Duyên Dáng Việt Nam

Qua Munich gặp cố đô - Tùy bút Nguyễn Văn Dũng

Nguyễn Văn Dũng • 19-10-2021 • Lượt xem: 2094
Qua Munich gặp cố đô - Tùy bút Nguyễn Văn Dũng

Đón tôi ở ga Munich là Kim Lan, cô bạn học thời 40 năm trước. Huế là thành phố chỉ nhỏ nhỏ vậy thôi nhưng không vừa, toàn là vào nhà gặp kỳ nữ, ra ngõ gặp giai nhân. Và bạn biết không, nàng là kỳ nữ loại tốp ten trong số những kỳ nữ ấy.

Tin và bài liên quan: 

Thái Kim Lan: Tưởng niệm 100 năm Phạm Duy

Tưởng nhớ thầy Trần Văn Khê - Thiên tài Nhân ái

Nhớ Phùng Thăng, người dịch 'Câu chuyện dòng sông' và 'Kẻ lạ ở Thiên đường'

Theo chân nàng Kiều đến ngôi chùa trong 'Đoạn Trường Tân Thanh' Nguyễn Du

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Giữa xa lạ cõi người ta, tôi nhận ra nàng ngay bởi nàng có nụ cười không giống ai. Người ta cười trên miệng, còn nàng cười từ trong tim - rộng mở, trong sáng, và chân tình. Chả thế mà có tên nịnh đầm nọ gọi đó là “nụ cười bát nhã”; nụ cười từng làm đổ quán xiêu đình bao thế hệ.

 

Nàng đưa chúng tôi một vòng vi vu qua các nẻo đường Munich. Tôi sững bởi lỡ hình dung nàng của ngày xưa - bốn mùa áo lụa Hà Đông, hiền như ma xơ, mong manh như lau sậy; trong lúc nàng của bây giờ - áo khoác dạ, mũ bêrê đỏ, lỏng buông tay lái, điệu nghệ như tây như đầm trên chiếc mercedes thể thao mốt mát của những tay chơi thời hiện đại. Bằng thứ giọng Huế còn jin hơn nhiều người Huế nói giọng Huế, nàng bắt đầu tái hiện lịch sử oai hùng của thủ đô vương quốc Bavaria; trang sử vẻ vang tới mức tôi chẳng nhớ gì cả, chỉ nhở mỗi Bavaria là quê hương tuổi ấu thơ của hoàng hậu Sissi, người tôi vô cùng ngưỡng mộ. Bài thuyết trình tràng giang đại hải của nàng kết thúc khi chúng tôi về đến cửa nhà nàng.

 

Loanh quanh một vòng, tôi quá bất ngờ. Tôi chắc khắp cả châu Âu không làm gì có cái nhà như thế, trừ phi người ta mới bê nó từ Việt Nam sang. Không phải nó hao hao với loại nhà ba gian hai chái của Việt Nam mà hồn cốt của nó đích thị là Việt Nam không lẫn vào đâu được. Từ trang trí, đến màu sắc, đến bố cục đều rất chi là Huế. Gian chính giữa là không gian trang trọng nhất, gồm bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên; cùng bộ bàn ghế đơn giản, thanh lịch và đẹp, chắc chỉ dành để tiếp khách quý. Bao quanh ngôi nhà là khu vườn rộng thênh thang xanh ngát cây trái, cùng với mồng tơi, lá ngót, rau răm, lá lốt, lá ngò. Bờ rào quanh vườn bằng tre cán giáo ken sít vào nhau cao chí ít cũng tới 2 mét. Trả lời thắc mắc của tôi, nàng tỉnh queo nói đã chở từ Việt Nam sang. Úi trời đất, chừng ấy tre cán giáo, e phải cần tới cả một hạm đội. Tôi nói thầm trong bụng, cái mợ này đúng là tay chơi.

 

Giáo sư tiến sĩ Thái Kim Lan, tốt nghiệp Đại học Ludwig-Maximilian tại Munich năm 1976. Bà sống và làm việc tại Munich với tư cách giảng viên môn triết học đối chiếu.

 

Tới bữa cơm, tôi lại một phen sửng sốt. Đó là bữa cơm toàn Huế. Răng rứa hè. Sang Munich mà được ăn một bữa cơm toàn Huế: Canh rau ngót nấu thịt bò, cá thu kho, thịt phay chấm mắm tôm, rau muống luộc tôm kho đánh… Khi mọi người đã quây quần đầy đủ, tôi thấy phía đầu bàn có một chén cơm và đôi đũa. Tôi vô tâm hỏi còn ai nữa không, Kim Lan giải thích “Đó là bát cơm của mạ mình”. Sau này tôi mới biết, mẹ Kim Lan mới mất năm rồi. Cả chi tiết ấy nữa, cũng chỉ có thể là rất Huế.

 

Buổi chiều, nàng đưa vợ chồng tôi đi “kéo ghế” tại nhà hàng bia Hofbräuhaus mà theo nàng, đó là nhà hàng bia nổi tiếng thế giới, có tuổi đời ngót nghét 500 năm. Thuở ấy nó chỉ dành cho quý vương tôn công tử, còn bây giờ nó là của cả nhân loại.

 

Vừa bước vào, tôi quá bất ngờ bởi nhà hàng rộng ơi là rộng, người ơi là người. May quá, còn một bàn trống. Nhanh như gió, cô phục vụ bày ra cho bốn bà con bốn cốc bia và đĩa đồ nhắm mới nhìn thôi đã thấy ngon. Nói là cốc bia nhưng xem ra nó to hơn cốc bia, còn to hơn cả vại bia. Và bạn tin không, tôi khởi động cái rẹt với một nửa của cái to hơn cái vại bia ấy.

 

Âm nhạc, tiếng nói tiếng cười, những vại bia vàng hươm, và hình như còn cả hương thầm của 500 năm trước khiến tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một thế giới nào khác - một thế giới không có bên ni bên tê, không có hận thù; một thế giới chỉ có hòa hợp, yêu thương, niềm vui, và hạnh phúc.

 

Cầm cốc bia trên tay, nhiều vị đi loanh quanh cụng ly với người này người nọ; mà nói cho cùng có ai xa lạ đâu, tất cả đều là huynh đệ chi giao cả mà. Thấy chúng tôi là người châu Á, nhiều ông Tây bước sang chào hỏi, chuyện trò, và cụng ly. Đã có thông dịch là giáo sư của một trường đại học Đức nên cuộc trò chuyện quá ư rôm rả. Biết tôi mới từ Việt Nam sang, một ông Tây nói “Tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam. Tôi mong sẽ có ngày đến thăm Việt Nam”, rồi nâng cốc, và bye bye trước khi “Chúc một chuyến du lịch tốt lành” - lịch thiệp, tầm cỡ, và quá đẹp.

Sau này tìm hiểu thêm tôi được biết, nhà hàng bia Hofbräuhaus ra đời ngày 27 tháng 9 năm 1589 theo lệnh của công tước Wilhelm V. Sau hơn 500 năm ngất ngây với đời, Hofbräuhaus dung nhan có phần hao hụt, người ta phải trùng tu và xây dựng thêm một số hạng mục để có được diện mạo như ngày nay. Ngoài sảnh một chúng tôi đang ngồi, còn thêm hai sảnh trên lầu và một sảnh ngoài vườn. Mỗi sảnh chứa từ 1000 đến 1300 khách. Nhà hàng mỗi ngày đón hơn 35.000 khách, riêng mùa lễ hội thì vô bờ.

 

 

GSTS Thái Kim Lan với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tác giả "Vòng tay học trò", (phải), Huế 2018.

 

Vui nhất là, tại nhà hàng bia Hofbräuhaus này, ngày 24 tháng 2 năm 1920, với hơn 2.000 đại biểu tham dự Đại hội thành lập Đảng Công nhân Quốc gia Xã hội Chủ nghĩa Đức, tức Đảng Quốc Xã Đức, hay còn gọi là Đức Quốc Xã. Tại đây, Adolf Hitler tuyên bố chương trình hành động 25 điểm… Tôi nghĩ lẩn thẩn, sao nhân loại không chịu tổ chức thêm một đại hội nữa cũng tại nơi này, rồi tuyên bố chương trình hành động 2 điểm. Điểm một, đốt hết các loại vũ khí trên trái đất. Điểm hai, phát triển mô hình bãi bia Hofbräuhaus đến khắp nơi trên thế giới. Như thế có phải nhân loại sẽ  được hòa đồng và hạnh phúc hơn không. 
 

Hôm ấy, tôi không nhớ mình uống bao nhiêu, chỉ nhớ đã uống rất nhiều. Tôi chỉ sành rượu chứ không sành bia, dù thế tôi phải thừa nhận bia Hofbräuhaus ngon, rất ngon. Bia ngon, chỗ uống ngon, người cùng uống ngon, không khí uống ngon, cộng thêm hương thầm của năm tháng cũ, là ấn tượng tuyệt vời về cuộc bia ở nhà hàng bia Hofbräuhaus. Sau này nếu có lúc nào đó tôi trở lại Munich thì xin hãy tin, rằng chẳng phải vì để thăm cô bạn kỳ nữ Huế, cũng chẳng phải vì lưu luyến cái thành phố thịnh vượng và quyến rũ nhất nước Đức, mà chỉ đơn giản vì muốn được cùng nhân loại uống thêm một cuộc bia nữa ở nhà hàng bia Hofbräuhaus mà thôi.
 

Trong vườn nhà lưu niệm Thái gia. 

 

Những ngày ở Munich, tôi có dịp đàm đạo với kỳ nữ Kim Lan về đủ thứ chuyện trên đời. Từng biết nàng thông minh, học giỏi nên giờ tôi không ngạc nhiên khi thấy nàng vô cùng uyên bác, nhất là trong lãnh vực Phật giáo. Riêng điều này thì tôi quá ngạc nhiên: Năm 1964, tốt nghiệp cử nhân triết. Năm 1964 - 1965, là giáo sư triết trường Đồng Khánh. Năm 1965 du học Đức. Năm 1976, tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học, Giáo sư Đại học Ludwig Maximillian - Munich; giảng dạy môn Komparative Philosophie (Triết học Tây phương và Triết học Phật giáo). Bốn mươi năm xa Huế, sống trong lòng xã hội Tây phương, thế sao nàng vẫn cứ là Huế - Huế chay, Huế rặt, Huế không lẫn đi đâu được.

 

Rõ ràng thời gian nàng sống ở Đức gấp hai lần thời gian sống ở Huế nhưng giọng Huế và phương ngữ Huế của nàng thì chuẩn và ngọt lịm hơn nhiều người Huế cả đời sống với Huế. Rồi cô con gái của nàng nữa, cứ giỏn giỏn giọng Huế không thua gì mẹ. Riêng anh chồng nàng, dân Nam bộ hẳn hoi, nhưng trước sau vẫn chỉ ngân nga giọng Huế của vợ. 
 

Có lần luận về phụ nữ Huế, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phán, chắc như đinh đóng cột, rằng thì là phụ nữ Huế rất chi kiên định lập trường Huế của mình; đã thế phụ nữ Huế còn có khả năng buộc ông chồng thay đổi quan điểm sống theo vợ cho dù ông chồng ấy có là chi chi đi nữa. Rồi anh nêu một loạt dẫn chứng: Ông X, đại trí thức, linh mục, quen cô gái Huế, năm sau ông quyết định lột áo nhà dòng, cưới vợ. Ông Y, chống cộng triệt để, ai ngờ vợ ông là Việt cộng, thế là ông chuyển qua chống Mỹ - Thiệu khi nào không hay... Tôi không biết anh chồng của nàng có chống ai không, nhưng nếu có chắc chắn đó phải là cái tên nàng ghét cay ghét đắng.

 

Còn nữa, đừng mong tìm thấy người đẹp Huế nào hấp ta hấp tấp, lập chà lập chập, vồn vã, năng nao. Phụ nữ Huế bao giờ cũng dịu dàng, khoan thai, ung dung, chậm rãi, từ tốn... Thăm người đẹp Huế, đừng chờ đợi nàng lao ra, hồ hởi phấn khởi kể chuyện nọ chuyện kia. Không đâu, với cốc nước trước mặt, hãy ngồi yên đó. Bên sau tấm rèm, nàng và chị gái nàng ghé mắt quan sát: Tướng tá, mặt mũi, hành vi, cử chỉ, cách ngồi, cách hít cách thở, cả cách cầm tách nước. Năm phút, mười phút, đôi khi đôi ba mươi phút, nàng nhẹ nhàng bước ra “Anh đó à. Anh đợi em có lâu không. Em xin lỗi. Em phải giúp mẹ mấy việc dưới bếp”. Là đàn ông, ai không có thần kinh thép chớ dại mà lấy vợ Huế.

 

GSTS.Thái Kim Lan về thăm và chụp hình lưu niệm với các em trường nữ sinh Đồng Khánh xưa, nay là Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế).

 

Cách đây mấy năm, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng từ Canada về Huế, anh nhờ tôi đưa anh lên chùa Huyền Không thăm thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Lúc xe qua cầu Phú Xuân, anh nói “Nghe chị Kim Lan đang ở Huế. Anh có biết nhà chị ấy không”. Tôi nói “Biết. Nhà Kim Lan ở gần chùa Diệu Đế”. Anh đề nghị tôi cho anh về thăm Kim Lan trước. Tôi cực lực phản đối: “Không được. Tôi đã hẹn với thầy Minh Đức đúng 8g30 rồi. Nếu về Kim Lan nữa chắc chắn sẽ trật giờ, sai hẹn”. Anh năn nỉ “Tôi xin anh 5 phút thôi. Tôi hứa với anh chỉ thăm 5 phút thôi”.

Vào nhà, người giúp việc nói cô đang ở trên lầu. Tôi nhờ lên báo với cô chủ có nhà thơ Nguyễn Đức Tùng từ bên Canada về thăm. Thế rồi năm phút, mười phút, hai mươi phút, đến khoảng 30 phút sau Kim Lan mới đủng đỉnh xuất hiện. Đúng là tài tử gặp giai nhân, câu chuyện của hai người sôi nổi, nồng nàn đến mức không ai nghĩ lần đầu họ gặp nhau; riêng tôi ruột gan nóng như lửa. Tôi từng tự hào một đời không sai hẹn, không trễ giờ, vậy mà chừ đành ngậm đắng nuốt cay. Mấy lần tôi chen ngang, nhắc Đức Tùng không nên để thầy chờ. Kim Lan hỏi “Thầy nào? Thầy Minh Đức à? Đã là thầy sao lại còn trách ai!”. Tôi đắng họng. Cuối cùng rồi tôi cũng xeo được nhà thơ Đức Tùng rời khỏi nhà nàng. Lên thấu chùa, chúng tôi trễ đúng 1g30. Nhìn thầy Minh Đức, tôi biết thầy không trách cứ gì, chỉ có hơi ngạc nhiên.

 

Trong một lần chuyện trò - có cả Kim Lan, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tổng kết: “Quen thân Kim Lan 40 năm, chưa bao giờ mình thấy Kim Lan đúng giờ”. Thế đấy chậm rãi, khoan thai, và... không đúng giờ, trở thành là thương hiệu lung linh của kỳ nữ Kim Lan. Phần tôi, biết thế nên sau này mỗi lần có việc hẹn hò với nàng bao giờ tôi cũng trừ hao. Còn nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, anh cứ áy náy hoài về lời hứa với tôi. Tôi động viên không sao, không sao; bởi ai mà không biết, phàm với nhà thơ, 5 phút đôi khi là cả một thiên thu. 

 

Người phụ nữ Huế, trong cuộc sống đời thường, họ chắt chiu từng đồng nhưng với những việc thuộc về từ thiện, công quả, công đức thì họ cực kỳ sốt sắng. Về điểm này, Kim Lan là số một. Hôm đến Pháp, thăm ngôi chùa Việt Nam ở thủ đô Paris, vị sư trụ trì còn rất trẻ cho biết, chùa xây dựng được là nhờ có sự đóng góp của Phật tử khắp nơi. Trong số những Phật tử thầy kể, tôi nhớ thầy có nhắc đến chị Kim Lan bên Đức với số tiền cả hàng trăm ngàn Euro. Riêng chuyện này thì do Kim Lan kể, trên đường ra phi trường về lại Đức, nàng nhận được tin thầy Trí Quang muốn in bộ kinh do thầy dịch nhưng không tìm đâu ra nguồn kinh phí. Thế là Kim Lan nói, “Hãy thưa với thầy, thầy cứ in đi, mọi chuyện còn lại để Kim Lan lo”.

 

Nhà nghiên cứu Triết học, GSTS Thái Kim Lan giới thiệu đêm thơ Việt Nam của nhà thơ Tô Thùy Yên và thi sĩ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh tại Diễn Đàn của Viện Văn hóa Goethe ở Munich - Đức, 11.2005.. 

Sau 1975, Việt Nam gần như tách lìa với thế giới Tây phương. Cuối thập niên 1980, bằng cách này cách khác, Kim Lan đã nỗ lực vận động để mời một số trí thức văn nghệ sĩ sang thăm châu Âu, mọi chi phí do nàng chịu. Tất nhiên có nhiều người được đi nhưng cũng có người không đi được do vướng điều này điều nọ. Sau 1975, cũng còn là thời kỳ bá tánh đói nghèo cơ cực, vậy là nàng ra tay cứu độ. Không biết có bao nhiêu người nhận được sự trợ giúp từ con tim bồ tát của nàng, chỉ riêng mình tôi thôi cũng đã giúp nàng đều đặn chuyển tiền đến cho mấy vị - người thì cùng khổ, người thì đau yếu, người thì có sức để mà giữ cho được ngôi nhà từ đường của một dòng họ nổi tiếng... Và bạn có biết, nàng gọi tên việc công đức của nàng là gì không? Nhẹ tưng, và rất chi là Huế, nàng gọi đó chỉ là “chuyện tào lao”. Mô Phật!  

 

Một trong những nét tính cách của người Huế là ngẳng. Ngẳng là khác lạ, là độc đáo, là không giống ai, nghĩa là ngẳng. Giờ xin nói về cái sự ngẳng của kỳ nữ Kim Lan. Căn phòng dành cho khách của nhà nàng nhỏ nhắn, sạch sẽ, ngăn nắp; gồm tủ áo, hai chiếc ghế và cái giường tre. Tuổi thơ tôi từng lớn lên cùng cái giường tre, nhưng sau đó thì chỉ biết có phản gỗ hoặc giường nệm. Giờ về già không ngờ lại được nằm giường tre, mà lại là cái giường tre tận bên trời Tây mới ngộ chớ. Lúc đầu thấy vui vui có dịp gần gũi chiếc giường kỷ niệm, nhưng rồi đến đêm khi đặt mình nằm xuống thì tôi đâm hoảng. Là vì, có thể do khí hậu bên ta bên tây khác nhau, cũng có thể do giường tre hơi cũ nên nếu cứ nằm thẳng ro thì không sao còn như chỉ cần nhúc nhích tí thôi là nó kêu ọt ẹt ọt ẹt nghe quá kỳ. Bỗng nhớ chuyện xưa, có tay nhà giàu nọ thuê bác thợ mộc đóng chiếc giường chuẩn bị cưới vợ (chắc vợ bé). Tuy giàu nhưng hắn cực kỳ keo kiệt, suốt mấy ngày đóng giường, bác thợ mộc chẳng được hắn bồi dưỡng tí bia bọt nào cả. Thế là bác quyết dạy cho tên nhà giàu keo kiệt kia bài học nhớ đời: Bác sử dụng mẹo gia truyền đóng cho hắn chiếc giường, đêm tân hôn nếu nằm yên thì không sao nhưng chỉ cần ngọ ngoạy tí chút là nó kêu ầm lên đến nhà trên chái dưới không ai không nghe. Mà đêm tân hôn, chẳng lẽ cứ nằm yên! Ngộ thiệt.

 

Xưa, mục đích của bác thợ mộc thì đã rõ, còn nay không biết mục đích của nàng là gì? Chắc không phải nàng có ý biểu tôi chỉ được phép nằm yên không được ngọ ngoạy, mà chẳng qua muốn chơi ngẳng chút thôi để tặng tôi kỷ niệm nhớ đời? Ý chà, đến cả cái tính ngẳng của Huế mà thời gian và xa cách vẫn không hề suy suyển.

 

Buổi chiều trước khi rời Munich, nàng lại mời vợ chồng tôi đi “kéo ghế”, lần này cũng lại là một nhà hàng nổi tiếng của Munich: Nhà hàng Cố Đô. Và bạn có tin không, cộng cả những bất ngờ của mấy ngày kia lại chắc cũng chỉ bằng một nửa bất ngờ của buổi chiều nay: Bà chủ của nhà hàng Cố Đô chính là vị Giáo sư, Tiến sĩ Triết học, kỳ nữ Kim Lan! 

 

Tiền thân của nhà hàng là Trung tâm Văn hóa Việt - Đức do nàng chủ xị, được chính phủ Đức tài trợ. Nhưng rồi do chính phủ Đức hết tiền nên nàng phải khai sinh nhà hàng Cố Đô để có tiền bù đắp. Đó là năm 1984.

 

Nhà hàng chỉ nhỏ thôi, khoảng 100m2. Điểm nổi bật của nhà hàng là cách bài trí. Có một thực tế là nhà hàng Nhật mang âm hưởng văn hoá Nhật, nhà hàng Tàu phảng phất văn hoá Tàu; nhà hàng Việt thường là một tí giống Tây, một tí giống Tàu, và chẳng có chút biểu tượng gì của văn hoá Việt Nam. Cố Đô không thế, nó là Việt Nam, là cốt cách Huế, là văn hóa Huế. Quanh tường là hình ảnh Việt Nam: Bà bán cháo gà trong chợ với nụ cười rạng rỡ và rổ chân gà ngồn ngộn phía trước, chú hớt tóc dạo, bà gánh trái cây rao bán trên đường... ngay ở giữa là bức tranh lụa lớn cảnh chùa Thiên Mụ soi bóng bên dòng Hương. Không cầu kỳ, không tô điểm mà đơn giản, sang trọng, quý phái, trí tuệ, thanh nhã và đẹp.

 

Nhiều nơi trên đất Pháp và Đức cũng có nhiều nhà hàng Việt Nam, cũng cố tạo nên phong cách Việt Nam: Mây, tre, ống thuốc lào, nò, lừ, nơm, rớ... nhưng vẫn không sao vượt qua được cái ngưỡng của sự mô phỏng và thô tháp để nâng lên hàng nghệ thuật. Nhà hàng Cố Đô thuộc tầng khác. 

 

Thực đơn của nhà hàng Cố Đô là bánh bèo, bánh cuốn, gỏi cuốn, bún bò, cơm âm phủ, bò nướng lá lốt, nem nướng, thịt gà kho sả, canh rau epinat (giống rau dền), tôm kho đánh chấm rau luộc... Món nào cũng có hương vị riêng vô cùng quyến rũ. Nàng nhìn quanh như xem có tai vách mạch rừng chi không rồi nói nhỏ bên tai tôi: Ruốc. Lúc sau nàng tiếp: Mà không phải dễ đâu, dân Tây đặc biệt rất thính mùi vị. Làm sao cho ruốc tạo được hương vị mê mẩn người ăn nhưng đồng thời cũng phải làm sao để nó không có mùi ruốc; đó là một bí mật - nàng thủ đắc rất nhiều bí mật. Khách thích nhất món bánh bèo, bánh cuốn, gỏi cuốn, bún bò, tôm kho đánh, canh rau. Và cả thích cung cách phục vụ rất chi là Huế.

 

Khách của Cố Đô chủ yếu là trí thức, văn nghệ sĩ, trong đó thường trực hơn cả là nữ tài tử điện ảnh Christine Kauffmann - người số một trong hàng những người đẹp coi trọng việc giữ gìn sắc đẹp. Với bà, đã đi nhà hàng là phải đến Cố Đô, bởi nhà hàng luôn gây ấn tượng bất ngờ, không gian thanh nhã, dịu êm; thức ăn ngon miệng, ăn được nhiều nhưng không nặng bụng, không mập, giữ được sắc đẹp dài lâu.

Thêm điều này, với khách Tây, ghế ngồi là yếu tố quan trọng thể hiện đẳng cấp của nhà hàng. Ghế ngồi của Cố Đô là loại ghế mây, thành ghế bằng gỗ uốn lượn công phu; kết hợp phong cách thuộc địa và style Tây phương, nhưng chỉ được sản xuất ở châu Âu. Để có được loại ghế này, nàng phải đặt mua từ bên Pháp với giá cắt cổ, nghe đâu một cái ngót nghét những 300 đô.

 

Được ngồi trên chiếc ghế sang trọng, trong một căn phòng sang trọng, với hai người bạn quý trọng, thưởng thức những món ăn quá quen thuộc bỗng trở nên sang trọng... Bởi thế không lạ gì khi đây còn là nơi biết bao tài tử giai nhân từng ngồi. Đã 15 năm qua đi, mỗi lần nhớ lại tưởng như là giấc mơ. 

 

Hơn mười năm sau này, nàng thường hay về Huế. Lần nào về nàng cũng qui tụ chị em Đồng Khánh cũ vầy cuộc vui tanh bành té bẹ. Mấy mệ Huế tuổi sáu lăm bảy mươi kể như thôi rồi, không biết nàng có bí thuật gì không biết mà mấy mệ bỗng bốc ngùn ngụt - lâu lâu gặp nhau, ca hát, ăn uống, nhảy đầm; ôm nhau nhảy chí mạng, hừng hực, hừng hực, nhưng chỉ toàn chị em. Dễ hiểu thôi, hừng hực thế đố cha nào dám bén mảng.

 

Tôi thỉnh thoảng cũng được mời dự vài buổi họp mặt do nàng tổ chức, chủ yếu với nhóm văn nghệ sĩ, nhiều nhất với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường; do ông Tường bị tai biến liệt nửa người phải ngồi xe lăn nên đi đâu thường phải có tôi tháp tùng. Có lần nàng mời ông Tường và tôi đi uống cà phê ở quán “Cội mai vàng” trong thành nội. Buổi sáng, gió nhẹ, những cánh mai vàng rơi. Bỗng một cánh rơi vào cốc cà phê của ông Tường. Ông Tường mỉm cười, âu yếm nhìn cánh mai vàng như tình cờ gặp lại người xưa. Kỉ niệm bao giờ cũng đẹp, nhưng kỉ niệm của hai người mới đẹp làm sao. Ông Tường thì thầm:

 

Có một lần như thế trong đời

Một bông hoa viôlét nhỏ

Đã nở cho riêng tôi

Hoa không nói với tôi điều gì

Dịu dàng như ngôi sao chiều tím

Mọc lặng lẽ giữa lòng tôi thầm kín…

 

Tôi nhớ hình như đó là bài “Kỷ niệm dành riêng cho hoa viôlét” ông Tường làm tặng Kim Lan.

 

Rời “Cội mai vàng”, ông Tường đòi dạo quanh một vòng đại nội. Trông ông Tường buồn hiu - như trong mắt ông, những gì dấu yêu nhất giờ không còn thuộc về ông nữa. Chiếc xích lô dừng trước cửa Ngọ môn, Kim Lan nhỏ to chi đó với ông xích lô. Hóa ra nàng muốn đổi nghề. Thế là bác xích lô Kim Lan với nón Huế, áo dài lụa trắng Huế, miệng cười tươi, tay lèo lái chiếc xích lô nhong nhong đưa nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đi vào… cõi mộng. Không biết thuở xưa, hai người có hình dung 50 năm sau, họ vẫn còn duyên để đi với nhau một đoạn đường theo cái kiểu cười ra nước mắt.

 

Giáo sư Thái Kim Lan và nữ MC Đài Truyền hình trong một phim mới thực hiện tại Huế.   

 

Hôm khác, lần này là sân thượng nhà hàng Festival - ngồi đây mà ngắm dòng Hương lung linh dưới nắng chiều thì thật không còn chi nói nữa. Hai vị thay nhau ôn kỷ niệm xưa, hầu hết là chuyện thâm cung bí sử tôi mới nghe lần đầu. Bỗng ông Tường nói: “CHT từng tâm sự: “Có 3 điều hối tiếc trong đời. Điều hối tiếc thứ nhất, là không lấy được Kim Lan. Điều hối tiếc thứ hai, cũng là không lấy được Kim Lan. Và điều hối tiếc thứ ba, vẫn là không lấy được Kim Lan”. Quá vui. Hình như chưa bao giờ nàng cười vui đến thế. Lúc sau ông Tường tỏ ra buồn bã nói: “Tui cũng có 3 điều hối tiếc trong đời. Điều hối tiếc thứ nhất là không còn đi đâu được nữa. Điều hối tiếc thứ hai là không còn uống rượu được nữa. Và điều hối tiếc thứ ba là y chang điều hối tiếc của CHT”.

 

Có lần Trần Kiêm Đoàn từ Mỹ gọi điện về nhờ tôi tìm lai lịch “Con yêu bánh nậm”. Ai cũng biết lơ mơ, lờ mờ, chỉ Kim Lan kể tường tận. Lan nói, chuyện này chỉ có hai người biết thôi, nếu Dũng muốn là người thứ ba thì phải thề không được tiết lộ cho ai.

 

Hồi ấy, phong trào đấu tranh Phật giáo lên cao, sinh viên Phật tử cố thủ trong chùa Từ Đàm. Đêm, cảnh sát tràn vào. Mọi người chống trả quyết liệt. Thấy Kim Lan thường ngày mảnh mai (như cái bánh nậm) thế mà lúc xung trận thì hung hãn và tinh quái như con yêu con tinh, hôm sau gặp Kim Lan, anh Hoàng Văn Giàu nói nựng “Đồ... con yêu bánh nậm”. Dễ hiểu thôi, bởi người Huế thường thích gọi tên người thương yêu nhất bằng cái tên dễ ghét nhất. Ví dụ, mẹ gọi con là “đồ quỷ”, hay chàng trai nói về cô gái mình yêu là “đẹp dã man”.

 

GSTS.Thái Kim Lan về thăm lại Trường nữ sinh Đồng Khánh xưa, nay là Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế)

 

Năm 2003, anh Giàu từ Úc về thăm Huế. Anh mời Nguyễn Đắc Xuân và tôi ăn tối. Trên đường đến quán cơm niêu, anh kể chuyện “Con yêu bánh nậm”. Chuyện anh kể y chang chuyện Kim Lan kể. Mấy hôm sau gặp Kim Lan, tôi nói giờ thì không còn chỉ ba người biết mà lên bốn rồi. Bởi thế, tôi không chịu trách nhiệm nếu có người thứ năm hay người thứ năm trăm biết chuyện của hai người đó nghe. Lan cười hề hề.

 

Giờ thì đã rõ, trong đời, kỳ nữ Kim Lan là người thủ đắc vô số bí mật: Thời thanh xuân không biết bằng cách chi không biết mà đám danh nhân tài tử, hết thế hệ này đến thế hệ khác cứ vây quanh nàng; đó là một bí mật. Không biết bằng cách chi không biết mà khi gặp nàng, mấy mệ Huế bỗng lai tỉnh thần hồn, tiếp tục ca hát nhảy múa, tiếp tục cháy; đó là một bí mật. Không biết bằng cách chi không biết mà hơn nửa đời người sống trong lòng xã hội Tây phương nàng vẫn không bị hòa tan - vẫn Huế chay, Huế rặt, Huế không lẫn đi đâu được; đó là một bí mật. Ruốc, eo ơi, chỉ dành cho người Huế, vậy mà không biết bằng kiểu chi không biết đã trở thành thứ gia vị mê ly, quyến rũ, hút hồn bao tài tử giai nhân, khiến nhà hàng Cố Đô thành nơi tới lui của giới thượng lưu trí thức; đó là một bí mật. Hôm đưa tôi đi thăm ngôi nhà tuổi ấu thơ của hoàng hậu Sissi, khi xe ngang qua một điểm ngắm tuyệt vời bên bờ hồ Konigssee thơ mộng, anh Tài - chồng nàng kể, đó là nơi bắt đầu cuộc tình của hai người. Ui chao một cuộc tình đẹp ơi là đẹp. Riêng bí mật này thì nàng không biết là tôi đã biết, nhưng tôi không dại gì nói ra...

 

Tác giả bài viết nhà văn Nguyễn Văn Dũng, ông còn là võ sư Karate cao cấp huyền đai đệ thất đẳng, nguyên Trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo. Ông được ghi nhận đã đào tạo được cả chục ngàn môn đồ Suzucho Karatedo tại Việt Nam. 

 

Có lần từ bên Đức, nàng gửi email cho group bạn có đến hàng trăm vị. Email kèm theo tấm ảnh cây phượng già bên chân cầu Trường Tiền lả lướt buông cành xuống dòng sông. Nàng hỏi: “Cành phượng nói gì với dòng sông?”. Ai giải được, Lan này nguyện kết làm tri âm tri kỷ”. Chợt nghĩ thời thanh xuân mình không là tên lẽo đẽo theo nàng, lớn lên cũng không là kẻ vây quanh nàng, giờ tuổi già được là tri âm tri kỷ của nàng thì cũng vui. Thế là tôi vội vàng gửi bài dự thi: “Rằng nó nghiêng mình hỏi dòng sông “Cô gái tài hoa xinh đẹp sớm tối qua cầu thuở ấy giờ ở nơi mô!”. Thế rồi tôi đợi, một tháng, hai tháng, sáu tháng, một năm, nàng vẫn im re... Sao thế nhỉ? Hay là tên khỉ mốc nào đó có đáp án hay ho hơn đáp án của tôi chăng? Hay là nàng không muốn kết làm tri âm tri kỷ với tôi chăng? Hay là cái số của tôi với nàng chỉ được lâu lâu gặp nhau một lần rồi thôi chăng? Thế thì đành hẹn “Con yêu bánh nậm” 40 năm sau nhé. Ngày đó tôi nhất định sẽ cùng nàng đến Hofbräuhaus uống một trận bát ngát càn khôn, rồi về nhà hàng Cố Đo húp bát cháo, nhâm nhi chuyện cũ.

 

Thế nhé. Hẹn gặp lại Cố Đô 2050!

--------

(*)Chú thích ảnh chính: Giáo sư Tiến sĩ Thái Kim Lan (trái) và nữ MC Đài Truyền hình trong một phim mới thực hiện tại Huế.   

 

 

Nguyễn Văn Dũng