VĂN HÓA

Tập hợp những câu chuyện có tính khai sáng

Việt Trẻ • 14-10-2022 • Lượt xem: 1916
Tập hợp những câu chuyện có tính khai sáng

Túi khôn của Guy là tập hợp những câu chuyện có tính “khai sáng” nhiều nhất trong đời Guy Kawasaki – một biểu tượng của Thung lũng Silicon và là tác giả rất nhiều cuốn sách bán chạy. 

Vì sao những câu chuyện của Guy đáng lắng nghe? Bởi cuộc đời của ông có nhiều trải nghiệm hiếm có, và có thể rút ra nhiều bài học từ những câu chuyện đó.

Guy Kawasaki là một “lão làng” trong thế giới công nghệ kể từ khi bước vào đội ngũ Macintosh sơ khai của Apple vào những năm 1980. Ông được nể trọng vì “túi khôn” trong khởi sự doanh nghiệp, đầu tư mạo hiểm, tiếp thị và “truyền giáo” trong kinh doanh, đây cũng là những gì ông chia sẻ trong những cuốn sách bán chạy của mình. Kỳ diệu hơn, xuất phát điểm của ông là một cậu bé con nhà bình thường ở Hawaii, hậu duệ của những di dân Nhật Bản.

Cuốn sách này nói về những rút tỉa của Guy trong việc học hành, cách giữ cảm hứng, văn hóa làm việc tại Apple, việc kinh doanh, làm cha mẹ, việc chơi thể thao và hình thành các kỹ năng quan trọng… Những gì ông viết có tính thuyết phục vì rút ra từ chính cuộc đời mình.

Ông cũng khiến người đọc có cái nhìn khác hơn về những định kiến “tưởng như là đúng” trong cuộc đời. Ví dụ khi nói về cảm hứng, người ta thường nghĩ tới những điều lớn lao và cao đẹp. Tác giả từng thừa nhận, có giai đoạn từ tuổi thiếu niên, ông chỉ có mong muốn là ngồi sau tay lái một chiếc xe hơi xịn. Khát khao ấy khiến ông nỗ lực và đạt một số thành công vào thời đó. Ông kết luận về cảm hứng rằng: “Đừng băn khoăn về cái gì tạo động lực cho bạn. Quan trọng là bạn có được động lực. Chính cái thứ nặng về vật chất là xe hơi đã truyền cảm hứng cho tôi. Nếu bạn có những mục tiêu cao quý thì tốt thôi, nhưng động lực có thể đến từ nhiều nguồn lắm”.

Kiên nhẫn lắng nghe một người thành công và có trải nghiệm đặc biệt thì không bao giờ thừa. Cũng rất hiếm có ai đã rời bỏ Apple hai lần và lần thứ ba thì từ chối lời đề nghị quay lại làm việc từ chính Steve Jobs, như Guy Kawasaki. Ông cũng mở nhiều công ty, trở thành nhà đầu tư mạo hiểm, trở thành cố vấn của hàng chục doanh chủ, đi diễn thuyết khắp nơi trên thế giới và viết 15 cuốn sách.

Dưới đây là một số “túi khôn” đáng chú ý mà tác giả đã tích lũy được trong những tình huống không ngờ:

Gặp lưu manh cũng có thể là trải nghiệm có ích cho bạn. Trong đời, Guy thừa nhận ông từng bị trấn lột và bắt nạt bởi lưu manh ngoài đường. Khi đó ông thấy mình yếu đuối, nhục nhã, đến nỗi trở nên ám ảnh và tránh đi lại bằng phương tiện công cộng. Nhưng bên cạnh đó, trải nghiệm này tạo động lực cho Guy khi học tập và làm việc chăm chỉ sau khi tốt nghiệp, để có thể lựa chọn sống trong một môi trường tốt hơn.

Guy từng gặp phải những hành vi phân biệt chủng tộc dù vô tình hay cố ý, bởi ông là người Mỹ gốc Nhật. Ông rút ra rằng: Đừng bao giờ coi bản thân mình là một nạn nhân, bởi kể từ sau đó, ta sẽ hành xử như một nạn nhân. Hãy chịu trách nhiệm về số phận của mình. Không ai khác chịu trách nhiệm cho thành công hay thất bại của bạn.

Tác giả từng từ bỏ trường luật UC Davis ở Stanford và ông rất sợ cha mẹ nổi giận hay thất vọng. Cha ông đã nói: “Chỉ cần đừng phí đời mình”, và điều đó định hình thái độ của Guy trước việc có nên từ bỏ một điều gì hay không. Ông kết luận: “Từ bỏ không quan trọng bằng làm gì sau khi từ bỏ. Bạn sẽ khởi động lại? Làm lại, hay đầu hàng? Đây là thứ để xác định liệu bạn có phụ lòng người khác và chính mình hay không. Tất nhiên nếu “từ bỏ” trở thành một thói quen thường xuyên thì bạn đang có vấn đề.

Guy làm việc ở Apple từ 1983 - 1987, rồi từ 1995 -1997, ông có một mối quan hệ đặc biệt với Steve Job và rất nhiều “túi khôn” của ông tích lũy (và chia sẻ) rơi vào khoảng thời gian này. Ông phỏng vấn vào Apple mà không hề có bằng cấp phù hợp, thậm chí chưa học qua lớp tin học nào. Bắt đầu từ vai trò người đi thuyết phục các công ty phần cứng và phần mềm tạo ra các sản phẩm cho Macintosh, ông trụ lại được một phần nhờ may mắn vào đúng thời điểm, nhưng trên hết vì “Tôi thích làm việc. Có những người thông minh hơn tôi. Có những người chăm hơn tôi. Nhưng hiếm người nào có cả hai. Thực vậy, khả năng dùi mài công việc là lý do khiến tôi thành công ở Macintosh Division và cả trong đời sống.”

Cứ xông vào (công việc) bằng mọi cách. Chớ sĩ diện. Ngay sau khi bạn bắt đầu một công việc sẽ chẳng ai quan tâm đến các mối liên hệ của bạn, tiểu sử của bạn, thư ủy nhiệm của bạn, thậm chí không quan tâm bạn có mấy thứ đó hay không. Quan trọng là bạn làm nên chuyện, hoặc là không.

Cứ xông vào ở mức độ công việc nào cũng được. Nước nổi thì thuyền nổi. Bạn nổi lên được tới mức độ nào mới là quan trọng chứ không phải cái mức độ khi bạn mới bước vào. Vì thế cứ nhận làm chân tập sự, chân thử phần mềm, quản trị dữ liệu hoặc tiếp tân, rồi từ đó xây dựng lên.

Một ngày nọ, Steve Jobs đến chỗ Guy cùng một người lạ vài hỏi luôn: “Anh nghĩ sao về công ty tên là Knoware”. Guy nói thẳng rằng sản phẩm của công ty đó bình thường, đáng chán, sơ sài, và công ty ấy không có ý nghĩa chiến lược với Apple. Nghe xong, Steve Jobs quay sang người lạ bên cạnh, giới thiệu người đó chính là CEO của Knoware. Tác giả kết luận, làm việc bên một người sếp cực giỏi và đòi hỏi cao như vậy là điều áp lực, nhưng sẽ giúp ta làm được những điều tuyệt nhất. “Hãy nói sự thật. Thành thật là một bài kiểm tra năng lực và cá tính bạn. Bạn cần thông minh để nhận ra cái gì là thật, và bạn cần mạnh mẽ để nói được sự thật.”

Hãy rời một công việc khi thời điểm đã chín muồi. Ví dụ chức giám đốc tại Apple trong lý lịch rất có lợi cho sự nghiệp của tôi, không như “nhà quản lý sản phẩm phần mềm”. Đừng nên bỏ việc vì các cảm xúc như giận dữ và thất vong. Hãy lên kế hoạch cho việc thoát đi. Cố gắng có sẵn ngay một công việc hoặc cơ hội tiếp theo. Việc tính toán thời điểm và cách rời bỏ một công việc cũng quan trọng ngang với việc tính toàn thời điểm và cách thức bắt đầu một công việc.

Nếu bạn là một người làm công, hãy nhìn xa hơn lương và bổng. Công việc ấy có giúp bạn tinh thông các kỹ năng mới trong lúc làm việc một cách tự chủ, hướng về mục tiêu có ý nghĩa không? Nếu bạn là một người chủ, bạn có mang đến cho người làm công một phương cách để họ tinh thông được các kỹ năng mới trong lúc làm việc một cách tự chủ, hướng về một mục tiêu có ý nghĩa không?

Hãy tập trung vào những lợi ích mà bạn cung cấp, đừng tập trung vào những sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang bán. Các công ty taxi đưa khách từ nơi này tới nơi khác – xe của ai và ai lái không thành vấn đề.

Hễ bán được là bán. Ngay lúc người ta bỏ ra khỏi cửa hàng của bạn hoặc rời khỏi website của bạn là bạn đã mất họ. 

Hãy cứ coi như người khác là tốt đi cho đến khi chứng minh được họ là xấu, và xấu đến lần thứ hai, do lần đầu có thể vì sơ suất. Còn để hơn hai lần thì bạn là đồ ngốc.

Hãy đi quan sát thế giới khi bạn còn trẻ. Hãy làm việc này khi bạn chưa mắc nợ mua nhà, mua xe, chưa con cái. Sẽ chẳng còn lúc nào tốt hơn mà du lịch đâu!

Thấy đúng thì làm. Sức ảnh hưởng phải đi cùng nghĩa vụ về đạo đức là đứng lên bảo vệ cho các nguyên tắc của bạn và giúp những người kém may mắn.

Hãy mang lại giá trị. Nỗ lực cùa ta có tốt đến mức người ta sẵn sàng đánh cược danh tiếng của họ để bảo người khác làm việc với ta, kết bạn với ta, theo dõi ta trên mạng xã hội, đến ăn nhà hàng của ta, dùng phần mềm của ta, hay giới thiệu sách của ta cho người khác không?

Hãy mặc kệ những người lúc nào cũng nói không và những người chỉ trích. Nếu ai đó nói rằng bạn quá già, quá ngốc, quá lùn… nên không thành công được đâu, thì hãy mặc kệ họ. Họ có thể đúng nhưng họ cũng có thể sai. Chỉ có một cách để xác định họ đúng hay sai là làm thử. Điều này áp dụng luôn cho cái tôi luôn nói không và hay chỉ trích trong chính bạn đó!