Họ đã nói

Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Tuồng cổ và Triết học (Bài 1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 01-11-2021 • Lượt xem: 10799
Trò chuyện với GSTS Thái Kim Lan: Tuồng cổ và Triết học (Bài 1)

GSTS Thái Kim Lan là một gương mặt khá độc đáo trong giới trí thức Việt sống xa đất nước. Là người nghiên cứu, giảng dạy triết học, có nhiều công trình chuyên sâu về lĩnh vực này bà còn nổi tiếng trong việc giới thiệu những cái hay, cái đẹp của văn hóa, văn học, thi ca Việt Nam... ra thế giới và ngược lại. DDVN thực hiện một cuộc trò chuyện với bà qua cầu nối của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. 

Tin và bài liên quan: 

Qua Munich gặp cố đô - Tùy bút Nguyễn Văn Dũng

GSTS Thái Kim Lan: Tưởng niệm 100 năm Phạm Duy

GSTS Thái Kim Lan: Tưởng nhớ thầy Trần Văn Khê - Thiên tài Nhân ái  

Bảo tàng sông Hương của Thái Kim Lan   

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

LTS: Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu Triết học Thái Kim Lan người điều phối đêm thơ của  nhà thơ Tô Thùy Yên và Thi sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh trong chương trình giới thiệu Thơ Việt Nam chủ đề "105 Kinh độ Đông" do Viện Goethe Institut và trung tâm LiteraturWERKStatt tổ chức tháng 11.2005 tại Diễn Đàn Viện Văn hóa Goethe - Muenchen, nước Đức. Đây là trụ sở chính của Viện Goethe, thi hào nổi tiếng. Cẩn biết thêm Viện Goethe Institut hiện nay có mặt khắp nơi trên thế giới.  


Chân dung Johann Wolfgang von Goethe (1749 – 1832), thi hào nổi tiếng của nước Đức  

Johann Wolfgang von Goethe (1749 - 1832) là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ lỗi lạc người Đức. Ông được coi là một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới. Hầu hết các tác phẩm của ông trường tồn với thời gian, một trong những số đó là kịch thơ "Faust" gồm 2 phần, tác phẩm này là một trong những đỉnh cao của nền văn chương thế giới. Những tác phẩm văn chương nổi tiếng khác của ông là "Wilhelm Meister's Apprenticeship" và tiểu thuyết dưới dạng thư "Nỗi đau của chàng Werther".

Goethe là một trong những gương mặt điển hình của văn chương Đức đã thoát khỏi trường phái cổ điển Weimar ở Đức trong cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Sự đoạn tuyệt này cũng trùng với thời kỳ khai sáng, và chủ nghĩa lãng mạn. Ông có ảnh hưởng rất lớn đến nền văn chương thế giới đặc biệt là ở châu Âu, nhiều tác phẩm của ông là nguồn cảm hứng trong âm nhạc cổ điển Đức, kịch, thơ, và triết học.

Từ kỷ niệm gặp gỡ khó quên này, GSTS Thái Kim Lan đã đồng ý làm một cuộc chuyện trò gồm nhiều vấn đề thi ca, văn chương, triết học, tuồng cổ, cuộc sống... có sự can dự hay liên quan đến cuộc đời của bà, một trí thức nghiên cứu, giảng dạy Triết học luôn đau đáu về quê hương Việt. DDVN trân trọng giới thiệu một phần của cuộc trao đổi nhiều ý nghĩa này. 


GSTS Thái Kim Lan và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh tại Diễn Đàn của Viện Văn hóa Goethe ở Munich - Đức. 

Nguyễn Hữu Hồng Minh (NHHM): -Là một người nghiên cứu, giảng dạy Triết học được giải thưởng Đào Tấn (cuối năm 2005), xin chị cho biết đã nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật này từ bao giờ? Giải thưởng chính xác cho công trình đóng góp hay chương trình, tác phẩm nào?

GSTS Thái Kim Lan: -Như tôi đã giải thích hôm nhận giải thưởng (tháng 12/2005): bất ngờ tôi nhận được giải thưởng này. Tôi không nghiên cứu - vì nghiên cứu là một quá trình khảo sát nghiêm túc – mà chỉ MÊ tuồng HÁT BỘI (nói theo kiểu của người Huế) từ khi còn thơ ấu, tôi được nghe bà nội kể chuyện tuồng và theo bà đi xem hát bất cứ ở đâu có diễn tuồng (trong phủ chúa, trong Ðại nội, trong rạp bà Tuần, trong làng...v.v). Tôi đã “biết” môn nghệ thuật này bằng linh cảm về “thiện mỹ” mà bà nội tôi và các nghệ nhân, không gian văn hóa cũng như nếp sống con người Huế thời ấy truyền đạt cho tôi hơn là bằng trí tuệ. Có thể nói sự đam mê đến từ ngõ ngách ấy và chính nó thúc đẩy tôi sau bao năm xa quê hương thực hiện những bảo trợ cho nghệ thuật tuồng này, mà mãi khi ở ngoại quốc tôi mới có cơ hội so sánh để nhận chân cũng như đánh giá được giá trị nghệ thuật cao của nó, trong lúc ở quốc nội nghệ thuật

này chỉ sống thoi thóp bên lề sinh hoạt văn hóa hiện đại. Có hai việc tôi đã làm được, đó là:

Những mặt nạ cổ trong tuồng "Sơn Hậu" từng diễn ở nhà hát Bà Tuần - Huế.

1.Làm sống lại vở tuồng "Ðông Lộ Ðịch” của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ (như một bài báo đã viết năm 1999), do nhà hát Ðào Tấn Bình Ðịnh diễn qua sự giới thiệu của chị Tôn nữ Hỷ Khương, nhà thơ, ái nữ của cụ Ưng Bình. Theo tôi, sự phục hồi tuồng hát này là một cần thiết nhằm đánh thức và khuyến khích mọi nỗ lực trau dồi nghệ thuật tuồng với những tuồng cổ có giá trị rất cao về phương diện kịch nghệ sân khấu cũng như văn chương kịch, nó có thể thúc đẩy sinh hoạt kịch nghệ tuồng trở nên đa dạng chứ không nghèo nàn một chiều do hoàn cảnh chính trị đương thời định đoạt, từ đó mang tính cách bao cấp ngay trong lãnh vực nghệ thuật.


Mặt trong của tờ giới thiệu chương trình Tuồng cổ nghệ thuật Việt Nam tại Muenchen - Ðức năm 2002. 

2. Giới thiệu tuồng “Ðông Lộ Ðịch” đến với sân khấu Âu châu (tại Muenchen, Ðức) năm 2002 cùng với các trích đoạn tuồng cổ do gánh hát Ðào Tấn diễn. Ðây là lần đầu tiên một đoàn diễn tuồng hát bội Việt nam qua Ðức để “HÁT BỘI” một vở tuồng mà nội dung lấy từ vở kịch "El Cid" của nhà văn hào Pháp Pierre Corneille. Tác phẩm của nhà viết tuồng Ưng Bình Thúc Giạ Thị  không những là một áng văn chương đẹp mà còn là một hiện tượng giao lưu Việt - Âu độc đáo.

Ðược diễn xuất với các nghệ nhân của gánh Ðào Tấn Bình Ðịnh, nó đã là một sự bất ngờ thú vị cho khán giả Ðức, trước đây chỉ biết VN qua cuộc chiến, và cho khán giả Việt, như một sự trở về văn hóa truyền thống.

NHHM: Thật thú vị khi nghe một nhà nghiên cứu, một giáo sư tiến sĩ Triết học kể lại những công việc làm được cho Tuồng cổ Việt Nam. Ở đây là vẻ đẹp và kỳ ảo của hai vở "Đông Lộ Địch" của Đào Tấn và "El Cid" của Corneille. Những thông điệp về đời sống tương quan giữa văn hóa  phương Đông và phương Tây. Vậy thưa chị, có việc gì chị tâm huyết, lặn lội đeo đuổi cho nghệ thuật trình diễn Việt mà vẫn chưa làm được không? 


Giáo sư Thái Kim Lan giới thiệu một chương trình văn hóa nghệ thuật (Ảnh: NVCC) 

GSTS Thái Kim Lan: Có việc thứ 3 chưa làm được, đã là ước mơ của tôi từ lâu: xây dựng lại nhà hát “bà Tuần” tại Huế, đã biến mất sau 1975, trong những điều kiện mới, để thành phố Huế có được một nhà hát “opera” tầm cỡ. Có lẽ giấc mơ này không trở thành hiện thực, một phần vì sức người có hạn, một phần vì điều kiện khách hay chủ quan ”chưa chín muồi” (theo cách nói của nhà cầm quyền Huế hiện nay) cho những sinh hoạt văn hóa tại Huế, nơi mà mỗi sự xây cất mới - ngay cả nhà hát hiện nay ở Huế - đều có những dấu ấn đi ngược lại với văn hóa Huế cũng như cái nhìn hiện đại về nghệ thuật từ kiến trúc cho đến nội dung. Không phải cái gì mới cũng là hay cả, cũng thế không phải cái gì cũ cũng tốt, nhưng nhìn cho ra được nét đặc thù “cũ” để tổng hợp với “mới” hiện đại, tiếc thay, sự nhầm lẫn đã rất thường xảy ra cho thành phố Huế.

(Xem tiếp bài 2) 

*DDVN giới thiệu vở 'Đông Lộ Địch - Phần 1' - Hát Bội Bình Định - Nhà Hát Tuồng Đào Tấn - (Chuyển thể: Ưng Bình Thúc Dạ Thị - Từ tác phẩm: “EL CID” của nhà văn P. Corneille)

-------

(*)Chú thích ảnh chính: Hình GSTS Thái Kim Lan trên mặt ngoài tờ giới thiệu chương trình Tuồng cổ nghệ thuật Việt Nam tại Muenchen - Ðức năm 2002. 

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện