VĂN HÓA

Tết cổ truyền của người Mông Cổ có gì đặc biệt?

Võ Hoàng Tuấn • 20-01-2023 • Lượt xem: 908
Tết cổ truyền của người Mông Cổ có gì đặc biệt?

Tết cổ truyền của người Mông Cổ hay còn gọi là Tsagaan Sar (Trăng trắng). Đây là một lễ hội Quốc gia lớn đã có từ thời của Thành Cát Tư Hãn. Sở dĩ có tên là Tsagaan Sar vì ngày Tết này có sự liên quan mật thiết đến chu kỳ của Mặt Trăng.

Vào thời của Thành Cát Tư Hãn, Tết cổ truyền còn được gọi là “Lễ hội sữa” và thường được tổ chức vào mùa đông. Người dân sẽ đón Tết bằng cách mặc toàn đồ trắng, chế biến và ăn những thực phẩm màu trắng, di chuyển bằng ngựa trắng và tặng cho nhau những món quà trắng. Sau đó, “Lễ hội sữa” được gọi với tên khác là “Lễ hội của người chăn nuôi” vì thường được những người chăn nuôi gia súc tổ chức.

Đến năm 1988, ngày lễ quan trọng này mới chính thức được mọi người tổ chức và ăn mừng trên toàn quốc. Người Mông Cổ ăn mừng Tết cổ truyền rất lớn với hy vọng sẽ có một năm mới may mắn, sung túc và xua tan đi mọi điều không may của năm trước. Năm nay, người dân Mông Cổ sẽ đón Tết cổ truyền vào ngày 21/2.

Cách người Mông Cổ chuẩn bị đón Tết

Tsagaan Sar là dịp lễ lớn nhất trong năm nên người dân Mông Cổ chuẩn bị mọi thứ và lên kế hoạch đón Tết từ rất sớm. Nhà nhà đều dọn dẹp sạch sẽ, trang trí đồ mới, vứt bỏ những món đồ lâu năm đã không còn sử dụng đến. Người dân Mông Cổ tin rằng năm mới thì mọi thứ trong nhà phải mới, phải thật sạch sẽ, tươm tất thì gia đình mới có được nhiều may mắn.

Bên cạnh việc dọn dẹp nhà cửa, những người phụ nữ còn tự tay may cho từng thành viên trong gia đình bộ trang phục truyền thống được gọi là Deel. Ngoài ra, họ còn nấu hai loại bánh đặc trưng mà người Mông Cổ hay ăn vào dịp Tết là buuz và bansh để tiếp đãi bạn bè và người thân.

Bộ trang phục truyền thống của người Mông Cổ

Người dân Mông Cổ sẽ đón chào năm mới với một tinh thần lạc quan, sự vui vẻ, yêu đời. Đặc biệt, người Mông Cổ quan niệm là không được có những hành động và suy nghĩ đen tối muốn hãm hại người khác, phải thanh toán hết các khoản nợ trước khi năm mới và không được gây lộn, cãi vã trong những ngày đầu năm nếu không sẽ gặp rất nhiều xui xẻo và rắc rối trong năm mới.

Người Mông Cổ ăn mừng Tết cổ truyền thế nào?

Tối đêm giao thừa

Người dân Mông Cổ luôn chuẩn bị rất nhiều đồ ăn cho đêm giao thừa. Bữa tiệc vào cuối năm sẽ gồm có thịt cừu, các loại bánh truyền thống, kẹo, sữa ngựa lên men… Theo người Mông Cổ, năm mới sẽ tràn đầy may mắn nếu như trên bàn tiệc có đầy đủ các món ăn và thức uống.

Vào tối đêm giao thừa, mọi thành viên trong gia đình sẽ mặc quần áo mới, tập trung quanh bàn và cố gắng ăn thật nhiều món. Những người bạn bè hàng xóm cũng có thể đến chung vui. Họ sẽ kể cho nhau những câu chuyện dân gian, thần thoại và cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống.

Bữa tiệc đêm giao thừa với rất nhiều đồ ăn, thức uống

Ngày đầu tiên của năm mới

Người Mông Cổ có một phong tục đónnăm mới rất thú vị và đầy ý nghĩa. Đó là vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ phải thức dậy sớm, trước khi Mặt Trời mọc để mặc bộ quần áo đẹp và mới nhất đi về hướng quy định theo hoàng đạo. Phong tục này có ý nghĩa sẽ mang lại những điều tốt lành, may mắn và luôn chỉ dẫn mọi người đi đúng hướng, không bao giờ lạc lối trên con đường mình đã chọn.

Tiếp đến, người đàn ông trụ cột trong gia đình sẽ thể hiện bản lĩnh của mình bằng việc leo lên ngọn đồi hoặc núi gần nhà đế đón bình minh đầu tiên trong năm. Người phụ nữ sẽ lo chuyện bếp núc, cúng thổ công rồi chuẩn bị đồ ăn cho gia đình. Sau đó mọi người sẽ quây quần bên nhau cùng ăn bánh bao và đón chào năm mới.

Lễ Tết cổ truyền ở Mông Cổ sẽ kéo dài 3 ngày. Vào những ngày này, mọi người sẽ ăn chơi, đến thăm ông bà, cha mẹ hoặc đến chùa, thiền viện để tụng kinh và cầu bình an cho gia đình. Tsagaan Sar cũng là dịp để người dân Mông Cổ thêm gắn kết về văn hóa và tinh thần. Nếu có cơ hội, du khách hãy thử một lần đến Mông Cổ vào dịp Tết cổ truyền để có thể trải nghiệm những điều thú vị và độc đáo cũng như tìm hiểu thêm về những nét văn hóa và ẩm thực ở nơi đây.