Duyên Dáng Việt Nam

Tham quan miễn phí lăng mộ 5.000 tuổi 

Kim Ngân • 16-04-2020 • Lượt xem: 1199
Tham quan miễn phí lăng mộ 5.000 tuổi 

Hội đồng Du lịch Ai Cập vừa mở tour du lịch ảo cho du khách khắp thế giới tham quan miễn phí lăng mộ 5.000 năm của Nữ hoàng Meresankh III tại Giza. Đây là động thái quảng bá du lịch của Ai Cập trong bối cảnh các nước đang hạn chế đi lại, phong tỏa vì Covid-19. 

Tin, bài liên quan:

Ngồi ở nhà vẫn khám phá được hang động lớn nhất thế giới

Khám phá 2 ngôi mộ cổ chứa hàng nghìn miếng vàng lá

Hơn 30 xác ướp trong mộ cổ 2.000 năm

Lăng mộ hoàng gia này là một trong 4 địa điểm du lịch thực tế ảo với những hình ảnh 3D chân thật, đem đến cho người xem cái nhìn thú vị về Ai Cập thời cổ đại. 

Lối vào lăng mộ của Nữ hoàng Meresankh III, phía trước Kim tự tháp Kheops ở Giza, Ai Cập

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, để vào tham quan lăng mộ Nữ hoàng Meresankh III, du khách phải trả 50 bảng Ai Cập (khoảng 2,5 bảng Anh, tương đương 75 ngàn đồng). Còn hiện tại, người xem được miễn phí tại nhà và cũng không phải chen lấn với các đoàn du khách khác để khám phá khu lăng mộ này.

Tầng trên, lối vào lăng mộ (ảnh chụp màn hình tour du lịch ảo)

Những hình ảnh 3D của lăng mộ được thực hiện bởi Dự án Giza của Đại học Harvard. Với thông tin chi tiết và hình ảnh 3D, chuyến du lịch “ảo” mang đến cảm giác chân thật về một trong những ngôi mộ đẹp nhất thời cổ đại, chỉ với những cái nhấp chuột. Nếu muốn có cảm giác chân thật hơn nữa, người xem chỉ cần mở… lò sưởi lên là sẽ như đang ở sa mạc. Nếu đang ở TP.HCM thì bạn chỉ cần không mở quạt hay máy lạnh là đủ.

Tượng nữ hoàng Meresankh III (phải) và mẹ

Ngôi mộ Nữ hoàng Meresankh III được chuyên gia khảo cổ George Andrew Reisner của ĐH Harvard khai quật vào năm 1927. Meresankh III là con gái của của thái tử Kawab và vương hậu Hetepheres II, cháu gái của Pharaon Kheops (hay Khufu), người xây dựng Kim tự tháp Kheops vĩ đại. 

Các bức tranh, phù điêu chạm khắc trên tường lăng mộ khiến giới khoa học ngạc nhiên

Các nhà khảo cổ học người Mỹ đã rất ngạc nhiên bởi chất lượng của các bức tranh chạm khắc trên tường trong lăng mộ. Ông từng chia sẻ trong Bản tin của Bảo tàng Mỹ thuật rằng chưa từng thấy bất cứ điều gì giống như vậy.

Tour bắt đầu ở lối vào của ngôi mộ, người xem có thể nhấp vào tab khác nhau để tìm hiểu từng khu vực trong ngôi mộ như tượng đài tang lễ, các bức tượng được khắc vào tường và tranh tường mô tả Nữ hoàng Meresankh III cùng cha mẹ và hàng trăm người hầu mang các lễ vật cho hoàng gia.

Những bức phù điêu tinh xảo thể hiện cuộc sống của bà cách đây 5 thiên niên kỷ. Qua đó, hoàng gia Ai Cập cổ đại gửi gắm mong muốn duy trì linh hồn của Meresankh ở thế giới bên kia.
Nữ hoàng Meresankh III mặc một chiếc áo choàng trắng, nắm tay mẹ bà ở lối vào phía tây. Người Ai Cập cổ đại lý giải khung cảnh mặt trời ở phía tây là cửa ngõ của người chết - và bên dưới một nhóm thợ đang làm những chiếc bánh hình tam giác. Chính giữa là những bậc thang gỗ dẫn vào ngôi mộ cổ.

Quan tài chôn cất nữ hoàng Meresankh III (ảnh chụp màn hình tour du lịch ảo)

Người xem có thể khám phá gian phòng đặt quan tài bằng đá granit đen của Meresankh ở độ sâu 5m. Quan tài này là món quà của vương hậu Hetepheres II dành cho con gái khi Meresankh lìa đời đột ngột trước bà. Thậm chí, tour du lịch ảo còn cho phép du khách xoay mô hình 3D của ngôi mộ để quan sát chi tiết.
Ngoài lăng mộ Nữ hoàng Meresankh III, Hội đồng Du lịch Ai Cập còn mở 3 tour du lịch “ảo” tại các địa điểm như Tu viện Đỏ Coplic ở Thượng Ai Cập, giáo đường Do Thái Ben Erza và Nhà thờ Hồi giáo Madrassa của Sultan Hassan.

Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều tổ chức đã thực hiện tour du lịch ảo để du khách ngồi ở nhà vẫn có thể khám phá các kỳ quan. Trước đó, National Geographic cũng thực hiện tour du lịch thực tế ảo với một số kỳ quan thế giới trong đó có Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình). Duyên Dáng Việt Nam cũng đã thực hiện Triển lãm mỹ thuật công nghệ thực tế ảo 360 chủ đề “Lời thiên thu gọi” của họa sĩ Lê Sa Long với 32 bức tranh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Triển lãm kéo dài đến ngày 30/4/2020.

(Theo Guardian)