VĂN HÓA

Tất cả các bà mẹ và các cô con gái sẽ nhận ra nhau trong những trang sách này

Yến Nhân • 04-08-2022 • Lượt xem: 1804
Tất cả các bà mẹ và các cô con gái sẽ nhận ra nhau trong những trang sách này

Một cuốn sách vừa khơi gợi tâm trí tận hưởng hương vị ẩm thực Hàn Quốc đa sắc vừa khiến trái tim đau đáu về một câu chuyện gia đình cảm động.

“Từ khi mẹ qua đời, tôi thường bật khóc ở H Mart.” Michelle Zauner mở đầu cuốn hồi ký đầu tay của cô, cũng là bài viết nổi tiếng trên tờ The New Yorker, “Bật khóc ở H Mart”, bằng một lời tự sự chân thành buồn bã. Sau sự ra đi đầy đau đớn của người mẹ, Michelle thường đến H Mart – chuỗi siêu thị Hàn Quốc (và châu Á) lớn ở Mỹ – để giải tỏa và tìm lại bản thân, tìm lại bằng chứng về một nửa dòng máu Hàn Quốc trong mình. Cô giận dữ khi nhìn thấy một người phụ nữ Hàn có thể sống lâu hơn mẹ, chạnh lòng khi nhìn thấy hình ảnh những người thân trong cùng một gia đình chia sẻ những món ăn… Michelle cảm thấy hoảng sợ khi nhìn sự ra đi của mẹ đồng nghĩa với sự mất mát vĩnh viễn một nửa gốc gác Hàn của cô, nên xuyên suốt cuốn truyện là hành trình cô cố gắng từng chút, từng chút một đi tìm lại nguồn cội của bản thân.

Đúng như tên gọi, “Bật khóc ở H Mart” là một cuốn sách đẫm nước mắt. Nó xoáy sâu vào nỗi đau buồn thăm thẳm của người nghệ sĩ chứng kiến người mẹ kiệt quệ rồi mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng không chỉ có nước mắt, từng trang hồi ký của cô gái trẻ này thấm đẫm các cung bậc cảm xúc:là cái ấm áp của tình yêu đôi lứa cùng nắm tay nhau vượt qua biến cố, là những xung đột nghẹt thở trong mối quan hệ cha mẹ - con cái tuổi vị thành niên, là tình thân dịu dàng sâu lắng của đứa cháu gái mồ côi với người bác bất đồng ngôn ngữ mà mỗi lần đối thoại cùng nhau phải cầu viện Google Dịch... Cuốn sách là cuộc đời của riêng Michelle và mẹ cô nhưng có thể nói không ngoa là tất cả những cô con gái và những bà mẹ đều có thể nhận ra mình và nhận ra nhau trong câu chuyện cảm động này.

Trong những cuốn sách viết về văn hóa Hàn, “Bật khóc ở H Mart” nổi bật lên với cách viết gần gũi, chuyển tải những nét đặc trưng của nền văn hóa đầy sắc màu đến bạn đọc. Michelle Zauner không đi vào những điều lớn lao, cô cũng không diễn giải quá nhiều về những món ăn Hàn, cô chỉ đơn thuần viết ra những câu chuyện chân thực mà tràn đầy cảm xúc trong cuộc đời mình. Cô viết về mối quan hệ mẹ con phức tạp nhưng không quá đà mà chỉ như kể lại những mảnh ghép ký ức chất chứa hoài niệm. Với cuốn sách này, Michelle không chỉ kể với chúng ta câu chuyện của riêng cô, nó còn khiến ta nhìn lại bản thân, nhìn lại mối quan hệ của chúng ta với người mẹ thân thương đang đợi chúng ta về nhà.

Tác giả Michelle Zauner sinh năm 1989, là nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ guitar và nhà văn có cha là người Mỹ và mẹ là người Hàn. Cô sáng lập và là giọng ca chính của ban nhạc indie pop Japanese Breakfast. Các album Psychopomp (2016) và Soft Sounds from Another Planet (2017) của cô đã thu hút được sự chú ý của các hãng thu âm lớn trên thế giới.

Khi Zauner 25 tuổi, mẹ cô bị chẩn đoán mắc ung thư và cuốn hồi ký Bật khóc ở H Mart ghi lại chân thực quá trình suy giảm sức khỏe của người mẹ cùng hành trình tìm kiếm bản lai diện mục của chính cô. Thông qua ẩm thực, Zauner kết nối được nhiều hơn với người mẹ vốn độc lập và dữ dội của mình, và vì vậy, nơi khiến cô nhớ mẹ nhất là cửa hàng tạp hóa Hàn Quốc mang tên H Mart

Dịch giả Lê Hồng Phương Hạ sinh năm 1996 tại Biên Hòa – Đồng Nai.

Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Ngôn ngữ học Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

Đã dịch gần hai mươi đầu sách văn học, thiếu nhi, tâm lý - kỹ năng, kinh tế, khoa học: Phép màu của Chúa (Karen Kingsbury); Công ty tôi gìn giữ (hồi ký, Leonard A.Lauder); Cat Tales: True Stories of Fantastic Felines (văn học thiếu nhi, Penelope Rich); The last bookshop in London (Madeline Martin); Healing through Nutrition (Eliza Savage); Đường cong hạnh phúc (Jonathan Rauch); Đồng hành cùng con quản lý tài chính - Nuôi dạy trẻ làm chủ đồng tiền (Dave Ramsey, Rachel Cruze); Nghệ thuật thuyết phục khách hàng (Stephen J. Harvill); Phá vỡ lối mòn tư duy (Steven Schuster);…

Review của độc giả Việt Nam

“Đây là một cuốn sách dễ đọc, dễ tiếp cận và dễ chạm đến trái tim mọi người. Tuy nhiên cuốn sách viết về hành trình đi tìm nguồn cội, căn bệnh và sự ra đi của mẹ, văn hoá truyền thống và ẩm thực của Hàn Quốc qua một số góc nhìn của tác giả trẻ. Vì vậy đối tượng khách hàng phù hợp với cuốn sách này là những sinh viên trẻ, những người phụ nữ đã có con nhỏ, người bán hàng tìm hiểu về ẩm thực văn hoá Hàn Quốc, những người có người thân đang trong quá trình điều trị bệnh…"

(Phan Thị Hà Phương - SV khoa Văn - ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - Hà Nội).

"Đúng như tên gọi, “Bật khóc ở H Mart” là một cuốn sách đẫm nước mắt. Nó xoáy sâu vào nỗi đau buồn thăm thẳm của người nghệ sĩ chứng kiến người mẹ kiệt quệ rồi mất vì căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng không chỉ có nước mắt, từng trang hồi ký của cô thấm đẫm các cung bậc cảm xúc: là cái ấm áp của tình yêu đôi lứa cùng nắm tay nhau vượt qua biến cố, là những xung đột nghẹt thở trong mối quan hệ cha mẹ - con cái tuổi vị thành niên, là tình thân dịu dàng sâu lắng của đứa cháu gái, hay sự xót xa, ám ảnh về sự ra đi của người mẹ. Có thể nói các cô con gái và các bà mẹ khi đọc xong tác phẩm này đều có thể nhận ra mình và nhận ra nhau trong câu chuyện cảm động này.

Cuốn sách này phù hợp với đối tượng độc giả từ khoảng 16 đến 45 tuổi và đặc biệt là các độc giả đam mê và nghiên cứu về nền văn hóa ẩn thực của người Hàn Quốc. Không chỉ vậy cuốn sách còn thu hút một lượng lớn giới trẻ, và trung niên bởi tính nhân văn về tình mẫu tử cũng như khát khao được sống trọn vẹn đến hết cuộc đời bên gia đình và người thân. Ngoài ra còn do một phần nào đó tác phẩm dường như đi sâu khắc họa và thể hiện rõ nét tình mẫu tử, sự kìm cặp của phụ huynh hay trên con đường tìm lại bản thân… bất kể độc giả nào đều có thể thấy mình trong đó."

(Nông Thu Hương - SV Khoa Văn - ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - Hà Nội)

“Lâu lắm mới ngồi đọc hết một cuốn sách dày!

Vẫn còn xúc động, vẫn còn miên man, vẫn cả rối bời…Ai cũng rất nên đọc, đọc để thấy như chính chúng ta đang trải trong câu chuyện, để thấy gấp gáp đừng bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào….”

(Đặng Hoài kaka - Facebook)