VĂN HÓA

Tại sao phải biết bơi?

Duy Dũng • 18-07-2023 • Lượt xem: 4158
Tại sao phải biết bơi?

Kỳ nghỉ hè này, tôi cho con trai 8 tuổi đi học bơi. Tất nhiên có nhiều lý do, cũng như mọi người, cũng không có gì đặc biệt. Để rèn luyện sức khỏe, để có thêm một kỹ năng trong cuộc sống, để hòa nhập với môi trường tập thể, với cộng đồng, để... tránh bớt cái tivi và các thứ game trên máy tính, điện thoại...

Những ngày hè, xem tivi, đọc báo, lướt nét liên tục nghe tin trẻ em đuối nước không khỏi lo lắng, không thể không nghĩ. Khóa bơi cho người mới bắt đầu mà tôi đăng ký cho con là 15 buổi, đóng tiền hết từ đầu; mỗi lần đi thẻ bơi sẽ bị bấm 1 lỗ; khi nào bấm đủ 15 lỗ nghĩa là hoàn thành khoá học.

Khi chưa đi, cháu hào hứng lắm. Sau buổi đầu tiên, cháu “được” uống nước, sặc, mệt... và khi về bảo rằng: “Con không thích bơi nữa!” Và đến buổi thứ 2 đi thì rất miễn cưỡng, sợ sệt; trong giờ khởi động đã khởi động bằng... nước mắt. Sau buổi thứ 2 thì tình hình càng tệ hơn. Chúng tôi động viên cháu, khích lệ, cả dọa dẫm kiểu “vừa đấm vừa xoa”. Thái độ của cháu không khá hơn. Tôi hơi thất vọng và có chút bực mình; không chỉ là chuyện đã đóng tiền cho cả khóa học rồi, mà còn vì điều khác nữa. Tôi không muốn cháu yếu đuối hay thiếu kiên trì, điều đó quan trọng hơn cả kỹ năng bơi lội. Tôi hỏi cháu:

- Con có biết tại sao phải biết bơi không?

Cháu trả lời hồn nhiên:

- Để không bị chết đuối!

Tôi bảo cháu: Đúng rồi, bơi là một kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, để bảo vệ tính mạng của chính mình, rồi mới đến các mục đích khác như rèn luyện sức khoẻ, giải trí... Trong cuộc sống, trong cuộc đời không phải lúc nào cũng đi tàu, đi xe, đi đường bộ; mà cũng có những lúc đi thuyền, đi tàu... trên sông, trên biển; và không ai dám chắc, biết trước là không có sự cố xảy ra. Hoặc đơn giản chỉ trong một hoàn cảnh nào đó, bị ngã xuống nước – dù chỉ là một cái ao, nếu không biết bơi thì sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, bơi là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, và cần thiết phải biết bơi! Con xem tivi con biết đấy, rất nhiều bạn đã bị chết đuối vì không biết bơi!

Trẻ em trên sông Thạch Hãn - Quảng Trị - Ảnh minh họa: Hà Thành.

Thốt nhiên tôi lại hỏi cháu:

- Con có biết tại sao Đại Việt thắng Nguyên Mông không?

Cháu nghĩ một chút rồi trả lời:

- Tại... biết bơi.

Câu trả lời đó tuy chưa đầy đủ (và không thể đòi hỏi đầy đủ với một đứa trẻ 8 tuổi) nhưng hoàn toàn đúng, và đúng là câu trả lời tôi mong muốn. Khi dạy cháu về lịch sử đời Trần và 3 lần kháng chiến chống Nguyên Mông, tôi nhấn mạnh nhiều về yếu tố sông nước, những thuận lợi về địa hình của đất nước Việt Nam trước quân xâm lược. Tôi hỏi tiếp:

- Trận quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 là trận nào?

Cháu trả lời:

- Trận Hàm Tử.

Hỏi:

- Trận cuối cùng toàn thắng trong cuộc kháng chiến lần thứ 3?

Trả lời:

- Trận Bạch Đằng.

Hỏi:

- Trước đó có một trận khác cũng quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng?

Trả lời:

- Trần Khánh Dư đánh trận Vân Đồn, cướp lương của giặc.

Tôi nói với cháu: Đúng! Những trận thắng quan trọng của Nhà Trần phần lớn nhờ thuỷ quân, thủy chiến, các cuộc rút lui chiến lược của vua và triều đình nhà Trần đều theo đường thủy. Đó là lợi thế của ta và là bất lợi của vó ngựa Nguyên Mông. Và muốn có thủy quân giỏi, thủy chiến giỏi thì trước hết là phải biết bơi, đơn giản là thế. Thời đó, khả năng của người Việt chưa đóng được những thuyền lớn, nên việc bơi lội, kỹ năng bơi lội là rất quan trọng. Nhà Trần xuất phát từ nghề chài lưới nên đã phát huy được những ưu điểm đó! Việt Nam là đất nước của sông, của biển; và đến bây giờ vẫn có rất nhiều những vùng miền chưa có cầu qua sông.

Tôi hỏi tiếp:

- Con nhớ Truyền thuyết Lạc Long Quân -  Âu Cơ không?

- Có ạ!

- Con có nhớ Lạc Long Quân dẫn 50 con đi đâu, Âu Cơ dẫn 50 con đi đâu không?

Cháu im lặng không nói! Tôi biết là cháu nhớ, cháu biết và cháu hiểu; hiểu tôi muốn nói gì và muốn gì ở cháu. Trên gương mặt trẻ thơ thoảng một chút ngượng nghịu. Tôi cũng không hỏi nữa...

Trẻ em ở đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi - Ảnh minh hoạ: Hà Thành

Từ những buổi sau đi học bơi, cháu không còn sợ nữa, và khi đã quen rồi thì rất hào hứng; sắp đến giờ đi là xăm xắn chuẩn bị đồ, quần áo; đến bể là say sưa luyện tập. Đến thời điểm này, cháu đã bơi được dù chưa dài và chưa thạo; nhưng điều đó không phải là quan trọng nhất. Tôi không mong cháu bơi giỏi như Yết Kiêu hay đánh thuỷ giỏi như Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư; mà thấy hài lòng vì những gì cháu nhận thức được.

Và dường như, tôi cũng có bài học cho riêng mình!