Duyên Dáng Việt Nam

Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Diễn từ khi nhận giải thưởng Đào Tấn (Bài 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 05-11-2021 • Lượt xem: 9062
Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Diễn từ khi nhận giải thưởng Đào Tấn (Bài 2)

Nghệ thuật sân khấu Tuồng liên hệ mật thiết với đạo lý trong việc chuyển tải, phổ biến chân thiện mỹ cho quảng đại quần chúng. “Tuồng Đào Tấn” và “thế giới tuồng Đào Tấn” đầu thế kỷ 20 đã lôi cuốn hàng vạn người mê say tuồng suốt trăm năm, đã tác động mạnh mẽ vào tâm lý xã hội đương thời...

Tin và bài liên quan: 

Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Tuồng cổ và Triết học (Bài 1)

GSTS Thái Kim Lan: Tưởng niệm 100 năm Phạm Duy

Bảo tàng sông Hương của Thái Kim Lan

Qua Munich gặp cố đô - Tùy bút Nguyễn Văn Dũng

Theo chân nàng Kiều đến ngôi chùa thứ tư 'Đoạn Trường Tân Thanh' Nguyễn Du

DDVN trong chuyên đề Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện trân trọng giới thiệu kỳ 2 trong loạt bài "Tuồng cổ và Triết học" Diễn từ của GSTS Thái Kim Lan đọc trong buổi trao giải thưởng Đào Tấn. 


Với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong giải thưởng Đào Tấn. 

Bất ngờ tôi nhận giải thưởng Đào Tấn!

Phải nói là bất ngờ!

Bởi vì thật tình tôi không phải là nghệ nhân hay nghệ sĩ mà giải thưởng Đào Tấn nhắm đến. Có chăng một chút dính líu đến Đào Tấn là tính mê tuồng hát mà tôi đã được thừa hưởng của bà Nội tôi, đã làm cho tôi thường dành nhiều cảm tình đặc biệt cho môn nghệ thuật sân khấu mà Đào Tấn đã một thời đam mê xây dựng và phát huy.

Nếu nhìn như thế thì giải thưởng này thật ra không riêng gì cho tôi mà, trong ý nghĩa nào đó về khả thể nhận giải, mỗi người mê tuồng đều có thể nhận được giải thưởng này, vậy thì tôi chỉ xin là đại diện những người mê tuồng mà nhận lãnh.

Dù sao đi nữa, giải thưởng tuy bất ngờ cho người nhận giải nhưng điều chắc chắn không một chút ngờ là giá trị văn học nghệ thuật mà Đào Tấn đã mang lại cho nghệ thuật sân khấu tuồng. Thế nên nhận giải thưởng Đào Tấn đã cho tôi cơ hội cảm nhận thêm tư tưởng của Đào Tấn về nghệ thuật sân khấu và chính con người của ông.


Di ảnh của Hiệp biện Đại học sĩ Đào Tấn (1845 - 1907). Ông tổ của nghệ thuật Tuồng Việt Nam. 

Có bốn điểm tôi xin được nêu ra trong tương quan với vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu tuồng:

1. Nghệ thuật sân khấu tuồng liên hệ mật thiết với đạo lý trong việc chuyển tải, phổ biến chân thiện mỹ cho quảng đại quần chúng. “Tuồng Đào Tấn” và “thế giới tuồng Đào Tấn” đầu thế kỷ 20 đã lôi cuốn hàng vạn người mê say tuồng suốt trăm năm, đã tác động mạnh mẽ vào tâm lý xã hội đương thời, đã được mọi tầng lớp khán giả tiền thế cũng như hậu thế yêu thích và ngưỡng mộ. Đào Tấn cho rằng “Kẻ mới biết chữ, không đọc kinh, nhưng không thể không xem hát tuồng…” và ông cũng nhận rõ chức năng khêu dậy cảm tính yêu điều thiện, thúc dục phản tư về ý nghĩa nhân sinh, cảm thông những giá trị nhân bản về trung hiếu nghĩa v.v. của tuồng hát trên sân khấu đối với khán giả: “Sức mạnh của tuồng hát như thủy ngân chảy xuống đất, không có lỗ nào là không thể vượt qua, mà công dụng của nó, thì tuy pháp luật nghiêm khắc và dày đặc, tôn giáo tinh vi, cũng không thể nào thắng được nó…” như Đào Tấn nhận định.


Theo giáo sư Thái Kim Lan tìm hiểu về Võ thuật dân tộc sẽ cảm nhận sâu sắc hơn nghệ thuật vi diệu, độc đáo của Tuồng, Hát bội... Sân khấu dân gian chính là niềm vui, nỗi buồn hân hoan thất vọng của chúng sinh tái hiện lại. (Ảnh: NVCC) 

2. Nhưng đối với Đào Tấn, ý thức rõ liên hệ giữa nghệ thuật tuồng và đạo đức trong chức năng “tải đạo” không có nghĩa nghệ thuật tuồng chỉ là công cụ phục vụ đạo lý khô khan cứng nhắc giáo điều, ngược lại theo ông, tính văn hoá cao trong nghệ thuật cần được chính tác nhân nghệ thuật tôn trọng và bảo vệ ưu việt, hay nói cách khác, tương quan nghệ thuật và đạo lý chỉ có ý nghĩa và hiệu quả trước tiên khi chính nhà thơ, nhà văn, người trước tác, trung thực với lý tưởng chân thiện mỹ trong sáng tác của mình.

Nghệ thuật do đó không nhằm phục vụ cho một mục đích đạo lý khuôn sáo giả tạo hay quyền uy chính trị, đi ngược lại đạo lý văn học, cũng như đạo lý nhân bản mà chính tuồng hát nêu lên, và người trước tác trước hết là kẻ bảo vệ tính trung thực của nghệ thuật trong sự độc lập và tự do sáng tạo ấy.

Giai thoại diễn tuồng “Tiết Cương phá thiết khâu phần” cho vua Thành Thái và quần thần xem, trong đó Đào Tấn đã cương quyết không bẻ cong bút sửa một chữ trong vở tuồng để tránh nguy hiểm bị quyền thần ám hại, đã nói lên tinh thần trung chính bảo vệ tính văn hóa trong nghệ thuật của Đào Tấn. Bao lâu tính văn hóa không được nhà văn, nhà thơ mài dũa, sáng tạo một cách độc lập với mọi ý thức hệ, uy quyền hay thế lực chính trị, thì tính văn hóa đó khó tồn tại, mà chỉ là những hiện tượng nhất thời, từ đó sẽ bị mai một.

3. Ở Đào Tấn, tính văn hóa nỗi bật trong các tác phẩm cũng như trong con người có lẽ nằm trọn ở trong sự tổng hợp hài hòa đầy thiện cảm nhân tình giữa nhà trí thức Đào Tấn và nghệ sĩ Đào Tấn. Nhà Trí thức và nghệ sĩ Đào Tấn đi về có nhau giữa thức tĩnh và đam mê, giữa minh triết ngoại vật và dấn thân mê mãi, giữa tri thức ban đêm và mộng mị ban ngày.

Thức tĩnh của ông là trí tuệ nâng cao nghệ thuật tuồng từ hình thức đến nội dung, đam mê của ông là sống thực với tích tuồng, sống hết mình xuyên suốt tác phẩm và nhân vật, đắm chìm trong nghệ thuật kịch hóa cuộc đời và từ đó thức tĩnh trong đời thực. Là một nhà trí thức, ông không sợ ngồi chung với con hát, thân thiết như trong một gia đình, cười với họ và khóc với họ. Chính gạch nối giữa trí thức và đam mê đã cho ông khả năng bình dân hoá những tích tuồng ngoại lai, thổi vào đó sức sống vượt thời gian với Tiết Cương chống búa, Phi Hổ nằm miễu, Trụ Vương dỡn tượng, Phượng Cơ qua ải… cho khán giả bản địa thuộc mọi tầng lớp. Những nhân vật trên sân khấu trở nên những biểu tuợng đặc trưng trong lòng khán giả, văn chương trong các bài từ đầy nhạc tính rạng rỡ vẻ đẹp vừa lãng mạn vừa thanh cao chứng tỏ thêm một lần trí tuệ tĩnh táo và tâm thức hoài mộng đều có sức năng động vượt thời gian như chính danh hiệu mà Đào Tấn tự đặt cho mình: Mộng Mai và Mai Tăng. Cũng cùng một đóa mai ấy nhưng chiều không gian của nó có thể vượt thời gian nối kết giác ngộ và mộng mơ. Chính nơi giao thoa ấy, chất sáng tạo nghệ thuật được ươm mầm.


Lễ trao giải Đào Tấn, 2005. (Ảnh: NVCC)

4. Như thế, kế thừa Đào Tấn trong lãnh vực văn hóa và nhất là trên bình diện nghệ thuật sân khấu đòi hỏi sự thấu triệt nếp truyền thống, gia sản tích tuồng và nghệ thuật sân khấu trong quá khứ cũng như khả thể nhu cầu văn hóa hiện đại.

Đồng thời với sự ý thức rõ nghệ thuật tuồng như một nét văn hóa truyền thống không thể thiếu là nổ lực hiện đại hóa nghệ thuật này.

Trong tiến trình biến đổi thị hiếu về nghệ thuật sân khấu trong những thập niên vừa qua, chúng ta có ly do để lạc quan về chu kỳ trở lại nghệ thuật sân khấu tuồng, (mà hiện nay trên thế giới nghệ thuật truyền thống nói chung đang được hồi sinh) một phần vì chính nghệ thuật này đã hàm chứa trong nó tinh hoa văn hóa của kịch nghệ có thể đáp ứng những đòi hỏi nghệ thuật cao trong hoàn cảnh văn học nghệ thuật hiện đại, hay nói cách khác, trào lưu văn học hậu hiện đại có khuynh hướng tìm về nghệ thuật truyền thống như một yếu tố thiết yếu cho định hướng văn hóa tương lai, sau giai đoạn máy móc hóa (mechanism) hay vô nhân hóa nghệ thuật. Trong một chừng mực lạc quan, có thể không mâu thuẫn khi nói, tiên tiến hay hiện đại hóa nghệ thuật tuồng có nghĩa là trở lại hay khôi phục chính nghệ thuật sân khấu tuồng nguyên ủy mà Đào Tấn đã khổ công và đam mê xây dựng, điều đó có nghĩa, trả lại nghệ thuật tuồng tính văn hóa đích thực (authentique) vượt lên trên mọi định chế hủ hóa, khuyến khích nghệ nhân trau dồi kiến thức về nghệ thuật tuồng trên thế giới đồng thời thổi vào nghệ nhân luồng sinh khí tự tin và quyết chí nâng cao, làm mới nghệ thuật tuồng như Đào Tấn đã bày tỏ:

“Muốn làm mới mẻ dân trong một nước, không thể không làm hưng thịnh tuồng hát của nước đó. Do đó, muốn làm mới mẻ đạo đức, thì phải làm mới mẻ tuồng hát, muốn làm mới mẻ chính trị, thì phải làm mới mẻ tuồng hát…”


GSTS Trần Văn Khê, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và GSTS Thái Kim Lan (áo dài vàng - giữa ảnh) trong buổi trao giải thưởng Đào Tấn. (Ảnh: NVCC)

Kế thừa Đào Tấn như thế có nghĩa, trở về nghệ thuật tuồng trong tinh thần giao thoa mới - cũ đầy thức tĩnh và sáng tạo không ngừng, để nghệ thuật này luôn mãi là giấc mộng dài cao quí như mai vàng trời Nam mà nhà thơ Đào Tấn mơ ước được hóa thân:

Nhàn hứng mai sơn bốc thọ viên

Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn

Mai sơn tha nhật tàng mai cốt

Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn.

dịch:

Lên đỉnh núi mai tìm đất thọ

Mỉm cười lặng ngắm đá chon von

Núi mai rồi giữ xương mai nhé

Ước được hoa mai hóa mộng hồn *


Giáo sư Thái Kim Lan và chiếc nón lá Huế (Ảnh: NVCC)

* Đào Tấn, thơ và từ, Vũ Ngọc Liễn biên khảo, lời đầu sách của Xuân Diệu, nhà xb sân khấu, Hanoi, 2003.  

Đào Tấn (3 tháng 4 năm 1845 – 23 tháng 8 năm 1907), tự là Chỉ Thúc (止叔), hiệu là Tô Giang và Mộng Mai (夢梅), biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng (梅僧), là một nhà soạn tuồng nổi tiếng Việt Nam. Ông là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, đã từng giữ chức vụ Tổng đốc An – Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), Công Bộ Thượng thư.

(Xem tiếp kỳ 3) 

*DDVN giới thiệu vở 'Đông Lộ Địch - Phần 2' - Hát Bội Bình Định - Nhà Hát Tuồng Đào Tấn - (Chuyển thể: Ưng Bình Thúc Dạ Thị - Từ tác phẩm: “EL CID” của nhà văn P. Corneille)

 --------

(*) Chú thích ảnh chính: Hình cụ Ưng Bình Thúc Dạ Thị và GSTS Trần Văn Khê trên tờ giới thiệu chương trình Tuồng cổ nghệ thuật Việt Nam tại Muenchen - Ðức năm 2002. 

 

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện

Tag: