VĂN HÓA

Ruộng bậc thang – di sản nông nghiệp, trí tuệ, văn hóa của con người

Cẩm Chi • 22-05-2023 • Lượt xem: 1631
Ruộng bậc thang – di sản nông nghiệp, trí tuệ, văn hóa của con người

Không chỉ là loại hình canh tác nông nghiệp sáng tạo, hài hòa giữa con người và môi trường tự nhiên, ruộng bậc thang còn tạo nên những vùng văn hóa đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn với phong tục cộng đồng hàng ngàn năm của người dân vùng cao trên khắp thế giới.

Cách thích ứng thiên nhiên của con người

Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên địa hình đồi núi với một hệ thống thủy lợi khá tinh vi nhằm cung cấp nước cho sự sinh trưởng của cây lúa. Tại miền núi cao, đất bằng để canh tác khan hiếm, khó khăn để trồng lúa nước, nên người dân thường chọn các sườn đồi núi (nơi có đất địa hình thoai thoải, dễ thoát nước) để tạo thành những vạt đất bằng dạng bậc tam cấp. Sau đó tùy vào ý định canh tác mà có thể để khô hoặc dẫn nước từ các vùng núi cao khác chảy từng dòng tạo nên ruộng bậc thang.

Ruộng bậc thang điều phối lượng nước phục vụ trồng trọt

Ruộng bậc thang có độ cao so với mặt biển là 1000-1500m. Chúng thường được làm bằng tay, công cụ thô sơ. Nước cho ruộng bậc thang lấy từ nước mưa tự nhiên ở trên đỉnh núi. Thông thường, nước từ đỉnh núi đổ xuống có thể gây ra tình trạng sạt lở đất, xói mòn nhưng nhờ có ruộng bậc thang nên giảm thiểu tác động trực tiếp từ nước mưa, và còn giữ được dư lượng chất dinh dưỡng có trong đất.

Bên cạnh đó, địa hình đồi núi luôn có các mạch nước ngầm ở bên dưới nên người dân đã tận dụng nguồn nước ngầm này để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu được đầy đủ. Ngoài trồng lúa, người dân còn tận dụng để trồng trọt thêm nhiều cây trái khác hay nuôi thả gia súc, gia cầm.

Người dân tộc thiểu số tạo ra ruộng bậc thang và canh tác từ những công cụ thô sơ, đơn giản (trâu, cày bừa, cuốc...)

Đối với bà con các dân tộc vùng cao, ruộng bậc thang là một sáng tạo thể hiện sự bền bỉ, khéo léo, kết tinh bàn tay lao động của nhiều thế hệ. Những kinh nghiệm của các thế hệ đi trước truyền lại được bà con kể lại, chỉ những quả núi có độ dốc vừa phải, có nguồn nước từ khe suối, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá mới có thể làm ruộng bậc thang.

Niềm vui của người dân khi tới mùa thu hoạch lúa chín

Công việc khai khẩn ruộng bậc thang thường được tiến hành vào tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, để đến tháng 4, 5 là có thể kịp lấy nước phục vụ canh tác. Một trong những công đoạn khó khăn nhất trong quy trình khai khẩn ruộng bậc thang là san mặt bằng ruộng và làm bờ ruộng, vì nó liên quan đến việc giữ nước và chia đều nước cho toàn ruộng. Những thửa ruộng bậc thang dù to hay nhỏ đều được “chạm khắc” trông thật thuận mắt và dễ canh tác, có nơi rộng hàng trăm héc ta tạo nên những bức tranh phong cảnh khổng lồ với những đường nét uốn lượn mềm mại.

Di sản thiên nhiên và văn hóa đặc sắc

Canh tác ruộng bậc thang là loại hình canh tác độc đáo ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Phillippines.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn với đời sống nông nghiệp của người dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì...

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, ở Việt Nam, lịch sử hình thành ruộng bậc thang gắn liền với lịch sử và văn hóa cư trú của tộc người Mông, Dao, La Chí, Nùng, Hà Nhì... cách đây khoảng 4 thế kỷ, trên các địa danh ở Tây Bắc, Trung du Bắc bộ. Đây là những nơi có độ cao từ 1.000 - 1.600 m so với mực nước biển. Với phong cảnh đẹp, độc đáo, các ruộng bậc thang của cộng đồng dân tộc thiểu số còn là điểm chụp ảnh, bay dù lượn hấp dẫn bậc nhất ở Việt Nam, nơi thu hút du khách tham quan vào mùa nước đổ xanh mướt hay mùa gặt lúa chín vàng… Trong đó có các di sản ruộng bậc thang ở Sa Pa, Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì là danh thắng cấp quốc gia, là các địa điểm du lịch nổi tiếng, được các tạp chí du lịch thế giới bình chọn một trong 7 ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á và thế giới.

Ruộng bậc thang Cordilleras có lịch sử hơn 2000 năm

Ruộng bậc thang tại Philippines - Cordilleras là một công trình nhân tạo cổ có lịch sử từ 2000 đến 6000 năm được tổ tiên những người dân bản địa Iflugao sinh sống tại đây tạo nên. Chúng có độ cao 1.500 mét so với mặt nước biển và có diện tích 10.360 km2. Những ruộng bậc thang này được nuôi dưỡng và tưới tiêu bằng một hệ thống thủy lợi tự nhiên là nước mưa từ trên đỉnh núi chảy xuống. Người dân tộc Iflugao vẫn sinh sống và canh tác trên các thửa ruộng bậc thang mà họ chính là chủ nhân. Tộc người Iflugao có sự liên hệ rất chặt chẽ với cây lúa cũng như những nghi lễ ma thuật, cúng bái xung quanh cây lúa.

Ruộng bậc thang tại Vân Nam độc đáo với nhiều màu sắc khi nhìn từ trên cao

Là kỳ quan thiên nhiên nổi bật Trung Quốc với lịch sử lên tới 1.200 năm, ruộng bậc thang Hồng Hà, Vân Nam có diện tích lên tới 1 triệu ha và 16.600 ha đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2013. Khu vực này giáp với phía Bắc Việt Nam, nó được người Hà Nhì làm bằng tay trên sườn núi dốc của Ai Lao Sơn cao chót vót và của vực sâu hiểm trở bên sông Hồng. Các bậc thang cao đến 3.000 bậc với độ dốc khác nhau từ một góc nông 15 độ đến một đoạn dốc lên đến 75 độ, tạo thành một cảnh quan đẹp tuyệt vời hiếm có. Người bản địa cũng đã phát triển một hệ thống phức tạp các kênh để đưa nước từ đỉnh núi vào các ruộng bậc thang để canh tác tổng hợp, chăn nuôi trâu, bò, vịt, cá, lươn và sản xuất lúa gạo đỏ. Điều đặc biệt là ruộng bậc thang Hồng Hà lúc nào cũng có nước chảy qua khung cảnh kiến tạo – đây là điểm khác biệt so với nhiều nơi khác.


Ruộng bậc thang ở Moray (Peru) là di sản sáng tạo
 của người Inca cổ đại, vừa trồng trọt vừa làm nghi lễ tôn giáo

Moray (Peru) là quần thể ruộng bậc thang sâu hàng trăm mét dưới lòng đất, nhìn như một nhà hát Hy Lạp cổ đại. Đây được coi là những tàn tích Inca tuyệt vời nhất còn hiện hữu phía Tây làng Maras. Những bậc thang ở khu vực trung tâm có kích cỡ lớn và dốc xuống độ sâu khoảng 150m. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nơi đây không hề bị ngập lụt, dù lượng mưa có nhiều đến mức nào. Đặc điểm độc đáo nhất của Moray nằm ở sự chênh lệch nhiệt độ giữa đỉnh và đáy ruộng trong cùng một thời điểm, lên tới 15 độ C, đã tạo ra khu vực vi khí hậu, giúp người Inca nghiên cứu ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu khác nhau lên cây trồng. Người Inca cũng đã vận chuyển đất từ nhiều vùng khác nhau tới đây để xây dựng nên ruộng bậc thang này. Cho tới nay, người ta vẫn chưa khẳng định được chính xác người xưa đã xây dựng Moray để làm gì. Giả thuyết được ủng hộ nhất vẫn là coi Moray là một khu ruộng để trồng cấy. Một thuyết khác lại cho rằng ruộng Moray được xây dựng để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo như cúng tế thần linh, lập đàn…