bất lực đã soi mình vào giếng. Tại sao lại là giếng, tinh thần của giếng có gì?! Khi hiểu rằng bề sâu của mực nước, lòng giếng cũng là lòng người Phạm Nguyên Tường thật sự đã chạm vào một sự thể tất “Khó nhất là phải giữ cho mình một mạch nước ngầm chảy mãi, để được như nước giếng: đầy đặn mỗi ngày, trong veo mỗi ngày. Mong nhất là đừng để ai phải tiếc hoài một sợi dây gàu dài, đừng ai đổ bể tan hoang bên giếng, đừng ai oán thù giếng loạn, đừng là trăng nơi đáy giếng, lộng giả thành chân..., những câu chuyện gió nước muôn đời của giếng”.


Mở ra tác phẩm "Sông nói cuộc vô thường" gặp bao chân trời rộng lớn

Gấp tập sách lại, dư vị của những thời gian trôi xanh trong trí tưởng, đây đó những vùng không gian của “Sông nói cuộc vô thường” vấn vương trong ly cà phê sáng, cùng điếu thuốc dở đốt cháy những ngày dài giữa cơn đại dịch Covid-19. Có chút tình đọng lại để làm ấm những điều xưa cũ, tưởng chừng xa lạ; có chút biết để thấu hiểu hơn nữa địa cầu này với bao vần vũ, xao động; có chút mỹ để thấy rằng cái sống bản thân nó đã là cái đẹp trong ngần. Vì rằng, yêu thương và trí tuệ có sẵn trong chúng ta, như bông hồng đỏ thắm, thơm ngát đã có sẵn trong búp non đầu cành.

Lê Vũ Trường Giang